Phân tích bài thơ “Nói với con” của Y Phương

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Y Phương vốn là một người con của dân tộc Tày. Ông được sinh ra và lớn lên ở núi rừng. Thế nên những trang viết của Y Phương đã thể hiện chân thật tình cảm trong sáng mạnh mẽ, cách tư duy giàu hình ảnh của đồng bảo miền núi. Bài thơ Nói với con có thể được xem là tác phẩm nổi bật và tiêu biểu cho phong cách viết của ông.

    • Thân bài:
    Mượn lời của người cha nói con về tình cảm gia đình ấm cúng, về truyền thống lao động cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình, Y Phương kín đáo gửi gắm vào bài học sâu sắc về lòng biết ơn đối với cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người Việt Nam đồng thời bộc lộ niềm tự hào về nét đẹp của dân tộc về quê hương mình.

    Bài thơ có bố cục chặt chẽ, cách dẫn dắt rất tự nhiên. Có thể hình dung bài thơ có cấu trúc hai phần. Mười một dòng thơ đầu thể hiện tình cảm gia đình, quê hương đầm ấm, yên vui. Phần còn lại tác giả đề cập đến sức sống mạnh mẽ của người dân quên hương mình. Tất cả đã được tác giả lồng khéo léo trong lời người cha nói với con.

    Ở bốn dòng thơ đầu, bằng cách hình ảnh thật cụ thể, Y Phương đã tạo được không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt đầy áp tiếng nói, tiếng cười:

    “Chân phải bước tới cha
    Chân trái bước tới mẹ
    Một chân chạm tiếng nói
    Hai bước tới tiếng cười”.

    Qua việc vận dụng điệp cấu trúc câu, sự sóng đôi trong hình ảnh, ngôn ngữ không cầu kỳ trau chuốt, thi sĩ gợi ta liên tưởng đến những bước đi của đứa con. Từng bước đi chập chững trong tiếng nói tiếng cười. Tiếng nói bi bộ của con trẻ như có cả tiếng nói, tiếng cười, sự ngập tràn hạnh phúc của cha mẹ… Con lớn lên từng ngày, từng ngày trong tình yêu thương, trong sự nâng đỡ và mong chờ của đáng sinh thành.

    Hơn thế nữa, con còn được sinh ra, lớn lên trong tình yêu thương, trong vẻ đẹp của “người đồng mình”:

    “Người đồng mình yêu lắm con ơi
    Đan lờ cài lan hoa
    Vách nhà ken câu hát
    Rừng cho hoa
    Con đường cho những tấm lòng
    Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
    Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.

    “Người đồng mình” ở đây chỉ những người cùng huyết thống, cùng bản làng. Đó là những người cùng sinh ra lớn lên trên mảnh đất thiêng liêng ấy. Những người cùng cội nguồn quê hương xứ sở. Hô ngữ “con ơi” làm cho lời thơ thêm da diết, lắng sâu… Đó là lời nhắn nhủ đầy yêu thương và trách nhiệm. Trong ước vọng ấy chứa đựng biết bao hoài vọng, biết bao mong muốn mà người cha muốn người con ghi nhớ.

    Con được dưỡng nuôi trong cuộc sống lao động hiền hòa. Con lớn lên trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình của quê hương. Con trưởng thành trong sự che chở của núi rừng và người thân yêu. Tất cả là cội nguồn sinh dưỡng của mọi con người đã sinh thành và lớn lên ở nơi đây. Bởi thế từ “con” ở đây vừa là đứa con thơ dại, vừa là đứa con của quê hương. Là tất cả những người đã từng uống nước dòng suối dưới khe, ăn hạt gạo trên nương cao, nghe tiếng chim hót giữa đại ngàn.

    Cuộc sống lao động cần cù và tươi vui của dân tộc miền núi, của “người đồng mình” được nhà thơ gợi lên qua các hình ảnh tươi đẹp. Cuộc sống ấy vừa được khác họa cụ thể, vừa mang tính khái quát cao mà vẫn giàu chất thơ bay bổng:

    “Đan lờ cài nan hoa
    vách nhà ken câu hát”.

    Các động từ “cài”, ken” vừa miêu tả cụ thể, vừa khiến ta lien tưởng đến sự gắn bó, quấn quýt. Người đồng mình không những cần cù, nhẫn nại dựng xây cuộc sống tốt đẹp, ấm no. Họ còn biết làm đẹp cho cuộc sống mình. Nét đẹp ấy thể hiện ngay trong những công việc bình thường nhất.

    Không những con lớn lên giữa sự nâng đỡ và tình yêu thương của cha mẹ. Con còn lớn lên giữa cộng đồng thân ái và hiền hậu. Những con người giản dị, chất phác luôn sẵn lòng sẻ chia những gì mình có cho các thế hệ. Họ không giữ riêng mình. Họ sống vì cộng đồng, vì sự tồn sinh của “người đồng mình”.

    Con còn lớn lên và được bao bộc bởi thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình. Thiên nhiên là người mẹ vĩ đại. Thiên nhiên đã chở che, chia sẻ, gắn bó và nuôi dưỡng con người cả về thể chất lẫn tâm hồn.

    Cùng với việc lặp lại từ “cho” phải chăng Y Phương muốn nói đến những gì là thanh cao, tốt đẹp mà cuộc sống nơi đây đã giành cho con người. Hai câu cuối hẳn không khỏi gợi cho ta suy nghĩ về sự gắn kết thiêng liêng trong cuộc đời này:

    “Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
    Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.

    Đó là ngày cha mẹ đến với nhau. Đó là ngày hạnh phúc nhất trên đời. Hạnh phúc ấy được vun đắp bởi cộng đồng, bởi núi rừng, bởi quá khứ xa xôi mà hiện hữu trong truyền thống tố đẹp của “người đồng mình”. Tình cảm của “người đồng mình” dành cho cha mẹ hay đó cũng chính là dành cho con sau này. Người cha muốn con thấy được vẻ nên thơ của “người đồng mình” để mà yêu mà quý.

    Âm điệu thơ và kết cấu dòng thơ dài ngắn khác nhau đã góp phần bộc lộ tự nhiên dòng cảm xúc. Nó gần gũi như lời nói, lời dặn dò nhẹ nhàng mà chắc chắn. Người cha nhắc nhở con về sức sống mạnh mẽ, một đức tính đẹp, của người dân quê hương mình:

    “Người đồng mình thương lắm con ơi
    Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn”.

    Cụm từ “Người đồng mình” ở đây để chỉ những người dân tộc. Đó là những con người cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ấy. Những người cùng cội nguồn quê hương. Cách gọi trìu mến của nhà thơ đã làm cho lời thơ thêm da diết, lắng sâu.

    Giữa những thung lũng rộng lớn của núi rừng miền Tây Bắc, dân tộc của cha dường như chỉ sống trong sự cheo leo, cao ngút của và sự bát ngát, mênh mông của rừng. Nỗi buồn trong cuộc sống cao vời vời như ngọn núi. Người cha đã nhận thấy ánh sáng chứa chan hi vọng và khát khao tỏa ra từ những khối óc, con tim của “người đồng mình”. Họ luôn khát khao vươn cao, vươn xa hơn nữa. Chí lớn ấy chưa bao giờ nguội tắt và vẫn cháy qua nhiều thế hệ.

    Lấy cái “cao”, “xa” của trời đất làm chiều cao, kích thước của nỗi buồn và chí hướng, người cha đã nói với con về nét đẹp của người dân quê hương mình. Đó là những người có ý chí và niềm tin mạnh mẽ “xa nuôi chí lớn”. Cách sắp xếp đối ngữ đã góp phần làm nổi bật nghĩ lực và vượt khó tới con người dân tộc.

    Từ việc đề cập đến những đức tính đẹp của “người đồng mình”, người cha gửi vào một lời khuyên nhủ thật chân thành và thiết tha:

    “Dẫu làm sao vẫn muốn
    sống trên đá không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung lũng không chê thung lung nghèo đói
    sống như sông như suối
    Lên thác xuống ghềnh
    Không lò cực nhọc”.

    Những hình ảnh “đá”, “thung”, “sông”, “suối” được gửi gắn qua điệp ngữ “sống”. Lời thơ như có ý nghĩa thúc giục, nhắc ở con về những giá trị của cuộc đời. Sống phải biết trân trọng nơi mình sinh thành. Sống phải chung thủy, không quay lưng với quê hương dân tộc, biết chấp nhận ngoại cảnh. Sống tự nhiên và chân thật như sông, như suối. Sống không lo cực nhọc, không chê dói nghèo, không than vãn, kêu ca.

    Phải chẳng trong những lời gửi gắm, khuyên bảo của cha, một tình cảm yêu thương, lo lắng đang tỏa sáng, đang ngân lên đầy tuyệt diệu? Qua việc ca ngợi những đức tính cao đẹp của “người đồng mình”, nhà thơ dặn dò con cần kế tục, phát huy một cách xứng đáng truyền thống của quê hương. Hai ý nghĩa này không tách rời nhau nên lời dặn dò càng trở nên thấm thía.

    Vẫn lời tâm sự ấy, người cha lại tiếp tục căn dặn con:

    “Người đồng mình thô sơ da thịt
    Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
    Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục
    Con ơi tuy thô sơ da thịt
    Lên đường
    Không nhỏ bé được
    Nghe con.”

    Hình ảnh “thô sơ da thịt” gợi chúng ta liên tưởng đến cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nó giúp ta nghĩ đến tâm hồn bình dị, trong trẻo “thô sơ” của người miền cao. Cuộc sống gian khó, chất chứa nhiều khổ đau. Thế nhưng họ luôn ngẩn cao đầu, luôn tự hào về bản làng của mình: “Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”

    Ở đây, ta lại bắt gặp lối nói độc đáo của dân tộc miền núi: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”. Có thể thấy ở câu thơ này có hai lớp ý nghĩa. Về nghĩa thực, do địa hình chênh vênh, người miền núi thường đục đá để dựng xây nhà cửa. Họ còn lấy đá để trang trí những căn nhà, những mảnh vườn thêm đẹp đẽ. Nghĩa ẩn dụ, người cha tự hào về ý chí vượt khó của người đồng mình. Họ mạnh mẽ chinh phục thiên nhiên để sinh tồn và dựng xây cuộc sống tốt đẹp. Họ tự hào vì đã làm được những việc phi thường.

    Kết thúc bài thơ, người cha nhắc lại lời dặn dò một lần nữa như để khắc sâu trong trí nhớ người con:

    Con ơi tuy thô sơ da thịt
    Lên đường
    Không nhỏ bé được
    Nghe con.”

    Lần thứ nhất, khi người cha nói đến “người đồng mình” để nói cho con về sức sống mạnh mẽ, sức mạnh truyền thống của quê hương. Lần thứ hai, người cha như nhắc lại để con khắc cốt ghi tâm những phẩm chất của quê hương. Quê hương mình tuy mộc mạc, chân chất nhưng mạnh mẽ. Người đồng mình tuy thô sơ da thịt nhưng sống cao đẹp. Cho nên trên đường đời con không được cúi đầu mặc cảm tự ti. Hãy sống dũng cảm và biết tự hào truyền thống quê của hương, của dân tộc. Hãy sống xứng đáng với những giá trị cao đẹp của “người đồng mình”.

    Có thể nói người cha đã truyền cho con vẻ đẹp, sức mạnh của truyền thống quê hương. Mộc mạc, giản dị và trong sáng, những lời hứa của cha chắc chắn mãi mãi được con cất giữ trong tim mình. Toát lên trên tất cả là ánh sáng dịu hiền, nhân hậu của tình phụ tử được bộc lộ qua sự quan tâm. Chăm sóc của người cha đối với con cái.

    Theo lời tâm sự của nhà thơ khi sáng tác bài thơ “Nói với con” (Những năm 80 của thế kỷ XXX), thế hệ của ông vừa thoát khỏi chiến tranh. Đất nước thống nhất, nền kinh tế ở ta như một người trong bệnh mới ốm dậy. Trong bối cảnh khốn khổ đó, kẻ xấu người tốt được bộc lộ rõ ràng. Bối cảnh xã hội tác động rất mạnh đến đời sống con người, nhất là đối với dân tộc miền núi.

    Cái nghèo khó hiện hình trên từng con phố, từng bản làng. Nó len lỏi vào từng nhà và từng con người cụ thể. Bản thân ông nghĩ chỉ có thể tựa vào văn hóa truyền thống mới đứng vững được trong lúc này. Vì thế tác giả viết bài thơ nhằm tôn vinh dân tộc Tày của ông. Dưới hình thức tâm sự của người cha với con ta nhận ra tình yêu con lớn dần lên tình yêu dân tộc. Tâm trạng của thi sĩ lúc này lớn dần lên trong tình yêu dân tộc, tâm trạng của thi sĩ lúc này thật nhiều nỗi niềm thiêng liêng da diết và nó thổn thức trong ông thành những ý thơ.

    Chính việc mượn hình thức người cha tâm tình, dặn dò đối với con, Y Phương đã đến cho bài thơ giọng điệu thiết tha, trìu mến, ấm áp và tin cậy. Giọng điệu ấy thể hiện rõ nhất ở việc điệp lại các lời gọi mang ngữ điệu cảm thán: “Người đồng mình yêu lắm con ơi”, ở các lời tâm tình dặn dò: “Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn”, “ chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con” con ơi… Nghe con”…

    Y Phương cũng đã rất thành công khi vận dụng ngôn ngữ giản dị trong sáng, hình ảnh mộc mạc, cô đọng mà vẫn phong phú, sinh động của người miền núi. Quả đúng là một thứ ngôn ngữ thổ cẩm đơn giản mà đầy sức quyến rũ. Bài thơ có sức truyền cảm nó biểu hiện những tình cảm vừa gần gũi vừa thiêng liêng, đẹp đẽ. Tình têu thương con hòa quyện trong tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước.…

    Nhịp điệu lúc bay bổng, nhẹ nhàng, lúc khúc chiếc rành rọt. Lúc mạnh mẽ, sắc nhọn và tạo ra sự cộng hưởng hài hòa với những ucng bậc tình cảm trong lời cha truyền thấm sáng con. Cách xây dựng hình ảnh cụ thể có tính khái quát mộc mạc mà vẫn dẫu chất thơ. Phải là người con của núi rừng, được sinh ra và lớn lên; được sống trong vòng tay yêu thương của “người đồng mình” và nặng lòng với xứ sở quê hương thì Y Phương mới có thể tạo nên những vầng thơ da diết và lắng sâu đến như thế.

    Qua việc vận dụng thể thơ tự do, số câu chữ không hạn định phù hợp với cảm xúc tự nhiên của bài thơ. Âm điệu thơ trữ tình dìu dặt, linh hoạt. Ngôn ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm mang đâm chất dân tộc. Tác giả đã mượn lời cha nói với con để từ đó kín đáo gửi gấm bài học sâu sắc về lòng biết ơn đối với cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người Việt Nam. Đồng thời bộc lộ niềm tự hào về những nét đẹp của dân tộc và quê hương mình một cách kín đáo, sâu sắc.

    Liên hệ:

    * Liên hệ về chủ đề tình cảm gia đình:

    Gia đình là nơi mỗi con người sinh ra, lớn lên và gắn bó bền chặt, lâu dài. Không có gì đáng quý hơn gia đình. Tình cảm ấy, rất tự nhiên, tồn tại vĩnh hằng trong trái tim mỗi con người. Như một tình cảm tự nhiên, thể hiện bổn phận và trách nhiệm của mình đối với con, các bậc cha mẹ luôn muốn gửi gắm những ước mơ, khát vọng của mình vào bước đường con sẽ đi. Những lời nói hồn nhiên của con trong bài thơ “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông, đã đánh thức miền kí ức xa xăm vốn từ lâu đã ngủ yên trong tâm hồn người cha:

    “Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
    Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
    Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
    Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.”

    Cả Y Phương hay Hoàng Trung Thông, có lẽ, họ đã gặp lại chính mình, và mong muốn được gặp lại, ở nơi con, khi con trưởng thành.

    Gia đình là nơi mỗi con người trở về sau những vất vả lo toan, bộn bề của cuộc sống. Càng cách xa gia đình, lòng người càng ước mong, càng yêu nhớ. Bởi thế mà, ông Sáu (Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng) đã không thể kiên nhẫn chờ suồng cập bến, vội nhảy lên bờ khi thấy bé Thu, con gái ông, đang ngồi chơi ở trước sân. Sau bảy năm xa cách, có lẽ, tình yêu thương con, nỗi nhớ nhà trong ông chất chứa đến vô bờ mà chỉ chính ông mới hiểu nổi.

    * Liên hệ về chủ đề tình cảm quê hương:

    Tình yêu gia đình, niềm tự hào về quê hương xứ sở từ xưa đến nay trở thành đề tài xuyên suốt của văn học. Từ nơi xa tổ quốc, Bằng việt cũng đã có những dòng thơ cảm động khi nhớ về bếp lửa quê nhà thân thuộc và người bà hiền hậu xiết bao mến yêu:

    “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
    Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
    Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”

    Người ta có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thẻ tách quê hương ra khỏi con người. Dù ở phương xa, “có ngọn khói trăm tàu, có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” nhưng người cháu “vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở/- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…”.

    Quê hương với biết bao kỉ niệm ấu thơ trở thành miền kí ức không thể nào quên đối với mỗi con người. Thật dúng như nhà thơ Đỗ trung Quân đã từng viết:

    “Quê hương mỗi người chỉ một
    Như là chỉ một mẹ thôi
    Quê hương nếu ai không nhớ…”

    (Bài học đầu cho con – Đỗ Trung Quân)

    Cũng chính vì thế mà khi xa cái làng chợ Dầu, nhan vật ông Hai trong truyện Làng của Kim Lân cứ mãi boăn khoăn, tiếc nuối. Ông tản cư và mang theo cái quê hương bé nhỏ nhưng quý báu của mình. Và một khi nó bị sỉ nhục, bị vu oan, ông đau khổ đến quằn quại, đứt gan đứt ruột. Quê hương là gì mà khiến ông Hai dành cho nó một tình cảm còn lớn hơn cả sinh mệnh của mình? Thật đơn giản, đó là sự gắn kết máu thịt, là niềm tự hào, mến yêu và cả tôn thờ nữa mà con người dành tặng cho mảnh đất mình đã sinh ra, lớn lên, gắn bó.
    • Kết bài:
    Có thể nói Y Phương đã thấu hiểu và lột tả được cái hồn trong bản sắc truyền thống của người dân tộc miền núi. Tình cảm cha con thắm thiết hòa quyện trong tình yêu quê hương, đất nước tạo nên sức thuyết phục của tác phẩm này. Lời cha nói con hay cũng chính là lời trao gửi giữa các thế hệ.