Đề bài : Phân tích bài thơ “Qua đèo ngang” của Bà Huyện Thanh Quan. Bài làm: Bà Huyện Thanh Quan ( 1805- 1848) là một nhà thơ nữ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thời kỳ trung đại. Bà là một trong những nhà thơ nữ đã mang đến cho văn chương nước nhà một nền thơ mới đầy độc đáo, mang đậm dấu ấn của những nhà thơ, nhà văn nữ. Và một trong những tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ phong cách của bà, đó là bài thơ “ Qua đèo ngang”. “ Qua đèo ngang” được sáng tác trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Đó là khi tác giả vào Phú Xuân- Huế nhận chức, trên đường đi ngang qua đèo. Cảm hứng viết nên bài thơ chính là nỗi nhớ nhà, nỗi buồn man mác của người con gái khi phải xa người thân, xa quê hương. Nhưng cùng với đó cũng là để ca ngợi bức tranh thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ nhưng không kém phần tươi đẹp. Tác giả cảm nhận điều này khi dừng chân nghỉ ngơi, trước khi tiếp tục một cuộc hành trình ở phía trước. Mở đầu bài thơ, Bà Huyện Thanh Quan đã mở ra khung cảnh thiên nhiên thơ mộng: “ Bước tới đèo ngang bóng xế tà Cỏ cây chen lá đá chen hoa…” Khung cảnh được tác giả miêu tả ở đây chính là khung cảnh của buổi chiều tà. Đó là khi ánh sáng đã dần tắt để nhường chỗ cho màn đêm bao phủ. Câu thơ xuất hiện cụm từ “ bóng xế tà” cùng với điệp từ “chen”, và cách gieo vần “ lá, đá”…tạo cảm giác cô đơn, tĩnh mịch. Có lẽ do đây là thời điểm tác giả dừng chân nghỉ ngơi, nhưng lại đúng vào buổi chiều tà, nên tác giả cảm thấy cô đơn, buồn man mác. Vì buổi chiều tà thường có khung cảnh mờ ảo, nên thường là khoảng khắc gợi người ta nhớ đến những tình cảm trong tâm trí dành cho những điều thân thuộc nhất. Dù vậy, ở khung cảnh đó vẫn xuất hiện những sự vật trong tự nhiên như “cỏ cây, lá hoa” đua nhau hội tụ. Khiến người đọc liên tưởng tới một cảnh vật dù êm đềm, nhưng cũng có sự phát triển tươi tốt, hội tụ của những lá, những hoa, giúp cho con người khi chứng kiến cũng cảm thấy bớt cô đơn, trống trải. Và khi nghỉ ngơi, tác giả đã hướng tầm mắt đến phía xa dưới chân đèo: “ Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.” Dưới chân núi là những người tiều phu đang vội vả trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Họ trở về với gia đình, người thân của mình. Rồi khi hướng tầm mắt đi xa hơn, nhà thơ đón nhận hình ảnh những ngôi nhà thấp thoáng, lác đác. Có lẽ ở nơi đó có những gia đình, có tình thân sum vầy của những người dân lao động sau ngày dài làm việc mệt nhọc. Cảnh tượng đó trái ngược hoàn toàn với hoàn cảnh của tác giả lúc này, khi chỉ có một mình tại nơi đất khách quê người, vì vậy nỗi nhớ khắc khoải lại dâng lên trong lòng bà: “ Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.” Khi nhìn thấy khung cảnh thiên nhiên đượm buồn, rồi hình ảnh cuộc sống thường nhật ấm áp của những gia đình dưới núi, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương sâu sắc đã dâng lên nỗi xúc động trong lòng Bà Huyện Thanh Quan. Chỉ bằng hai câu thơ nhưng cũng để khiển người đọc cảm nhận được tâm trạng của tác giả. Qua những từ ghép như đau lòng, mỏi miệng, rồi nghệ thuật ẩn dụ ở nỗi nhớ của con chim cuốc, cái gia gia, phải chăng chính là để nói lên tâm sự từ tận đáy lòng của tác giả? Quốc và gia có lẽ chính là đất nước và gia đình của tác giả đó sao? Dù đau đớn như vậy, nhưng tác giả cũng không thể lãng quên thực tại. Bà đang đứng giữa trời đất, giữa thiên nhiên non nước bao la, nên cảm thấy mình thật đơn độc, trống vắng: “ Dừng chân đứng lại trời non nước Một mảnh tình riêng ta với ta.” Nhưng có lẽ trong khoảnh khắc đó, tâm hồn nhạy cảm của người nữ sĩ vẫn không khỏi cảm thán, cảm nhận được vẻ đẹp của non sông quê hương. Nơi đây có vẻ hoang sơ, nhưng lại vô cùng hùng vĩ, bát ngát. Và trong hoàn cảnh đó, những suy tư, phiền muộn của Bà Huyện Thanh Quan đành cất giữ riêng cho mình “ ta với ta”. Qua những gì chúng ta đã phân tích trên đây, có thể thấy “ Qua đèo ngang” thật sự là một bức tranh đẹp đẽ, nên thơ của núi rừng hùng vĩ, sự ấm áp của những người con núi rừng hàng ngày đi đốn củi rồi trở về đoàn tụ với gia đình của mình. Và nỗi nhớ da diết, tình yêu quê hương đất nước lớn lao của người phụ nữ đơn độc giữa nơi đất khách quê người, đã khiến cho người đọc cảm nhận được tình cảm, tư tưởng tuyệt vời của người nữ sĩ dành cho quê hương.