Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài: Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

    Bài làm:

    Có những năm tháng đi vào lịch sử, trở thành kí ức không bao giờ quên của biết bao thế hệ. Đó chính là những ngày chiến đấu gian khổ trong công cuộc giành lại hòa bình cho dân tộc, đó là hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Để lưu giữ những khoảnh khắc đó cho không chỉ thế hệ đã qua mà còn cho cả thế hệ ngày nay, mai sau thì biết bao nhà văn, nhà thơ đã sáng tác nên những tác phẩm tái hiện lại những năm tháng ấy. Bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng chính là một trong những tác phẩm đó.
    Nhà thơ Quang Dũng là một thanh niên trí thức Hà Nội, tài hoa và lãng mạn. Ông mang trong mình một niềm yêu nước thiết tha, mãnh liệt và hăng hái tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến (1947-1948), Quang Dũng tham gia vào đoàn quân Tây Tiến và trở thành đại đội trưởng. Tây Tiến là tên một binh đoàn có nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt – Lào, làm tiêu hao sinh lực địch. Tại nơi rừng thiêng, nước độc họ phải chịu biết bao gian khổ, đối mặt với biết bao hiểm nguy. Tuy nhiên những người lính với phần đông là những chàng trai Hà Thành vẫn thản nhiên đối mặt, vất vả, cực nhọc nhưng không làm mất đi chất anh hùng, hào hoa lãng mạn trong con người họ.
    Bài thơ trước kia đã từng mang tên Nhớ Tây Tiến để nói lên cảm hứng về Tây Tiến bắt nguồn từ nỗi nhớ, kỷ niệm về một quãng thời gian chiến đấu, về một miền đất với những người đồng đội, với những người dân bản xứ. Tên gọi ấy nhiều hơn chữ “nhớ” nhưng lại khái quát chung tâm trạng, tình cảm của tác giả khi viết lên tác phẩm này. Kỷ niệm gợi nhớ đầu tiên về Tây Tiến chính là hình ảnh:

    “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
    Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
    Mặc dù nhan đề lược bỏ đi từ “nhớ” nhưng ở ngay hai câu thơ đầu tiên chúng ta đã bắt gặp từ “nhớ” đến hai lần. Một nỗi nhớ không được miêu tả cụ thể nhiều ít mà “nhớ chơi vơi”. Từ “chơi vơi” được Quang Dũng sử dụng rất hay, rất đắt bởi có thể khái quát nên một nỗi nhớ không định hình, không định lượng. Nó vừa mang đến cho chúng ta cảm giác nhẹ tênh nhưng đồng thời cũng làm cho con người ta cảm thấy nặng trĩu trong lòng, sự băn khoăn tự nhủ bởi vì không cân đo, đong đếm được. Với Quang Dũng thì đây là nỗi nhớ ám ảnh trong tâm trí khiến ông không bao giờ có thể quên được.
    Nhắc đến Tây Tiến thì không thể không nhắc tới thiên nhiên, núi rừng. Hình ảnh đầu tiên mà nhà thơ nhớ tới đó chính là dòng sông Mã và ở mười bốn câu thơ đầu đã toát lên vẻ đẹp hùng vĩ và dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc. Trước tiên thể hiện qua đoạn thứ nhất:

    “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
    Heo hút cồn mây súng ngửi trời
    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
    Một đoạn thơ ngắn ngủi với những từ ngữ thể hiện rõ sự hiểm trở của núi rừng. Trên con đường hành quân của các chiến sĩ, họ phải chịu nhiều gian khổ bởi địa hình “khúc khuỷu” với những dốc thăm thẳm. Câu thơ “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” được chia làm hai nửa và như xẻ đôi địa hình khiến cho người đọc liên tưởng tới một con đường với một bên là vách núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Chính cắt ngắt nhịp đó càng làm toát lên nỗi vất vả của người lính Tây Tiến. Trong bốn câu thơ trên có một hình ảnh mang đậm chất thơ đó là “súng ngửi trời”. Đứng trên địa hình trên cao, nơi mây mù che phủ, người lính hành quân với súng khoác trên vai, nòng súng chĩa lên trời khiến những người phía sau như thấy được súng đang “ngửi trời”. Qua bốn câu thơ ngắn ngủi với bút pháp lãng mạn, tác giả đã thành công dựng lên cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hiểm trở, hùng vĩ nhưng lại mang nét lãng mạn. Đối lập với cái dữ dội của dốc núi, vực thẳm là hình ảnh “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
    Bên cạnh sự hiểm nguy về địa hình thì những người lính còn phải đối mặt với những nguy hiểm khác:

    “Chiều chiều oai linh thác gầm thét
    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
    Từ “chiều chiều”, “đêm đêm” gợi tới thời gian được lặp đi lặp lại liên tục chứ không phải một sớm một chiều. Hai câu văn như chìm trong tiếng kêu man rợ, sự rình rập của thú dữ và có thể đe dọa tới mạng sống bất cứ lúc nào vậy.
    Bút pháp lãng mạn còn được thể hiện qua việc khắc họa chân dung người lính Tây Tiến:

    “Anh bạn dãi dầu không bước nữa
    Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
    Chỉ hai câu thơ ngắn ngủi đã làm toát lên sự khốc liệt của cuộc chiến. Nhà thơ Quang Dũng đã không giấu giếm sự hi sinh, mất mà mà thẳng thắn đối mặt. Trên con đường hành quân gian khổ ấy, không ít người đã hi sinh, ngã xuống. Sự hi sinh ấy được Quang Dũng khắc họa rất đặc sắc không phải mất đi mà là “không bước nữa”, “bỏ quên đời”. Nó giống như việc những người lính đã chiến đấu gian khổ, mệt mỏi và đã đến lúc “nghỉ ngơi” nhường bước cho đồng đội và những thế hệ sau họ bước tiếp.
    Tuy nhiên phải đến khổ thơ tiếp theo thì hình ảnh những người lính Tây Tiến mới càng trở nên rõ nét hơn. Giữa gian khổ, giữa hi sinh nhưng vẫn không làm mờ đi nét hào hoa, lãng mạn của những người lính Tây Tiến giữa thiên nhiên miền Tây:

    “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
    Kìa em xiêm áo tự bao giờ
    Khèn lên man điệu nàng e ấp
    Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
    Những câu thơ chan chứa những âm thanh và hình ảnh sống động. Qua những vần thơ, tác giả đã không thể nào kìm nén nỗi nhớ bâng khuâng, nhớ “chơi vơi” về một miền kí ức chất chưa đầy những kỷ niệm. Trên con đường hành quân vất vả, gian khổ, những người lính có dịp được dừng chân tại một bản làng. Nơi đó hiện lên một viễn cảnh sinh hoạt cộng đồng vui tươi, thắm thiết đó là đêm hội đuốc hoa, là tiếng khèn, là những cô gái bản làng e ấp, hay đơn giản chỉ là những nắm cơm nếp xôi mà người dân bản làng đem tặng. Tất cả đều chứa chan tình cảm quân dân thắm thiết, làm vơi đi nỗi vất cả cực nhọc.
    Bên cạnh đời sống tình cảm đó thì hình ảnh những người lính Tây Tiến còn được khắc họa chân dung mang hình ảnh bi tráng giữa núi rừng:

    “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
    Quân xanh màu lá dữ oai hùm
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
    Cách miêu tả rất hóm hỉnh, tươi vui về nỗi gian truân, vát vả mà chính bản thân Quang Dũng cùng đồng đội đã trải qua. Giữa nơi rừng thiêng nước độc, ngoài việc phải đối mặt với địa hình hiểm trở, thú dữ thì họ còn phải đối mặt với căn bệnh sốt rét rừng hiểm ác. Chính vì căn bệnh đó khiến tóc họ không thể mọc được, làn da xanh xao. Vẻ bề ngoài tưởng như tiều tụy, ốm yếu nhưng lại mang sức mạnh “dữ oai hùm” khiến kẻ thù khiếp sợ.
    Căn bệnh sốt rét rừng ấy cũng trở thành nguyên nhân mà nhiều người lính ngã xuống:

    “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
    Áo bào thay chiếu anh về đất
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

    Những người lính Tây Tiến đều là những thanh niên tuổi đời còn trẻ nên được Quang Dũng gọi tên thành “đời xanh”. Họ rời xa quê hương với một lòng quyết tâm, chẳng ngại hi sinh, gian khó. Cách nói ước lệ “áo bào thay chiếu” như đang lãng mạn hóa sự hi sinh, các anh ngã xuống thậm chí manh chiếu để liệm cũng không có chỉ có chiếc áo đang mặc. Ấy vậy mà vẫn gợi lên cho người đọc sự hào hùng, oai phong. Thế rồi những mất mát, hi sinh ấy như được dồn nén, tích tụ và bộc phát thành tiếng gầm rung trời, chuyển đất:

    “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
    Qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ta phần nào cảm nhận sâu sắc được cuộc hành quân gian khổ, những hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ. Cũng qua đó ta thấy được nét tinh tế, lãng mạn của một nhà thơ đồng thời là người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.