Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật

    06.jpg
    Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật.​


    • Mở bài
    Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
    Mà lòng phơi phới vẫy tương lai

    Đó là những câu thơ vô cùng tuyệt đẹp mà nhà thơ Tố Hữu đã viết ra để ca ngợi cả một thế hệ những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong đã dũng cảm từ giã gia đình, từ bỏ giảng đường đại học để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Họ ra đi và dấn thân vào con đường Trường Sơn máu lửa, nơi bom đạn kẻ thù liên tiếp dội xuống, nơi sự sống và cái chết trở nên mong manh với một niềm tin niềm lạc quan phơi phới vào tương lai đất nước. Và viết về những người lính trên tuyến đường Trường Sơn năm ấy, ta không thể nhắc đến bài thơ “Bài thơ tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật.
    • Thân bài:
    Bài thơ khắc hoạ thành công hình tượng những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm chống Mĩ với một tư thế hiên ngang dũng cảm, coi thường mọi gian khổ khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hình ảnh những chiếc xe không kính và thái độ ung dung của người chiến sĩ lái xe khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng:

    Không có kính không phải vì xe không có kính
    Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
    Ung dung buồng lái ta ngồi,
    Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

    Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh những chiếc xe không kính với một cách nói rất tự nhiên, mộc mạc, vòng vèo pha chút lính. Lời thơ giản dị, tự nhiên, gần gũi như chính cuộc sống đời thường đi vào trong trang viết. Nhưng ẩn sau những lời thơ giản dị, mộc mạc ấy là một hiện thực chiến tranh vô cùng khốc liệt, là cảnh mặt đường bị cày nát, loang lổ những hố bom. Hình ảnh những tấm kính chắn gió xe bị vỡ vụn tan tành, vì “bom giật, bom rung” rú gầm dữ dội là chứng nhân của cuộc chiến đấu gian nguy và khốc liệt của người lính lái xe. Biết bao gian khổ hiểm nguy đang rình rập, đe doạ tính mạng con người. Vậy mà kỳ lạ thay khi nói về nó giọng điệu người lính trẻ rất thản nhiên, vô tư, nhẹ nhàng. Phải là một con người dũng cảm không sợ gian khổ, không sợ hi sinh mạng sống của bản thân mình mới có cách nói nhẹ tệnh, tự nhiên như thế:

    Ung dung buồng lái ta ngồi
    Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

    Từ láy “ung dung” gợi lên hình ảnh người lính đang ở trong một tư thế, dáng ngồi bình thản, tự do tự tại, ngang tàng, ngạo nghễ, không hề bận tâm lo lắng, sợ hãi. Điệp từ “nhìn” cho ta cảm giác người lính đang mở rộng tầm mắt của mình nhìn về phía bầu trời cao rộng. Đặc biệt, từ nhìn thẳng nhấn mạnh thái độ dứt khoát, tự tin của một con người sẵn sàng đối đầu với mọi khó khăn thử thách đang chờ đợi mình trên con đường phía trước.
    Bởi không có kính cho nên thiên nhiên đất trời rộng mở trước mắt người lính. Những cản vật đối với việc lái xe an toàn giờ đây cứ chực sa, chực ùa vào buồng lái:

    Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
    Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
    Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
    Như sa, như ùa vào buồng lái

    Ngồi trong khoang lái không có kính chắn gió, người lính có dịp nhìn thẳng vào thiên nhiên trước mắt mình và anh có cảm giác con đường trước mặt đang lao về phía mình. Những cơn gió ùa vào buồng lái như xoa dịu đôi mắt đắng vì bụi đường. Đặc biệt các anh cảm nhận cánh chim và những vì sao lung linh trên bầu trời như sa, như ùa vào buồng lái để bầu bạn, tâm tình trên vạn dặm trường chinh.
    Cảnh vật lướt qua thật nhanh trong mắt người chiến sĩ. Qua cách cảm nhận hồn nhiên, vô tư ấy, ta hình dung chiếc xe đang lao đi với một tốc độ rất nhanh. Hình ảnh con đường chạy thẳng vào tim vừa là hình ảnh thực miêu tả tốc độ lao nhanh của chiếc xe đồng thời là hình ảnh ẩn dụ tượng trung cho con đường lý tưởng. Đó là con đường ra tiền tuyến, con đường chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc mà người lính tự nguyện dấn thân theo đuổi trong suốt cuộc đời mình.
    Mặt khác hình ảnh thiên nhiên hiện lên trong bài thơ này với vẻ đẹp nên thơ của một bầu trời cao lồng lộng với ánh trăng sao lung linh toả sáng giữa màn đêm, với một cánh chim trời lướt ngang mạnh mẽ cho thấy một nét đẹp trong tâm hồn người lính. Đó là những con người có tâm hồn lãng mạ, yêu đời. Mặc dù con đường hỉnh ảnh đầy gian khổ nhưng người lính vẫn mở rộng lòng mình ra để đón nhận vẻ đẹp thiên nhiên đất trời và tạo vật dù chỉ là trong khoảnh khắc.
    Những gian khổ trên con đường hành quân và tinh thần chịu đựng gian khổ khẳng định bản lĩnh phi thường của người lính lái xe:

    Không có kính, ừ thì có bụi,
    Bụi phun tóc trắng như người già
    Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
    Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
    Không có kính, ừ thì ướt áo

    Mưa tuôn, mưa xối như ngòai trời
    Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
    Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

    Vì lái những chiếc xe không kính cho nên suốt con đường hành quân, người lính phải chịu biết bao gian khổ, nào mưa tuôn, mưa xôi, nào bụi phun trắng như người già, rồi thì ướt áo, mặt mày lấm lem vì bụi đường. Biết bao gian khổ, bức bối, khó chịu, nhưng đã là lính thì phải.
    Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc, nhìn nhau mặt lắm cười ha ha. Chưa cần thay lái trăm cây số nữa, mưa ngừng gió lùa khô mau thôi là cách nói đầy lạc quan tin tưởng. Đã là lính thì phải biết coi thường gian khổ, dù mưa gió, bụi bẩn, quần áo ướt sũng thì cũng phải vượt qua. Lúc nào cũng phải vững vàng tay lái, tiếp tục đưa xe băng băng ra chiến trường tiếp viện. Đã là lính thì phải biết vượt qua mọi gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
    Từ chi tiết này ta nhận ra một nét đẹp trong tâm hồn người lính đó là những con người có trách nhiệm cao độ. Con người biết coi thường gian khổ của bản thân. Đặc biệt là những người lính trẻ trung, sôi nổi, tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Họ luôn biết mỉm cười dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
    Cái tiếng cười ha ha, tếu táo, nghịch ngợm không chỉ thể hiện sự hồn nhiên, trẻ trung, sôi nổi của người lính, mà còn thể hiện bản lĩnh, tinh thần lạc quan của họ. Nó khiến ta liên tưởng đến miệng cười buốt giá của những anh vệ quốc quân trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Nụ cười ấy giúp con người quên đi mọi gian khổ, có thêm niềm tin sức mạnh vượt qua bom đạn và chông gai trên con đường phía trước. Chính trên quãng đường đầy hiểm nguy ấy, tình đồng chí đồng đội được củng cố, bồi đắp bằng sự cảm thông, tin tưởng ssau sắc:

    Những chiếc xe từ trong bom rơi
    Ðã về đây họp thành tiểu đội
    Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
    Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
    Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

    Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
    Võng mắc chông chênh đường xe chạy
    Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

    Tình cảm đồng đội, đồng chí của người lính lái xe đêm không phải chỉ được hình thành ở nơi dầu sôi lửa bỏng, nơi chiến trường đạn bom ác liệt, hay trong lúc “súng bên súng, đầu sát bên đầu”, cùng chung vai sát cánh trong chiến đâu, mà còn là lúc dựng bếp giữa trời. Tình đồng đội được gắn kết khi ta cùng chung bát đũa, chung bữa cơm dã chiến trên rừng. Chiếc võng mắc chông chênh đường xe chạy, ta nằm cùng nhau kể lể chuyện tâm tình.
    Chỉ vậy thôi trong những phút giây gặp gỡ vô cùng ngắn ngủi, tình cảm đồng đội, đồng chí vẫn được hình thành thiêng liêng gắn bó, sâu đậm, thân thiết, như những người ruột thịt trong gia đình. Vẫn đau lòng xót xa khi nghe tin một đồng đội ngã xuống, và sững sờ khi một ngày nào đó trên con đường ra trận, họ gặp lại bạn mình.
    Họ trao nhau một cái bắt tay, một nụ cười, ánh mắt, lời nói và trao nhau biết bao tình yêu thương nồng nàn ấm áp. Để từ đó họ trao nhau niềm tin sức mạnh, động viên nhau vượt qua những khó khăn gian khổ trên con đường phía trước. Sau những giây phút ngắn ngủi đó, họ tiếp tục ra đi “lại đi lại đi trời xanh thêm”. Đi để nhìn thấy bầu trời trong xanh, không còn thấy khói súng, bom đạn của kẻ thù. Đi để đất nước được hoà bình thống nhất.
    Một lần nữa, hình ảnh chiếc xe không kính lại hiện ra, đóng khép lại khúc ca ra trận hào hùng:

    Không có kính, rồi xe không có đèn,
    Không có mui xe, thùng xe có xước,
    Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
    Chỉ cần trong xe có một trái tim.

    Điệp từ “không” lặp đi lặp lại nhiều lần như nhấn mạnh một hiện thực chiến tranh tàn khốc, với hình ảnh một chiếc xe méo mó, biến hình biến dạng. Hiểm nguy rình rập trên từng bước đường xe chạy. Cái khốc liệt của chiến tranh hiển hiện ngay trên những vết đạn còn in dâu trên thân xe. Thế nhưng dù gian khổ, nguy hiểm, dù chiến tranh có tàn khốc thế nào đi chăng nữa, những người lính vẫn đinh ninh đưa xe tiến về phía trước, về miền Nam thân yêu.
    Chính sức mạnh của tình yêu nước đã thôi thúc, khơi dậy nơi người lính lòng quả cảm, biến họ thành những anh hùng của thời đại. Những trái tim nhiệt tình yêu nước, những trái tim mang khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang toả sáng sôi sục trong tâm hồn của người lính trẻ. Họ mong muốn góp sức, hiến máu xương mình cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, để đất nước được hoà bình thống nhất, nhà nhà đoàn tụ, cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp hơn. Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước bởi trong xe luôn có một trái tim tràn trào khí phách.
    Như một lời khẳng định đinh ninh, dứt khoát, thể hiện ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của cả thế hệ thanh niên Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ngày đó. Chính nhờ có lòng yêu nước nồng nàn đó, những người lính của chúng ta đã góp sức mình làm nên những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
    Phạm Tiến Duật đã viết nên những lời thơ giản dị, tự nhiên, đậm chất khẩu ngũ như lời ăn, tiếng nói trong cuộc sống thường ngày. Hình ảnh thơ chân thật, giản dị như lấy ra từ chính hiện thực chiến đấu đã làm cho bài thơ nét đẹp riếng rất chân thành, mộc mạc và rất đỗi sâu sắc.
    Qua bài thơ, tác giả đã xây dựng hình tượng người lính lái xe trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là những con người anh hùng, dũng cảm, lạc quan, yêu đời, coi thương gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ, biết hi sinh bản thân mình vì nghĩa lớn, vì nhân dân, vì đất nước:

    Cái vết thương xoàng mà đưa viện
    Hàng còn chờ đó tiếng xe reo
    Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
    Nôn nao ngồi dậy nhơ lưng đèo.”
    • Kết bài:
    Chính tình đồng chí, đồng đội đã biến thành động lực giúp các anh vượt qua khó khăn, nguy hiểm, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu.Sức mạnh của người lính thời đại Hồ Chí Minh là vẻ đẹp kết hợp truyền thống và hiện đại. Họ là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là hình tượng đẹp nhất của thế kỷ “Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” (Tố Hữu).