Đề bài: Phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu Bài làm: Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, là một trong những nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Đồng thời ông còn được coi là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng. Từ khi được giác ngộ cách mạng thì sự nghiệp sáng tác của ông gắn liền với những giai đoạn phát triển của cách mạng, sự vận động của thời đại. Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu sáng tác trong hoàn cảnh đất nước ta giành được chiến thắng ở Điện Biên Phủ năm 1954. Sau chiến thắng đó miền Bắc nước ta tưng bừng trong không khí chiến thắng và được giải phóng. Trong không khí ấy, chủ tịch Hồ Chí Minh, trung ương Đảng và các cán bộ, chiến sĩ rời chiến khu Việt Bắc để trở về thủ đô Hà Nội. Bài thơ Việt Bắc chính là tiếng hát nghĩa tình của “mình” với “ta” hay chính là của những người cán bộ chiến sĩ đối với đồng bào chiến khu Việt Bắc. Đoạn trích Việt Bắc đã tái hiện cho người đọc một cuộc chia ly đầy cảm xúc và xúc động. Hơn nữa nhà thơ còn lựa chọn thể thơ lục bát, một trong những thể thơ dân tộc và lối đối đáp trong ca dao, dân ca để bày tỏ tình cảm của mình. Mở đầu bài thơ chính là lời của người ở lại dành cho người ra đi: “Mình về mình có nhớ taMười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng Mình về mình có nhớ không Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn” Người ở lại trong cuộc chia ly này lưu luyến không muốn chia tay nhau. Đồng bào Việt Bắc đã rất lưu luyến, bịn rịn và trong cuộc chia ly ấy họ đã gợi nhắc những người ra đi về kỷ niệm, về quãng thời gian “mười lăm năm” gắn bó cùng sống và chiến đấu bên nhau. Đó là một khoảng thời gian dài và chan chứa biết bao kỷ niệm. Người ở lại mong muốn người ra đi có thể nhớ về những kỷ niệm ấy, có thể nhìn thấy những sự vật ở hiện tại để nhớ về quá khứ một thời bên nhau. Đồng thời cũng giống như một lời băn khoăn, trăn trở, không biết rằng khi về xuôi thì những người chiến sĩ có còn nhớ đến núi rừng, nhớ về con người nơi đây không. Không để những người ở lại phải đợi chờ lâu, những người ra đi đã ngay lập tức đáp lại ân tình của họ: “Tiếng ai tha thiết bên cồn Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi Áo chàm đưa buổi phân ly Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” Tiếng của người ở lại tha thiết, mặn nồng khiến cho người ra đi cảm thấy bâng khuâng, thấy bồn chồn không yên lòng. Người ra đi cũng cảm thấy lưu luyến, bịn rịn không muốn rời xa nơi đây. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh “áo chàm” để làm hình ảnh ẩn dụ cho những đồng bào Việt Bắc. Trong cảnh phân ly ấy, người ra đi chẳng thể nói lên lời vì nỗi niềm xúc động. Chính vì thế người ở lại tiếp tục bày tỏ tâm ý của mình: “Mình đi, có nhớ những ngày Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù Mình về có nhớ chiến khu Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai” Không còn nói xa, nói ẩn ý nữa mà người ở lại đã trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình, trực tiếp hỏi người ra đi. Gợi nhớ cho người ra đi những kỷ niệm mà “mười lăm năm” gắn bó với nhau. Đó là những kỉ niệm về thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc, là “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa”. Những lời của người ở lại đó chính là lời tâm sự da diết, chan chứa những tình cảm dành cho những cán bộ, chiến sĩ. Đó là nỗi nhớ đồng thời cũng là lời nhắc nhở. Nhắc những người chiến sĩ khi trở về thủ đô thì cũng đừng quên những năm tháng gian khổ, những tháng ngày hoạt động cách mạng tuy còn thiếu thốn, tuy đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng lại càng khiến cho tình cảm quân dân gắn bó. Lời gợi nhắc của người ở lại, người ra đi trở về nhưng mang theo biết bao nỗi nhớ. Đó là nhớ người ở lại, nhớ trăng lên đầu núi, nhớ nắng chiều, nhớ rừng nứa, bờ tre rồi nhớ từng con sông dòng suối… Nhớ đến những tháng ngày đồng cam cộng khổ: “Thương nhau chia củ sắn lùi, Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” Bên cạnh việc nhớ tới đồng bào Việt Bắc thì Tố Hữu nói riêng và những người chiến sĩ cách mạng nói chung sẽ không thể nào quên được thiên nhiên, núi rừng nơi đây. Trong con mắt của nhà thơ thì thiên nhiên ấy rất tươi đẹp, mỗi mùa với những cảnh sắc khác nhau: “Ta về mình có nhớ ta Ta về ta nhớ những hoa cùng người Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang Ve kêu rừng phách đổ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình Rừng thu trăng rọi hòa bình Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” Đoạn thơ mang theo một nét đẹp cổ điển về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Giữa thiên nhiên với con người có sự giao hòa, gắn bó mật thiết với nhau. Thiên nhiên bốn mùa tươi đẹp là vậy, nhưng nổi giữa nền thiên nhiên ấy chính là con người với những hoạt động lao động sản xuất, với khúc hát, lời ca trong trẻo. Có thể thấy, phải là người yêu thiên nhiên, yêu núi rừng và đồng bào nơi đây thì nhà thơ mới có thể phác họa nên một bức tranh tứ bình đẹp đến vậy, thơ mộng đến vậy. Thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc giống như một người bạn, một người đồng chí cùng kề vai sát cánh với bộ đội cụ Hồ. Giống như một người cha che chở cho đứa con thơ khỏi những hiểm nguy: “Nhớ khi giặc đến giặc lùng Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây Núi giăng thành lũy sắt dày Rừng che bộ đội rừng vây quân thù” Bên cạnh thiên nhiên tươi đẹp thì tác giả còn nhớ đến những ngày chiến đấu gian khổ: “Những đường Việt Bắc của ta Đêm đêm rầm rập như là đất rung Quân đi điệp điệp trùng trùng Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan Dân công đỏ đuốc từng đoàn Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay Nghìn đêm thăm thẳm sương dày Đèn pha bật sáng như ngày mai lên” Lời thơ mang nhịp điệu nhanh, tươi trẻ kể về những ngày chuẩn bị hành quân cho cuộc chiến chống lại chiến dịch của thực dân Pháp. Đây cũng là lúc mà tình quân dân thể hiện rõ ràng nhất. Tất cả mọi người đều đồng lòng, những đoàn quân với những ngọn đuốc trên tay như làm bừng sáng cả chiến khu Việt Bắc. Nó giống như lý tưởng quyết tâm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Sự quyết tâm, đồng lòng tạo nên sức mạnh to lớn “bước chân nát đá” và kết thúc cuộc kháng chiến bằng ngày đại thắng cho dân tộc. Kết thúc cho niềm vui ấy, cùng với nỗi niềm nhớ thương không muốn rời xa thì nhà thơ đã cất lên những tiếng hát về niềm tự hào dân tộc. Đó là những giây phút nhớ về quãng thời gian hoạt động, sinh hoạt đảng, là lúc bàn việc quân trong các hang động, mái đá. Để rồi đến ngày chia tay có thể thốt lên lời bày tỏ tâm tình với người ở lại: “Mười lăm năm ấy ai quên Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa Mình về mình lại nhớ ta Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào” Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu chính là những lời tâm tình đầy cảm xúc giữa người ở lại với người ra đi. Lời thơ thật gần gũi, giản dị nhưng lại mang theo những nét đặc sắc riêng trong nền thơ ca Cách mạng. Chính vì thế bài thơ còn đem lại tiếng vang cho một thời oanh liệt đến tận ngày nay và mai sau.