Phân tích bút pháp nghệ thuật tạo hình trong đoạn thơ Việt Bắc của Tố Hữu

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Có thể nói bài thơ Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên. Với bài thơ này, hồn thơ cũng như nghề thơ của Tố Hữu chín rộ. Những lời thơ tha thiết, ấm cúng đã ngợi ca được vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc trong những năm tháng đấu tranh. Ngoài những cái hài hòa cái ấm úng kia trong bài thơ không chỉ có những đoạn tuyệt đẹp, làm lộng lẫy cuộc chia tay. Đó không còn là một cây bút trong tay Tố Hữu nữa, mà nhiều ngọn bút đã nở cùng một lúc, bút tả tình, tả cảnh, tả người.
    • Thân bài:
    Với sự kết hợp tài tình của những cây bút đó Tố Hữu đã tái hiện được bức tranh Việt Bắc trong thời gian mười năm năm tác giả sinh sống, cùng đấu tranh với con người và thiên nhiên nơi đó. Với một khoảng không gian và thời gian nhất định, nhà thơ đã bao quát được cuộc sống từ thuở kháng Nhật, thuở còn Việt Minh, trong thời tiết sương sớm, nắng chiều, trong các mùa cỏ hoa thay đổi, tổng hợp bao nhiêu cảnh cơ quan, quân đội, dân công, công trường, đường sá.

    Với những kí ức, niềm mong nhớ tác giả đã tái hiện lại bức tranh những con người đang bàn luận công việc cho chiến lược chiến đấu, với ngọn cờ đỏ thắm, sao vàng bay phất phới trong nắng trưa, trước cửa hang núi cùng với những con người đầy nhiệt huyết cho cuộc cuộc bảo vệ đất nước. Những câu thơ đã ca ngợi cái đẹp, cái hay, cái vĩ đại của những con người vì lợi ích của nhân dân.

    Và bút pháp đó được tung hoành, phác họa liên hoàn các bức tranh thiên nhiên vừa tươi đẹp vừa đầy sức sống của các mùa trong núi rừng. Bức tranh thiên nhiên hiện lên với những màu sắc, đường nét tinh tế, ý nhị. Ở đây tác giả đã sử dụng các thủ pháp, nguyên tắc trong việc miêu tả thế giới với các yếu tố màu sắc, đường nét, hình khối, các chiều trong không gian.

    Trong bài thơ Việt Bắc thiên nhiên được thể hiện chủ yếu qua bức tranh tứ bình (xuân, hạ, thu, đông) với những màu sắc, đường nét uyển chuyển, độc đáo tạo nên một bức tranh lung linh, sinh động. Cùng với việc kết hợp đa dạng những thi liệu văn hóa nhân gian như mái đình, cây đa mang âm hưởng vừa cổ điển vừa hiện đại tạo nên sự trang trọng lẫn sự lãng mạn cho bức tranh. Mở đầu bức tranh đó là cảnh và người Việt Bắc;

    Mình về mình có nhớ ta
    Ta về ta nhớ những hoa cùng người

    Sự hòa nguyện giữa cảnh và người ở nơi đây luôn được xuyên thấm, xuyên hành gắn kết với nhau. Và không gian trong bức tranh ấy không chỉ có hoa và người mà một không gian rộng lớn, làm nền để điểm tô sự nổi bật của con người đó là gam màu xanh bao la của núi rừng, của chiến khu Việt Bắc:

    Rừng xanh hoa chuối đở tươi
    Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

    Trên cái nền xanh bạt ngàn của rừng, nổi bật lên hình ảnh những bông hoa chuối đỏ tươi. Tố Hữu đã vân dụng nghệ thuật điểm xuyết trong thơ cổ “Cỏ non xanh rợn chân trời- cành lê trắng điểm một vài bông hoa- Nguyễn Du” tỏ ra rất hữu hiệu. Giữa bạt ngàn xanh của núi rừng Việt Bắc, điểm lên đó là những bông chuối đỏ tươi, đây là điểm sáng làm bừng lên vẻ đẹp của bức tranh mùa đông, nó gợi lên sự ấm áp, có sức lan toả. Từ xa trông tới, bông hoa như những bó đuốc thắp sáng rực tạo nên một bức tranh với đường nét, màu sắc vừa đối lập, vừa hài hòa, vừa cổ điển vừa hiện đại.

    Cái màu “đỏ tươi”- gam màu nóng của bông chuối nổi lên giữa màu xanh bát ngát của núi rừng, làm cho thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp và như tiềm ẩn một sức sống, xua đi cái hoang sơ lạnh giá hiu hắt vốn có của núi rừng. Kèm theo đó là ánh nắng nhẹ nhạt của mùa đông chiếu vào lưỡi “dao cài thắt lưng” cũng làm bừng lên cái ánh sáng tươi đẹp của mùa đông. Cũng là cách điểm xuyết những hình ảnh nổi rõ hơn cảnh nhưng cách điểm xuyết ở đây ấy rất độc đáo, càng chọn điểm nhỏ nhất thì sức gợi càng lớn hơn. Vì thế, câu thơ có sự nhấp nháy nắng ánh của hình ảnh và cảnh vật vốn tĩnh lặng, thậm chí tịch mịch, bỗng có sức sống, sự chuyển động. Gam màu cơ bản của bức tranh là màu xanh của núi rừng, điểm lên nền xanh bạc ngàn đó là những bông chuối như những đám lửa đang bập bùng cháy giữa rừng già.

    Điều đáng chú ý trong bức tranh là sự xuất hiện của con người, con người ở đây chỉ là nét chấm tả trên nền xanh đó nhưng đồng thời cũng chiếm lĩnh được cả chiều cao và chiều sâu của bức tranh. Hình ảnh chiếc dao gài lấp lánh biến con người thành một thứ ánh sáng dao động. Thiên nhiên ở đây không che lấp con người mà tôn lên vẻ đẹp của con người. Hình ảnh biểu hiện rõ mồn một ở bức tranh đó là con người đang đứng ở lưng chừng đèo, con người vững vàng, tự tin làm chủ núi rừng, thể hiện vẻ đẹp lừng lẫy của con người Việt Bắc.

    Thơ ca là một nghệ thuật của thời gian. Với những nghệ sĩ tài hoa đó, việc tạo dựng nên những lớp thời gian chồng lấp và không gian không bất động, bất biến mà vẫn hiên ngang sức sống nhờ sự tái sinh của những lớp ngôn từ “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” là một câu thơ như thế. Quả thật thơ đã được nói bằng hình ảnh, cái cảm xúc vô hình ấy cần có cái hữu hình để tồn tại. Chính những hình ảnh đó đã tái tạo nên một thế giới như nó đã tồn tại trong hiện thực. Nghệ thuật tạo hình trước hết là để tái hiện hình tượng.

    Một bức tranh sinh động nó không chỉ tạo lập nên một không gian đặc sắc mà sự thay đổi luân phiên của thời gian cũng là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Sự chuyển tiếp từ một bức tranh mùa đông sang mùa xuân, phải chăng cái ánh sáng trên “dao cài thứt lưng” vẫn chưa đủ để nói lên sức sống mãnh liệt của hoa và người Việt Bắc mà đến bức tranh mùa xuân nó như được bung nở, làm bừng sáng cả núi rừng với một gam màu mới:

    Ngày xuân mơ nở trắng rừng
    Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

    Ở đây, bức tranh mùa xuân hiện lên là một màu trắng của hoa mơ, gam màu trắng đã làm nền cho bức tranh, tạo ra một không gian vừa rộng lớn, vừa có sự rộn ràng, náo nức của thiên nhiên. Hai từ “trắng rừng” đã thể hiện cảm xúc choáng ngợp trước rừng mơ. Cùng với cái sắc xuân của đất trời trong cái sắc xuân ấy hình ảnh con người cũng không kém phần quyến rủ “chuốt từng sợi gian” một động tác làm việc rất cần mẫn, khoan thai.

    Nếu ở bức tranh thơ thứ nhất, nghệ thuật miêu tả của tác giả ở điểm xuyết, tìm hình ảnh gợi, sắc màu sáng như hoa đỏ, nắng ánh để diễn tả sự chuyển động của cảnh vật thì ở đây, nhà thơ lại hướng cái nhìn vào sự bao quát điệp trùng để tìm cái rạo rực của thiên nhiên. Trên cái nền không gian rộng lớn và náo nức ấy, nhà thơ hướng mắt nhìn về một hoạt động có vẻ tỉ mỉ. Con người Việt Bắc trong hoài niệm của Tố Hữu là như thế. Nhưng đó là hình ảnh thực.

    Trong chuỗi hoài niệm của tác giả, hình ảnh kia chỉ là một điểm gợi nhớ. Có thể nói rằng một trong hoạt động sáng tác thơ ca là một lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều đến trí tưởng tượng, liên tưởng của người nghệ sĩ thì Tố Hữu của chúng ta đã có được điều đó, hình ảnh của thế giới bên ngoài mà nhà thơ nhìn thấy đã hòa cùng với thế giới tâm hồn, với tình cảm yêu thương để đến lúc nhớ về kỉ niệm, kí ức được tái hiện, sống dậy, khơi nguồn cảm xúc, tạo nên một trật tự mới trong tâm hồn, cũng tạo nên một nghệ thuật kết hợp mới mẻ trong nghệ thuật sáng tạo.

    Văn học không có khả năng tạo ấn tượng mạnh mẽ với những động tác trực tiếp lên thị giác như hội họa, nhưng nó có khả năng mô tả, thể hiện, chiếm lĩnh các hiện tượng đời sống sâu sắc qua kênh liên tưởng. Chính bằng kênh liên tưởng ta cảm nhận được vẻ đẹp của các bức tranh thiên nhiên thông qua ngôn từ. Ở câu thơ trên, tác giả đã dùng màu sắc và đường nét như một lớp ngôn ngữ đẹp lạ lùng, những nét chấm phá đã tạo sức sống động cho bức tranh, bên cạnh gam màu nền tĩnh lặng của thiên nhiên là những hình ảnh chuyển động của con người.

    Thiên nhiên trong Việt Bắc hội tụ đủ bốn mùa, sự tái hiện lại khung cảnh bốn mùa đó cho thấy sự liên tưởng rất quang trọng trong sáng tác, nó là nổi nhớ, niềm mong, là nơi từng lưu sống nặng lời thề trong lòng tác giả nên khi đi tái hiện lại cảnh núi rừng Việt Bắc, tác giả không thể bỏ sót một hình ảnh nào mà dùng bút lực của mình để ca ngợi, tôn vinh sự hài hoà đó. Bên cạnh những ngày đồng giá lạnh, những ngày xuân ấm áp thì hình ảnh ngày hè rực rỡ cũng được nhắc đến;

    Ve kêu rừng phách đổ vàng
    Nhớ cô em gái hái măng một mình

    Câu thơ bắt đầu là tiếng “ve kêu” cùng với “rừng phách đổ vàng”. Ở đây có sự hòa điệu của tiếng ve và của rừng phách đổ, ta có cảm giác như rừng núi đang tấu lên khúc nhạc rừng, như giàn hợp xướng, khung cảnh mơ màng của mùa đông được xua tan đi thay vào đó là sự sôi động, rực rỡ hẳn lên. Rừng phách thay lá trong tiếng ve râm rang việc kết hợp hài hòa giữ tả màu và tiếng đã đưa lại một hiệu quả nghệ thuật bất ngờ, dường như có một sự phản ứng dây chuyền ve vừa dứt tiếng lập tức rừng phách đổ vàng, đây quả thực là ngày hội của cảnh vật, một âm thanh cũng trở nên có màu sắc.

    Nghệ thuật liên tưởng trong thơ mang tính bất ngờ, sáng tạo, đa dạng và nhạy bén. Mối liên hệ nhiều khi tưởng xa xôi, mơ hồ, không có cơ sở, nhưng thực chất lại chân thật, hợp lí. Cái đột ngột bất ngờ của liên tưởng trong Tố Hữu được tạo nên nhờ những linh cảm nhạy bén của trí tuệ cũng như tình cảm của tác giả về nơi mà mình từng sống, từng đi qua trong cuộc đời mình. Cũng nhờ có sự liên tưởng đa dạng đã tạo nên những màu sắc khác nhau của các cung bậc cảm xúc.

    Có thể nói nghệ thuật tạo hình trong bức tranh này đặc sắc nhất đó là sự chuyển đổi một cách linh hoạt của gam màu nền, cùng với sự định vị thời gian qua tiếng ve lớp màu vàng của rừng phách đồng loạt đổ xuống tạo sự nên thơ và vô cùng thơ mộng của bức tranh mùa hè. Đúng là trong thi có họa, tạo hình lấy đường nét làm chính để diễn tả cái thần khí, cái sinh lực tồn tại của vạn vật.
    Trên cái nền âm thanh và màu sắc đó hiện lên hình ảnh “cô em gái hái măng một mình”, một khung cảnh mùa hè đầy sắc vàng đặc trưng của Việt Bắc đã làm nền cho cô gái thêm rực rỡ, nồng say, hình ảnh cô em gái hái măng một mình không lẻ loi mà góp phần tạo nên bức tranh thơ hoàn chỉnh. Hoa và người Việt Bắc trong thơ Tố Hữu hoà quyện, cùng tôn vinh lẫn nhau.

    Bức tranh cuối cùng trong bộ tứ bình là hình ảnh mùa thu về đêm, cũng như những nhà thơ khác khi nói về mùa thu thi nhân không quên nhắc đến ánh trăng, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư “Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô ?” đây quả là một bức tranh thu tuyệt sắc đến lược mình Tố Hữu đã tả mùa thu Việt Bắc:

    Rừng thu trăng rọi hòa bình
    Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

    Câu thơ có kiểu mở đầu bằng sự định vị cả không gian lẫn thời gian “rừng thu”. Đến đây, ta chú ý các kiểu định vị ở những câu thơ trên: Rừng xanh → không gian, Ngày xuân → thời gian, Ve kêu → âm thanh (thời gian). Ứng với mỗi câu thơ và cách định vị trên là một mùa của thiên nhiên (mùa đông, mùa xuân, mùa hạ). Câu thơ này cũng là bức tranh về một mùa của thiên nhiên (mùa thu), không gian được bao trùm bởi gam màu đen, đó là một đêm thu lấp lánh ánh trăng. Có lẽ đó là bức tranh cuối của bộ tứ bình và là tiếng hát cuối của một trường đoạn hoài niệm nên hình ảnh tất thảy đều trở nên tượng trưng, âm hưởng cũng bao quát hơn “ân tình thủy chung”.

    Rừng thu Việt Bắc trong thơ Tố Hữu mênh mông nhưng không lạnh lẽo. “Trăng rọi hoà bình” vừa mang ý nghĩa ánh trăng của cuộc đời ân tình ấy, lại vừa mang ý nghĩa cuộc sống có sự soi rọi ấm áp của niềm tin, tự do. Và trong cuộc sống ấm áp ấy, có biết bao nhiêu nghĩa tình sâu nặng. Ai đó đã từng nói rằng: bốn mùa xuân-hạ-thu-đông là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho con người. Bốn mùa với bốn sắc thái khác nhau mang đến sự đổi thay cho thiên nhiên cây lá. Bộ tranh tứ bình của Tố Hữu cũng vậy, nó cũng cho người đọc cảm nhận được từng sắc thái độc đáo, riêng biệt của tự nhiên.

    Văn chương tạo được ấn tượng và cảm xúc thẩm mĩ cho người đọc bởi ngôn từ nghệ thuật và ngôn từ ấy phải là ngôn từ vẽ lên được màu sắc, âm thanh, ánh sáng, không gian, thời gian trong thiên nhiên. Nhờ sự tạo hình mà văn chương trở nên mền mại, dễ đi vào lòng người cũng như dễ đạt được sự tuyệt bích trong nghệ thuật . Bộ tứ bình của Tố Hữu vẫn tỏa sức quyến rủ đến hôm nay là nhờ vào điều đó.

    Với những đường nét tạo hình cơ bản, chấm phá nhẹ không đi sâu vào miêu tả nhưng bức tranh vẫn hiện lên với đủ các màu sắc duyên dáng, đường nét mền mại, ý nhị kín đáo. Đọc vang từng câu thơ lên bức tranh như được vẽ ngay trong trí tưởng tượng của người đọc, họ có thể hình dung đó là một cảnh thu huyền dịu, mát mẻ, một mùa đông ấm áp, một mùa hè sôi động âm vang, một mùa xuân đầy sức sống. Bằng nghệ thuật tạo hình bằng ngôn từ trong thơ đã Tố Hữu đã để lại một bức tranh liên hoàn tuyệt sắc.
    • Kết bài:
    Việc vận dụng tốt yếu tố hội họa trong thơ góp phần làm cho văn chương trở nên mĩ miền và tạo được giá trị cao cho nghệ thuật tạo hình trong văn học, nhờ đó mà bức tranh nào trong văn học cũng lung linh sự sống, mỗi bức tranh là một thế giới linh động. Nếu người xem tranh hoa mắt, rối rít vì những đường nét, màu sắc thì đọc thơ sẽ giúp họ nâng cao trí tưởng tượng và tạo một sự vi diệu trong tâm hồn.