Phân tích chương” Trong lòng mẹ” để cho thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài: Phân tích chương” Trong lòng mẹ” để cho thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.

    Bài làm:
    Nhà văn Nguyên Hồng (1918- 1982) là nhà văn hiện thực sâu sắc, giọng văn của ông như trút hết tất cả những tâm sự, những xúc động của bản thân vào trong những câu chuyện của ông. Rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng của ông được nhiều người biết đến như “ Những ngày thơ ấu”, “ Bỉ vỏ”…. Đoạn trích “ Trong lòng mẹ thuộc chương IV của “ Những ngày thơ ấu”, nói đến những tháng ngày đau đớn, tủi cực của cậu bé Hồng mồ côi bố, cùng với niềm hạnh phúc vô bờ khi được gặp lại người mẹ thân yêu sau một năm xa cách.
    Mở đầu chương “ Trong lòng mẹ”, tác giả thuật lại những cay đắng, tủi cực thời thơ ấu của chính ông, khi phải sinh ra trong một gia đình đầy bất hạnh: người cha nghiện ngập chết rục bên bàn đèn thuốc phiện; mẹ thì đi bước nữa rồi “ chwaar đẻ với người khác”, túng quẫn cúng phải đi tha phương cầu thực. Hai anh em cậu bé Hồng đã phải sống trong cảnh hắt hủi, ghẻ lạnh đến cay nghiệt của chính những người thân họ hàng bên nội giàu có của mình. Hàng ngày cậu bé phải đổi mặt với một bà cô vô cùng cay nghiệt, bề ngoài thì luôn luôn tươi cười, mà bên trong thì nham hiểm giết người không dao. Nhưng sự tàn nhẫn ấy không phải cho ai khác lại để dành cho đứa cháu ruột bé bỏng vô tội của mình. Bà cô bịa ra nhiều điều xấu xa về mẹ của hồng, cố ý gieo rắc vào đầu óc của đứa trẻ những hoài nghi, ly gián tình mẫu tử, để đứa con có thái độ khinh miệt và ruồng rẫy mẹ của mình. Nhưng bỏ qua tất cả những điều đó, tấm lòng của đứa trẻ thật đáng quý biết bao. Cậu không quan tâm đến những gì bà cô nói. Đối với Hồng, mẹ là người tốt nhất, đẹp nhất. Cậu đáp trả bà cô với ý nghĩ: “ Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha phương cầu thực. Nhưng đời nào lòng thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến…”
    Dù vậy, cũng không thể phủ nhận những vết thương lòng mà bé Hồng đã phải gánh chịu. Sự tra tấn tinh thần đã khiến sức chịu đựng của cậu bé khó lòng chống đỡ. Ta có thể cảm nhận từng khoảnh khắc đơn đau của cậu bé, cậu đã trở thành tấm bia hứng chịu thay mẹ những thành kiến của người đời: “ Tôi lại im lặng cúi đầu xuống đất, lòng tôi thắt lại, khóe mắt tôi đã cay cay.” Những giọt nước mắt tủi nhục của một đứa trẻ không thể không rơi xuống, làm ta cảm thấy thật ghê sợ những loại người như bà cô đó, không tha cho ngay cả một đứa trẻ là cháu ruột của mình. Và ta cũng thấy được rằng, lòng hiếu thảo của cậu bé Hồng nói riêng và những người con nói chung, dù có phải sống trong bi kịch gia đình vẫn không hề bị dập tắt.
    Cậu bé Hồng cương quyết bảo vệ mẹ mình, bất chấp những thành kiến : “chỉ vì tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu giếm…” Có lẽ trong thâm tâm, tình yêu thương, niềm khao khát được gặp lại mẹ lúc nào cũng cháy bỏng.
    Và rồi mẹ của Hồng đã trở về. Bà trở về vào đúng ngày giỗ của chồng, để làm tròn đạo lý làm vợ, và khẳng định tư cách người vợ, người mẹ trong gia đình. Khi Hồng gặp lại mẹ sau một năm xa cách, em gọi rối rít, hai mẹ con gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Mẹ xoa đầu con, kéo tay con, con òa khóc nức nở. Con ngắm nhìn gương mặt thân yêu của mẹ, sung sướng, khi thấy mẹ vẫn tươi sáng, đôi mắt trong, nước da mịn và gò má màu hồng. Nhìn thấy mẹ như được sống trong những giây phút hạnh phúc nhất. em sung sướng ngả đầu vào cánh tay mẹ, cảm nhận cảm giác ấm áp mơn man khắp da thịt, cảm nhận mùi thơm tho từ miệng xinh xắn nhai trầu của mẹ. Có thể nói, Hồng vô cùng hãnh diện về mẹ. Mẹ mang về cho hai con nhiều quá, mẹ thật sự có một êm dịu vô cùng…
    Tình mẫu tử luôn luôn là điều gì đó vô cùng thiết tha, sâu nặng. Khi được gặp lại mẹ, bé Hồng thậ sự hạnh phúc. Em khẳng định rằng: “ Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng..”
    Khi đọc những câu văn trong chương Trong lòng mẹ, chúng ta cảm thấy thật đẹp, thật hạnh phúc. Chắc hẳn ai ai cũng nhìn thấy một phần hình ảnh của mình trong đó. Tình yêu, tình mẫu tử giữa mẹ và con là điều gì đó vô cùng thiêng liêng, êm dịu mà không một ai, không một thế lực nào có thể chia cắt được.