Phân tích đoạn thơ “Nỗi thương mình” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài : Phân tích đoạn thơ “Nỗi thương mình” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

    Bài làm:
    Nguyễn Du là một nhà văn, một tác giả lớn của dân tộc Việt Nam. Ông không chỉ được xem là đại thi hào của nước nhà, mà còn được ca ngợi là một danh nhân văn hóa thế giới. Và trong số những kiệt tác để đời của ông, không thể không nhắc đến Truyện Kiều. Tác phẩm như khiến người đọc sống cùng với nỗi bi thương, mất mát của người con gái hồng nhan nhưng bạc phận Thúy Kiều. Và trong đó, đoạn trích Nỗi thương mình là một đoạn trích làm bật được nghệ thuật độc đáo, tài tình của Nguyễn Du, cũng như cho người đọc cảm nhận rõ được nỗi cô đơn, tủi nhục, đau đớn của Thúy Kiều khi ở chốn lầu xanh.
    Đoạn trích kể về những chuỗi ngày đau xót và nước mắt tủi nhục của Thúy Kiều, sau khi nàng bán mình chuộc cha. Những tưởng được Mã Giám Sinh cưới về làm vợ lẽ, nhưng hóa ra lại là trò lừa để bán nàng vào nhà chứa của Tú Bà. Những tháng ngày nhơ nhớp của Thúy Kiều bắt đầu từ giây phút ấy. Những câu thở như vén màn cho cuộc sống mà Thúy Kiều phải trải qua:

    Biết bao bướm lả ong lơi
    Cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm
    Dập dìu lá gió cành chim
    Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.
    Một loạt những hình ảnh ẩn dụ mang tính chất ước lệ như “ bướm lả ong lơi, cuộc vui, trận cười suốt đêm…” khiến cho người đọc dễ dàng hình dung đến khung cảnh nhộn nhịp, cười đùa, những trận say suốt ngày đêm của những kẻ khách làng chơi. Đây chính xác là một chốn “mua người bán người”, bao phủ thân phận nhỏ bé của Thúy Kiều. Tác giả còn sử dụng hai điển tích về Tống Ngọc và Trường Khanh để miêu tả đến những khách làng chơi luôn sẵn sàng ở những chốn như thế này. Một chốn ăn chơi tưởng như vui vẻ, nhưng lại là nơi ngục tù hành hạ Thúy Kiều. Ở một nơi như thế, nàng cảm thấy đau đớn và xót xa:

    Khi tỉnh rượu lúc canh tàn
    Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
    Bị giam mình ở một nơi như thế, rượu chính là thứ để nàng giải sầu, để quên đi sự đau xót và tủi nhục. Nhưng chỉ là tạm quên thôi, vì đến đêm khuya khi đã tỉnh rượu, nàng lại giật mình thương mình. Điệp từ “ mình” một lần nữa được Nguyễn Du gieo vào lòng người đọc nỗi xót xa vô hạn, thương xót cho thân phận người con gái chịu nhiều khổ đau, phải nương nhờ chốn phong trần. Nàng phải chịu đày đọa thân xác nơi chốn này:

    Khi sao phong gấm rủ là
    Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
    Mặt sao dày gió dạn sương
    Thân sao bướm chán ong chường bất thân.
    Thúy Kiều tự thương lấy phận mình, tự ôm mình để mà khóc, mà sầu, mà đau. Những cuộc vui sớm nở tối tàn, người đến người đi. Nguyễn Du đã sử dụng phép ẩn dụ hình ảnh “ hoa tàn” để nói về người con gái đẹp như hoa nhưng bị chà đạp, vùi dập không thương tiếc. Ở những nơi như thế, người con gái mỏng manh, yếu đuối chắc chắn sẽ bị chà đạp. Nàng cô đơn, đau đớn tưởng như mình đã chết:

    Đòi phen gió tựa hoa kế
    Nửa rèm tuyết ngâm bốn bề trăng thâu
    Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
    Đòi phen nét vẽ câu thơ
    Cau cầm trong nguyệt nét cờ dưới hoa.
    Sống giữa chốn lầu xanh nhơ nhớp, người con gái tinh thông cầm kỳ thi họa ấy đành chỉ biết làm bạn với thơ ca, họa đàn. Và chính vì vậy nàng lại càng cảm thấy xót xa, cô đơn tủi phận. Thúy Kiều không tìm thấy đam mê, không thấy nguồn sống để tiếp tục chịu đựng. Bao phủ khắp nơi là nỗi buồn thê lương khiến cho cảnh vật cũng buồn như lòng của con người vậy. Nguyễn Du sử dụng biện pháp tả cảnh ngụ tình rất tinh tế, ông đã khắc họa một cách rõ nét và chân thực tâm trạng của Thúy Kiều, đó là nỗi buồn chồng chất, khiến cho nàng như sắp không trụ được mà gục ngã. Ngày qua ngày, nàng gồng mình để sống, sống mà như đã chết:

    Vui là vui gượng kẻo là
    Ai tri âm đó mặn mà với ai.
    Những ngày tháng nàng sống chỉ có nỗi buồn không có niềm vui. Niềm vui có đến cũng không hề trọn vẹn, đúng nghĩa mà chỉ là gượng vui để người ngoài thấy, nhưng kỳ thực trong lòng lại chẳng mặn mà với ai. Một người con gái vốn nết na, trung thực, nhân hậu, giờ đây cũng phải gượng vui để chiều khách làng chơi. Nỗi tủi sầu thật sự sâu sắc, lan tỏa sang cả cảnh vật xung quanh:

    Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
    Hai câu thơ như thể hiện rõ mối liên hệ với nhau giữa tâm cảnh và ngoại cảnh, giữa tình cảm bên trong con người và cảnh vật bên ngoài.
    Đoạn trích Nỗi thương mình của Truyện Kiều thật sự chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về quá trình tự ý thức của con người trong văn học thời kỳ trung đại. Người phụ nữ trong xã hội xưa dù luôn nhẫn nhịn, cam chịu nhưng vẫn luôn có ý thức về phẩm giá, cũng như khát khao đứng lên vì sự tự do của bản thân. Đoạn trích cũng cho ta thấy được phẩm hạnh cao quý của Thúy Kiều khi phải sống trong cảnh bùn nhơ, bị chà đạp.
    Qua đoạn trích Nỗi thương mình, Nguyễn Du khiến cho người đọc không kìm nén được cảm xúc mà xót thương cho người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh Thúy Kiều. Cũng như căm phẫn xã hội phong kiến xưa, nơi mà thân phận người phụ nữ luôn bị coi rẻ, chà đạp, không được hưởng hạnh phúc.