Phân Tích Đoạn Thơ Trao Duyên Trong Truyện Kiều Của Nguyễn Du

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài: Phân Tích Đoạn Thơ Trao Duyên Trong Truyện Kiều Của Nguyễn Du

    BÀI LÀM:
    Từ xưa đến nay, dù là bất cứ ai hay ở bất cứ đâu, khi nói đến duyên phận, người ta vẫn mặc định cho rằng đó là ý trời, trời cho thế nào, trao duyên cho ai thì người đó nhận như vậy, không có quyền lựa chọn hay cưỡng cầu. Vậy nhưng trong đoạn trích “ Trao duyên” ( Truyện Kiều), Nguyễn Du đã trao cho Thúy Kiều cái sự nhờ vả, trao duyên cho em gái của mình. Ở đoạn trích, ta sẽ thấy được sự đau xót, xúc động của Thúy Kiều khi phải tự mình nhờ cậy trao mối tình đầu của mình cho em gái Thúy Vân. Một cuộc trao duyên đầy bất hạnh, trớ trêu.
    Trong “ Trao duyên”, Thúy Kiều đã phải mang duyên của mình, tình yêu của mình đem trao cho người khác. Người đó lại chính là em gái của nàng, vậy nên nàng càng thêm phần chua xót:

    Cậy em em có chịu lời
    Ngồi nên cho chị lậy rồi sẽ thưa.
    Chỉ hai câu thơ thôi mà như chứa đựng vô vàn nước mắt của Thúy Kiều. Thúy Kiều là chị, nhưng ở trong hoàn cảnh này, nàng lại phải thưa, lạy với Thúy Vân, người em gái ruột của nàng. Trời đã trao cho nàng mối duyên với Kim Trọng, nhưng lại không cho hai người được ở bên nhau. Nàng không biết mai này mình sẽ ra sao, lại không nỡ phụ lòng chàng Kim, nên quyết định cậy nhờ Thúy Vân viết tiếp câu truyện tình còn đang dang dở ấy. Đọc câu thơ, người đọc cảm nhận được sự đau xót đến tận cùng của người con gái. Nguyễn Du dùng từ “ cậy” như một điểm nhấn trong câu thơ.
    Tiếp theo, Thúy Kiều bắt đầu nói đến những nỗi lòng của mình với em gái:

    Giữa đường dứt gánh tương tư
    Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
    Kể từ khi gặp chàng Kim
    Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
    Sự đâu sóng gió bất kỳ
    Hiểu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
    Đọc đến những câu thơ này, có lẽ từ “ cậy” không còn mang ý nghĩa là nhờ vả nữa, mà là ép buộc, buộc phải làm. Thúy Kiều đã phải hy sinh bản thân mình, vì chữ hiếu mà phụ chữ tình. Nàng thà phụ tình chứ không phụ cha mẹ, bởi nàng là một người đẹp người đẹp nết, vô cùng hiếu thảo. Bởi vậy, khi tình duyên đã đứt gánh, nàng không thể tiếp tục thì đành cậy nhờ Thúy Vân có thể thay nàng tiếp tục mối lương duyên. Và dù trao duyên, nhờ cậy em gái nhưng lòng nàng vẫn rất mực đau đớn. Bao nhiêu hẹn ước xưa kia giờ lại như là những con dao cứa vào trái tim nàng.
    Có lẽ sợ em gái từ chối, nên Thúy Kiều đã khéo léo dùng máu mủ để khiến Thúy Vân không thể chối từ nàng:

    Ngày xuân em hãy còn dài
    Xót tình máu mủ thay lời nước non
    Chị dù thịt nát xương tan
    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
    Hai chị em Thúy Kiều- Thúy Vân cũng chừng ngang tuổi nhau, đều đang ở độ tuổi đẹp nhất của người con gái. Vậy nhưng nàng lại nhắn nhủ với em rằng “ ngày xuân em còn dài”, nên hãy nghĩ đến máu mủ mà thay chị tiếp tục mối lương duyên. Còn chị có thể sẽ gặp chuyện chẳng lành, có thể thịt nát xương tan. Nhưng dù vậy, nếu được em giúp đỡ thì chị sẽ có thể “ ngậm cười chín suối”. Có thể nói, Thúy Kiều rất lương thiện, yêu và hy sinh cho những người thân yêu của mình, dù có chết cũng không chối từ. Nàng trao cho em gái mối lương duyên mà nàng trân trọng, yêu thương. Dù rất đau xót nhưng nàng không thể làm điều gì khác hơn được nữa. Và có lẽ nàng đã nghĩ đến cái chết hiện hữu ngay trước mắt trong những câu thơ sau:

    Mai sau dù có bao giờ
    Đốt lò hương ấy so tơ phím này
    Trông ra ngọn cỏ lá cây
    Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
    Hồn còn mang nặng lời thề
    Nát thân bồ liễu đèn nghỉ trúc mai
    Dạ đài cách mặt khuất lời
    Rảy xin chén nước cho người thác oan.
    Người con gái đẹp người, đẹp nết là vậy, nhưng phải sống trong xã hội bất công. Nàng không được hưởng hạnh phúc bên người mình yêu thương, mà phải trông chờ cái chết như hiện hữu trước mắt. Nhưng với nàng chết chưa phải là kết thúc. Với nàng, còn mối nợ lớn với đời, với Kim Trọng chưa thể trả hết. Nàng bất lực, không thể làm gì hơn là nhờ cậy em gái. Sự đau khổ, bế tắc trong tâm trạng của nàng, khiến cho người đọc cũng như xót xa mà đau thấu tận tâm can.
    Có thể nói, “ Trao duyên” khiến cho tất cả người đọc sẽ đều dâng trào cảm xúc, sống cùng cuộc sống bất hạnh, đau cùng nỗi đau của Thúy Kiều. Một người con gái sinh ra nhầm thời, phải chịu những nỗi đau khổ mà không ai muốn, không một lối nào để thoát ra cho thân phận người con gái trong xã hội xưa.