Phân tích đoạn trích “Trao duyên” (trích truyện Kiều của Nguyễn Du)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    “… Cậy em em có chịu lời,
    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
    Giữa đường đứt gánh tương tư,
    Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
    Kể từ khi gặp chàng Kim,
    Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.
    Sự đâu sóng gió bất kì,
    Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
    Ngày xuân em hãy còn dài,
    Xót tình máu mủ thay lời nước non.
    Chị dù thịt nát xương mòn,
    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

    • Mở bài:
    Đời Kiều là một tấm gương oan khổ. Số phận Kiều hội đủ những bi kịch của người phụ nữ. Và một trong những bi kịch lớn ấy là bi kịch tình yêu tan vỡ thể hiện rõ nhất trong đoạn trích “Trao duyên”.
    • Thân bài:
    Hai câu thơ đầu : Lời nhờ cậy.

    + Đây là lời nhờ cậy, tác giả đã đặt Thúy Kiều vào hoàn cảnh éo le để nàng tự bộc lộ tâm trạng, nhân cách của mình. Kiều buộc phải trao duyên, nàng làm như vậy là thực hiện một chuyện tế nhị, khó nói.

    + Khung cảnh “em” – “ngồi”, “chị” – “lạy”, “thưa”, ở đây có sự đảo lộn ngôi vị của hai chị em trong gia đình, diễn tả việc nhờ cậy là cực kì quan trọng, thiêng liêng, nghiêm túc =>Thúy Kiều là người khéo léo, thông minh, tế nhị, kín đáo, coi trọng tình nghĩa.

    + Kiều nhờ cậy Thúy Vân nhận lời nối duyên với Kim Trọng. Kiều đã rất tinh tế khi dùng từ “cậy” “ chịu” “lạy – thưa” để ràng buộc Vân. Cách thỉnh cầu vừa lạ lùng vừa hợp lí ấy giúp người đọc nhận ra một nàng Kiều tinh tế sâu sắc. Kiều ý thức được gánh nặng sắp trao cho em và thấu hiểu tình thế khó xử của Vân

    6 câu tiếp: Lời giãi bày nỗi lòng mình.

    – Thúy Kiều nói về hoàn cảnh éo le của mình : Kiều nói vắn tắt về mối tình đẹp nhưng dang dở với Kim Trọng. Nàng nhắc đến các biến cố đã xảy ra khiến Kiều không thể tiếp tục cuộc tình của mình.

    + Kiều nhắc nhở mối tình của mình với chàng Kim (khi gặp khi ngày khi đêm nói lên sự thề ước sâu nặng của Kiều và Kim Trọng) và Kiều đã đưa ra lí lẽ để thuyết phục em. Kiều đã lay động ở Vân tình cảm chị em ruột thịt Kiều còn dùng cái chết của mình để nói lên sự toại nguyện nếu Vân nhận lời. Lời thỉnh cầu của Kiều vừa chân thành vừa ràng buộc thiết tha.

    Bốn câu cuối: Lời thuyết phục.

    – Kiều xin em hãy “chắp mối tơ thừa” để trả nghĩa cho chàng Kim.

    – Thúy Kiều thuyết phục em nhờ vào lí lẽ : Nhờ vào tuổi xuân của em. Nhờ vào tình máu mủ chị em. Dù đến chết Kiều vẫn ghi ơn em, biết ơn sự hi sinh của em.

    – Đó là những lời nói, lí lẽ khéo léo, tinh tế làm tăng tính thuyết phục của lời nói, tạo tính chất lời nói thiết tha, kín kẽ, tế nhị. Giọng thơ khẩn khoản, cách ngắt nhịp thơ đem lại sắc thái

    – Tâm trạng của Kiều khi trao những kỉ vật tình yêu: Kiều như sống lại những kỉ niệm cũ.

    – Kỉ niệm của những ngày hạnh phúc rực rỡ trong quá khứ để rồi giật mình đau khổ khi phải chia li với những hạnh phúc ấy. Đặc biệt khi trao kỉ vật cho Vân Kiều vẫn còn lưu luyến: nửa trao nửa níu giằng xé trong tâm hồn Kiều. Lí trí tỉnh táo quyết định trao duyên cho em nhưng Kiều vẫn muốn giữ lại một chút cho riêng mình vẫn muốn hiện diện trong tình yêu của Kim Trọng.

    – Ở đây Nguyễn Du miêu tả quá trình trao duyên như một quá trình tự ý thức về bi kịch tình yêu tan vỡ của mình. Kiều tâm sự với Vân nhưng thực ra là tự bộc lộ phơi bày tâm tư tình cảm và khát vọng sâu kín của mình. Kiều đã tỉnh táo khi cầu khẩn em nhận lời nhưng rồi sau đó Kiều lại để con tim mình lên tiếng khi trao kỉ vật.

    – Miêu tả tinh tế nội tâm nhân vật. Ngôn từ chọn lọc, sử dụng nhiều biện pháp tu từ.
    • Kết bài:
    Khẩn khoản nài em nhận lời trao kỉ vật cho em lí trí Kiều bảo phải trao nhưng tình cảm thì muốn níu giữ vì trong lòng luôn khát khao hạnh phúc yêu đương: Tình yêu dù tan vỡ nhưng khát vọng về một tình yêu thủy chung son sắt không thể nào dứt đoạn
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Bài văn tham khảo:

    Phân tích đoạn trích “Trao duyên”
    Đoạn “Trao duyên” có một vị trí đặc biệt trong kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Về phương diện kết cấu, đoạn thơ đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời nhân vật chính Thúy Kiều: mở đầu cuộc đời lưu lạc, đau khổ. Về phương diện chủ đề, đoạn thơ thể hiện sâu sắc chủ đề bi kịch tình yêu tan vỡ. Về phương diện nghệ thuật, đoạn thơ chứng minh tài nghệ tuyệt vời của Nguyễn Du trong miêu tả nội tâm nhân vật.

    Tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn “Trao duyên” diễn biến qua ba chặng như ba nấc thang tâm lí. Mở đầu là những lời yêu cầu khẩn thiết của Kiều đối với Vân:

    “Cậy em, em có chịu lời,
    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”

    Hai câu thơ cho thấy Kiều vừa khẩn khoản, vừa thiết tha, vừa như đặt cả niềm tin và hi vọng vào Vân. Trong bao từ biểu đạt sự nhờ vả: nhờ, mượn, phiền,…Nguyễn Du đã chọn từ “cậy”. Phải chăng vì chỉ từ “cậy” mới hàm chứa nội dung thông báo nhờ và tin? Lại nữa, tại sao là “chịu lời” mà không phải là “nhận lời”, tại sao “chịu lời” trước rồi mới “thưa” sau? Nếu Kiều trình bày sự việc trước thì chắc gì Vân đã chịu lời. Nói “nhận lời” là đã có ý kiến của người nhận, là có sự tự nguyện của Vân. Nhưng Vân nào đã biết chuyện gì mà tự nguyện hay không tự nguyện. Do vậy phải là “chịu lời”, vì đây là việc Kiều chủ động nài ép Vân, đưa Vân vào hoàn cảnh không nhận không được. Ở đây Kiều hiểu hoàn cảnh khó xử của mình và càng hiểu hoàn cảnh khó xử của cô em gái. Cũng qua đây có thể thấy Nguyễn Du là thi sĩ thật “sâu sắc nước đời”.

    Thúy Kiều đã không quá dài lời về hoàn cảnh của mình. Những việc vừa xảy ra ai chẳng rõ. Nhưng bất hạnh của Kiều thì chỉ Vân mới là người thấu hiểu. Bởi chính Vân là người chứng kiến cả hai biến cố của đời Kiều: “Khi gặp chàng Kim” và khi “sóng gió bất kì”. Các mâu thuẫn lớn trong tâm trạng Thúy Kiều lúc này không phải là giữa hiếu và tình. Giải quyết mâu thuẫn giữa hiếu và tình, Kiều đã làm xong, tuy khó khăn nhưng dứt khoát và có phần thanh thản: “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Vả lại, nếu là chuyện chữ hiếu thì Kiều đâu phải “cậy”, phải “lạy”, phải “thưa” với cô em gái của mình; việc gá duyên, với Vân là trách nhiệm và nghĩa vụ.

    Mâu thuẫn chính được thể hiện qua đoạn trích là “mâu thuẫn giữa tình yêu lứa đôi và hạnh phúc bị tan vỡ”. Sự dở dang, tan vỡ này được thể hiện qua một câu thơ mang sắc thái thành ngữ: “Giữa đường đứt gánh tương tư”. Hình ảnh ẩn dụ “giữa đường đứt gánh” ta đã từng gặp trong ca dao. Thì ra, những đau khổ của Thúy Kiều nào có xa lạ gì với những số phận của người phụ nữ xưa. Tuy nhiên, bi kịch tình yêu tan vỡ của Kiều vẫn là đau đớn hơn bất cứ thiên tình sử nào trong văn học trước đó.

    Sau tám câu mở đầu KIều nói với Vân về nỗi bất hạnh của mình, về sự thấu hiểu hoàn cảnh khó xử của em, Kiều tiếp tục thuyết phục Vân thay nàng trả nghĩa cho Kim Trọng. Kiều nói với Vân bằng những lời tâm sự biểu hiện qua các câu thơ mang phong cách thành ngữ: “tình máu mủ”, “lời nước non”, “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”. Những lời tâm sự có tác dụng thuyết phục. Kiều ràng buộc Vân bằng tình máu mủ, lại khẩn cầu em cho mình chút vui, chút ơn, chút thơm lây vì đức hi sinh cao đẹp của em:

    “Chị dù thịt nát xương mòn,
    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”

    Vừa thuyết phục vừa ràng buộc, ràng buộc nhưng vẫn khẩn cầu, Kiều đã đạt được mục đích: nhờ Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.

    Nhưng chính lúc mục đích đạt được là lúc bi kịch tình yêu của Kiều lên tới đỉnh cao. Kiều biết Thúy Vân lấy Kim Trọng là để trả nghĩa, là do “xót tình máu mủ” chứ không phải vì “lời nước non” cho nên Kiều chỉ có thể trao duyên cho Vân, còn tình yêu, nàng đâu có dễ trao. Với tình yêu, Kiều là “người mệnh bạc”. Nàng tìm cách trở về với tình yêu bằng hai con đường: để lại kỉ vật, linh hồn bất tử.

    Kiều đã trao lại Vân những kỉ vật. Nàng những mong, bằng kỉ vật, nàng sẽ hiện diện trong tình yêu. Những kỉ vật thiêng liêng và đẹp đẽ: “Chiếc thoa với bức tờ mây”, “phím đàn với mảnh hương nguyền”. Kỉ vật đẹp đẽ bởi nó gắn liền với những ngày đẹp nhất của đời Kiều. Kỉ vật thiêng liêng bởi nó là riêng – chỉ riêng cho Kiều và Kim Trọng. Kiều không muốn trao cho người thứ ba, dù đó là em mình. Bao xót xa trong một từ “của chung”: “Duyên này thì giữ, vật này của chung”. Bao đớn đau trong một từ “ngày xưa”: “Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”.

    Hiện thực đẹp đẽ, rực rỡ vừa mới đây thôi đã trở thành quá vãng. Thời gian khách thể bị phá vỡ, nhường chỗ cho thời gian của tâm trạng. Kỉ vật còn đó mà đối với tình yêu, Kiều không hiện diện. Có nghĩa gì đâu khi “chút của tin” còn mà người thì đã mất. Con đường trở về bằng kỉ vật đã không giúp được Kiều.

    Kiều tìm đến con đường thứ hai, con đường trở về với tình yêu bằng linh hồn bất tử: “Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”. Kiều những mong bằng sự trở về ấy nàng có thể trả nghĩa Kim Trọng, nàng sẽ nhận được sự đồng cảm của người thương “Rưới xin giọt nước cho người thác oan”. Thế nhưng, như có người đã nói, nếu trong thiên tình sử xưa, giọt lệ Mị Nương rơi xuống chén trà và oan hồn Trương Chi được giải tỏa thì trong “Đoạn trường tân thanh”, giọt lệ của chàng Kim không thể làm tan mối tình oan khuất của nàng Kiều. Bởi sự trở về bằng linh hồn bất tử là sự trở về không có gặp gỡ.

    Kết thúc đoạn thơ, yếu tố bi kịch không những không giảm mà còn được đẩy lên mức cao hơn. Ấy là lúc sự trở về bằng linh hồn, sự trở về siêu hình bất lực trước những cảm nhận thực tế của người con gái họ Vương. Kiều ý thức rất rõ về cái hiện sinh, cái “bây giờ”: “Trâm gãy gương tan”, “Tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi”.

    Kiều ý thức về cái hiện hữu, cái “bây giờ” và Kiều càng thương mình. Ai nỡ trách nàng sau khi thương người, vì người, nàng đã tự thương mình. Nàng có một chút vì mình cũng không phải là vị kỉ mà vẫn là rất mực vị tha. “Vì người” thì hoàn toàn không chút bóng dáng của đau thương cá nhân. Chỉ khi mọi sự “đối với người” đều xong xuôi, bây giờ mới nhìn lại tấm lòng mình, tình cảnh mình. Nỗi đau của nàng sâu nặng biết bao” (Lê Trí Viễn).

    Tâm trạng bi kịch của Kiều càng sâu sắc khi trước sự chà đạp của số phận nàng vẫn không thôi khát vọng về một tình yêu thiết tha, vĩnh viễn: “Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”, “Trăm nghìn gửi lạy tình quân”. Sự hiện hữu của tình yêu làm Kiều quên đi sự hiện hữu của người em gái. Đang từ đối thoại với Vân, Kiều trở về độc thoại nội tâm và rồi nàng như hướng tất cả về Kim Trọng:

    “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
    Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

    Trong một câu thơ, tên Kim Trọng được gọi đến hai lần, kèm theo là những thán từ chỉ sự đớn đau, tuyệt vọng “ôi”, “hỡi”. Câu thơ trên ngắt nhịp 3/3 đọc lên như tiếng nấc, để rồi đến câu thơ dưới nhịp thơ dài ra như một lời than.

    Lời trao duyên kết thúc bằng một lời than, bằng tiếng kêu đớn đau, tuyệt vọng. Tuy nhiên, tình yêu tan vỡ nhưng khát vọng tình yêu được khẳng định. Đó là nét đẹp cao quý của tâm hồn Kiều, là giá trị nhân văn bền vững của “Truyện Kiều”. Đoạn thơ có bi kịch, đau thương nhưng không thê lương, đen tối, trái lại vẫn ngời lên ánh sáng niềm tin vào tình yêu, vào con người.

    Đoạn thơ cho ta thấy “sức cảm thông lạ lùng” (Hoài Thanh) của nhà đại thi hào dân tộc đối với những khổ đau và khát vọng tình yêu của con người. Qua “Trao duyên”, ta còn thấy bút pháp miêu tả nội tâm đặc sắc của đại thi hào.