Phân tích đoạn trích “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng.

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài : Phân tích đoạn trích “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng.

    Bài làm:
    Cảm nhận của mỗi một con người là khác nhau, không ai giống ai, ai cũng có một suy nghĩ, một cảm nhận riêng cho từng sự vật, sự việc trong cuộc sống. Với riêng tôi, văn chương là điều mà tôi luôn trân quý, giúp tôi có được cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống. Trong số những tác phẩm mà tôi đã có dịp được đọc qua, thì “ Trong lòng mẹ” của tác giả Nguyên Hồng để lại rất nhiều ấn tượng, cảm xúc sâu sắc. Ở đó tôi có thể cảm nhận được sự thiêng liêng của tình mẫu tử, tình cảm sâu sắc mà cậu bé Hồng dành cho người mẹ thân yêu của mình.
    Bố mất sớm, mẹ phải bỏ nhà đi nơi khác sinh sống, khiến cho hai anh em Hồng phải sống nhờ bà cô ruột. Những tưởng sẽ nhận được sự quan tâm chăm sóc từ người thân của mình, nhưng không, bà cô của Hồng là một người phụ nữ vô cùng độc ác, cay nghiệt. Bà cô luôn dùng những lời lẽ xấu xa để nói về mẹ Hồng, nhằm chia cắt tình cảm của hai mẹ con. Nhưng dù cho có như thế nào, Hồng vẫn hiểu được sự thật rằng, lý do mẹ phải ra đi không phải vì không chịu được vất vả, mà vì mẹ không chịu được áp lực, cũng như sự cay nghiệt của gia đình chồng dành cho mình, vậy nên bà mới phải bỏ xứ mà đi. Điều này thế hiện rằng Hồng rất tin tưởng người mẹ, tình cảm dành cho mẹ luôn khắc sâu trong tâm trí của Hồng. Hồng nhớ những ngày tháng hạnh phúc bên mẹ, được mẹ yêu thương, chăm sóc. Hồng hiểu nỗi đau của mẹ, đã đau khổ vì mất chồng rồi, lại phải chịu thêm sự cay nghiệt của gia đình chồng, nghĩ đến càng làm cho Hồng cảm thấy thương yêu mẹ của mình hơn. Nguyên Hồng đã xây dựng tâm lý nhân vật rất tinh tế, khiến cho người đọc nghẹn ngào cảm xúc bởi khi Hồng nghĩ về mẹ “ tôi chỉ im lặng, cúi đầu, khóe mắt cay cay”, cố gắng không để cảm xúc thể hiện ra ngoài, để bà cô độc ác có cơ hội mỉa mai. Thậm chí khi bà cô nói rằng, mẹ đã lén lút sinh em bé khi chưa đoạn tang chồng, bảo mẹ là người đàn bà xấu xa, lăng loàn, nhưng Hồng vẫn không để tâm, vẫn rất yêu thương mẹ.
    Nhưng dẫu có thế nào, Hồng cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ non nớt, dễ bị tổn thương. Vì thế nên khi bà cô kể thấy mẹ “ ăn vận rách rưới, xanh bủng, gầy rạc , thấy bà cô thì vội quay người đi” khiến cho Hồng cảm thấy nghẹn đắng. Đứa bé là Hồng cuối cùng cũng không chịu đựng được nữa, tất cả những gì đã kìm nén bấy lâu dường như muốn thoát hết ra ngoài khi em nghĩ rằng: “ giá những hủ tục đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ lấy mà nhai mà cắn, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi.” Chỉ bằng những ngôn từ đơn giản nhưng rõ ràng và có góc cạnh, tác giả thật sự thành công khi diến tả tâm lý của Hồng, một đứa trẻ chịu nhiều tổn thương trong tâm hồn.
    Đến khi Hồng được gặp lại mẹ của mình, tác giả lại để cho giọng văn trở nên nhẹ nhàng hơn, đó là một cảnh gặp gỡ đầy xúc động của hai mẹ con bé Hồng sau một thời gian dài xa cách. Có thể nói đoạn văn này như là mạch cảm xúc chính của tác phẩm, bởi đây như là mấu chốt để cởi bỏ nút thắt trong tác phẩm, mọi thứ không còn quan trọng ngoài tình yêu thương. Khi Hồng thấy một người đàn bà giống mẹ của mình, tình yêu của Hồng như chực trào dâng bằng tiếng gọi:
    – Mợ! Mợ ơi!”
    Tất cả những tình cảm dồn nén bấy lâu nay giờ đây đã được bật ra thành tiếng. Tiếng gọi như đứt từng khúc ruột gan, từng cảm xúc của người đọc. Vậy nhưng Hồng lại liên tưởng rằng nếu không phải mẹ mình thì sẽ thế nào? “ Cái lầm đó không những làm tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, khác gì cái áo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc.” Ai trong hoàn cảnh này, có lẽ đều sẽ rơi vào đau khổ, tuyệt vọng như vậy, bởi lẽ Hồng đã phải chờ quá lâu để được gặp lại mẹ.
    Rồi tất cả tình cảm của Hồng cũng được đền đáp. Giây phút Hồng sà vào lòng mẹ khiến cho người đọc vô cùng cảm động. Và chính vì khoảnh khắc tuyệt vời đó, nên tác giả đã dùng những từ ngữ đẹp đẽ, dịu dàng nhất: “ Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy mẹ có một êm dịu vô cùng.” Đọc đến đây, chắc chắn ai cũng sẽ cảm thấy rưng rưng, bởi tình mẫu tử đẹp đẽ và thiêng liêng quá. Một cuộc gặp gỡ sau bao ngày xa cách, khiến cho tình cảm mẹ con trở nên đẹp đẽ hơn, những gì chờ đợi bấy lâu nay đã được đền đáp, bởi không gì có thể ngăn cảm được tình yêu thương của mẹ con dành cho nhau.
    Nguyên Hồng bằng những lời văn nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, cùng với cách diễn tả tâm lý nhân vật sâu sắc, ông đã khiến cho người đọc cảm thấy xúc động, nghẹn ngào và không thể nào quên được. Ai cũng sẽ phải cảm thấy rưng rưng, và thêm trân trọng tình mẫu tử khi đọc “ Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng.