Phân tích giá trị tuyên ngôn độc lập trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài : Phân tích giá trị tuyên ngôn độc lập trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi

    Bài làm:
    Đối với người dân Việt Nam ta, từ xưa đến nay trong tiềm thức ai cũng đều cho rằng bài thơ “ Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt chính là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước. Còn tác phẩm “ Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi có lẽ được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai. “ Bình ngô đại cáo” như một khúc tráng ca hùng hồn, bất diệt, lời lẽ hào hùng, dứt khoát, như để khẳng định chắc chắn về độc lập chủ quyền của đất nước Việt Nam ta.
    Mở đầu bài cáo, từng câu chữ vang lên dõng dạc, mạnh mẽ:

    Như nước Đại Việt ta từ trước
    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
    Nguyễn Trãi dùng từ “ như nước ta từ trước” ở đây, có lẽ là do trước đây trong Nam Quốc Sơn Hà, Lý Thường Kiệt đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Lãnh thổ mà Lý Thường Kiệt khẳng định là do trời đất đã định, còn Nguyễn Trãi lại dựa vào nhân định. Hai con người ở hai thời đại khác nhau, tư tưởng cũng có phần khác nhau. Nguyễn Trãi nhấn mạnh thêm rằng, độc lập của nước ta đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt, chứ không phải tự nhiên mà có. Đó là công lao, sức lực của bao đời, bao con người, không phải tự nhiên mà có được.

    Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
    Chủ quyền, lãnh thổ của nước ta có được cũng là nhờ sự cống hiến của toàn thể nhân dân, của mấy nghìn năm lịch sử đi qua bao đau thương, mất mát. Dù có rất nhiều khổ đau, chiến tranh, nhưng tất cả nhân dân vẫn đồng lòng đồng sức, cống hiến, hy sinh tất cả những gì có thể. Có thể thấy, ý chí chiến đấu bảo vệ chủ quyền của người dân Việt Nam là vô cùng to lớn, mãnh liệt, được lưu giữ từ bao đời nay. Tất cả những điều đó đã làm động lực để Nguyễn Trãi có thể mạnh mẽ hô vang:

    Xã tắc từ đây vững bền
    Giang sơn từ đây đổi mới
    Kiền khôn bỉ mà lại thái
    Nhật nguyệt hối mà lại minh.
    Lời thơ tưởng chừng như chùng xuống, nhưng lại rất có sức nặng, sự ảnh hưởng đối với người đọc. Đất nước ta, con dân Việt Nam ta đã phải đánh đổi rất nhiều, qua bao nhiêu đau thương mất mát, mấy nghìn năm đô hộ, xâm lược. Nhưng sau tất cả, đó chính là một giang sơn đổi mới và vững bền. Hình ảnh bao la của vũ trụ là càn khôn, nhật nguyệt đã được Nguyễn Trãi sử dụng để nói hết lên được sự trường tồn, vững mạnh của quốc gia.
    Bao chiến công vang dội, gây dựng nên một nền độc lập tự chủ như vậy, nhưng Nguyễn Trãi không hề tự cao, mà ông khẳng định đất nước ta độc lập, hưng thịnh là nhờ công lao, sự hy sinh của những thế hệ đi trước:

    Âu cũng nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng
    Ngầm giúp đỡ mới được như vậy.
    Một sự biết ơn rất sâu sắc và tinh tế. Tất cả những gì đất nước có được như ngày hôm nay đều là nhờ tổ tiên trên trời cao linh thiêng giúp đỡ. Câu thơ như để nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta bao đời nay.
    Có thể nói, “ Bình ngô đại cáo” chính là bản tuyên ngôn độc lập mạnh mẽ, hào hùng, khẳng định chủ quyền cũng như sự tự tôn, hưng thịnh của đất nước ta.