Phân Tích Hình Tượng Người Đàn Bà Trong Chiếc Thuyền Ngoài Xa của Nguyễn Minh Châu

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài: Phân Tích Hình Tượng Người Đàn Bà Trong Chiếc Thuyền Ngoài Xa của Nguyễn Minh Châu

    Bài làm:
    Nhà văn Nguyễn Minh Châu ( 1930- 1989) là một nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, vào giai đoạn cuối thế kỷ 20. Văn của Nguyễn Minh Châu luôn chú trọng đến yếu tố thật, miêu tả rõ nét từng nhân vật, hoàn cảnh, nội tâm của nhân vật. Ông đã mang đến rất nhiều tác phẩm hay, có giá trị nhân văn sâu sắc cho người đọc. Tiêu biểu trong đó phải kể đến tác phẩm “ Chiếc thuyền ngoài xa”. Tác phẩm được in trong tập Bến Quê xuất bản năm 1985, đã rất thành công khi xây dựng hình ảnh người đàn bà hàng chài, hiện thân của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vất vả, lam lũ nhưng lại giàu đức hy sinh.
    Hình ảnh người đàn bà hàng chài hiện lên trong phần sau của tác phẩm, là nhân vật trong câu chuyện của một nhiếp ảnh tên Phùng. Nguyễn Minh Châu phác họa nên một “người đàn bà chạc ngoài 40, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt, khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt, dường như đang buồn ngủ”. Đọc những dòng này, ấn tượng mạnh với người đọc là sự nhọc nhằn, khổ sở hiện lên rõ ràng qua vẻ ngoài của người đàn bà ấy. Rồi người đàn bà hàng chài tiếp tục gây đau xót cho người đọc qua lời miêu tả “tấm áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng”. Giữa một vùng biển bao la, rộng lớn, lại có thể xuất hiện một người phụ nữ khốn khổ đến nhường này. Có thể thấy, xuyên suốt toàn bộ câu truyện, chúng ta không hề biết đến tên của người đàn bà ấy, nhân vật khi thì được gọi là người đàn bà hàng chài, khi thì mụ, lúc thì lại chị ta…Có lẽ không phải tác giả không muốn đặt tên cho người đàn bà ấy, mà ý của tác giả ở đây, là muốn khắc họa chung những người đàn bà khốn khổ, lam lũ nơi vùng biển nói riêng, và trên đất nước Việt Nam nói chung.
    Người đàn bà hàng chài có ngoại hình xấu xí như vậy, nhưng số phận dường như cũng không khá hơn. Phải chăng những bất hạnh của cuộc đời đều đổ hết lên người đàn bà ấy, một số phận bất hạnh và đầy bi kịch. “Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa…. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới.” Là đàn bà, đáng ra chị phải được yêu, được hạnh phúc, nhưng chỉ vì xấu, mà không ai lấy, rồi trao thân cho một người đàn ông hàng chài.
    Người đàn bà hàng chài ấy không chỉ vất vả, lam lũ vì cuộc sống mưu sinh, đã nghèo lại phải nuôi một đàn con, mà còn phải chịu bất hạnh khi người chồng thường xuyên hành hạ, đánh đập “ ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng…cứ khi nào lão thấy khổ qua là lại lôi chị ra đánh để trút giận, như đánh một con thú, với lời lẽ cay độc.” Cuộc sống khốn khổ đến thể nhưng chị vẫn nhẫn nhục, cam chịu, “ không kêu la, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn.” Có lẽ chị coi việc mình bị đánh như một sự việc rất bình thường của cuộc sống.
    Có thể thấy, người đàn bà này có một số phận thật sự bi kịch, nhưng ẩn bên trong bi kịch ấy, là một người phụ nữ có đầy đủ những phẩm chất cao đẹp, giàu đức hy sinh. Chị rất yêu thương các con của mình “ vui nhất là lúc thấy bọn trẻ được ăn no”. Vì thương con, chị sẵn sàng van xin cho người chồng vũ phu “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, nhưng đừng bắt con bỏ nó”. Lý do nghe ra thì tưởng chừng đơn giản, chỉ vì chị biết sự khó khăn trên biển, lo sợ cuộc sống không có người đàn ông trên thuyền, cần một người đàn ông khỏe mạnh, để còn lo cho cuộc sống, lo cho các con của mình. Thật là một sự cam chịu, nhẫn nhục nhưng thật đáng cảm thông.
    Chị thương con, thương thằng Phác. Chị gửi nó ở nhà ngoại để nó không nhìn thấy cảnh bố đánh mẹ, lo rằng nó sẽ nông nổi mà làm việc dại dột. Không chỉ thế, khi bị chồng đánh, vì không muốn các con tổn thương, chị còn xin chồng đưa mình lên bờ để đánh “Sau này, con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão…đưa tôi lên bờ mà đánh”. Người đàn bà ấy chỉ muốn mình đau đớn là đủ, để các con được bình yên. Tình mẫu tử thiêng liêng của người phụ nữ bộc lộ rõ ở người đàn bà này, dù trong hoàn cảnh đầy đau đớn, xót xa.
    Dù vậy, chúng ta vẫn thấy ở người đàn bà hàng chài sự bao dung, nhân hậu, thiện lương. Dù bị chồng đánh đập vũ phu như thế, nhưng khi có cơ hội, vẫn nói tốt cho chồng. Trong mắt chị, người chồng ấy từng là “ người con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Chị hiểu được nỗi khổ của chồng. Rằng người chồng đó cũng chỉ là bi kịch của cuộc sống. Vì mưu sinh, vì nghèo, vì đẻ nhiều con…nên lão mới trở nên như vậy. Bản chất tốt nhưng do cuộc sống khiến hắn trở nên cục cằn, hung dữ, hắn đánh vợ chỉ để giải tỏa sự khổ sở của mình. Qua đây có thể thấy, một lần nữa phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ được mô tả rõ rệt, đó là sự bao dung nhân hậu.
    Người đàn bà ấy dù có một số phận đau khổ, xấu xí, ít học, nhưng lại rất sắc sảo. Biết đâu là tốt đâu là xấu, biết hy sinh vì con, “ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Dù trong khổ đau, nhưng người đàn bà hàng chài này vẫn biết chấp nhận mà không oán trách số phận. Lấy niềm vui, hạnh phúc của con làm niềm vui, hạnh phúc cho mình.
    Thật vậy, từ câu chuyện về người đàn bà hàng chài, tác giả đã miêu tả rõ nét, sâu sắc nhất, một cái nhìn đầy nhân văn, về con người, về cuộc đời. Ông đã đề cao được phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật người đàn bà hàng chài, đó là lòng nhân hậu, sự bao dung, và đặc biệt là luôn hy sinh bản thân vì con của mình.