Phân tích người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ qua đoạn trích Quang Trung đại phá quân Thanh (Hồi thứ 14, Hoàng Lê nhất thống chí)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    “Hoàng lê nhất thống chí” là một bộ tiểu thuyết lịch sử vĩ đại được viết bằng chữ Hán của gia tộc họ Ngô. Đây là một tác phẩm văn học có quy mô lớn nhất và đạt được những thành công xuất sắc cả về nội dung phản ánh lẫn nghệ thuật biểu đạt. Đoạn trích “Quang Trung đại phá quân Thanh” tái hiện một sự kiện lịch sử trọng đại: cuộc tiến quân thần tốc ra Thăng Long và chiến thắng vĩ đại của quân ta dưới sự chỉ huy của Quang Trung; đồng thời đoạn trích còn thể hiện sự thảm bại của quan quân nhà Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống. Nổi bậc lên trong đoạn trích là hình tượng người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ.
    • Thân bài:
    Dù đứng trên lập trường ủng hộ nhà Hậu Lê nhưng các tác giả đã dành nhiều sự trân trọng đối với lực lượng Tây Sơn mà tiêu biểu là Nguyễn Huệ. Ông được mô tả là một “anh hùng hào kiệt”, “dũng mãnh và có tài cầm quân”. Tài năng và phẩm chất của Quang Trung Nguyễn Huệ được miêu tả khá chi tiết, thể hiện bản lĩnh của một thiên tài đất Việt, đại diện cho chính nghĩa và tinh thần dân tộc sâu sắc.

    Trước hết ở Nguyễn Huệ ta thấy đó là một con người hành động với tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, cương nghị. Trong mọi tình huống, Nguyễn Huệ luôn xông xáo, giải quyết nhanh gọn, hành động có chủ đích và rất quả quyết. Điều đó thể hiện qua từng thái độ, từng hành động của nhân vật.

    Đóng vai người lính Tây Sơn kể lại cuộc hành quân thần tốc và những chiến công hiển hách của Quang Trung Nguyễn Huệ
    Nhận được tin giặc chiếm Thăng Long, quân Tây Sơn mất cả một vùng đất rộng lớn ông không hề nao núng nhưng “giận lắm”,”định thân chinh cầm quân đi ngay”. Nhờ tướng sĩ can ngăn, ông lấy lại bình tĩnh, mở cuộc luận bàn kế sách đánh giặc. Sau khi kế hoạch diệt giặc đã chu tất, ông nhanh chóng tiến hành. Chỉ trong vòng hơn một tháng, Nguyễn Huệ đã làm rất nhiều việc lớn: tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế để “chính vị hiệu”,”giữ lấy lòng người”, chiêu mộ nhân tài ra giúp nước. khi tiến quân, ông tự mình “đốc suất đạo binh” ra Bắc.

    Đi đến đâu, ông chiêu mộ binh sĩ đến đó. Chính sách cũng hết sức hài hòa, lấy dân làm gốc, không bao giờ cưỡng bách dân chúng. Nguyễn Huệ có tinh thần trọng dụng nhân tài, quý trọng hiền sĩ. Nghe tin đất Hà Tĩnh có cao nhân Nguyễn Thiếp, ông năm lần bảy lược đến thỉnh cầu, thực tâm mời Nguyễn Thiếp ra giúp sức. Trước khi tiến quân đến Bắc Hà, ông tổ chức tổng lực duyệt binh, củng cố đội hình, ra hịch chiêu dụ tướng sĩ, nâng cao tinh thần sĩ khí, quyết tâm diệt giặc xâm lăng. Có thể nói, mỗi hành động của Quan Trung Nguyễn Huệ đều rất quả quyết, mạnh mẽ phi thường khiến cho tướng sĩ tin tưởng hết sức.

    Quang Trung Nguyễn Huệ còn tỏ ra là con người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén trước thời cuộc. Sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc, thế tương quan giữa ta và địch. Trong lời phủ dụ quân sĩ ở Nghệ An, ông nêu rõ điều đó. Nguyễn Huệ đã khẳng định chủ quyền của dân tộc (đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng) và lên án hành động xâm lăng phi nghĩa, trái đạo trời của quân Thanh, nêu bật dã tâm của chúng (bụng dạ ắt khác…cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải).

    Để nêu cao nghĩa khí, khơi bừng niềm tự hào dân tộc và ý chí xả thân vì nước, ông nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, kêu gọi quân lính đồng tâm hiệp lực trong trận chiến đấu sống còn, ra kỉ luật nghiêm, thề quyết thắng kẻ thù. Lời phủ dụ có thể xem như một bài hịch ngắn gọn mà ý tứ phong phú, sâu xa, nó tác động, kích thích lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc.

    Nguyễn Huệ rất sáng suốt trong việc xét đoán và dùng người. Phẩm chất này thể hiện qua cách xử trí vừa có lí vừa có tình với các tướng sĩ. Khi Sở và Lân mang gươm đến chịu tội vì để giặc chiếm vùng Tam Điệp. Ông giận lắm nhưng vì hiểu tường tận năng lực của bề tôi, nắm được thế giặc nên khen chê đúng người đúng việc.

    Nguyễn Huệ là người có ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng. Mới khởi binh, chưa lấy được tấc đất nào, vậy mà Quang Trung đã tuyên bố chắc nịch “phương lược tiến đánh đã có sẵn”, “Chẳng qua mươi ngay có thể đuổi được người Thanh”. Đó là niềm tin của người dũng tướng phi phàm đã nắm rõ thời cuộc, nhìn thấy thế thắng thua, có tầm nhìn vượt thời đại, thật hiếm có trên đời.

    Ông còn nghĩ xa đến việc chính sách ngoại giao của ta sau cuộc đại chiến: phương Bắc nước “lớn gấp mười nước mình”, bị thua một trận “ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù” khiến việc binh đao không bao giờ dứt nên sau chiến thắng để có thời gian “yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng”, làm cho nước giàu quân mạnh. Đó là trí tuệ của bậc quân vương biết lo xa, nhìn rõ toàn cục, định liệu như thần.

    Nguyễn Huệ là người có tài dụng binh như thần. Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, hiếm thấy một vị tướng nào điều binh khiển tướng gọn nhanh và hiệu quả như ông. Cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn do đích thân vua Quang Trung chỉ huy. Từ Thanh Hóa ra đến Bắc Hà, vừa đi, vừa nghỉ với khí giới, quân trang, quân dụng nặng nề lại vừa phải đánh giặc phá thành, chiếm đóng, thế mà Quang Trung ấn định trong bảy ngày.

    Tài điều binh khiển tướng, xây dựng lực lượng của Nguyễn Huệ xưa nay hiếm thấy. Với đội quân hùng hậu, đủ cả tiền, hậu, tả, hữu nhưng dưới sự chỉ huy của Quang Trung đội hình hết sức chỉnh tề, tất cả nghiêm khắc tuân thủ đội hình, hành binh đúng kế hoạch. Phương thức đánh giặc hết sức sáng tạo và hiệu quả. Tổ chức, triển khai quân lực hợp lý, ít hao tổn cả người và của. Ông sáng tạo cách đánh nghi binh, thị uy mới mẻ, khiến cho quân giặc bất ngờ, trở tay không kịp, giày xéo lên nhau mà chết. Trận Hạ Hồi không cần đánh mà quân giặc đã tan rã bỏ thành. Trận Ngọc Hồi tiến đánh thần tốc chớp nhoáng. Thật chẳng khác nào Gia Cát Lượng thần trí năm xưa.

    Nguyễn Huệ còn là người ngoan cường, lẫm liệt trong chiến trận. Hoàng đế Quang Trung thân chinh cầm quân không phải trên danh nghĩa mà là một tổng chỉ huy chiến dịch thực sự. Ông đích thân nắm đại binh, vừa hoạch định chiến lược, sách lược, vừa trực tiếp tổ chức quân sĩ, bài binh bố trận, vừa tự mình thống lĩnh một mũi tiến công, cưỡi voi đi đốc thúc, xông pha nơi trận tiền.

    Dù không phải là đội quân thiện chiến, không được rèn luyện lâu dài lại vừa trải qua cuộc hành binh xa xôi vậy mà dưới sự lãnh đạo của ông, toàn quân đi đến đâu đánh thắng đến đó. Hình ảnh người thủ lĩnh ấy đã làm quân sĩ nức lòng, tạo niềm tin quyết chiến quyết thắng, đồng thời khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía, rơi vào cảnh đại bại nhanh chóng.

    Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ được khắc họa thật lẫm liệt phi thường như một người anh hùng trong sử thi. Trong cảnh khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì nhà vua cưỡi voi đốc thúc, xông vào trận mạc, tả xông hữu đột, áo bào sạm khói súng, uy nghĩ, lẫm liệt vô cùng.

    Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả “Hoàng lê nhất thống chí” đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống. Điều cần nhấn mạnh là quan điểm phản ánh hiện thực của các tác giả tôn trọng sựu thật lịch sử và con người anh hùng thời đại ở những trí thức Ngô gia.

    Dù Ngô gia có chịu ơn sâu của nhà Lê, ý thức trung quân không thể lấn át ý thức trách nhiệm của họ trước thời cuộc. Mặt khác, nó còn cho thấy, dù là cựu thần triều Lê nhưng các ông đã thấy rõ sự mục nát và sự hủy diệt tất yếu của nó, thấy rõ chính nghĩa và thế tất thắng của nghĩa quân Tây Sơn. Bởi thế, họ đã dành những trang viết đẹp nhất về người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ, một vị minh quân của tương lai.

    “Hoàng Lê nhất thống chí” có lối trần thuật đặc sắc, vừa kể chuyện vừa xen lẫn miêu tả sinh động cụ thể, gây được ấn tượng mạnh mẽ. Những sự kiện lịch sử diễn biến gấp gáp, khẩn trương qua từng mốc thời gian, tái hiện thành công các sự kiện và các nhân vật lịch sử. Miêu tả cụ thể từng hành động, lời nói của nhân vật chính, từng trận đánh và những mưu lược tính toán cũng hết sức chi tiết, tỉ mỉ.
    • Kết bài:
    Hình ảnh người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ được khắc họa khá đậm nét, có tính cách quả cảm, mạnh mẽ, có trí tuệ sáng suốt, có tài dụng binh như thần, là người có tổ chức và là linh hồn của những chiến công vĩ đại. Các tác giả họ Ngô đã rất tôn trọng lịch sử và dành nhiều thiện cảm đối với Quang Trung Nguyễn Huệ dù đứng ở phía đối nghịch. Trong lịch sử, hiếm có người được như thế