Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài : Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân

    BÀI LÀM:
    Nhà văn Kim Lân là một nhà văn nổi tiếng của nền văn học hiện thực Việt Nam. Ông được xem là nhà văn của làng quê Việt Nam với những sáng tác luôn chạm đến trai tim người đọc bằng sự giản dị, gần gũi. Tác phẩm Vợ Nhặt của ông được sáng tác trong bối cảnh đất nước lầm than, nạn đói hoành hành năm 1945. Thành công của tác phẩm chính là nhờ sự thành công trong việc khắc họa nhân vật của tác giả. Nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo, khắc khổ nhưng giàu tình yêu thương là một nhân vật được khắc họa rất thành công.
    Bà cụ Tứ không xuất hiện ở đầu tác phẩm mà là ở giữa tác phẩm. Cái nghèo đói, cái khốn khổ đến thê lương của xóm nghèo ngụ cư được tác giả đẩy lên đầu, làm đòn bẩy để làm bật lên hình ảnh bà cụ Tứ. Người mẹ nghèo là bà cụ Tứ xuất hiện trong hoàn cảnh trớ trêu, khi con trai nhặt được vợ và đưa về nhà. Tâm lý của bà thay đổi liên tục từ đó, khi có một người phụ nữ lạ mặt xuất hiện, làm thay đổi cuộc sống của mẹ con bà.
    Bà cụ Tứ được Kim Lân miêu tả là một người mẹ khắc khổ, nghèo đói đến cùng cực, nhưng cũng có những suy nghĩ rất riêng. Qua lời kể của tác giả, bà xuất hiện rất rõ nét: “ Từ ngoài rặng tre, bà lọng khọng đi vào. Tính bà vẫn thế, vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì tỏng miệng. Nhưng hôm nay khác, thấy mẹ, Tràng reo lên như một đứa trẻ và gọi ới vào trong nhà: U đã về đấy! Anh con trai lật đật chạy ra đón mẹ từ ngoài cổng và trách sao bà về muộn.” Hình ảnh cụ bà già nua, động tác không còn nhanh nhẹn nữa mà đi lọng khọng vào nhà khiến cho không khí trở nên thê lương đến não nề.
    Khi nhìn thấy người đàn bà lạ mặt ngồi trong nhà mình, hàng loạt câu hỏi đã nảy ra trong đầu bà. Ai ấy nhỉ? Bà chưa gặp bao giờ? Sao lại chào mình bằng u? BÀ hấp hãy cặp mắt cho đỡ nhoèn, nhìn kỹ người đàn bà lạ mặt đó lần nữa nhưng cũng chưa nhận ra là ai. Bà cụ liền quay sang nhìn con trai, tỏ ý không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Trong hoàn cảnh như vậy, người mẹ ấy làm sao có thể không ngạc nhiên. Bởi bà thương con, bà thương mình và thương người đàn bà lạ mặt kia. Ở bên ngoài kia, ngay trong cái xóm ngụ cư này, người chết đói như ngả rạ, nạn đói hoành hành, mẹ con bà đến miếng ăn của bản thân còn lo chưa xong, nay lại rước thêm người về, sao bà có thể không lo?
    Bà càng nghĩ càng thấy tủi, thấy thương cho thân phận con trai mình. Bởi lẽ thường người ta sẽ dựng vợ gả chồng cho con vào lúc gia đình ăn nên làm ra, có của ăn của để. Còn con trai bà thì ngược lại, nhặt được vợ trong lúc gia cảnh đang thiếu thốn đến cùng cực. Bà thương mình bao nhiêu thì càng thương cho con trai của bà bấy nhiêu, bởi bà tự trách bản thân không thể lo cho con được cuộc sống ấm no, đầy đủ như những người khác. Hơn thế nữa, bà cũng thương người đàn bà kia, con dâu mới của bà. Người ta có lẽ cũng vì không còn gì để mất nên mới theo con trai bà về nhà. Từng dòng suy nghĩ, từng nỗi lo lắng của bà khiến cho người đọc cảm thấy thương cảm, xót xa nhưng cũng đành bất lực, bởi ở trong cái xã hội bấy giờ, thân phận con người ta là như thế đấy. Từng câu chữ, từng hình ảnh được Kim Lân khắc họa rất thành công, hình ảnh bà cụ Tứ gây ám ảnh đến xót xa trong lòng người đọc.
    Ngay sau đó, tâm lý của bà cũng thay đổi đột ngột. Bà dường như đã chấp nhận nàng dâu mới, chấp nhận người vợ được con trai nhặt về. Điều này đồng nghĩa với việc bà chấp nhận thêm một mối lo, thêm cái đói, cái khổ. Bà cụ Tứ dặn dò các con của mình theo cái cách khiến cho ai cũng phải cảm động: Nhà ta nghèo liệu mà bảo nhau làm ăn. Khi Tràng bước dài ra sân, bà lại nhẹ nhàng động viên cô dâu mới: Rồi may ra ông trời cho khá…Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Rồi ra thì con cái chúng mày về sau.” Mỗi lời nói đầy tình cảm của bà khiến cho vợ chồng của Tràng vô cùng cảm động, thấm thía. Lúc này đây, bà đã chấp nhận nàng dâu mới, chấp nhận cả những gánh nặng mới mà gia đình bà sẽ phải đương đầu và vượt qua.
    Bà thương con dâu, chia sẻ tâm tình để người ta yên lòng. Rằng nếu có thì cũng làm dăm ba mâm nhưng nhà mình nghèo nên động viên con dâu cố gắng. Điều này chứng tỏ bà có sự đồng cảm sâu sắc với nàng dâu. Hai người phụ nữ nghèo với nhau có sự đồng cảm, sẽ gắn kết họ trong mối quan hệ gia đình.
    Cái đói nghèo hoành hành như vậy không lo sao được. Bà cụ Tứ thật đáng thương, những con người sống trong hoàn cảnh đó cũng thật đáng thương hơn bao giờ hết.
    Sau đêm tân hôn đầu tiên của nàng dâu mới. Bà đã mang đến cho hai con một “ nồi cháo cám”. Hình ảnh này là một hình ảnh vô cùng đắt giá, chạm đến trái tim người đọc, khiến cho người đọc phải rơi nước mắt. Nồi cháo cám không chỉ có giá trị thực nữa, mà là đại diện của tình yêu thương con, lòng bao dung cùng sự hy sinh lớn lao của người mẹ nghèo dành cho các con của mình. Hình ảnh đắt giá làm sáng bừng lên cả câu truyện, sáng bừng lên nhân phẩm, lòng vị tha, bao dung cũng như yêu thương con của bà cụ Tứ.
    Cùng với nồi cháo cám, bà cụ Tứ rất vui. Bà kể toàn chuyện vui cho các con nghe. Bà mang đến cho các con một niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đợi ở phía trước. Có thể nói, tình yêu giữa người với người, giữa người mẹ nghèo dành cho các con trong hoàn cảnh cùng cực, cùng sự hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của mẹ con bà thật đáng ngưỡng mộ.
    Thật vậy, bà cụ Tứ được Kim Lân khắc họa thật rõ nét. Hình ảnh một người đàn bà nghèo đói, khắc khổ, nhưng tình yêu, lòng bao dung vô bờ bến dành cho các con thì không bao giờ ngừng. Cùng với đó là niềm hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn dành cho các con của bà, khiến cho người đọc cảm động và ghi đậm dấu ấn trong tâm trí.