Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài : Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

    Bài làm:
    Trong những tác phẩm nổi bật của nhà văn Kim Lân, “ Vợ nhặt” là tác phẩm khắc họa rõ nét nhất nạn đói, cũng như sự cùng cực của nhân dân trong giai đoạn năm 1945. Giữa hoàn cảnh gian khổ, cùng cực như vậy, nhưng những con người khi đó vẫn giàu tình yêu thương qua ngòi bút của Kim Lân. Điển hình là nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ khổ đau nhưng giàu lòng bao dung cũng như tình yêu thương dành cho con của mình.
    Nhân vật bà cụ Tứ không được tác giả miêu tả từ đầu tác phẩm. Bà cụ Tứ xuất hiện khi anh cu Tràng dẫn người vợ nhặt về nhà giới thiệu với bà. Sự yêu thương của người mẹ này dành cho con biểu hiện ngay từ giây phút ấy. Bà cụ Tứ được Kim Lân miêu tả là một người phụ nữ già nua, khắc khổ, sự nghèo đói hiện lên qua cái dáng lòng khòng, khập khiễng bước từ ngoài cổng vào. Hình dáng của bà được miêu tả với những từ ngữ nhấp nháy mắt, lập khập bước đi, lễ mễ… khiễn cho trong mắt người đọc, đây là một người phụ nữ đã già yếu, không còn nhanh nhẹn nữa. Bà cụ ấy sống trong một xóm ngụ cư nghèo đói, xơ xác, khiến ai nấy hình dung đều không khỏi xót xa.
    Bà xuất hiện khi Tràng đưa vợ về nhà, nhưng nét tính cách cùng tình cảm yêu thương bà dành cho con đã khiến cho người đọc cảm thấy vô cùng ám ảnh và xúc động. Khi bà cụ Tứ nhìn thấy một người phụ nữ lạ mặt xuất hiện ở nhà mình, bà cảm thấy khó hiểu, không biết đây là ai. Nhưng khi biết được sự tình, rằng con mình đã nhặt được vợ, bà cũng không hề lớn tiếng xua đuổi hay làm điều gì quá đáng. Bà lặng lẽ chấp nhận cái sự đã rồi ấy. Bởi bà thương con trai mình, và thương cả người phụ nữ được nhặt về kia.
    Bà lo lắng, không biết chúng nó có sống nổi qua ngày không? Người mẹ nghèo ấy, dù trong cảnh đói nghèo cùng cực thì vẫn giàu tình thương yêu, lo lắng cho các con của mình. Khi con trai lấy vợ, đáng ra bà rất vui, nhưng bà cũng cảm thấy tủi vì nghĩ đến việc “ người ta có gặp lúc khó khăn đói khổ này mới lấy con mình, con mình mới có vợ được”. Sự thật nghiệt ngã đến đau lòng nhưng chính điều này khiến cho bà thương con trai, con dâu của mình hơn.
    Bà cũng là người phụ nữ rất hiểu chuyện, biết điều. Bà không hề than vãn, trách móc các con bất cứ điều gì, chỉ nhẹ nhàng khuyên răn các con: “ Vợ chồng chúng mày lo mà làm ăn, rồi trời thương. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời bao giờ đâu.” Giữa cảnh đói nghèo, trong hiện thực nghiệt ngã, nhưng bà không than vãn mà vẫn động viên các con. Đây là điều mà không phải ai cũng có thể làm được, nhất là trong hoàn cảnh đó. Nhờ có sự động viên, an ủi của bà cụ Tứ, mà Tràng và vợ mới cảm thấy như có thêm động lực, có thêm tinh thần trong cái cuộc đời đầy u tối của bản thân. Bà thật sự là một người mẹ, một người phụ nữ tuyệt vời, hết lòng với các con của mình.
    Vào buổi sáng đầu tiên khi anh cu Tràng lấy vợ, hình ảnh bà cụ Tứ “ xăm xăm trong vườn” khiến cho người đọc rất xúc động. Hình ảnh ấy như nói lên rằng, bà cũng đang cố gắng vun đắp hạnh phúc cho các con của mình.
    Hình ảnh “ nồi cháo cám” xuất hiện ở bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới, không chỉ khiến cho vợ chồng Tràng cảm động, mà người đọc chắc chắn cũng sẽ rơi nước mắt. Giữa cái nghèo đói như vậy, thì bát cháo đắng chát cũng khiến cho lòng người trở nên nghẹn ngào và đầy cảm xúc. Hình ảnh này mang tính ám ảnh và nghệ thuật rất lớn, có sức đả kích, lan tỏa, neo giữ thật sâu trong tâm trạng người đọc.
    Và bà đã mang đến niềm vui cho con trai, con dâu của mình bằng chính tâm trạng vui tươi, niềm nở. Bà nói với con: “Cháo cám đấy. Ngon đáo để. Trong xóm mình khối nhà còn không có mà ăn.” Niềm hân hoan, sự vui vẻ của bà cụ Tứ như sáng bừng lên sự tăm tối, u ám của xóm ngụ cư nghèo, đang lâm vào cảnh cùng cực hơn bao giờ hết. Và có lẽ, bà đã mang đến hạnh phúc cho các con của mình, dù chỉ là ngắn ngủi, nhưng cũng đủ thắp lên niềm hy vọng.
    Có thể nói, chỉ bằng những chi tiết rất đời, rất giản dị nhưng Kim Lân đã khắc họa thành công nhân vật bà cụ Tứ. Một người phụ nữ Việt Nam điển hình, thương con, bao dung nhân hậu, dù trong hoàn cảnh khó khăn vẫn không thay đổi, gieo vào lòng người đọc sự xúc động sâu sắc.