Đề bài : Phân tích nhân vật bé Thu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng Bài làm: “ Chiếc lược ngà” ra đời vào năm 1966, trong tập truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông viết về đề tài tình cảm gia đình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và một trong những nhân tố quan trọng làm nên thành công của tác phẩm, đó chính là nhân vật bé Thu, nhân vật chính là một cô bé đáng yêu, và có tình yêu thương với ba vô cùng tha thiết. Bối cảnh câu truyện được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trong lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra rất ác liệt. Ông Sáu ba của bé Thu lên đường đi chiến đấu khi bé Thu chưa đầy một tuổi. Trong thời gian đó, hai ba con không được gặp nhau. Khi ông trở về thăm con, bé Thu đã lên tám và nhất quyết không chịu nhận ba. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ có ba ngày ở nhà, ông Sáu làm đủ mọi cách nhưng con bé vẫn không chịu gọi lấy một tiếng ba. Chỉ đến khi ba phải ra đi tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, bé Thu mới chịu gọi anh bằng ba. Trong giây phút được nghe thấy tiếng gọi đã đợi chờ từ bao năm ấy, anh Sáu vô cùng xúc động, vì cũng là lúc hai ba con lại phải xa nhau. Cung thật bất ngờ khi lý do con bé không chịu gọi ba, không nhận ba chỉ vì vết thẹo dài trên má đã khiến gương mặt của anh không giống như trong bức ảnh chụp ngày cưới của ba nó. Bé Thu chỉ gọi ba khi nghe bà ngoại giải thích rõ điều này. Giây phút chia ly, anh Sáu hứa với con gái sẽ mang về tặng con một cây lược. Trong những ngày chiến đấu gian khổ, anh cặm cụi làm chiếc lược bằng ngà cho con gái. Nhưng đến khi chiếc lược làm xong, chưa kịp trao cho con gái thì anh đã hy sinh. Nhân vật bé Thu được xây dựng rất sắc nét trong câu chuyện. Dù chỉ mới lên tám tuổi nhưng cô bé có cá tính mạnh, lại khá bướng bỉnh. Trong suy nghĩ của bé Thu, hình ảnh của ba chỉ có một, đó là người ba trong tấm hình cưới ba chụp với má. Đó là hình ảnh đẹp nhất mà cô bé nhớ để chờ đến ngày được gặp ba. Khi ông Sáu trở về, cất tiếng gọi : “ Thu! Ba đây con”, cô bé nhất quyết không chịu nhận, từ chối một cách thẳng thừng. Tình cảm của ông Sáu dành cho con thật lớn lao biết bao, nhưng đáp lại ông chỉ là sự lạnh nhạt, xa lánh. Đau đớn thay cho ông Sáu, bi kịch của chiến tranh tàn khốc, đẩy hai cha con xa nhau, con không nhận được ba chỉ vì một vết thẹo trên mặt. Qua đây cũng có thể hình dung, bé Thu có một sự kiên định vững chắc trong cá tính của mình, cô bé chỉ tin vào những gì mình nghĩ. Tính cách bướng bình, trẻ con của bé Thu còn được thể hiện qua một loạt hành động của cô bé. Khi được mẹ yêu cầu mời ba vô ăn cơm, Thu gọi trống không “ vô ăn cơm”. Khi nhìn nồi cơm sôi, không tự chắt nước được, con bé nhất quyết không chịu nhờ ba giúp đỡ, nó tìm mọi cách để làm được, không để cho ông Sáu chắt. Cao trào của sự bướng bỉnh thể hiện khi ông Sáu gắp cho Thu cái trứng cá vào bát, cô bé hấy đổ cả chén cơm. Ông Sáu rất đau lòng vì sự bướng bỉnh của con. Ông đánh đòn Thu, và khi tất cả mọi người tưởng rằng cô bé sẽ giẫy nẩy bỏ đi thì cô bé lại “ ngồi im, đầu vúi gằm xuống. Nghĩ thế nào nó cầm đũa, gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm.” Có thể thấy, dù chỉ mới lên tám nhưng cô bé này có cá tính vô cùng mạnh mẽ. Sự bướng bỉnh, gan góc vô cùng này của bé Thu có lẽ đã trở thành lòng dũng cảm, lanh lợi của cô giao liên tên Thu sau này khi tham gia kháng chiến. Nhưng bé Thu qua ngòi bút của Nguyễn Quang Sáng không chỉ là một đứa trẻ lên tám bướng bỉnh, mà còn có một tình cảm, tình yêu thương tha thiết dành cho ba vô cùng mãnh liệt. Trong suốt ba ngày ở cạnh ông Sáu, bé Thu nhất quyết không chịu nhận ba. Vì vết thẹo trên mặt khiến ông Sáu không giống trong ảnh, cô bé cho rằng không phải ba của mình, không chấp nhận ông Sáu. Điều này thể hiện tình yêu của cô bé dành cho ba thật sự của mình, không chấp nhận bất kỳ một người nào thay thế người ba trong lòng cô bé. Chỉ đến khi nghe bà ngoại kể về về vết thẹo trên mặt ba là do chiến tranh khốc liệt, do thằng Mỹ gây nên thì lúc đó bé Thu mới vỡ òa cảm xúc. “ Con bé như bị bỏ rơi, lú đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa cửa nhìn mọi người vây quanh ba nó…vẻ mặt nó hơi khác…vẻ mặt sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ….” Khi ông Sáu chuẩn bị lên đường, ông không dám lại gần nó, chỉ đứng từ xa nói rằng “ ba đi nghe con”. Vào thời khắc ấy, cảm xúc như vỡ òa. Nó khóc thét lên “ ba”. Tiếng “ như vỡ òa trào ra trong cổ họng, thốt lên từ con tim mà cô bé đã dồn nén bao năm qua. Tiếng thét đó như “ tiếng xé, xé tan không khí tĩnh lặng, xé ruột gan mọi người, nghe thật xót xa.” Đó là tiếng gọi sau bao nhiêu năm xa cách, đó chính là niềm yêu thương vô bờ bến của cô bé dành cho người ba của mình. Dưới ngòi bút của Nguyễn Quang Sáng, nhân vật bé Thu hiện lên với những tâm tư, tình cảm, tính cách vô cùng phong phú, đặc sắc, là đặc trưng của những người con gái Nam Bộ giàu tình yêu thương. Bé Thu tạo nên một giá trị nhân văn sâu sắc cho tác phẩm. Đây là nhân vật dành được rất nhiều tình cảm cũng như sự yêu mến của những người yêu văn chương Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.