Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga


    11.jpg
    Hình tượng người anh hùng Lục Vân Tiên trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”


    • Mở bài:
    “Sự đời thà khuất đôi trong thịt
    Lòng đạo xin tròn một tấm gương”
    (Nguyễn Đình Chiểu)

    1 Sống trong xã hội đảo điên, loạn ly, tình người bạc bẽo, cuộc đời nhà chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu dù gặp nhiều khổ đau, nghiệt ngã, vẫn suốt đời phấn đấu và thực hiện được lý tưởng nhân nghĩa mà ông hằng theo đuổi. Lý tưởng đó đã được tác giả kí thác trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” – một truyện Nôm mang được nhân dân ta yêu thích trong bao năm qua.
    • Thân bài:
    Tác phẩm là một thiên tự truyện độc đáo. Đọc tác phẩm,ta thấy có nhiều chi tiết gắn kết giữa cuộc đời đồ Chiểu và nhân vật Lục Vân Tiên hết sức sâu sắc. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không được như Lục Vân Tiên: nhờ phép màu mà làm sáng lại mắt để rồi sau đó lại tiếp tục đi thi đỗ Trạng nguyên, được vua cử đi dẹp giặc Ô Qua thắng lợi, đạt được danh vọng và cuộc sống hạnh phúc.
    Những gì chưa làm được trong cuộc đời mình, Nguyễn Đình Chiểu kí thác vào nhân vật Lục Vân Tiên. Cho nên, Lục Vân Tiên cũng là nhân vật lí tưởng của Đồ Chiểu, là nơi nhà thơ gửi gắm ước mơ và khát vọng kinh bang tế thế, mang lại nhiều điều hữu ích cho nhân đan trong cuộc đời của mình.
    Xuất thân là một sĩ tử, Lục Vân Tiên không những phong nhã mà còn là người tài năng, rất có triển vọng khoa bảng. Chàng có đầy đủ những phẩm chất cao đẹp của một người quân tử mà xã hội phong kiến cần có. Vượt lên trên chuẩn mực ấy, Lục Vân Tiên còn là một đấng trượng phu hào hiệp, trượng nghĩa, khí chất phi thường.
    Nghĩa khí anh hùng cao đẹp của Lục Vân Tiên được thể hiện nhất quán trong toàn bộ tác phẩm. Lần đầu tiên, phẩm chất áy được thẻ hiện mạnh mẽ trong làn Lục Vân Tiên đánh cướp cứu người.
    Sau khi từ giã thầy học của mình, Lục Vân Tiên trở về viếng thăm cha mẹ để chuẩn bị lên kinh đô ứng thí. Tâm hồn người thanh niên ấy phơi phới niềm tin và ước vọng. Đột nhiên, giữa đường gặp người dân chạy loạn do bọn cướp gây nên. Chàng đã hỏi qua sự tình và hết sức bất bình, nguyện “Cứu người dân cho khởi lao đao đợt này”…
    Việc thi cử trong xã hội phong kiến là một việc hệ trọng đối với kẻ sĩ. Bao năm đèn sách cũng chỉ để mong ngày được lên kinh ứng thí. Trong hoàn cảnh bất thường đó, người ta thường dễ né trách mọi nguy hiểm để giữ toàn tính mạng. Việc xảy ra giữa đường, những người dân chạy cướp kia đều không hề liên quan tới chàng. Thế nhưng Lục Vân Tiên đã không suy nghĩ theo kiểu thường tình đó, thấy người bị nạn chàng đã tìm cách cứu giúp bằng cách “bẻ cây” làm vũ khí và xông vào đánh bọn cướp:

    “Vân Tiên ghé lại bên đàng
    Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô”.

    Trước bon cướp hung bạo, lại có đầy dủ binh khí, sẵn sàng tướt đoạt mạng sống của người khác, Vân Tiên không hề run sợ. Chàng ghé lại bên đàng bẻ cây làm vũ khí chiến đấu.Tư thế chủ động, hiên ngang vô cùng hùng dũng. Trước hiểm nguy, lòng chàng vững như sắt đá, chỉ nghĩ đến việc cứu người, không màng đến bản thân. Đó là hành động nghĩa hiệp của một con người luôn sống vì mọi người, sống vì chính nghĩa. Tính cách nghĩa hiệp không chỉ thể hiện ở hành động mà còn đọng lại trong lời kết tội bọn cướp hung tàn:

    “Kêu rằng: bớ đảng hung đồ
    Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.

    Chàng coi bon cướp là kẻ hùng đồ, làm điều ngang ngược, trái với đạo lí. Hành động của chúng là vô nhân đạo, phi nghĩa lí, đáng bị trừng trị. Không hề vội vã, chàng dùng lời nói đẻ thức tỉnh lương tri, ngăn việc tàn ác, cho bọn cướp một cơ hội để thoát thân.
    Đó là hành động của kẻ anh hùng, trước khi ra tay trừng phạt luôn cho kẻ ác một cơ hội để phục thiện. Hành động cao đẹp ấy xuất phát từ lòng yêu thương người dân lương thiện, vô tội và cũng vì họ mà chàng sẵn sàng bất chấp hiểm nguy, hào hiệp cản ngăn những hành động “hồ đồ hại dân” của lũ côn đồ hung bạo kia. Thế nhưng, bọn cướp vẫn ngông cuồng, cố chấp, quyết không buông bỏ.
    Với người tài trí như Lục Vân Tiên, chàng nhận rất rõ mối nguy hai to lớn khi một mình đối đầu với bọn cướp hung bạo đông người. Chàng không hề nao núng. Trước khi lao vào cuộc chiến, Lục Vân Tiên tuyên bố lập trường chính nghĩa và quyết ra tay trừng trị bọn tham tàn. Hành động đánh cướp cứu người cho thấy Lục Vân Tiên không những là một sĩ tử biết chăm lo đèn sách mà còn là người võ nghệ cao cường, hết sức tin tưởng vào bản thân và khả năng chiến thắng bọn hung đồ.
    Vân Tiên là một người có tài thao lược hơn người, tinh thần dũng cảm, can trường, gan dạ. Mặc dù chàng chỉ có một thân một mình, vũ khí là một cây gậy còn bộn cướp thì đông đảo: “Lâu la bốn phía bổ vây bịt bùng”, sẵn sàng gươm giáo và thật hung hãn.
    Được sự cổ vũ lý tưởng nhân nghĩa và tài năng võ nghệ cao cường, Vân Tiên đã làm cho bọn lâu la phải “quăng gươm giáo”, tan tác tìm đường tháo chạy còn tên tướng cướp Phong Lai phải bỏ mạng. Chàng thư sinh họ Lục hoàn toàn làm chủ trên chiến trường như đi vào chỗ không người.
    Không tả tỉ mỉ trận chiến, chỉ bằng mấy dòng thơ ngắn gọn mà đặc sắc cùng nghệ thuật so sánh, tác giả đã làm nổi bật một dũng tướng đánh nhanh, kín võ, sánh ngang Triệu Tử Long thời Tam Quốc trong trận phá vòng vây quân Tào bảo vệ ấu chúa. Miêu tả trận thư hùng hỗn chiến ác liệt ấy, tâm hồn Nguyễn Đình Chiểu như cũng rộn rã vui mừng.
    Lời thơ chân chất, mộc mạc song hồn thơ thì chan chứa dạt dào. Nó nêu bật một chân lý: kẻ bất nhân độc ác thì thảm bại, người anh hùng làm việc nghĩa tất yếu sẽ chiến thắng. Vân Tiên đã chiến thắng bởi sức mạnh của nhân nghĩa, của lẽ phải, sức mạnh của tình yêu thương và lòng dũng cảm kiên cường. Chàng chính là hiện thân của người anh hùng thượng võ, sẵn sàng cứu khốn phò nguy, dám bênh vực kẻ yếu, tiêu diệt mọi thế lực bạo tàn.
    Tính cách của Lục Vân Tiên còn được bộc lộ qua việc giao tiếp với những nạn nhân vừa được chàng cứu sống. Cách cư xử của Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh cướp bộc lộ tư cách con người chính trực, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài cũng rất từ tâm nhân hậu. Chàng đã ân cần thăm hỏi những người bị nạn và thật sự xúc động khi nghe Kiều Nguyệt Nga trần tình. Thấy hai cô gái còn chưa hết sợ hãi, Vân Tiên “động lòng” thương xót,ân cần hỏi han, an ủi họ. Đó chính là biểu hiện của tấm lòng nhân hậu của một con người vì chính nghĩa mà hành động, xem thường lợi danh:

    “Vân Tiên nghe nói động lòng
    Đáp rằng: Ta đã trừ dòng lâu la”

    Không chỉ thực hiện được hai chữ “nghĩa, nhân” mà Vân Tiên còn biết giữ cho mình chữ“lễ” theo đúng quan niệm Nho gia xưa kia. Đó là hành vi đúng đắn của một người hào hiệp, quen sống vô tư, làm việc nghĩa theo bản lĩnh của mình. Một nụ cười tốt bụng, đôn hậu, rất đặc trưng cho người trai Nam Bộ nói như nhà thơ Xuân Diệu: “Cái cười đáng yêu, đáng kính sao! Một là cái cười của anh hùng quân tử, hai là cái cười của anh con trai, ba là cái cười của quần chúng rộng lượng đều ở trên môi Vân Tiên”.
    Hơn nữa thấy nghĩa là phải ra tay đó là nghĩa vụ của kẻ làm trai, là thước đo phẩm chất của một người anh hùng theo quan niệm của Vân Tiên mà cũng chính là quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu và nhân dân ta: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”:

    “Nhớ câu khiên ngãi bất vi
    Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

    Trong lời nói hào hiệp đó, ta nghe như tiếng Từ Hải (Truyện Kiều – Nguyễn Du) vang vang giữa đất trời lộng gió năm nào:

    “Anh hùng tiếng đã gọi rằng
    Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”.
    Cũng chính vì không tham danh lợi, không nghĩ đến sự đền đáp của Lục Vân Tiên khiến cho Kiều Nguyệt Nga càng thêm yêu kính và nguyện gắn kết hết cuộc đời.
    Với một chiếc gậy bên đường mà một mình dám xông vào một lũ lâu la quen nghề gươm giáo. Việc làm ấy thật nguy hiểm mà vẫn thản nhiên như không. Đồng thời, chỉ đánh đổi bằng một nụ cười nhẹ nhàng, đáng yêu. Hành động, tâm tình, tư tưởng của Vân Tiên là bóng dáng cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu.
    Đó còn là suy nghĩ và hành động vì nghĩa của cả tập thể những con người biết sống đẹp mà tác giã đã tái hiện trong tác phẩm: Một ông Ngư “Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”. Một Hớn Minh nghĩa hiệp… Có thể nói Nguyễn Đình Chiểu đã đưa vào trận “Cả một đạo quân bừng bừng khí thế quyên quyết vì chính nghĩa mà chiến đấu và chiến thắng” (Hoài Thanh).
    Hành động nghĩa hiệp ấy thật đẹp. Nó không cao xa và khác biệt với hành động “Vá trời lấp bể” của một trang nam nhi theo quan niệm của Nguyễn Công Trứ… Lý tưởng sống của cụ Đồ Chiều rất gần với lý tưởng anh hùng của thời đại chúng ta…
    Nguyễn Đình Chiểu đã không quá cầu kì trong vận dụng ngôn ngữ hay sử dụng các điển tích, điển cố cho thiên truyện này. Ngôn ngữ kể chuyện bình dị, mộc mạc gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày,đậm màu sắc Nam Bộ.Tuy là ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, ít trau chuốt, uyển chuyển nhưng lại dễ đi sâu vào tâm hồn quần chúng nhân dân.
    • Kết bài:
    Qua việc vận dụng nghệ thuật xây dựng tính cách nhận vật theo thủ pháp quen thuộc của chuyện cổ dân gian, để cho nhân vật trực tiếp bộc lộ phẩm chất, tính cách bằng hành động cụ thể, hết sức tự nhiên, đoạn trích đã làm ngời lên nhân vật trung tâm của chuyện: một con người có bản tính nhân nghĩa hào hiệp giàu lòng thương người, hiện thân của cái thiện chống cái ác…
    Đọc đoạn trích, ta càng hiểu hơn lý tưởng nhân nghĩa mà Nguyễn Đình Chiểu đã trọn đời dâng hiến, hiểu rõ hơn tài năng và tấm lòng một nhà thơ dù “đôi mắt đã lòa mà tấm lòng của ông vằng vặt như sao Bắc Đẩu” (Bảo Định Giang)