Phân Tích Nhân Vật Mị Trong Tác Phẩm Vợ Chồng A Phủ Của Tô Hoài

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài: Phân Tích Nhân Vật Mị Trong Tác Phẩm Vợ Chồng A Phủ Của Tô Hoài

    Bài Làm:
    Nhà văn Tô Hoài là một nhà văn lớn của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông có rất nhiều tác phẩm để lại dấu ấn văn chương, nổi bật trong đó phải kể đến Vợ chồng A Phủ, nằm trong tập truyện ngắn về Tây Bắc của Tô Hoài. Tác phẩm miêu tả rõ rệt hiện thực đau thương của người dân vùng núi cao trong thời kỳ lạc hậu thời bấy giờ, đặc biệt là thân phận người phụ nữ được miêu tả qua nhân vật Mỵ được phác họa lên một cách chân thực, rõ nét nhất.
    Mở đầu tác phẩm, nhân vật Mỵ xuất hiện trong một tình cảnh đầy nghịch lý: “Ai ở xa về, có dịp vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa . Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”
    Cô gái này là con dâu nhà quyền thế, nhà thống lý thì đáng ra phải vui vẻ, nhưng sao mặt lại buồn rười rượi? không nói không rằng bên tảng đá, cạnh tàu ngựa? Từ đó hiện lên một thân phận đau khổ, không lối thoát, dự báo trước một số phận đầy bi kịch chốn dương gian.
    Trước khi làm dâu nhà thống lý, Mỵ là một người con gái trẻ đẹp, có nhan sắc, chăm chỉ, biết “ cuốc nương làm ngô”, lại có tài “uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”, khiến không biết bao nhiêu chàng trai ngày đêm theo đuổi Mỵ. Mỵ khát khao yêu thương và đã được yêu bằng tình cảm nồng cháy, chân thành nhất. Thế nhưng cuộc đời không như ý muốn. Cô gái ấy đã phải đầu hàng với số phận, khi người cha già lâm vào cảnh nợ nần, gán nợ cô cho nhà thống lý. Đứng giữa hạnh phúc của bản thân và chữ hiếu, Mỵ đành gật đầu theo về làm dâu nhà giàu, để rồi bi kịch cuộc đời cô bắt đầu từ giây phút bước chân vào cánh cửa ngôi nhà quyền quý.
    Nhìn bên ngoài, con dâu thống lý ắt hẳn phải có cuộc sống nhung lụa, sung sướng lắm. Nhưng không, thân phận của Mỵ chỉ là tôi tớ, chỉ là đứa được đưa về để gán nợ mà thôi. Phận làm dâu trong xã hội xưa thường đã khổ, phận làm dâu gạt nợ còn khổ hơn. Mỵ bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Còn đâu cô gái trẻ đẹp, yêu đời hát ca ngày nào. Mỵ khóc nhiều lắm, đêm nào cũng khóc , khóc cho số phận của mình, Mỵ cầm nắm lá ngón định tự tử. Nhưng một lần nữa, chữ hiếu đã chiến thắng khi Mỵ nghĩ đến cha già. Cô đành nuốt nước mắt vào trong, vứt đi nắm lá ngón như vứt đi tuổi thanh xuân, khát khao tuổi trẻ, quay về làm dâu nhà thống lý. Mỵ không còn tâm trí nghĩ đến cái chết nữa. Dần dần, sống chung với cái khổ, Mỵ có lẽ cũng đã quen? Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. ”. Nhưng không, trâu ngựa đi làm còn có lúc được thảnh thơi gãi chân, gặm cỏ, còn Mỵ, có lẽ còn không bằng trâu ngựa nữa, làm quần quật không biết đến ngày tháng, trời đất là gì.
    Làm lụng vất vả như thế, đến căn buồng Mỵ ở cũng tách biệt với thế giới bên ngoài, như một địa ngục chốn trần gian: “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, ở buồng Mị nằm kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông ấy mà trông ra. ” Những ngày tháng ấy mới đau xót làm sao, khiến cho người con gái đôi lúc mất đi tinh thần phản kháng, có suy nghĩ đầu hàng số phận, mặc cho cuộc sống cứ thế trôi đi.
    Những tưởng cô gái ấy đã đầu hàng thực tại. Nhưng bằng giá trị nhân đạo trong văn chương của mình, Tô Hoài đã làm bật lên hình ảnh ẩn sâu bên trong của Mỵ, vẫn là một cô gái trẻ, vẫn có sức sống tiềm tàng mạnh liệt âm ỉ cháy, sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào khi có chất xúc tác. Một đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài hiện lên tươi đẹp, nồng đượm đến thế, gợi nhớ đến bao nhiêu ký ức tươi đẹp, làm trỗi dậy bản năng khát khao được sống, được yêu thương của Mỵ.
    Mùa xuân ở Hồng Ngài hiện lên đầy tươi đẹp và xuân sắc, khắp nơi từ già trẻ, gái trai rủ nhau đi chơi xuân. Nhưng nhiều nhất vẫn là các chàng trai, cô gái đương độ xuân thì. Bỗng văng vẳng đâu đây tiếng sáo, tiếng thơ gọi bạn tình:
    “Mày có con trai con gái
    Mày đi nương
    Ta không có con trai con gái
    Ta đi tìm người yêu"
    Rồi hơi rượu nồng đậm phảng phất đưa đến bên Mỵ. Mỵ uống rượu, uống để say: “ uống ừng ực từng bát” như để nuốt hết đi những đắng cay của số phận mình. Mỵ xắn một ít mỡ thắp sáng căn phòng, như muốn thắp sáng lên tia hy vọng. Mỵ nghĩ ra rồi, Mỵ cũng là một con người, “Mỵ vẫn còn trẻ, Mỵ muốn đi chơi”. Mỵ quấn lại tóc, thay lại váy, lấy thêm áo. Mỵ làm trong vô thức mà không biết rằng A Sử đi đâu trở về, những hành động đó làm sao qua được mắt của A Sử. Hắn trói Mỵ vào cột, như trói đi tâm trí, sự trỗi dậy trong con người Mỵ, rồi bỏ đi, đế lại Mỵ đứng giữa căn nhà tăm tối, chưa kịp trở lại với hiện thực tàn khốc, thê lương của cuộc đời mình.
    Rồi đêm tình mùa xuân qua đi, Mỵ trở lại với cuộc sống như thân trâu ngựa trước đây. Một ngày khi nhà Thống Lý bắt được người tên A Phủ, trong một lần A Sử gây gổ đánh nhau với A Phủ, anh ta bị bắt về đánh đập dã man. Bị trói đứng vào cột, tra tấn ngày đêm. Ban đầu Mỵ cảm thấy dửng dưng, vì có lẽ đã quá quen với cảnh này tại nhà thống lý. “A Phủ là cái xác chết đứng đó cũng thế thôi”. Chỉ đến khi nhìn thấy A Phủ khóc: “Đêm ấy A Phủ khóc . Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai lõm má đã xạm đen”. Giọt nước mắt đó như dòng nước xối thẳng vào tâm trí Mỵ, khiến Mỵ nghĩ đến bản thân, nhớ lại mình cũng từng đứng ở đó, cũng từng bị tra tấn, hành hạ. Mỵ thương mình, rồi đến thương A Phủ. Tình cảm của những con người đồng cảnh ngộ trong lúc hoạn nạn, khó khăn. Rồi điều j đến sẽ đến, Mỵ cởi trói cho A Phủ, và bất ngờ chạy theo A Phủ. Tất cả những gì đã chôn vùi sâu thẳm trong tâm hồn Mỵ được trỗi dậy mạnh mẽ vào lúc này. Khát vọng sống, khát vọng yêu và được yêu, tuổi trẻ của Mỵ, tất cả sẽ được tìm lại nhờ vào giây phút này. Từ đây, cuộc đời của Mỵ sẽ bước sang một trang hoàn toàn mới, không còn khổ đau, mà sẽ là những ngày tháng tươi đẹp đang đợi Mỵ ở phía trước.
    “Vợ chồng A Phủ” là một tác phầm đã miêu tả hết sức thành công tâm lý, vẻ đẹp của Mỵ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung. Giá trị nhân đạo của tác phẩm nằm ở chỗ, dù cho ở trong hoàn cảnh nào, đau khổ đến đâu, thì con người cũng sẵn sàng vùng lên đấu tranh để có được hạnh phúc, có được yêu thương.