Phân tích nhân vật người vợ “nhặt” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài
    Vợ nhặt là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân viết về đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tác phẩm thể hiện tấm lòng yêu thương vô bờ của nhà văn trước cuộc sống cùng quẫn, đáng thương của những người nông dân khi họ bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng. Nhân vật người “vợ nhặt” trong tác phẩm là một minh chứng cho điều đó.
    • Thân bài
    Cuộc đời của nhân vật người vợ nhặt trong tác phẩm là một cuộc đời bất hạnh đến cùng cực. Người đàn bà ấy không tên tuổi, không quê hương, cũng không họ hàng thân thích. Từ khi người vợ nhặt xuất hiện cho đến kết thúc tác phẩm chỉ được gọi là “cô ả”, là “thị”, là người đàn bà chứ chưa bao giờ được gọi bằng một cái tên cụ thể nào.

    Bức chân dung của thị ta hiện lên ngay từ đầu tác phẩm không có gì nổi bậc. Thậm chí là đáng xấu hổ. Đó là một người phụ nữ trong dáng vẻ “rách quá, quần áo tả tơi như tổ đỉa, ngực gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”.

    Một vẻ bề ngoài thật không dễ nhìn. Đã thế những hành động của thị ta lại chẳng có chút gì để được gọi là ý tứ, dịu dàng: liếc mắt cười tít, rồi “sầm sập chạy tới, sửng sỉa nói”. Dáng đứng trước Tràng thì cong cớn. Cách ăn nói của chị ta rất chỏng lỏn, chua ngoa. Mở miệng là rích bố cu, là bỏ bố, sợ gì. Cách nói ấy khiến người ta khó chịu và khinh ghét.

    Người xưa có câu “Không được người thì được nết” . Nhưng lúc này, trước mặt mọi người thì có lẽ chị ta chẳng được cái gì cả: người không, nết cũng không, lại tiếp tục là con số không. Thật trớ trêu! Khi gặp lại Tràng, chẳng cần biết Tràng có nhớ hay biết mình hay không chị ta đã xơi xơi mắng: “Điêu, người thế mà điêu”. Thị không còn quan tâm đến một ai và cũng chẳng quan tâm thái độ của người khác đối với mình nữa.

    Hơn thế, trong lúc này thị ta lại là một người đàn bà đói và cũng vì cái đói mà chi ta bỏ qua cả sự ý tứ, sĩ diện của một người phụ nữ. Khi loáng thoáng nghe lời mời của Tràng, Thị ngôi sà xuống ăn thật chẳng e dè gì hết. Đã thế, “Thị cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”.

    Thế rồi cũng vì cái đói mà chị ta bỏ qua cả nhân phẩm và danh dự để theo về làm vợ Tràng. Xét cho cùng những hành động cử chỉ ấy của chị ta cũng chỉ vì hoàn cảnh khốn cùng lúc đó và đó cũng là cách để chị ta chống chọi với cuộc đời mà thôi. Chị ta thật đáng thương hơn là đáng trách.

    Trong hoàn cảnh cơ cực ấy, sự sống là tất cả đối với con người. Bản năng đã chiến thắng để cứu lấy ái danh dự, nhân cách, nhân phẩm tồn chứa bên trong. Nó vẫn còn đó chứ chưa hẳn đã mất đi. và nó đã trở lại sau khi thị về làm dâu nhà mẹ Tràng.

    Khi về nhà Tràng, người đàn bà ấy có vẻ sợ sệt, rụt rè. Thị ngồi mớm ở mép giường hai tay khư khư ôm cái thúng, mặt bần thần lo lắng. Phải chăng trước gia cảnh nghòe khó của nhà Tràng, người đàn bà ấy cảm thấy lo lắng hay lo cho cuộc sống làm dâu của mình. Cũng có thể vì quá hồi hộp không biết có được mẹ Tràng chấp nhận hay không?

    Nét đẹp đáng chú ý nhất của người đàn bà chỉ thực sự được bộc lộ sau khi gặp bà cụ Tứ. Đặc biệt là trong buổi sáng đầu tiên của cuộc đời làm dâu. Lúc này, dưới mắt nhìn của Tràng, nom thị hôm nay khác lắm. Rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mức chứ không còn vẻ chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ngoài tỉnh nữa. Thị ta vui vẻ dọn dẹp nhà cửa, chăm chút cho cuộc sống gia đình.

    Niềm vui có thể nhỏ bé nhưng đối với người đàn bà ấy là hết sức quý giá. thị trân trọng và gìn giữ nó một cách cẩn thận bởi đó là sự sống, là tương lai của thị. Cái nghèo, cái đói bám riết con người, nhưng ở thị luôn sẵn sàng để vượt qua.

    Khi bưng bát cháo cám mà người mẹ chồng đưa cho trong bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới, mặt chị ta tối lại. Nhưng ngay sau đó chị ta điềm nhiên và vào miệng và ăn hết sức tự nhiên. Đây là một chi tiết được xem là “đắt” trong tác phẩm. Bởi người con dâu ấy dù không vui gì nhưng cũng không nỡ làm mất đi niềm vui tội nghiệp của người mẹ nghèo. Thị tỏ ra thấu hiểu, cảm thông và trân trọng tấm lòng ấy của người mẹ. Thì ra sự có mặt của người “vợ nhặt” vô danh ấy lại không hề vô nghĩa. Chính chị ta đem đến một luồng gió tươi mới, mát mẻ cho cuộc sống tăm tối bên bờ vực của cái chết.
    • Kết luận
    Xây dựng hình ảnh nhân vật người vợ nhặt là một thành công mới của nhà văn Kim Lân. Bằng tài năng nghệ thuật của mình, cùng với tấm lòng nhân đạo sâu sắc, nhà văn Kim Lân đã miêu tả thành công cuộc sống tối tăm cơ cực của những người dân lao động nghèo khổ và hơn thế là niềm tin của nhà văn về sự thay đổi của họ trong bất cứ hoàn cảnh nào.