Phân tích nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng của Kim Lân

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng của Kim Lân
    • Mở bài:
    Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Vốn am hiểu và gắn bó sâu sắc cuộc sống nông thôn, Kim Lân hầu như chỉ viết về đề tài sinh hoạt ở làng quê và cảnh ngộ của người nông dân. Ông được dư luận chú ý nhiều hơn khi đi vào những đề tài độc đáo như tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê, qua đó góp phần biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân. Một số truyện đã thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Làng là một truyện ngắn đặc sắc, thể hiện sâu sắc ngòi bút nghệ thuật Kim Lân. Nhân vật ông Hai thể hiện sau sắc tình cảm của nhà văn đối với Cách mạng, đối với đất nước.
    • Thân bài:
    Truyện ngắn Làng được viết và đăng báo trên tạp chí Văn nghệ năm 1948 – giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong thời kì này thì người dân nghe theo chính sách của chính phủ: kêu gọi nhân dân ta tản cư, những người dân ở vùng địch tạm chiếm đi lên vùng chiến khu để chúng ta cùng kháng chiến lâu dài.
    Ông Hai là một lão nông chất phác, hiền lành. Ông rất yêu làng Chợ Dầu và luôn khoe với mọi người về ngôi làng vừa to vừa đẹp lại có tinh thần kháng chiến thật đáng tự hào của mình. Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến, ông buộc phải cùng gia đình tản cư. Khi xa quê, ông Hai nhớ da diết về cái làng của mình. Hằng ngày, ông vẫn thường kể cho mọi người nghe về làng Chợ Dầu.
    Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo Tây làm Việt gian, ông bàng hoàng, sững sờ, vô cùng đau khổ và tủi nhục… Suốt ngày, ông chỉ quanh quẩn trong nhà không dám đi đâu. Ông tâm sự với đứa con để vơi nhẹ nỗi lòng. Khi được tin cái chính, ông Hai vui sướng và đi khoe với mọi người về cái tin chính đó một cách hồ hởi, phấn khởi.
    Tình huống truyện độc đáo bộc lộ rõ tính cách nhân vật ông Hai:

    Kim Lân đã đặt nhân vật trong một tình huống gây cấn để nhân vật có cơ hội đấu tranh và lựa chọn. Dù rất yêu làng của mình nhưng ông Hai đã đứng về phía Cách mạng, ủng hộ kháng chiến khi hay làng Chợ Dầu theo Tây. Xét về mặt hiện thực, chi tiết này rất hợp lí bởi tình yêu làng đích thực có ở ông hai chính là yêu cái truyền thống tốt đẹp, cái tinh thần bất khuất và hăng hái của người Chợ Dầu. Giờ tinh thần ấy không còn thì ông không yêu nữa.
    Xét về mặt nghệ thuật nó tạo nên một nút thắt cho câu chuyện. Tình huống trớ trêu gây ra mâu thuẫn giằng xé tâm lí ông lão đáng thương và đáng trọng ấy; tạo ra điều kiện để thể hiện tâm trạng và phẩm chất, tính cách của nhân vật thêm chân thực và sâu sắc. Tình huống ấy cũng góp phần giải quyết chủ đề tác phẩm. Tình huống phản ánh và ca ngợi tình yêu làng, yêu nước chân thành, giản dị của người nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sự phát triển của câu chuyện sẽ bám theo cái tình huống oái oăm này.
    Đầu tiên, ta nhận ra rằng, ở người nông dân hiền lành chất phác này luôn tồn tại hai tình cảm tốt đẹp là yêu làng và yêu nước tha thiết, sâu sắc.
    Tình yêu làng sâu sắc của ông Hai:

    Trước hết, phải nói đến tình cảm gắn bó với làng xóm quê hương của ông. Ông Hai là người có tính hay khoe làng, ông nói chuyện về làng quê của ông “say mê và náo nức một cách lạ thường”. Ông có thể ngồi hàng giờ để nói về chuyện làng của mình, để khoe về phong cảnh của làng.
    Từ cái “phòng tuyên truyền sáng sủa”, “chòi phát thanh” cho đến cả “con đường làng toàn lát đá xanh”, tất cả đều làm cho ông cảm thấy hãnh diện. Chính vì thế, khi ông bắt đắc dĩ rời xa làng, ông Hai luôn hướng về làng yêu dấu. Niềm vui, nỗi buồn trong lòng ông gắn liền với cái tên làng Chợ Dầu, nơi ông đã sinh ra và lớn lên.
    Thật đúng thế, bởi lẽ quê hương chính là nguồn cội dưỡng nuôi tâm hồn:
    “Khi chúng ta ở chỉ là nơi đất ở
    Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
    (Tiếng hát con tàu-Chế Lan Viên)
    Ở nơi tản cư, không lúc nào ông không nhớ về làng. Ông hay khoe về làng của mình. Ăn ngủ ông cũng nghĩ về làng, đi đâu ông cũng nhớ về làng da diết. Đối với ông, làng là quan trọng nhất. Ông thường sang nhà Bác Thứ trò chuyện và nói về làng của mình. Bác Thứ đã nghe ông Hai kể nhiều chuyện về làng Chợ Dầu và lần nào cũng với một mức cường điệu khác nhau.
    Nhưng suy cho cùng đó cũng chỉ là những lời nói vô hại, chỉ là sự tự hào và hãnh diện về làng của mình của một con người yêu quê hương mà thôi. Lắm lúc nghĩ vẩn vơ, ông lại chợt nhớ đến những ngày cùng làm việc với anh em và khao khát được quay trở về làng và cùng mọi người đấp ụ, xẻ hào, khuân đá. Nỗi mong chờ ấy cứ dằn vặt và trào dâng trong lòng ông. Có thể nói rằng làng chợ Dầu từ lâu đã trở thành hình ảnh thường trực trong tái tim ông, là máu thịt của ông.
    Ở ông Hai tình yêu làng hòa quyện thắm thiết trong tình yêu nước:

    Dõi theo tác phẩm, ta còn thấy ở ông Hai tình yêu làng thống nhất, hòa quyện với tình cảm yêu mến, thủy chung đối với Cách mạnh, đối với đất nước. Ông thường theo dõi tin tức kháng chiến ở phòng thông tin. Ông vui sướng khi nghe tin chiến thắng của cách mạng, hả hê trước sự thất bại của giặc. Ônh khâm phục những người theo cách mạng:“toàn những người tài giỏi cả”, “chỗ này giết được năm Pháp với hai Việt gian, chỗ kia phá đổ một xe tăng và một xe díp”. Từ đó, ta cũng thấy được vì yêu làng mà ông yêu luôn cuộc kháng chiến mà mình tham gia.
    Ông Hai yêu làng thực chất là yêu tha thiết cái tinh thần kháng chiến của người làng mình và không ngừng tự hào về phẩm chất đó. Bởi thế, dẫu nhà ông, làng ông bị giặc đốt cháy trụi ông vẫn cảm thấy sung sướng, cảm thấy phấn khởi vô cùng.
    Nhưng rồi đùng lúc ấy, cái tin sét đánh từ người đàn bà đi tản cư đến với ông. Tin dữ không phải là làng Chợ Dầu đẹp đẽ ấy bị đốt trụi hay nhà cửa, mồ mà tổ tiên của ông bị mất mà là “cả làng chúng nó theo Tây làm Việt gian”. Ông vô cùng sửng sốt, bàng hoàng, nửa tin nửa ngờ.
    Cái tin ấy như “sét đánh ngang tai”, “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt ông tê rân rân, ông lặng đi tưởng như không thể thở được”. Ông đau xót và tủi nhục trước cái tin dữ về làng. Chẳng lẽ làng Chợ Dầu mà ông yêu quý lại phản bội Tổ quốc hay sao? Nỗi đau khổ ấy dần dần đã trở thành nỗi ám ảnh trong ông làm cho ông không sao yên lòng.
    Ông Hai rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng khi nghĩ tới tương lai. Chúng ta đã không tìm thấy được nữa một ông Hai hoạt bát, vui vẻ hàng ngày mà thay vào đó là một ông Hai suốt ngày chỉ biết ru rú trong nhà, nghe ngóng tình hình bên ngoài. Nếu không yêu làng thì ông Hai cũng không đau khổ và bị dằn vặt như thế. Nỗi dằn vặt ấy đã trở thành thước đo tình cảm của ông. Đau với nỗi đau của làng, nhục với nỗi nhục của làng.
    Khái niệm làng trong ông đâu chỉ còn là ngôi làng Chợ Dầu với mái đình, lũy tre mà là lẽ sống, là một phần của Tổ Quốc thân yêu. Phải! Ông đang nghĩ đến đất nước, đến Cách mạng, đến cuộc kháng chiến của dân tộc. Ông đã tự dằn vặt mình: “Làng thì yêu thật…”nhưng quyền lợi của Tổ Quốc phải được đặt lên trên hết. Ông quyết định (một sự khẳng định không phải dễ dàng): “… làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.
    Thế nên ông khẳng định không về làng vì về làng là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ. Tình yêu nước trong ông gần như đang phải trải qua một sự thử thách lớn: hy sinh làng để được yêu Tổ quốc, trung thành với Cách mạng. Như vậy, tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu cũng không thể mãnh liệt hơn tình yêu đất nước. Đó là biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của con người Việt Nam, khi cần họ sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng.
    Nỗi lòng, ông không biết tỏ cùng ai, ông trò chuyện với đứa con trai út mà như một lời trần tình, lời minh oan cho chính mình vậy: Làng Chợ Dầu là nơi chôn nhau cắt rốn của ông, ông không thể xa lìa nhưng ông vẫn một lòng ủng hộ Cách mạng, ủng hộ cụ Hồ.
    Đó là một cuộc trò chuyện đầy xúc động. Nỗi nhớ quê, yêu quê, nỗi đau đớn khi nghe tin quê hương theo giặc cứ chồng chéo đan xen trong lòng ông lão. Nhưng trong ông vẫn cháy lên một niềm tin tưởng sắt đá, tin tưởng vào Cụ Hồ, tin tưởng vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Niềm tin ấy đã phần nào giúp ông có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn này. Dường như ông Hai đang nói chuyện với chính mình, đang giãi bày với lòng mình và cũng như đang tự nhắc nhở: hãy luôn “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh”. Tình quê và lòng yêu nước thật sâu nặng và thiêng liêng.
    Khi tin dữ về làng được cải chính thì niềm vui, sự sung sướng của ông không thể kể hết được. Ông vui lắm, mừng lắm. Ông đi khoe với mọi người về cái điều mới nghe tưởng chừng như phi lý (khoe sự mất mát, sự thiêu rụi, rằng nhà ông bị đốt nhẵn) những cũng rất hữu lý. Bởi làng ông, nhà ông bị giặc đốt, chứng tỏ làng ông không theo Tây. Đơn giản chỉ có thể nhưng bình dị và chân chất là cách biều hiện tình cảm của ông Hai, một tình cảm chân thành đến xúc động.
    Yêu làng, yêu nước, hai tình cảm ấy đã hòa làm một trong ông Hai. Hay nói khác đi, tình yêu làng chính là cơ sở hình thành tình yêu nước trong ông. Có thể nói, với bản chất hiền lành, chất phác, tha thiết gắn bó với làng quê, với cách mạng, ông Hai nhân vật tiêu biểu cho người nông dân thời kháng chiến chống Pháp, những con người bình dị mà tâm hồn cao quý vô cùng.
    Nhà văn Kim Lân đã thành công trong việc miêu tả tâm lý nhân vật: chân chất và cảm động, thể hiện qua những hình thức ngôn ngữ đậm sắc thái nông thôn Việt Nam, kết hợp với ngôn ngữ độc thoại, đối thoại và độc thoại nội tâm khiến nhân vật hiện lên thật sống động. Nhà văn còn khéo léo đặt nhân vật trong tình huống thử thách đặt biệt, khiến tâm hồn nhân vật càng có chiều sâu và sức thuyết phục.
    • Kết bài:
    Ông Hai là hình ảnh đẹp của những người nông dân bình thường nhưng mang trong mình hai tình cảm thiêng liêng nhất: tình yêu làng tha thiết và tình yêu nước nồng nàn. Điều đó chứng minh rằng lòng yêu nước không phải là tình cảm trừu tượng mà chính là bắt nguồn từ những cảnh vật cụ thể. Tình yêu nhà, yêu làng xóm, yêu đồng quê trở thành tình yêu Tổ quốc. Ông Hai trở thành một nhân vật tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam cần cù, chân chất, luôn cháy bỏng tình yêu đất nước, quê hương.
    Nhân vật ông Hai đã để lại nhiều tình cảm đẹp trong lòng người đọc: sự yêu mến, lòng trân trọng và sự cảm phục. Những chuyển biến tình cảm của ông Hai cũng chính là chuyển biến tình cảm của người nông dân Việt Nam trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, họ từ lập trường trung lập rồi đứng hẳn về phía Cách mạng, góp sức cùng cách mạng làm nên những chiến thắng vĩ đại.