Đề bài: Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện Làng của Kim Lân Bài làm: Nhà văn Kim Lân thuộc thế hệ các nhà văn thành danh từ trước cách mạng tháng 8- 1945, với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông gắn bó với thôn quê, hiểu người nông dân, và tha thiế muốn thể hiện tinh thần kháng chiến của người nông dân. Truyện ngắn Làng của ông ra đời vào năm 1948, là một tác phẩm đặc sắc về chủ đề tình yêu quê hương đất nước của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông Hai, nhân vật chính của tác phẩm chính là một người nông dân yêu nước như thế, với tính cách nồng hậu, chất phác. “Làng” lấy bối cảnh là cuộc tản cư trong kháng chiến của nhân dân. Ông Hai là người dân làng Chợ Dầu, ông cùng gia đình đã phải tản cư đến một nơi khác để phục vụ cho kháng chiến. Và khi sinh sống tại nơi đây, ông đã luôn trăn trở, suy nghĩ về Làng thân yêu của mình với biết bao tình cảm. Ông Hai yêu làng của mình đến nỗi đi đâu, gặp ai ông cũng khoe về làng của mình với nhà ngói san sát, sầm uất, đường lát toàn đá xanh, với phòng thông tin sáng sủa rộng rãi, chòi phát thanh cao bằng ngọn tre…Ông tự hào nghĩ rằng, làng của mình hơn hẳn các làng khác, mỗi khi có khách đến chơi, ông đều bắt họ xem “ sinh phần” của viên tổng đốc. Khi cuộc chiến bùng nổ, nhiều người ở quê ông phải tản cư. Vợ con ông cũng đã đi. Ông không muốn đi, không muốn xa làng bỏ anh em. Rồi vì thương vợ con , bà vợ lại khẩn khoản nhiều lần nê cũng đành theo vợ con tản cư, nhưng vẫn tự an ủi mình: “ thôi thì chẳng ở lại cùng anh em được thì tản cư âu cũng là kháng chiến.” Ông dõi theo tin tức kháng chiến, bình luận náo nức trước tin thắng lợi ở mọi nơi “ Cứ thế chỗ này giết một tí, chỗ kia giết một tí, cả súng cũng vậy, hôm nay dăm khẩu, ngày mai dăm khẩu, tích tiểu thành đại, làm gì mà thằng Tây không bước sớm.” Ông rất nhớ làng, nỗi nhớ dày vò khiến ông sinh ra bực bội, muốn quay về làng để tham gia kháng chiến cùng anh em. Qua ông Hai có thể thấy, tình yêu làng của người nông dân gắn liền với yêu nước, dù bất cứ đâu cũng muốn tham gia kháng chiến để bảo vệ quê hương. Thế rồi khi nghe tin làng theo giặc, ông cảm thấy thật sự đau xót: cổ nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân, lặng đi tưởng như không thở được. Nghe người ta chì chiết, ông đau đớn cúi gằm mặt xuống mà đi. Về nhà nhìn các con, ông càng cảm thấy tủi hổ vì nghĩ chúng “ cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi”. Ông tức giận những người ở làng, nhưng cũng không dám tin họ lại đổ đốn ra thế. Thế rồi cái tâm lý “ không có lửa sao có khói” lại bắt ông phải tin. Từ nay ông không dám bước ra ngoài nữa, không dám nhìn mặt ai. Ông sợ cái thái độ khinh bỉ của bà chủ, muốn đuổi gia đình ông đi vì làng ông theo tây, và đâu đâu có người làng Chợ Dầu, người ta cũng đuổi như đuổi hủi. Gia đình ông bế tắc. Ông muốn quay về làng, nhưng lại gạt đi. Về làm gì nữa, về làng đó tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ. Ông căm thù những đứa làm Việt gian. Lòng yêu ghét của ông thể hiện hết sức rõ rệt, dứt khoát. Trong những ngày tháng đau đớn tủi nhục đó, cha con ông vẫn một lòng theo kháng chiến, ủng hộ cụ Hồ. Dù trong hoàn cảnh nào thì tấm lòng thủy chung son sắt của người nông dân đối với cách mạng, đối với đất nước vẫn thật cảm động. Và rồi niềm vui sướng hả hê của ông cũng đến, khi ông biết tin chính xác làng chợ Dầu không theo tây. Nét mặt ông vui tươi rạng rỡ hẳn lên. Ông thân mật, cởi mở với con cái. Ông đi khắp nơi khoe với mọi người rằng làng mình vẫn theo kháng chiến. Khoe rằng làng mình, cùng ngôi nhà của mình đã bị Tây đốt nhẵn. Dù thế nhưng vẫn rất vui, rất tự hào. Có thể thấy, qua nhân vật ông Hai, tác giả đã cho ta hiểu thêm về lòng yêu nước của người nông dân ở làng quê Việt nam trong kháng chiến. Dù có chuyện gì xảy ra và trong hoàn cảnh nào, tình yêu, niềm khát khao cống hiến cho đất nước của người nông dân vẫn không hề thay đổi.