Đề bài : Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt Bài làm: Truyện ngắn “ Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân là một trong những kiệt tác của văn học Việt Nam thời kỳ bấy giờ. Truyện tái hiện lại một cách chân thực hình ảnh người nông dân sống trong nạn đói năm 1945, những con người ở tận đáy của xã hội. Trong đó, diễn biến tâm lý của nhân vật anh cu Tràng, người nhặt được vợ trong một tình huống vô cùng đặc biệt. Nhân vật Tràng được Kim Lân miêu tả là một con người có vẻ bề ngoài vô cùng xấu xí, thô kệch. Đã vậy Tràng lại còn nhà nghèo, phải đi làm nghề kéo xe bò thuê, lại là dân ngụ cư. Một người như Tràng, chuyện ế vợ là điều đương nhiên. Vậy mà Tràng lại nhặt được một người vợ. Không phải cưới mà là nhặt. Chuyện này khiến cho otatas cả mọi người trong xóm ngụ cư nghèo vô cùng ngạc nhiên, nhưng họ cũng mừng thay, lo thay cho Tràng. Bản chất Tràng là một con người tuy xấu xí, thô kệch nhưng rất thật thà, tốt bụng. Dù không quen biết gì, nhưng nhìn thấy người đàn bà đói rách, Tràng liền cho thị ăn mà không cần suy nghĩ. Và dù thị cong cớn, xuồng xã thì Tràng vẫn quyết định đem thị về làm vợ. Và chính tình huống ấy đã làm thay đổi cuộc đời Tràng. Diễn biến tâm lý của Tràng được Kim Lân miêu tả rất sâu sắc và tinh tế. Khi đưa vợ về nhà, Tràng cũng hơi chợn nghĩ. Bởi thân mình còn chưa lo xong thì còn lo được cho ai. Nhưng rồi “ chậc, kệ”, Tràng vẫn quyết định đưa thị về, cùng nhau đương đầu với mọi khó khăn. Có lẽ động lực thôi thúc Tràng làm vậy là vì Tràng mơ ước, khát khao một mái ấm gia đình đã lâu. Niềm hạnh phúc đang dâng đầy trong tâm trí của Tràng được Kim Lân miêu tả rất chính xác. Đó là khi Tràng “ quên hết tất cả cuộc sống ê chề tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những khó khăn sắp tới. Bây giờ trong lòng Tràng chỉ còn biết đến người phụ nữ đang đi bên cạnh, một cảm xúc khó diễn tả được bằng lời. Có thể nói, dù trong hoàn cảnh đói khát, cùng cực, nhưng con người ta vẫn không thôi mơ đến một tương lai phía trước với đầy đủ tình yêu thương. Đây là lần đầu tiên, Tràng được đi bên cạnh một người đàn bà mà có lẽ chưa bao giờ anh dám nghĩ đến. Vốn thô kệch, vụng về, Tràng ngượng ngùng, lúng túng, muốn nói điều gì đó với người đàn bà kia mà không sao nói nổi. Cuộc đối thoại giữa hai người mới quen biết nhưng sắp là vợ chồng trở nên thật rời rạc, cộc lốc. Nhưng Tràng rất hạnh phúc, Tràng còn khoe với vợ chai dầu mới mua hai hào. Chai dầu này sẽ thắp sáng đêm tân hôn của hai vợ chồng, khiến cho người đàn bà đỡ tủi trong đêm đầu tiên về nhà chồng. Đến khi về nhà, Tràng còn không tin vào mắt mình, khi nhìn thấy người đàn bà ngồi ngay giữa nhà. Tràng rất vui mừng, nhưng cũng lo. Bởi anh còn có mẹ già. Tràng trân trọng giới thiệu vợ mới với mẹ. Một cuộc giới thiêu những tưởng đơn giản chỉ có vài câu đối thoại, nhưng cũng diễn tả được sự trân trọng giữa những con người với nhau, dù trong cảnh nghèo đói cùng cực. Sau đêm tân hôn, Tràng dậy muộn hơn mọi ngày. Có một cảm giác gì đó rất lạ trong anh. Tràng cảm thấy êm ái, không tin rằng đây là sự thật, ngỡ như một giấc mơ. Tràng không tin vào sự thật rằng mình đã có vợ. Tràng nhìn rra bên ngoài nhà, cảm nhận sự đổi mới. Nhà cửa, sân vườn đã được quét dọn sạch sẽ. Mẹ già cùng nàng dâu đang dọn dẹp, nấu nướng. Một cảnh tượng thật bình thường nhưng rất đỗi hạnh phúc. Thì ra mái ấm gia đình là như vậy. Tràng cảm thấy yêu và gắn bó với nơi này, nơi có mẹ già, có vợ yêu. Tràng biết rằng mình sẽ phải cố gắng thật nhiều, để có thể cùng mẹ già và vợ yêu vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nhân vật Tràng chính là đại diện cho sức sống mạnh mẽ, cũng như sự khao khát yêu thương giữa con người với nhau. Dù có trong hoàn cảnh nào, dù không lo nổi cho bản thân, nhưng con người ta vẫn luôn mơ đến một mái ấm với những người thân và tình yêu thương sâu sắc. Kim Lân qua nhân vật Tràng đã gieo vào lòng người đọc sự xúc động với những yêu thương giản dị mà đơn sơ của con người.