Đề bài: Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà Bài làm: Nguyễn Tuân là một con người tài hoa trong làng văn học Việt Nam. Những tác phẩm của ông có thể nói đạt đến độ đặc sắc, tiêu biểu mà không phải bất kỳ ai cũng có thể làm được. Tiêu biểu trong phong cách sáng tác của ông phải kể đến tác phẩm “ Người lái đò sông Đà”. Tác phẩm được trích từ tập tùy bút “ Sông Đà” sáng tác năm 1960 trong một chuyến đi thực tế Tây Bắc của Nguyễn Tuân. Khi đọc tác phẩm Người lái đò Sông Đà, chúng ta chắc chắn có thể thấy được sự tài hoa của Nguyễn Tuân khi miêu tả hình tượng người lái đò, cùng với những hình ảnh về thiên nhiên tươi đẹp. Hai hình tượng trong tác phẩm giúp khắc họa rõ nét sự tài hoa, tinh tế của Nguyễn Tuân chính là hình tượng người lái đó và hình tượng con sông Đà. Dưới ngòi bút của ông, hai hình tượng ấy trở thành hai nhân vật với tính cách đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau. Hình ảnh con sông Đà được Nguyễn Tuân miêu tả rất hung bạo nhưng lại rất trữ tình. Bằng cái nhìn sâu sắc trong mọi khía cạnh của dòng sông từ lịch sử, địa lý, con sông Đà trở nên dữ dội, hung bạo như một con thủy quái khổng lồ, sẵn sàng nuốt trọn tất cả mọi thứ. Vậy nhưng con sông không chỉ có sự hung bạo mà ngược lại rất trữ tình, “ tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bùng nở hoa ban, hoa gạo tháng hai.” Hơn thế nữa, con sông còn biến đổi màu sắc rất riêng theo từng mùa trong năm, nước xanh ngọc bích vào mùa xuân, nhưng đến mùa thu lại “ lừ lừ chín đỏ”. Sông Đà cũng mang nét đẹp rất mộng mơ “ như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa. Chắc hẳn Nguyễn Tuân rất yêu quý sông Đà nên mới có thể nhìn thấu được từng nét đẹp của sông Đà, từ sự hung dữ cho đến chất trữ tình đến như vậy. Với ông, sông Đà như một người bạn cố tri, sẽ thấy nhớ nhung nếu lâu ngày không gặp. Hình tượng người lái đò sông Đà trong con mắt tài hoa của Nguyễn Tuân cũng rất đỗi đặc sắc, giống như một người nghệ sĩ tài hoa trên sông nước. Người lái đò như “ một tay lái sa hoa”, để có thể đưa con thuyền vượt qua được dòng sông dữ dội như sông Đà là cả một nghệ thuật, không phải ai cũng có thể làm được. Nguyễn Tuân bằng sự quan sát, tìm hiểu kỹ cùng trí tưởng tượng phong phú đã miêu tả cuộc vượt thác của người lái đò giống như một viên tướng thời xưa lao vào một “ trận đồ bát quái” với rất nhiều cạm bẫy bủa vây. Với từng chướng ngại vật, từng trùng vây nguy hiểm, người lái đò đều có một phương pháp ứng phó riêng để có thể vượt qua, ông đã nắm chắc “ binh pháp của thần sông Đà”, chắc chắn không ai có thể hiểu con sông ấy hơn ông được nữa. Cũng chính bởi vì quá hiểu con sông cùng quy tắc của dòng sông nên ông có thể tung hoành trên con sông một cách thoải mái mà không e sợ nguy hiểm. Khi đã vượt qua từng trùng vây với những bí kíp riêng, con thuyền đã an toàn vượt thác, người lái đò lại trở về là một con người bình thường, ung dung, tự tại xuôi dòng cùng con thuyền. Bằng hình tượng người lái đò sông Đà, tác giả Nguyễn Tuân đã cho chúng ta một cái nhìn mới về định nghĩa về những người anh hùng. Anh hùng không chỉ là những người hàng ngày chiến đầu ở ngoài chiến trường, mà ở ngay trong cuộc sống hàng ngày, ở xung quanh chúng ta. Với sự tài hoa hơn người cùng lòng sũng cảm, những con người dù hiền lành, bình dị hàng ngày đều có thể là anh hùng. Qua hai hình tượng con sông Đà và người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã thể hiện được những nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của ông. Đầu tiên, ông tô đậm cái khác thường, sự phi thường để gây cảm xúc cùng ấn tượng mãnh liệt. Với Nguyễn Tuân, cái đẹp không phải tuyệt mỹ mà là siêu phàm, không chỉ là dữ dội mà là khủng khiếp. Con sông Đà cũng mang trong mình hình tượng nghệ thuật này. Con sông hung bạo, dữ dội hơn tất cả những dòng sông khác và cũng thơ mộng, trữ tình một cách hiếm có. Nhìn qua thấy rất đối lập với nhau nhưng lại hình thành nét đẹp riêng của sông Đà. Sự mạnh mẽ và yếu đuối luôn song hành, mang lại cảm hứng cho Nguyễn Tuân. Bằng hình tượng sông Đà, Nguyễn Tuân đã thể hiện tài năng chủ nghĩa, đây cũng chính là cái “ ngông” của Nguyễn Tuân. Tiếp theo, Nguyễn Tuân tiếp cận và phản ánh đối tượng từ văn hóa ddeens mỹ thuật. Con người trong tác phẩm của ông tỏa sáng với vẻ đẹp của trí tuệ, vẻ đẹp của sự tài hoa, như một người nghệ sĩ trên sông nước thực thụ. Phong cách nghệ thuật của ông mang phong cách uyên bác, tài hoa, thể hiện ở những từ ngữ cùng những hình tượng nghệ thuật trong từng tác phẩm của ông. Ngôn ngữ trong văn của ông có đầy đủ từ màu sắc đến hình tượng và âm thanh, khiến cho người đọc có thể cảm nhận một cách rõ nét nhất những điều mà ông muốn nói đến. Hơn thế nữa, Nguyễn Tuân còn khác với những người khác khi lấy những cái đối lập để làm nền cho nhau, làm nổi bật nhau lên. Đó cũng chính là cái ngông trong phong cách của ông. Vì thế khi đọc văn Nguyễn Tuân mang lại rất nhiều cảm hứng, sự hứng thú cho người đọc. Tùy bút “ Người lái đò sông Đà đã cho ta thấy cái tài và tình của Nguyễn Tuân qua từng câu chữ. Bằng hình tượng con sông Đà và người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã cho ta thấy được tình cảm của ông đối với thiên nhiên, cũng như đối với những người lao động Việt Nam.