Phân tích phong cách nghệ thuật thơ Chế Lan Viên

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Chế Lan Viên

    Tài năng thơ Chế Lan Viên bộc lộ khá sớm. Tập thơ Điêu tàn ra đời lúc nhà thơ 17 tuổi đã rất được chú ý. Tuy nhiên, hồn thơ ấy cũng từng có lúc rơi vào sự bế tắc chung của nhiều nhà thơ mới giai đoạn 1930 – 1945.

    Cách mạng tháng Tám thành công đã thực sự trở thành sự kiện bước ngoặt giải thoát những bế tắc ấy và mở ra cho nhà thơ con đường sáng tạo rộng rãi. Từ sau cách mạng tháng Tám – 1945, nhất là từ sau năm 1954, thơ Chế Lan Viên ngày càng phong phú, đa dạng, có những đóng góp xuất sắc vào sự phát triển của nền thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Tập thơ đầu tiên là Điêu tàn đã bộc lộ những nét riêng của tư duy và cảm xúc Chế Lan Viên, nhưng phải đến Ánh sáng và phù sa (1960) thì phong cách của nhà thơ mới thực sự hình thành rõ nét. Tuy phong cách đó không hoàn toàn cố định, theo từng chặng đường thơ có sự vận động, nhưng vẫn có thể nhận ra một số nét nổi bật:

    + Thơ mang tính lý luận, giàu suy tưởng và triết lý.
    + Thơ thể hiện sự sáng tạo hình ảnh độc đáo.

    Thơ Chế Lan Viên là kiểu thơ lý luận, giàu suy tưởng và triết lý :

    Thơ Chế Lan Viên mang tính lý luận vì một lý do rất riêng. Ông thường bàn về thơ bằng thơ. Tức là dùng thơ vào công việc của lý luận. Ở Việt Nam, kiểu thơ này, Chế Lan Viên là người mở đầu. Nhà thơ đã đề cập nhiều suy nghĩ, quan niệm về các phương diện của công việc sáng tạo và tiếp nhận thơ, của vai trò, sứ mệnh thơ ca trong đời sống… trong những trang sổ tay thơ.

    Nói về nguồn cảm hứng sáng tạo thơ ca, Chế Lan Viên viết :

    Mỗi ngày gặp một người – họ là một mảnh của thiên tài nhân loại
    Máu và mồ hôi của người đúc nên bao hình ảnh ngữ ngôn
    Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà đời rơi vãi
    Hãy nhặt những chữ của đời mà góp nên trang.

    (Nghĩ về thơ (II))

    Chế Lan Viên không nói gì khác ngoài một nguyên lý căn bản: hiện thực đời sống là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác; là đối tượng, là chất liệu cho tác phẩm thơ ca. Nhà thơ có đứng vững trên mảnh đất đời sống, lấy đời sống làm điểm tựa mới mong làm ra được cái gì có giá trị:

    Dù cho là Phật
    Thì trước khi ngồi lên toà sen hư ảo
    Câu thơ cũng phải xuất gia đi ra bốn cửa ô có thực của đời.

    (Sổ tay thơ)

    Hiện thực ấy là tiếng sóng, màu mây, sắc nắng, bước chân của đoàn quân, tiếng rì rầm của nhà máy, nhịp sống ở công trường, những đổi thay của thời cuộc:

    Bài thơ mặt bể gọi đi xa
    Phải hiểu màu mây và sắc nắng
    Ngàn sao thời cuộc chói trên đầu
    Vĩ độ mù sương, kinh độ sáng Sao ta chỉ biết có thuyền ta
    Giương chiếc buồm con như chiếc bóng

    (Nghĩ về thơ (II))

    Hai câu sau của đoạn thơ là cả một sự trải nghiệm. Mỗi con người có thể coi là một vũ trụ thu hẹp. Và người nghệ sĩ, chỉ cần lắng nghe phần sâu kín của con người mình cũng có thể có nhiều chất liệu cho thơ. Nhưng cái phần sâu kín ấy chẳng qua chỉ là cái vốn dự trữ, nhỏ nhoi, dễ vơi cạn. Nói khác đi, cái Tôi tự khép kín, tách biệt với cuộc đời thì chỉ còn là ao tù so với đại dương bao la. (Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp… Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép). Nên sống và lắng nghe đời sống bên ngoài mình thơ ca mới có thêm da thịt, có thêm âm vang, hình sắc:
    Sợi chỉ lòng anh nghèo có một màu

    Xe vào cái đa sắc của đời nên chói lọi.

    (Thơ bình phương – đời lập phương)

    Nói về con đường thơ, hướng đi nổi bật của Chế Lan Viên trong sáng tác thơ là:

    Thơ không phải chỉ đưa ru mà còn thức- tỉnh
    Không phải chỉ “ơ hời” mà còn đập bàn, quát tháo lo toan.

    (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…)

    Nó là cả một quá trình nghiền ngẫm, thai nghén, tái tạo chứ không đơn thuần là thứ cảm xúc nhất thời, hời hợt. Bởi nhiều hiện thực của đời sống vốn thô mộc, nếu không có sự sâu sắc trong tâm hồn nghệ sĩ cho nó sự sống bền lâu thì nó sẽ thành vô nghĩa:

    Anh là người định vực sự sống ba chiều
    Lên trang thơ hai mặt phẳng
    Sao trên trời mỗi đêm anh cần thắp lại
    Sông Ngân hà chảy nhờ anh mà nó chảy
    Những ngôi sao trên trời đổi ngôi nhờ anh mà nó đổi ngôi

    Nếu anh ghi lại thì dòng sông kia ở lại
    Và anh để đời trôi xuôi thì nước cũng trôi xuôi.

    (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…)

    Chế Lan Viên cũng đòi hỏi vai trò của trí tuệ trong thơ. Đây là điểm độc đáo. Vì xưa nay, người ta đã nói nhiều về vai trò của cảm xúc trong thơ, và dường nghiêng về phần đó. Chế Lan Viên muốn khám phá sự vật “ở cái bề sâu, ở cái bề xa”. Vì thế nhà thơ luôn vận dụng trí tuệ trong thơ.

    Nguyễn Văn Long nói: “Trong sự đa dạng của thơ Chế Lan Viên thì sức mạnh và vẻ đẹp nổi bật ở chất trí tuệ”. Trí tuệ ấy hướng tới nắm bắt cái ý nghĩa triết lý hàm ẩn trong mỗi hiện tượng, và bằng liên tưởng phong phú, nhà thơ liên kết chúng lại trong nhiều mối tương quan, từ đấy làm nảy sinh ý nghĩa sâu sắc.

    Cuộc sống trong thơ Chế Lan Viên, vì thế không phải chỉ như nhà thơ xúc cảm về nó mà còn như nhà thơ suy nghĩ về nó. Và cuộc sống đi vào thơ Chế Lan Viên vì thế cũng ít đi phần cụ thế, chi tiết mà được làm giàu thêm ở sự hư ảo biến hoá, ở tầm khái quát, triết lý.

    Cố nhiên thơ Chế Lan Viên không chỉ là trí tuệ. Thiếu cảm xúc không thể có thơ. Trong Sổ tay thơ, nhà thơ cũng nói rất rõ:

    Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi,
    Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.
    Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá.
    Nó không là anh, nhưng nó là mùa.

    + Nói về hình thức của thơ :

    Chế Lan Viên cho rằng nội dung có trước và quyết định hình thức. Nhưng nội dung không tồn tại bên ngoài hoặc bên trên hình thức mà bằng hình thức và trong hình thức.

    Một nội dung có thể và cần được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Cái phong phú, đa dạng của hình thức chính là ở chỗ đó:

    Cuộc đời cần đẻ ra nhiều hình thức
    Dù là ngọc thì cũng nhiều viên ngọc
    Chứ phải đâu cứ xanh xanh vĩnh viễn một màu trời.

    (Sổ tay thơ)

    Chăm lo đến hình thức, cân nhắc, tìm tòi, sáng tạo về ngôn ngữ, trả lại cho ngôn từ cái thanh sắc nguyên sơ, làm cho nó phập phồng chất sống là điều Chế Lan Viên coi trọng. Dẫu vậy, nhà thơ cũng lưu ý không lấy kỹ xảo mà bù cái hụt hẫng của tư tưởng, tình cảm, của vốn sống, của cảm hứng:

    Dù anh không làm xiếc
    Cũng phải căng thẳng dây tâm hồn anh lên mà đi qua trên vực ngôn từ
    Căng cái dây hình ảnh ngữ ngôn ngang qua vực tâm hồn sâu thẳm.
    Cho mỗi bước, mỗi bước của anh đều thận trọng
    Không bao giờ anh ở độ chùng dây.

    (Sổ tay thơ)

    Cả dây tâm hồn, dây hình ảnh ngữ ngôn đều phải căng lên như nhau. Cũng có nghĩa cả lao động nghệ thuật và sự vận động của nội tâm đều không thể trùng, không thể lơi… Vì chẳng có gì sẵn cả. Cái điều cần nói, muốn nói có thể đã có, nhưng nói ra thế nào thì tất cả còn ở phía trước.

    Do quan niệm riêng hình thành nên mộ t nét phong cách thơ mang đậm tính lý luận như vậy nên dễ nhận thấy thơ Chế Lan Viên đậm màu sắc suy tư tưởng và giàu tính triết lý. Đây là nét phong cách nổi bật của thơ ông.

    Như đã nói ở trên, Chế Lan Viên rất chú trọng vai trò của trí tuệ trong thơ, nên thơ ông thường xuất phát từ những cái cụ thể, bình dị của cuộc sống nhưng không nhằm đề diễn tả cái cụ thể, mà khai thác những liên tưởng, tưởng tượng vô cùng phong phú để từ cái cụ thể mà tạo ra biểu tượng.

    Bài thơ Tiếng hát con tàu có thể đưa ra để làm một ví dụ. Toàn bộ bài thơ được xây dựng trên cơ sở hệ thống hình ảnh lấy từ trong thực tế, rất cụ thể: Con tàu, vầng trăng, cuộc kháng chiến của dân tộc, người du kích, em liên lạc, bà mế già, bản làng, rừng núi, cỏ cây, hoa lá, cánh kiến hoa vàng, chim rừng, chiếc nôi, dòng sữa…

    Nhưng tất cả đều đã mang tính biểu tượng. Cái này là biểu tượng của một khao khát đi xa, hướng tới những chân trời mới của cuộc đời, của Tổ quốc; cái kia là biểu tượng của ân tình, ân nghĩa; cái khác lại là biểu tượng cho nhận thức sâu sắc về sức mạnh của nhân dân – ngọn nguồn của nghệ thuật chân chính…

    Để nâng cái cụ thể lên tầm khái quát, triết lý, Chế Lan Viên thường khai thác triệt để mối tương quan đối lập. Nguyễn Văn Long cũng đánh giá: “Tư duy thơ Chế Lan Viên đặc biệt nhạy bén với việc khai thác các tương quan đối lập”. Nhà thơ thường nhìn sự vật trong các mặt đối lập, để làm nổi rõ bản chất và quy luật của chúng, gây được những hứng thú thẩm mỹ bất ngờ cho người đọc. Những mối quan hệ đó là: quá khứ – tương lai, dân tộc – nhân loại, cái bi – cái hùng, yêu thương – căm thù, tĩnh – động, còn – mất, nội dung – hình thức, chủ thể – khách thể…

    Có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh đối lập trong thơ Chế Lan Viên:

    “Đất nước mênh mông – Đời anh nhỏ hẹp.”

    “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
    Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
    Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
    Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.”

    Và khi nói đến Người (Bác Hồ):

    “Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
    Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ châu Phi
    Những đất tự do, những trời nô lệ
    Những con đường cách mạng đang tìm
    Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
    Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
    Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
    Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.

    “Xưa phù du mà nay đã phù sa
    Xưa bay đi mà nay không trôi mất”

    (Nay đã phù sa)

    “Một cái hôn cân vạn ngày lửa đạn”
    ….
    Những hình ảnh được đặt trong thế tương phản như thế có hiệu quả rất rõ về mặt nhận thức. Và như thế, nó tạo cho thơ Chế Lan Viên một màu sắc, một giọng điệu khác hẳn với những người khác cũng như làm phong phú thêm cho thơ ca dân tộc.

    Thơ Chế Lan Viên – thơ của sự sáng tạo hình ảnh :
    Điều này không đơn thuần chỉ là thủ pháp mà nằm trong tư duy thơ Chế Lan Viên. Có thể nói,Chế Lan Viên suy nghĩ, cảm nhận mọi vấn đề của cuộc sống bằng hình ảnh. Thế giới nghệ thuật của Chế Lan Viên được tạo nên bởi vô số hình ảnh: hình ảnh thực, hình ảnh tượng trưng, hình ảnh ẩn dụ, hình ảnh đơn lẻ… nhưng nhiều hơn là hình ảnh được liên kết, xâu chuỗi thành từng chùm, từng hệ thống tạo nên những ấn tượng bất ngờ.

    Ví dụ:

    Những đảo đá Hạ Long:

    “Những đêm trăng đá suy nghĩ như người
    Khi xuân đến, đá động lòng thương nhớ
    Khi hè gọi, đá xôn xao trong dạ đá…
    Hoa phong lan tím hồng rủ bướm đến từng đôi…”

    Khi nhắc đến Biển:

    “Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại
    Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra thành bể và thôi không trở lại làm trời
    Nếu núi là con trai, thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương đã biến thành con gái
    Mỗi đêm hè, da thịt sóng sinh sôi”

    Khi nghĩ về Tổ quốc:

    “Tên Tổ quốc vang ngoài bờ cõi
    Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng
    Ta mọc dậy trước mắt nhìn nhân loại
    Hai chữ Việt Nam đồng nghĩa với anh hùng.”

    Về tình yêu:

    “Cái rét đầu mùa anh rét xa em
    Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nửa
    Một đắp cho em ở vùng sóng bể
    Một đắp cho mình ở phía không em”

    “Anh cách em như đất liền xa cách bể
    Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em
    Em thân thuộc sao thành xa lạ thế
    Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm”

    “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
    Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
    Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
    Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”
    …..

    (Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể)

    Tư tưởng và cảm xúc của nhà thơ nhập vào hình ảnh và ngôn ngữ, như linh hồn và thể xác, như ánh sáng và sức nóng của một ngọn lửa. Không phải mọi lúc, nhưng không hiếm trường hợp Chế Lan Viên đã đạt được sự hài hoà máu thịt và bền vững ấy trong thơ.

    Trí tuệ, sắc sảo, nhạy bén, cùng với một vốn văn hoá vững vàng, Chế Lan Viên đã tạo nên một phong cách thơ độc đáo, thể hiện tâm huyết tìm tòi, đổi mới nghệ thuật thơ ca, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển phong phú, có chiều sâu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam.