Phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ Mở bài: Nguyễn Dữ là một cây bút khá bí ẩn trong nền văn học Việt Nam thế kỉ XVI. Tương truyền ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, sống vào thế kỉ XVI, thời nhà Lê bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến tranh quyền lực gây ra các cuộc nội chiến kéo dài. Nguyễn Dữ học rộng tài cao nhưng chỉ làm quan có một năm rồi về quê sống ẩn dật như nhiều trí thức đương thời khác. Trong thời gian về ở ẩn, ông đi khắp noi ghi chép chuyện kể trong dân gian và biên khảo thành tập Truyền kỳ mạn lục, một tác phẩm kinh điển của nền văn học trung đại Việt Nam. Thiên truyện Chuyện người con gí nam Xương trích trong tập truyền kì ấy. Thân bài: Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyện viết bằng chữ Hán. Chuyện người con gái Nam Xương là thiên truyện thứ 16, kể về số phận oan nghiệt của nhân vật Vũ Nương, một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ phong kiến. Qua cuộc đời và số phận của nhân vật Vũ Nương, tác giả thầm kín thể hiện thái độ phê phán, tố cáo, căm phẫn đối với chế độ phong kiến thối nát đương thời đã chà đạp lên số phận con người, đẩy họ vào bước đường cùng không lói thoát. Tác giả tập trung khắc họa nhân vật Vũ Nương. Tuy không được điển hình hóa như các nhân vật khác trong văn học, thế nhưng, nhân vật Vũ Nương đã để lại trong lòng người đọc một hình ảnh khá toàn diện. Nhân vật Vũ Nương mang trong mình những phẩm chất cao quý của người phụ nữ chuẩn mực. Trước hết nàng là một người con gái thùy mị, nết na, hết mực hiền thục. Nàng có ý thức đúng mực trong việc cư xử, nhường nhịn, giữ gìn khuôn phép trong cuộc sống gia đình, không có lúc nào để chồng phải bất hòa. Ngay cả khi bị chồng nghi oan, dứt khoát đuổi đi, nàng vẫn nhẹ nhàng, một mực phân trần cho chồng hiểu, không một lời to tiếng. Ttrong bất kì hoàn cảnh nào, nàng cũng luôn là một người phụ nữ hiền thục, nết na, biết giữ gìn khuôn phép và tuân thủ các chuẩn mực hết sức nghiêm khắc. Vũ Nương là một người phụ nữ yêu chồng tha thiết và hết mực thủy chung. Khi tiễn chồng lên đường, nàng đã nói với chàng Trương những lời rất chân tình, âu yếm “chàng đi chuyến này, thiếp chẳng mong được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên”. Nàng bày tỏ sự khắc khoải nhớ nhung của mình, “mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời lại ngập chìm trong lòng nàng”. Nàng một lòng chung thủy mong đợi chồng về trong cô đơn mòn mỏi, chưa một lần nghĩ đến chuyện bướn ong, thậm chí quên cả chuyện to son, điểm phấn. Trong trái tim nàng, chỉ có duy nhất hình ảnh người chồng và đứa con thơ. Không chỉ là người phụ nữ thủy chung, mà Vũ Nương còn là nàng dâu rất hiếu thảo. Khi mẹ chồng ốm đau, nàng dùng lời lẽ ân cần động viên, dịu dàng khuyên giải, chăm sóc thuốc men cho bà chu đáo. Khi mẹ chồng mất, nàng lo ma chay tế lễ như đối với cha mẹ đẻ của mình. Lời trăng trối của bà mẹ trước lúc lâm chung là sự đánh giá cao về nhân cách của Vũ Nương: “Sau này Trời xét lòng lành ban cho phúc đức, xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con chẳng phụ mẹ”. Nàng được chính mẹ chồng ca ngợi và ghi nhận công lao. Trong khi thói thường chẳng mấy khi mẹ chồng ca ngợi con dâu. Sự hiếu nghĩa ấy ở nàng cũng chính là biểu hiện phần nào cho tấm lòng son của nàng đối với Trương Sinh. Ngoài ra, nàng còn là một người mẹ thương con, người vợ hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Nàng hết mực đảm tháo vác. Mọi chuyện trong gia đình chồng một tay nàng quán xuyến. Có thể khẳng định rằng, Vũ Nương là một mẫu mực của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, đẹp người, đẹp nết. Nàng là hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam với nhiều phầm chất đáng trân trọng, thái độ nâng niu người phụ nữ – những con người bị xã hội phong kiến chà đạp. Đó chính là biểu hiện của giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm này. Cuộc đời Vũ Nương là một cuộc đời bi kịch, hết sức đau thương. Một người con gái xinh đẹp, bất hạnh nhưng lại có số phận vô cùng oan nghiêt. Tính cách nàng hiền thục, nhân phẩm nàng cao quý nhưng lại lấy phải một người chồng thất học, đa nghi, thiếu hiểu biết, cư xử một cách hồ đồ. Bởi thế, nàng không những không được hưởng hạnh phúc gia đình mà còn rơi vào một mối oan tình khó gỡ. Cuộc chiến nơi biên cương khiến chồng nàng phải rời bỏ gia đình ra nơi xa trường. Đến khi trở về đã nghi ngờ là thất tiết, không thuỷ chung. Vũ Nương bị chồng phỉ nhổ, ruồng rẫy và đuổi ra khỏi nhà. Không thể tự mình giải trình, minh oan, quá phẫn uất, nàng chọn lấy cái chết một cách oan uổng. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của nàng một phần là do người chồng ghen tuông mù quáng. Nhưng một phần là do sự tiếp tay của xã hội phong kiến chuyên quyền, độc đoán vốn rất hà khác đối với người phụ nữ. Vũ Nương chính là nạn nhân trực tiếp của chế độ nam quyền, một xã hội mà hôn nhân không có tình yêu và tự do; là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa gây ra nhiều đau thương mất mát cho con người. Chiến tranh đã gây nên cuocj chia biệt, đồng thời tạo điều kiện cho lòng ghen tuông mù quáng vốn là bản tính của trương Sinh có dịp dồng nén và bùng phát. Tuy có những phẩm chất tâm hồn đáng quý nhưng Vũ Nương đã phải chịu một số phận cay đắng,oan nghiệt. Nghịch lí ấy tự nó đã là tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến bấtcông phi lí đương thời chà đạp lên hạnh phúc của con người. Xây dựng hình tượng Vũ Nương, một mặt nhà văn ngợi ca những phẩm chất tâm hồn đáng quý của người phụ nữ, mặt khác thể hiện thái độ cảm thông thương xót cho số phận bất hạnh của họvà cực lực lên án xã hội phong kiến đương thời bất công, phi lí chà đạp, rẻ rúng con người, đặc biệt là người phụ nữ. Tấm lòng yêu thương con người của Nguyễn Dữ chính là niềm cảm thông sâu sắc đối với nhân vật Vũ Nương. Dù rằng, Nguyễn Dữ đã tưởng tượng ra những ngày sung sướng của Vũ Nương nơi thuỷ cung để xoa dịu bớt nỗi đau trong lòng người đọc nhưng trước câu chuyện vẫn là số phận bi kịch đầy nước mắt của người thiếu phụ năm xưa. Đó chính là giá trị hiện thực của tác phẩm. Nhân vật Trương Sinh tuy không được đặc tả nhưng cũng hiện lên với những đặc điểm đáng chú ý. Trước hết, Trương Sinh hiện ra với lí lịch là con nhà giàu nhưng thất học, lại có tính đa nghi và phòng ngừa quá mức. Nghĩa là, ở nhân vật này không có một điểm tốt nào nhưng không ai trách móc gì. Đó là một dụng ý sâu sắc của Nguyễn Dữ. Bản chất của Trương Sinh hay cũng chính là cái bản chất của xã hội phong kiến nam quyền đã tự cho mình những cái quyền lực vô hạn. Với quyền hạn ấy, xã hội nam quyền đã đổ lên số phận người phụ nữ biết bao oan nghiệt, khổ đau và bất hạnh, biến họ thành nô lệ. Sau cuộc hôn nhân, bản chất kém cỏi ấy bắt đầu gây ra tai họa. Trước hết là gây nên cuộc sống gia đình căng thẳng, bức bí. Sau đó là tai họa. Chỉ vì một lời nói ngây thơ của con trẻ đã vội nghi oan cho vợ, rồi bỏ ngoài tai những lời thanh minh của vợ, mắng nhiếc rồi đánh đuổi vợ đi mà không thèm nghe những lời phân minh tha thiết. Trương Sinh xử sự vũ phu, hồ đồ, độc đoán theo kiểu gia trưởng độc tôn. Trương Sinh chính là hiện thân của chế độ phong kiến nam quyền độc đoán, chuyên quyền và tàn nhẫn. Ở thiên truyện này, Nguyễn Dữ đã rất thành công khi xây dựng một tình huống truyện đặc sắc, hấp dẫn. Motip chiến tranh li loạn, gia đình tan vỡ không có gì mới nhưng các giá trị về nhân sinh là hoàn toàn mới mẻ. Cách miêu tả nhân vật của nhà văn tuy còn sơ lược nhưng cũng đủ sức hấp dẫn, sinh động, hợp lý. Nhà văn cũng tạo dựng các tình tiết kì ảo làm tăng thêm tính li kì và lôi cuốn người đọc, đồng thời qua đó thể hiện tình yêu thương vô hạn và sự cảm thông sâu sắc đối với số phận bất hạnh, đau thương của ocn người. Lại thêm sự kết hợp tự sự với trữ tình khiến cho câu chuyện vừa mạch lạc, rõ ràng vừa tha thiết bi ai. Kết bài: Chuyện người con gái Nam Xương là một thành công lớn của Nguyễn Dữ và của nền văn học trung đại. Tác phẩm đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ từ chuyện kể dân gian sang sáng tác văn học, khởi đầu cho dòng văn học tự truyện và chuyện kể nở rộ sau này.