Phân tích “Tình cảnh lẻ loi” của người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm khúc”

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Chinh phụ ngâm là một trong những tác phẩm nổi nhất của nền văn học Việt nam thế kỉ XVII do Đặng Trần Côn sáng tác. Tác phẩm được xem là kiệt tác văn học, có giá trị về nhiều mặt. Chinh phụ ngâm là tiếng nói oán ghét chiến tranh phong kiến phi nghĩa của tác giả, đồng thời thể hiện khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Tác phẩm mang đậm bút pháp nghệ thuật cổ điển với tính tượng trưng ước lệ đặc sắc, bút pháp tả cảnh ngụ tình đạt đến độ hoàn mĩ. Đặc biệt, với bản dịch Chinh phụ ngâm khúc đã đưa ngôn ngữ dân tộc lên tầm cao mới, phong phú, uyển chuyển.
    • Thân bài:
    Đặng Trần Côn sống vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII. Ông là người thông minh, tài hoa, hiếu học. Tính cách của Đặng Trần Côn “đuềnh đoàng không buộc”, thích được tự do, phóng túng nên không đỗ đạt cao, chỉ đỗ Hương cống và giữ các chức quan thấp. Lúc còn trẻ, Đặng Trần Côn không có tiếng tăm gì. Thế nhưng, khi tác phẩm Chinh phụ ngâm ra đời đã gây tiếng vang lớn trong giới Nho sĩ, đưa Đặng Trần Côn trở thành một trong những tên tuổi nổi bậc nhất trên thi đàn đương thời. Khuynh hướng chung của thơ văn ông là đi sâu vào tình cảm, đi sâu vào nỗi lòng trắc ẩn, phức tạp, sâu kín của con người, nhất là đối với người phụ nữ. Chinh phụ ngâm là một phát hiện sâu thẳm của Đặng Trần Côn , khó có ai bì kịp.

    Chinh phụ ngâm kể về nỗi khổ, nỗi cô đơn buồn tủi của người chinh phụ có chồng phải tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa. Hạnh phúc chưa được bao lâu phải rời xa nhau trong nước mắt. Cuộc tiễn đưa lưu luyến kết thúc, người chinh phụ trở về khuê phòng và tưởng tượng ra cảnh sống của chồng nơi chiến địa. Những xúc cảm về một hình ảnh “lẫm liệt” của chồng phút chia ly đã dần mờ nhòe, thay thế vào đó là nỗi lo sợ khủng khiếp về số phận của chồng giữa chiến trường khốc liệt, đầy oan hồn tử khí, và niềm đau khổ khôn nguôi về thân phận đơn chiếc của bản thân nàng. Tâm trạng nàng trăm sầu nghìn não, chán chường và tuyệt vọng. Nàng thầm trách cuộc chiến tranh đã ngăn cách lứa đôi sum vầy. Đó cũng là lời tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa đã cướp đi hạnh phúc của biết bao con người.

    Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ viết về tình cảnh và tâm trạng người chinh phụ phải sống cô đơn, buồn khổ trong thời gian dài người chồng đi đánh trận không có tin tức và khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ.

    Nỗi cô đơn lẻ bóng của người chinh phụ (8 câu thơ đầu)

    Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
    Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
    Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
    Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
    Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
    Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
    Buồn rầu nói chẳng nên lời,
    Hoa đèn kia với bóng người khá thương.

    Nàng cứ đi đi lại lại quanh quẩn ngoài hiên “dạo hiên vắng”, “thầm gieo từng bước”, hết buông rèm, rồi lại cuốn rèm nhiều lần, thao thức cùng ngọn đèn khuya. Hành động cứ lặp đi lặp lại trong vô thức, không mục đích và vô nghĩa. Những động tác, hành động của chinh phụ chứng tỏ nàng không tự chủ được bản thân vì mối sầu nhớ triền miên, da diết không biết san sẻ cùng ai. Những động tác lặp đi lặp lại không mục đích, vô nghĩa thể hiện tâm trạng rối bời, nhung nhớ đến ngẩn ngơ, cô đơn lẻ loi. Nàng khổ đau đến quẫn bách cả tinh thần.

    Từng khắc, từng giờ, nàng mong ngóng tin xa nhưng càng chờ đợi càng thấy bặt tăm:

    Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
    Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?

    Chim thước là loài chim báo tin tốt lành. Nhưng giờ đây “Thước chẳng mách tin”. Nàng thầm trách chim thước vì không nhận được tin của chồng. Càng mong ngóng càng thấy tuyệt vọng. Người chinh phụ tìm đến bày tỏ tâm sự với đèn nhưng rồi cũng vô ích. Cuối cùng thấy mình và đèn có cùng một cảnh ngộ đáng thương. Nỗi cô đơn thể hiện qua sự đối bóng giữa người chinh phụ và ngọn đèn khuya, vẫn chỉ là “một mình mình biết, một mình mình hay”.

    Điệp ngữ bắc cầu “Đèn biết chăng” – “đèn có biết” thể hiện tâm trạng buồn triền miên, kéo dài lê thê dường như không bao giờ dứt, ngừng. Kết hợp với câu hỏi tu từ: “Đèn biết chăng- đèn chẳng biết” làm lời than thở, nỗi khắc khoải, chờ đợi và hi vọng trong nàng day dứt không yên. Tâm trạng của nhân vật trữ tình đã chuyển giọng tự nhiên từ lời kể bên ngoài thành lời tự độc thoại nội tâm da diết, tự dằn vặt, rất thương, rất ngậm ngùi.

    Hình ảnh “ngọn đèn”, “hoa đèn” cùng với cái bóng trên tường của mình gợi cho người đọc gợi nhớ đến hình ảnh ngọn đèn không tắt trong nỗi nhớ của người thiếu nữ trong bài ca dao quen thuộc “đèn thương nhớ ai, mà đèn không tắt?” và nhớ đến truyện Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Trong im lặng dằng dặc, dưới ánh đèn thăm thẳm, người chinh phụ trẻ chỉ còn thầm lặng chuyện trò với ngọn đèn, với cái bóng của chính mình.

    Nỗi sầu muộn triền miên của người chinh phụ trong đêm khuya khoắt (8 câu tiếp theo)

    Gà eo óc gáy sương năm trống,
    Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.
    Khắc giờ đằng đẵng như niên,
    Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
    Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
    Gương gượng soi lệ lại châu chan.
    Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
    Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng.

    Để diễn tả tâm trạng sầu muộn của người chinh phụ, tác giả đã sử dụng những hệ thống những âm thanh, hình ảnh vo cùng đặc sắc và ấn tượng.

    Thể hiện qua không gian:

    + Âm thanh: Tiếng gà gáy suốt năm canh, biểu hiện sự vắng vẻ tĩnh mịch của không gian.
    + Hình ảnh: Bóng hòe gợi nên sự buồn bã, ủ rủ của người chinh phụ.
    Người chinh phụ cô đơn đã thao thức suốt cả đêm trong một không gian hoang vắng, tĩnh mịch.

    Thể hiện qua thời gian:

    So sánh “Khắc giờ” = “như niên”, “mối sầu” = “tựa miền biển xa”

    + Từ láy “đằng đẵng, dằng dặc”.

    Nỗi sầu của người chinh phụ kéo dài vô tận trong một không gian vô cùng.

    Thể hiện qua hành động:

    + “Gượng” + đốt hương, soi gương, gảy đàn. Những hành động gượng gạo không tìm được sự giải tỏa, sẻ chia. Càng nhớ mong, chờ đợi nỗi sầu càng thêm chồng chất.
    + Ẩn dụ: “sắt cầm”, “dây uyên”, “phím loan”: khát vọng lứa đôi + động từ “đứt, chùng”. Nàng lo sợ hạnh phúc tan vỡ, lứa đôi chia lìa.
    => Khát vọng hạnh phúc, tình yêu lứa đôi của người chinh phụ.

    Nỗi nhớ thương đau đáu trong lòng (8 câu cuối)

    – “Gió đông”, “Non Yên”
    – đường lên bằng trời
    – trời thăm thẳm

    → Hình ảnh ước lệ gợi không gian rộng lớn, vô tận ngăn cách hai người-> nỗi nhớ mong chinh phu da diết, khắc khoải của người chinh phụ tăng lên.
    – Từ láy “thăm thẳm”, đau đáu”→ nỗi nhớ chồng khôn nguôi, canh cánh trong lòng của người chinh phụ
    – Bút pháp tả cảnh ngụ tình + độc thoại nội tâm: “Cảnh buồn…mưa phun” →nỗi nhớ nhung, đau đớn, xót xa của người chinh phụ.
    => Khát khao sự đồng cảm của người chinh phu nơi biên ải nhưng vô vọng

    Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, độc thoại nội tâm, câu thơ gợi tả tâm trạng đau đáu, tha thiết không nguôi như nhuốm vào giọt mưa, giọt sương, đều đều, miên man trong tiếng trùng ra rả. Qua đó bộc lộ nỗi nhớ nhung đau đớn, xót xa của người chinh phụ với hình ảnh chinh phu tràn ngập trong tâm tưởng. Đó là khát khao sự đồng cảm của người chinh phu nơi biên ải nhưng vô vọng, sầu nhớ da diết, triền miên.

    Qua đoạn trích, tác giả thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với khao khát hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ. Đoạn trích cũng gián tiếp lên án chiến tranh phong kiến phi nghĩa, đã gieo rắc biết bao đau khổ lên số phận con người.
    • Kết bài:
    Tác giả bản dịch đã sử dụng ưu thế của thể thơ song thất lục bát, đã vươn tới một sáng tạo tài tình bằng ngôn ngữ trong sáng hiện đại, kết cấu thanh vận khéo léo, láy âm điệp chữ tinh tế, gieo vào lòng độc giả âm hưởng xao xuyến vừa quen thuộc vừa đa dạng, và hầu như lúc nào cũng gây được hiệu quả thẩm mĩ. Một lần nữa, Chinh phụ ngâm khúc không ngừng thúc dội mãnh liệt vào trái tim con người bằng những vần thơ tinh xảo, giàu giá trị nhân văn và nhân đạo sâu sắc.