Phân tích tinh thần nhân đạo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích tinh thần nhân đạo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - Bài làm 1

    Bài làm:
    Trong đề từ tập thơ Đoạn trường tân thanh , Tiến sĩ Phạm Quý Thích đã viết:

    ... Mặt ngọc lỡ sao vùi đáy nước,
    Lòng trinh không thẹn với Kim lang.
    Đoạn trường mộng tỉnh duyên đà đứt,
    Bạc mệnh đàn ngưng hận vấn vương...
    (Nguyễn Quảng Tuân dịch)
    Phạm Quý Thích là người cùng thời với Nguyễn Du. Lời đề từ của nhà nho danh tiếng này đã khẳng định và ngợi ca giá trị nhân đạo của kiệt tác Truyện Kiều. Mười lăm năm trời lưu lạc của nàng Kiều là một thiên bạc mệnh thấm đầy lệ làm xúc động lòng người “Cảo thơm lần giở trước đèn...” 3254 câu thơ Kiều dào dạt một tình thương mênh mông của Nguyễn Du trước những bi kịch cuộc đời “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Tinh thần nhân đạo là cảm hứng nhân văn bao trùm lên toàn bộ Truyện Kiều. Đó là tiếng nói ngợi ca những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của con người như tài sắc, lòng hiếu nghĩa, vị tha, chung thuỷ trong tình yêu... Đó còn là tấm lòng của nhà thơ đồng tình với những ước mơ và khát vọng về tình yêu lứa đôi, về tự do và công lý; là sự đồng cảm, xót thương với bao nỗi đau, bị vùi dập của con người, nhất là đối với người phụ nữ “bạc mệnh” trong xã hội phong kiến. Có thể nói, cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du là cảm hứng trân trọng và thương yêu con người bị áp bức, bị chà đạp.
    Tinh thần nhân đạo trong Truyện Kiều, trước hết là tiếng nói ngợi ca những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của con người. Kiều là hiện thân của cái đẹp và tài năng tuyệt vời. Nàng kiều diễm, rực rỡ “Hoa ghen thua thắm. liễu hờn kém xanh”. Kiều không chỉ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” mà còn có một tài năng toàn diện, rất đáng tự hào:

    Thông minh vốn sẵn tính trời,
    Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.
    Kim Trọng, một văn nhân, tài tử “vào trong nho nhã, ra ngoài hào hoa”. Là một “thiên tài” hội tụ của tinh hoa thời đại “văn chương nết đất, thông minh tính trời”. Mỗi bước đi của chàng Kim đều đem đến cho đất trời, cỏ cây hoa lá một sức sống đẹp tươi kỳ diệu:

    Hài văn lần bước dặm xanh,
    Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
    Mối tình của Kim Trọng, Thuý Kiều là một thiên diễm tình. Đó là một tình yêu tự nguyện vượt ra ngoài khuôn khổ lễ giáo phong kiến, rất trong sáng và thuỷ chung của “người quốc sắc, kẻ thiên tài”.
    Kiều là một đứa con chí hiếu. Gia đình gặp tai biến. Tài sản bị bọn sai nha “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”, cha bị tù tội. Kiều đã quyết hy sinh mối tình riêng, để cứu cha và gia đình. Hành động bán mình chuộc cha của Thuý Kiều thấm đượm một tinh thần nhân đạo cao đẹp, làm cho người đọc vô cùng cảm phục và xúc động:

    Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
    Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.
    Thà rằng liều một thân con
    Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.
    Đọc Truyện Kiều, lần theo con đường khổ ải của Kiểu, ta vô cùng cảm phục trước tấm lòng đôn hậu, hiếu thảo, tình nghĩa của nàng. Kiều như quên hết nỗi đau của riêng mình mà dành tất cả tình thương nhớ thắm thiết cho cha mẹ và hai em. Nàng lo lắng cha mẹ già yếu, buồn đau, không ai chăm sóc đỡ đần:
    Xót người tựa cửa hôm mai,
    Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ...
    Tình tiết “trao duyên” trong Truyện Kiều cũng là một nét rất đẹp của tình cảm nhân đạo. Trước bi kịch cuộc đời “Hiếu tình khôn nhẽ hai đường vẹn hai” Kiều đã “cậy em’’ và trao duyên cho Thuý Vân thay mình trả nghĩa “nước non” với chàng Kim:

    ... Ngày xuân em hãy còn dài,
    Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
    Chị dù thịt nát xương mòn,
    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
    Chiếc thoa với bức tờ mây,
    Duyên này thì giữ, vật này của chung.
    Tinh thần nhân đạo trong Truyện Kiều còn là tiếng nói đồng tình, đồng cảm của thi hào Nguyễn Du với những ước mơ về công lý, những khát vọng về tự do.
    Từ Hải là một hình tượng mang màu sắc sử thi, một anh hùng xuất chúng có tài năng đích thực và sức mạnh phi thường. Một ngoại hình siêu phàm: “Râu hùm hàm én mày ngài - Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Những chiến công hiển hách, lẫy lừng: “Huyện thành đạp đổ năm toà cõi nam”. Từ Hải là một anh hùng đầy chí khí “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Người anh hùng ấy, khi lưỡi gươm vung lên là công lý được thực hiện:

    Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
    Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.
    Từ Hải đã đem uy lực của người anh hùng ra giúp Kiều “báo ân báo án”. Hình tượng Từ Hải là một thành công kiệt xuất của Nguyễn Du trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, là một biểu hiện sâu sắc về tinh thần nhân đạo. vẻ đẹp nhân văn toát lên qua hình tượng này, tựa như ánh sao băng lướt qua màn đêm giông bão tăm tối của đời nàng Kiều vậy. Tuy ngắn ngủi nhưng sáng ngời hy vọng và niềm tin.
    Số phận con người - đó là điều day dứt khôn nguôi của Nguyễn Du. Trái tim nhân ái bao la của nhà thơ đã dành cho kiếp người tài sắc bạc mệnh sự cảm thông và xót thương sâu sắc.
    Sau khi bán mình cho Mã Giám Sinh, Kiều đã trải qua mười lăm năm trời lưu lạc, nếm đủ mùi cay đắng, nhục nhã: “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến, bị giết chết. Kiều phải hầu rượu, đánh đàn trong bữa tiệc quan,... uất ức quá, nàng nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Câu thơ của Nguyễn Du như một tiếng nấc cất lên não lòng. Những từ ngữ: thương thay, hại thay, làm chi, còn gì là thân,... tựa như những giọt lệ chứa chan tình nhân đạo, khóc thương cho số đoạn trường:

    ... Thương thay cũng một kiếp người,
    Hại thay mang lấy sắc tài làm chi.
    Những là oan khổ lưu ly
    Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!...
    Nhân vật Đạm Tiên mãi mãi là một ám ảnh đối với mọi người. Người kỹ nữ “nổi danh tài sắc một thời” nhưng mệnh bạc đau đớn “Sống làm vợ khắp người ta - Hại thay thác xuống làm ma không chồng”. Kiều đứng trước mộ Đạm Tiên, cất lên lời đồng cảm thê thiết! Kiều khóc Đạm Tiên hay Nguyễn Du khóc thương cho nỗi đau của bao người phụ nữ bị vùi dập trong xã hội cũ?

    Đau đớn thay phận đàn bà,
    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
    Nguyễn Du, nhà thơ thiên tài của dân tộc, thông qua số phận và tính cách nhân vật trung tâm - Thuý Kiều - đã biểu hiện trong áng thơ tuyệt tác Đoạn trường tân thanh cảm hứng nhân đạo sâu sắc, cảm động.
    Tinh thần nhân đạo cao cả là nội dung tư tưởng đặc sắc tạo nên vẻ đẹp nhân văn của áng thơ này. Chúng ta vô cùng tự hào về Nguyễn Du, một tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, một trái tim giàu yêu thương, đồng cảm với tâm tư và số phận của con người, một tài năng lớn về thi ca đã làm rạng rỡ nền văn học cổ Việt Nam.
    Nguyễn Du và Truyện Kiều sống mãi trong tâm hồn dân tộc, như tiếng hát lời ru của mẹ. Cảm hứng nhân đạo của nhà thơ là tiếng thương muôn đời:

    Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du,
    Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày...
    (Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu)​
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phân tích tinh thần nhân đạo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - Bài làm 2

    Bài làm:

    Tinh thần nhân đạo trong văn học trước hết là tình yêu đối với con người. về phương tiện này, Nguyễn Du là nhà thi tsix có một tình yêu rộng rãi, sâu sắc đối với nhân loại. Người độc giả thương cô Kiều chính là Nguyễn Du đã chảy nước mắt với cảnh ngộ một thiếu nũ tài sắc bậc nhất mà lại bị dày vò dưới một chế độ xã hội vô tình.
    Qua tập truyện của Nguyễn Du, người ta thấy những cảnh đáng thương nhất trong xã hội phong kiến: một gia đình tan nát dưới chế độ bất công. Mối tính duyên đứt đoạn của một cặp “đôi lứa thiếu niên”, cảnh cô thiếu nữ bị mua về bán đi trên thị trường thương mại, bị đày đoạ trong chốn thanh lâu, hy sinh cho thú tính của một hạng người ích kỷ, cảnh người đàn bà lấy lẽ, đi làm nô tỳ dưới một chế độ bán nô lệ. Kiều chính là hiện thân của một giai nhân, một thiên tài bị đày đoạ, qua những cảnh sống éo le, đau đớn. Sau thân thể cô Kiều, người ta thấy long thương của Nguyễn Du bao gồm cả phái yếu:

    Đau đớn thay phận đàn bà
    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
    Lời than vãn của Kiều cũng là tiếng nức nở của tất cả những người đàn bà bị đày đoạ. Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du cố nhiên mới chỉ biểu hiện bằng những phương thức yếu ớt theo đạo lý chữ nhân của đạo Khổng, hoặc theo tinh thần hiếu sinh của đạo Phật, chưa phải là chiến đấu tình cho nhân đạo con người... Nhưng trong xã hội phong kiến đầy tội ác, giọt nước mắt trước đau khổ của loài người cũng là hạt mưa cần thiết cho cảnh vật dưới một gầm trời nắng hạn. Truyện Kiều rất hiếm những bộ mặt bác ái từ bi. Nhưng không phải là hoàn toàn không có. Khi trong đám nha dịch còn chút “tâm”, khi trong nhà thanh lâu, dưới hàm sử tử, Kiều gặp một ả Mã Kiều, một mụ quản gia, một bà vãi Giác Duyên, nhà thi sĩ vội vàng ghi lấy để lại cho nhân loại một niềm an ủi, một lý do hy vọng. Nhưng cũng chính vì thế mà dưới chế độ áp bức, nhân loại lại càng đáng thương: thì sao mà cái long thương người lại hiếm hoi đến thế? Chỉ có những người như vậy mới biết thương người. Đó cũng là một ám thị chứng minh rằng cái chế độ vô nhân đạo đó không có lý do gì để tồn tại vĩnh viễn...
    Cho nên chủ nghĩa nhân đạo là yếu tố đẹp đẽ nhất trong tập thơ của Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều, tính chiến đấu chưa phải là tích cực và đúng lập trường, mâu thuẫn chỉ giải quyết theo tinh thần thoả hiệp với chế độ, tinh thần khuất phục với mệnh trời. Trời vẫn là lực lượng chi phối cả cõi người. Nhưng không phải vì thế mà ta có thể bất công với nhà thi sĩ. Trái hẳn thế, ta phải nhận định ý nghĩa nhân sinh quan của nhà thơ dưới ánh sáng trong lịch sử. Sự đóng góp của nó có phần nào có thể nói là tiến bộ với xã hội đương thời, cần được nêu lên rõ rệt. Chúng ta cần phê phán mọi yếu tố yếu ớt và lạc hậu trong tư tưởng của Nguyễn Du. Nhưng điều cần hơn là nhận định chắc chắn cái giá trị của Truyện Kiều về phương diện nội dung, mội cuốn truyện dồi dào tinh thần nhân đạo chủ nghĩa trong một xã hội vô nhân đạo.