Phân tích tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” trong bài thơ Đất Nước (trích Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Chủ đề đất nước vốn được khai thác rất mạnh mẽ trong văn học và nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác từ rất lâu. Hình ảnh đất nước được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, đa dạng và sâu sắc. Nhưng có lẽ, phải đến trường ca “Mặt đường khát vong”, văn học mới ó một cái nhìn toàn diện về đất nước và mối quan hệ giữ nhân dân và đất nước. Đất nước ấy là “đất nước của nhân dân”, do nhân dân sáng tạo, xây dựng, bảo vệ và làm chủ.
    • Thân bài
    Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” được thể hiện trên ba chiều cảm nhận. Đất nước được nhìn từ không gian địa lí. Nhân dân làm nên tên núi, tên sông, tên địa phương, danh lam thắng cảnh của Đất Nước. Tác giả nhìn thiên nhiên, danh lam thắng cảnh qua tâm hồn, số phận, ước vọng nhân dân. Nhân dân trao cho núi sông tình yêu, nỗi đau của mình nên mới có núi Vọng Phu, hòn Trống Mái…:

    Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
    Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

    Những anh hùng hào kiệt vì đất nước mà hi sinh, làm nên những thần thoại oai hùng, lẫm liệt còn vang vọng cho đến ngày nay:

    Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
    Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương

    Những con người bình thường lấy học thức làm nên vẻ đẹp của đất nước muôn đời:

    Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
    Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.

    Nhân dân vô danh đã hóa thân vào mỗi tấc đất của quê hương để có Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm…:

    Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
    Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm …

    Cuộc đời nhân dân tạc vào núi sông, thành cốt cách, lối sống dân tộc:

    Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
    Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
    Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
    Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…

    Đất nước hiện hình từ trong thời gian lịch sử. Nhân dân làm nên truyền thống anh hùng vẻ vang trong 4000 năm giữ nước. Khi nghĩ về lịch sử Đất Nước, tác giả không nhắc đến các triều đại, các anh hùng có tên tuổi mà nhấn mạnh đến những con người vô danh, bình dị là nhân dân: họ cần cù lao động xây dựng Đất Nước trong thời bình và sẵn sàng ra trận, hy sinh bảo vệ Đất Nước trong thời chiến, hóa thân vào Đất Nước muôn đời. Cảm xúc tự hào, cảm phục:

    Em ơi em
    Hãy nhìn rất xa
    Vào bốn ngàn năm Đất Nước
    Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
    Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
    Cần cù làm lụng
    Khi có giặc người con trai ra trận
    Người con gái trở về nuôi cái cùng con
    Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
    Nhiều người đã trở thành anh hùng.

    Một dân tộc anh hùng đã dệt nên những trang sử anh hùng. Lịch sử anh hùng ấy không chỉ ở chiến công chống giặc ngoại xâm mà còn ở sự nghiệp chinh phục tự nhiên, mở mang đất nước. Mỗi tất đất chứa đựng những sinh mệnh con người qua lớp lớp thời gian:

    Có biết bao người con gái, con trai
    Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
    Họ đã sống và chết
    Giản dị và bình tâm
    Không ai nhớ mặt đặt tên
    Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.

    Đất nuốc tồn tại trong bản sắc văn hóa của dân tộc từ xưa đến nay. Nhân dân tạo ra nếp sống, nếp nghĩ, bản sắc văn hóa của dân tộc:

    Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
    Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
    Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
    Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
    Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái.

    Khi đất nước lâm nguy, họ trở thành người lính đánh giặc quyết tâm gìn giữ đất mẹ thiêng liêng. Tình yêu đất nước trở thành nguồn sức mạnh phi thường, quét sạch mọi kẻ thù hung bạo:

    Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
    Có nội thù thì vùng lên đánh bại

    Tác gải nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhân dân trong quá trình hình thành và phát triến của Đất Nước. Nhân dân đã sáng tạo, gìn giữ, truyền lại cho thế hệ sau mọi giá trị vật chất và tinh thần. Từ những phát hiện đó nhà thơ đi đến một định nghĩa độc đáo:

    Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
    Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

    Trong muôn vàn vẻ đẹp của dân tộc, tác giả đã chọn ba nét nổi bật ấn tượng nhất được thể hiện trong ca dao để nói lên giá trị tinh thần của nhân dân. Nhân dân ta rất say đắm, thủy chung trong tình yêu “yêu em từ thuở nằm nôi..”. Nhân dân ta hết sức quý trọng tình nghĩa “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”. Nhân dân ta vô cùng quyết liệt trong căm thù và chiến đấu, bền bỉ kiên cường không khuất phục trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm:

    Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
    Đi trả thù mà không sợ dài lâu

    Tác giả cảm nhận, phát hiện về vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước không chỉ là sản phẩm của tạo hóa mà còn là biểu tượng cho số phận, tính cách, tâm hồn con người (sự kết hợp Đất Nước – Nhân dân.

    Tác giả đã khám phá vẻ đẹp tâm hồn, tính cách con người Việt Nam: Yêu thương sâu sắc, thủy chung tình nghĩa, cần cù lao động, anh hùng bất khuất, sống và hi sinh bình dị vì Đất Nước. Từ những khái quát giản dị nhưng đầy tính nhân văn, tác giả khẳng định: “Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân”. Đó là một phát hiện mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm, đóng góp quan trọng trong nhiệm vụ khẳng định tình yêu đất nước và cổ vũ tinh thần hiến đáu bảo vệ đất nước của nhân dân ta.
    • Kết bài:
    Đất Nước là đoạn thơ trữ tình chính luận, kết hợp được cảm xúc với suy ngẫm. Đoạn thơ cho thấy sự hình thành và phát triển của đất nước luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt của nhân dân. Việc vận dụng văn hóa dân gian trong đoạn thơ không chỉ lâ một thủ phấp nghệ thuật mà là sự thấm sâu quan niệm “Đất Nước của Nhân dân” vào cảm hứng sáng tạo của nhà thơ.