Phân tích vẻ đẹp bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích vẻ đẹp bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu
    • Mở bài:
    Chính Hữu là một trong những nhà thơ nổi bậct của nền thơ Cách mạng Việt Nam thế kỉ 20. Ông viết không nhiều và hầu như chủ yếu viết về đề tài người lính và chiến tranh. Bài thơ Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho phong cách thơ Chính Hữu. Với cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc làm nổi bậc hình tượng người lính kiên trung thời kì đầu kháng chiến chống Pháp
    • Thân bài:
    Chính Hữu viết bài thơ Đồng chí năm 1948. Đó là thời kì đầu đầy khó khăn, thiếu thốn của quân và dân ta kháng chiến chống giặc cứu nước. Hàng trăm nghìn thanh niên đã sẵn sàng rời bỏ quê hương, gia đình lên đường chiến đấu. Đẹp thay hình ảnh những người lính đã dũng cảm để lại sau lưng những gì tươi đẹp nhất để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ đã từ giã gai đình, từ giã những người thân yêu ruột thịt để dấn thân vào còn đường cách mạng đầy những chông gai thử thách, gian khổ hiểm nguy.
    Họ gặp nhau trên chiến tuyến. Họ cùng chiến đấu, cùng sẻ chia những tâm tư tình cảm cho vơi bớt gian nan, khổ cực và nỗi nhớ nhà dằn vặt. Họ gọi nhau là đồng chí một cách thân thương, trìu mến. Mở đầu bài thơ, tác giả lí giải cơ sở hình thành tình đồng đội, đồng chí

    Quê hương anh nước mặn đồng chua
    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

    Bằng việc sử dụng phép đối “quê hương anh/ làng tôi; nước mặn đồng chua/ đất cày lên sỏi đá, qua hai câu thơ đầu nhà thơ đã giới thiệu được hoàn cảnh xuất thân của những người lính. Họ vốn là những người nông dân chân lấm tay bùn, sinh ra và lớn lên tại những vùng quê nghèo của Tổ quốc. Người ở miền “nước mặn đồng chua”. Người ở vùng núi cao đất đai khô cằn sỏi đá, môi trường thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Cuộc sống con người quanh năm đói nghèo, lam lũ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
    Ẩn trong hai câu thơ đầu không chỉ là giọng thơ tâm tình kể lể về hoàn cảnh xuất thân của chính mình mà lồng trong đó còn là niềm đồng cảm, xót xa thấu hiểu của những con người cùng chung cảnh ngộ. Chính sự giống nhau về hoàn cảnh xuất thân đã giúp cho những người lính gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn và đó là cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng cao đẹp mặc dù ban đầu họ hoàn toàn là những người xa lạ:

    Anh với tôi đôi người xa lạ
    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
    Súng bên súng, đầu sát bên đầu
    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

    Vẫn là phép đối được nhà thơ sử dụng nhuần nhuyễn trong bốn dòng thơ để từ đó nhấn mạnh một sự thay đổi kì diệu trong tâm hồn, tình cảm của những người lính. Cuộc kháng chiến nổ ra và kì diệu thay từ những con người hoàn toàn xa lạ đến từ những vùng đất khác nhau của Tổ quốc. Những người lính đã tụ hội về đây, gặp gỡ rồi xem nhau như bè bạn, cùng chung vai sat cánh trong chiến đấu:

    Súng bên súng, đầu sát bên đầu
    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

    Súng bên súng, đầu sát bên đầu: phép đối chia câu thơ thành hai vế mang hai ý nghĩa khác nhau. “Súng bên súng” là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những con người cùng chung vai sát cánh trong chiến đấu, dù gian khổ hiểm nguy cũng không rời bỏ đồng đội, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Còn “đầu sát bên đầu” là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những con người cùng chung chí hướng, cùng chung mục đích, lí tưởng chiến đấu cao đẹp vì độc lập tự do của Tổ quốc, sẵn sàng hi sinh bản thân mình vì đất nước nhân dân.
    Không chỉ cùng nhau vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy trong đấu tranh mà ngay cả trong cuộc sống đời thường họ cũng cùng nhau chia bùi sẻ ngọt, đồng cam cộng khổ:

    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
    Trong những đêm đông giá lạnh, họ cùng nhau kể lể chuyện riêng tây, chuyện gia đình, chia sẻ với nhau từng niềm vui nỗi buồn để rồi chính những khoảnh khắc gần gũi ấy đã giúp cho những người lính càng trở nên thân thiết gắn bó. Không biết tự bao giờ họ đã coi nhau như những người tri ân tri kỉ rồi một ngày kia họ gọi nhau bằng hai tiếng thân thương “đông chí”.
    Cuộc sống và chiến đấu nơi rừng núi vô cùng thiếu thốn và vất vả. Dù thế, họ vẫn không sờn lòng. những người đồng đội đã cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, an ủi, động viên nhau vượt qua hoàn cảnh:

    Áo anh rách vai,
    Quần tôi có vài mảnh vá
    Miệng cười buốt giá chân không giày.

    Biện pháp liệt kê gợi lên cuộc sống và chiến đấu vô cùng gian khổ, khó khăn mà bộ đội ta phải trải qua trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Vì thiếu thốn mọi thứ từ quân y, quân dụng cho đến thuốc men cho nên ngày ấy bộ đội ta thường phải chịu những cơn sốt rét rừng hành hạ. Những cơn sốt rét rừng nó tàn phá ghê gớm thân thể con người, nó lấy đi những thân hình cường tráng và thay vào đó là một hình hài tiều tụy xanh xao như nhà thơ Quang Dũng đã từng miêu tả trong bài thơ Tây Tiến:

    Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
    Quân xanh màu lá, dữ oai hùm.

    Bị những cơn sốt rét hành hạ khiến cho hình dáng bên ngoài của người lính có nhiều nét đổi thay nào rụng tóc, da xanh, đầu trong trọc lóc, thân thể gầy gò, anh xao ốm yếu. Rồi trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, áo quần cũng rách nát tả tơi. Đôi chân trần đã bao lần giẫm lên những đoạn đường hành quân gồ ghể sỏi đá.
    Có thể nói bằng những hình ảnh thơ vô cùng giản dị, chân thật nhà thơ Chính Hữu đã nói lên được cuộc sống gian khổ, khó khăn thiếu thốn của những người lính vệ quốc quân trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là dù cho phải sống trong môt hoàn cảnh chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn nhưng những người lính vẫn tươi cười ngạo nghễ, tràn đầy niềm lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống.
    Câu thơ gọi lên những hình ảnh nụ cười tím tái vì cái lạnh của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt như đang thấm vào da thịt. Nụ cười ấy làm nổi bật một nét đẹp trong tâm hồn của những người lính, đó là những con người bản lĩnh, đầy nghị lực, có tinh thần chịu đựng gian khổ khó khăn. Nụ cười ấy chính là chất thép của người chiến sĩ cách mạng luôn vững vàng trong mọi hoàn cảnh, lúc nào cũng lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống:
    Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
    Câu thơ gợi lên hình ảnh những bàn tay đan cài gắn chặt, như trao nhau hơi ấm tình thương cảu tình đồng đội, khích lệ nhau cùng vượt qua mọi gian khổ khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Khổ thơ cuối hiển hiện ra hình ảnh người lính đang trong nhiệm vụ canh gác:

    Đêm nay rừng hoang sương muối
    Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
    Đầu súng trăng treo.

    Nơi những người lính đứng canh gác là không gian núi rừng hoang vu, vắng lặng, sương sa lạnh buốt. Môi trường chiến đấu vô cùng gian khổ khắc nghiệt. Ấy vậy mà những người lính vẫn đứng đó canh gác giữa đêm khuya trong tư thế sẵn sàng “chờ giặc tới”. Điều đó khẳng định họ là những con người có tinh thần trách nhiệm cao độ, dù gian khổ khó khăn cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, luôn đề cao cảnh giác đối với quân thù.
    Sở dĩ những người lính có thể vượt qua mọi gian khổ khó khăn không phải chỉ vì họ mang trong mình trái tim nhiệt tình yêu nước mà là vì bên cạnh họ còn có biết bao nhiêu bè bạn đồng chí cùng họ chung vai sát cánh trong chiến đấu, họ hoàn toàn không hề đơn độc lẻ loi.
    Hình ảnh “đầu súng trăng treo” vừa là hình ảnh thực vừa là hình tượng thơ rất sáng tạo, độc đáo và thi vị của nhà thơ Chính Hữu. Càng về khuya, vầng trăng mỗi lúc một lên cao. Đến một lúc nào đó nhìn từ xa con người sẽ có cảm giác vầng trăng đang treo lơ lửng trên đầu ngọn súng.
    Trong đêm rừng tĩnh mịch, ánh trăng lung linh bàng bạc chiếu sáng cả không gian làm cho cảnh vật trở nên nên thơ, huyền ảo. Con người đứng đó mở rộng lòng mình ra đón nhận vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời, cảnh vật. Những người lính ngày đó là những con người có tâm hồn lãng mạn, bay bổng, yêu thiên nhiên, tinh tế nhạy cảm. Có thể nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên ở mọi nơi, mọi lúc, không bao giờ để cho hiện thực chiến tranh khốc liệt làm chai sạn tâm hồn mình. Đây cũng là một nét đẹp trong tâm hồn của người lính vệ quốc quân trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
    Mặt khác, “súng”“trăng” còn tượng trưng hiện thực và mơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chất chiến sĩ. Cái chất thi sĩ hào quyện trong tâm hồn, trong cuộc đời của người lính cách mạng. Xa hơn, đó cũng có thể được xem là một biểu tượng đẹp đẽ cho thơ ca kháng chiến, một nền thơ kết hợp giữa chất hiện thực và cảm hứng lãng mạn.
    Xây dựng những câu thơ sóng đôi, đối ứng nhau để diễn tả sự gắn bó, sẻ chia, sự tương đồng về cảnh ngộ: quê hương anh – làng tôi”, “súng bên súng – đầu sát bên đầu”, “áo anh – quần tôi”, v.v… Sự gắn kết, cưu mang, cùng nhau đồng cam cộng khổ chia bùi sẻ ngọt của những người lính thật thiêng liêng, cao đẹp mà không có bất kì một ai. Một hoàn cảnh nào có thể chia cắt được sợi dây tình cảm thiêng liêng cao đẹp đó. Và qua đó ta cũng nhận ra một ý tưởng trọn vẹn xuyên suốt cả bài thơ đó là: “tình đồng đội, đồng chí được nảy nở trong kháng chiến, được vun đắp trong gian lao và thành điểm tựa cho con người mỗi khi đối mặt với mọi hiểm nguy”.
    Bài thơ Đồng chí có sức hấp dẫn bởi ngôn từ mộc mạc bình dị nhưng vẫn hấp dẫn lôi cuốn người đọc. Tác phẩm được viết ra từ những trải nghiệm, những tình cảm chân thành của tác giả, một người lính khi đã trải qua những năm tháng đau thương mà hào hùng của dân tộc, được sống trong tình đồng đội keo sơn gắn bó.
    • Kết bài:
    Chính sự kết hợp hai yếu tố, hiện thực và lãng mạn đã tạo nên cái vẻ đẹp độc đáo cho hình tượng thơ. Bài thơ kết thúc nhưng lại mở ra những suy nghĩ mới trong lòng người đọc. Bài thơ Đồng chí đã làm sống lại một thời khổ cực của cha anh ta, làm sống lại chiến tranh ác liệt, đồng khơi gợi lại những kỉ niệm đẹp, những tình cảm tha thiết gắn bó yêu thương mà chỉ có những người đã từng là lính mới có thể hiểu và cảm nhận hết được. Với nhiều hình ảnh chọn lọc, từ ngữ gợi cảm mà lại gần gũi thân thuộc, bài thơ đã ca ngợi tình đồng chí hết sức thiêng liêng, như là một ngọn lửa vẫn cháy mãi, bập bùng không bao giờ tắt, ngọn lửa thắp sáng đêm đen của chiến tranh.