Phân tích vẻ đẹp phẩm chất anh hùng của nhân vật Việt trong “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Nguyễn Thi là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của nền văn học kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình là tác phẩm nổi bậc nhất của Nguyễn Thi khi ông trở lại chiến trường miền Nam tiếp tục công tác. Tác phẩm là bài ca ca ngợi phẩm chất anh hùng của nhân vật Việt, một chiến sĩ nhỏ tuổi gan góc, dũng cảm quyết chiến đấu vì quê hương.
    • Thân bài:
    Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình ra đời ngay trong khi cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam đang ở trong thời kì khốc liệt nhất. Thông qua tình cảm gia đình Việt, tác phẩm lên mối quan hệ giữa riêng với chung, nhà với nước, giữa tình cảm gia đình, với tình yêu nước, yêu cách mạng. Qua đó, tác giả khẳng định chính sự kết hợp giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ.

    Trong tác phẩm, Việt là nhân vật xuất hiện nhiều lần nhất. Dường như tác giả đã “trao ngòi bút” cho nhân vật này để nhân vật tự viết về mình bằng ngôn ngữ riêng, nhịp điệu và giọng điệu riêng. Và bằng cách ấy, Việt đã hiện lên cụ thể và sinh động trước mắt ta, vừa là cậu con trai mới lớn, vừa là một chiến sĩ gan góc dũng cảm nhưng tâm hồn lại chan chứa yêu thương.

    Việt có cái nét riêng dễ mến của một cậu con trai lộc ngộc, vô tư, tính tình còn rất trẻ con, rất ngây thơ, hiếu động. Việt mới mười tám tuổi – cái tuổi mà tính cách vẫn chưa hết trẻ con nhưng cũng chưa thành người lớn. Tính hiếu thắng của cậu con trai mới lớn khiến Việt bao giờ cũng nhận phần hơn với chị. Từ câu chuyện tranh công bắt ếch đến bắn tàu Mĩ trên sông Định Thủy, lúc nào Việt cũng muốn nhận phần hơn về mình. Cả việc ghi tên đi tòng quân Việt cũng giành với chị.

    Việt là cậu con trai chốn đồng quê, tính hiếu động rất thích bắn chim, câu cá, bắt ếch, lúc nào cũng mang theo súng cao su bên người. Khi đã trở thành chiến sĩ giải phóng quân được trang bị “cầm súng tự động, bá súng còn thơm gỗ, đánh Mĩ bằng lê”. Vậy mà trong túi Việt vẫn mang theo súng cao su mà từ nhỏ Việt đã từng bắn chim. Mọi công việc trong nhà Việt đều phó thác cho chị. Đêm trước ngày đi lên đường vì vô lo, vô nghĩ Việt cũng không nghĩ ràng phải thu xếp nhà cửa sao cho hợp lý để mặc chị Chiến lo toan, suy tính.

    Chiến bàn bạc với em một cách nghiêm túc, còn Việt chuyện gì cũng “ừ” cho xong. Không những thế, Việt lại còn vô tư “lăn kềnh ra cưới váng khì khì”, vừa nghe vừa “chộp một con đom đóm trong lòng tay” rồi ngủ quên lúc nào không biết.

    Cách thương chị của Việt cũng rất trẻ con. Việt “giấu chị như giấu của riêng” vì sợ mất chị trước những lời tán tỉnh đùa tếu của anh em. Khi bị thương nằm lại một mình trên chiến trường, súng đạn kẻ thù không thấy sợ, cái chết cũng không làm Việt sợ, nhưng Việt lại sợ bóng tối, sợ những con ma vô hình. Việt cảm thấy “một sự vắng lặng như từ trên trời lao xuống, chạy từ cổ Việt, lan dài cho tới ngón chân. Việt có một mình thôi ư?”. Bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo bao trùm lấy Việt, kéo theo cả các con ma cụt đầu ngồi trên cây xoài mô côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông, cái mà Việt vẫn thường nghe các chị nói hồi ở nhà, Việt nằm thở dốc. Gặp được đồng đội Việt giống hệt thằng Út em ở nhà “khóc đó rồi lại cười đó”.

    Việt lại là người rất giàu tình cảm, yêu thương gia đình sâu đậm, coi đồng đội như anh em ruột thịt. Ba bị giặc giết hại khi Việt còn rất nhỏ. Ngày thằng giặc chặt đầu ba, mặc dù còn bé tí Việt đã theo mẹ đi bằng được để đòi lại bằng được đầu ba.

    Súng đạn, sự tàn bạo dã man của kẻ thù không hề làm rung sợ Việt. Việt còn xông thẳng vào kẻ thù đã giết cha mình mà đấm, mà đá. Ở cậu bé này, lòng thương ba, thương má đã bốc thành sự căm thù ngùn ngụt. Ba mất chỉ còn má. Cuộc đời má vất vả, lam lũ, chồng chất đau thương, tang tóc nhưng cắn chặt nỗi đau thương của mình để nuôi con, đánh giặc. Má có ảnh hưởng rất lớn tới Việt. Ngày còn sống má rất yêu Việt. Một mình nằm lại giữa chiến trường lạnh lẽo, hình ảnh người mẹ thương yêu với cử chỉ chăm sóc ân tình luôn hiện về trong Việt. “ước gì bây giờ được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng về để dưới xuồng cho Việt ăn”.

    Những kỉ niệm về má như nguồn sức mạnh tinh thần trong lúc Việt gần như tê liệt. Hình ảnh người mẹ hiền về lung linh trong kí ức Việt với bao nhiêu là nhớ, là thương, là xót xa, đau đáu. Nhung má chết rồi, không biết ai phân chứng. Cái đêm “cả hai chị em cùng nhớ đến má, má cũng phải dòm ngó chị em Việt tính toán việc nhà là sao chớ?”. Má đã in sâu trong tâm khảm Việt. Việt nhìn đâu cũng thấy má, nghe chị Chiến sắp xếp việc nhà, hành động, lời nói của chị đặc hệt má. Lúc chị ngồi thở dài, rồi kêu thằng Út dậy đi đái nữa thì giọng hệt như má vậy.

    Thật cảm động biết bao khi hình ảnh người mẹ thân yêu không lúc nào vắng bóng trong suy nghĩ của những đứa trẻ. Việt khẽ lắc đầu lên dòm bàn thờ. Từ này đến giờ đang mãi với ý nghĩ má đã về, nghe chị hỏi, Việt lại càng tin má ngồi đâu đó thật. Việt nghĩ mình đi đâu thì má đi theo đó chứ gì mà lo?

    Với Việt, người mẹ đẻ chỉ mất đi phần thể xác còn phần hồn thì không bao giờ ròi xa Việt được. Khi khênh bán thờ của má sang nhà chú, Việt cũng như đang nói chuyện với má, nghĩ rằng má sẽ nghe thấy, sẽ hiểu lời Việt: “Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc để trả thù cho ba má, đến chừng nào nước nhà độc lập thì con đưa má về” .Tình mẫu tử trong lòng Việt là ngọn nguồn sức mạnh của người chiến sĩ rất trẻ này. Má đã mất nhưng chỉ là phần xác còn linh hồn thì bất tử, sống mãi trong những đứa con.

    Ba má đều chết vị bọn Mĩ. Chú Năm là người lớn tuổi nhất trong gia đình. Việt rất yêu mến kính trọng chú Năm, luôn vâng lời coi chú như cha đẻ của mình. Chú thường cất lên tiếng hò, gửi gắm ý nghĩa câu hò vào trí tưởng tượng, tâm hồn của Việt bằng tất cả tình yêu thương đứa cháu của chú. Việt nghĩ chú làm như Việt chính là nơi cụ thể để chú gởi gắm những câu hò đó. Hoặc chính Việt hình như hiểu tình cảm của chú dành cho quê hương và muốn truyền tình yêu đó sang cho Việt. Vì thế mỗi lần hò, chú cứ liên tưởng Việt là “tấm áo vá quàng hoặc là con sông dài cá lội của chú… biến thành người nghĩa quân Trương Định, ngọn đèn biển Gò Công hoặc ngôi sao sáng ở Tháp Mười”. Tiếng hò của chú là lời nhắn nhủ của cha ông đến đời đời con cháu.

    Người chị gái chỉ hơn Việt có một tuổi – chị Chiến – là chỗ dựa của Việt trong gia đình. Việt thấy chị giống hệt má. Đoạn văn cảm động tả cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm “Việt khiêng trước, chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Giây phút ấy, nghe tiếng chân chị, Việt thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế” . Một người hồn nhiên vô tư như Việt vào chính cái thời khắc này mới thấy “thương chị lạ” mới thấy rõ lòng mình và cảm thấy rõ mối thù thằng Mĩ như có hình, có khối, có trọng lượng cụ thể đang đè trên vai.

    Khi đã ở trong quân đội, Việt rất gắn bó với đơn vị đặc biệt là đội trưởng Tánh. Hồi ức đưa Việt về gặp anh Tánh có “cái cằm nhọn hoắt ra”, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công, với những lần động viên, khích lệ Việt tiến lên. Việt cảm nhận tiếng súng của quân ta: “Đúng súng của ta rồi… Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ”. Những gương mặt thân quen của đồng đội hiện ra như tiếp thêm niềm lạc quan cho Việt: Hãy chờ đấy Việt nhé, các anh đang đi tìm em đây. Em phải sống để chứng kiế ngày đất nước mình toàn thắng.

    Tuy còn có vẻ hồn nhiên, vô tư nhưng Việt cũng thật đường hoàng chững chạc trong tư thế của người chiến sĩ trẻ dũng cảm kiên cường. Dòng máu nóng chảy trong người Việt là dòng máu gia truyền của những con người gan góc không bao giờ biết sợ trước sự bạo tàn. Dòng máu ấy được nuôi truyền từ trong bào thai, được uống nguồn sữa gan góc, được tắm trong dòng sông gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng. ông nội và bố Việt đều bị giặc giết hại, mẹ Việt vừa phải vất vả nuôi con vừa phải đương đầu với những đe dọa, hạch sách của bọn giặc, cuối cùng cũng chết vì bom đạn.

    Chính mối thù nhà là một động lực tinh thần mạnh mẽ và lòng yêu thương tha thiết những người ruột thịt đã thôi thúc Việt chiến đấu ngoan cường và dũng cảm. Việt đã từng theo mẹ đi đòi lại đầu cha, đã từng chứng kiến bọn lính đến nhà bắn dọa má. Mới mười tám tuổi, Việt đã quyết tâm ghi tên đi tòng quân để trả thù cho ba má. Đến khi bị trọng thương một mình, nằm giữa chiến trường, hai mắt không còn nhìn thấy gì toàn thân đau điếng và rỏ máu, người khô khốc đi vì đói khát, Việt vẫn ở trong tư thế tiêu diệt giặc: “Tao sẽ chờ mày! Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này chỉ có mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày. Nghe súng nổ, các anh tao sẽ chạy tới đâm mày. Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng chạy”.

    Anh Tánh cùng tiểu đội di suốt ba ngày mới tìm được Việt trong lúm cây rậm và suýt nữa thì bị ăn đạn của “cậu Tư”,. Bởi dù đã kiệt sức không thể nhích thêm nhưng Việt vẫn cố gắng hết sức đặt ngón tay ở cò súng, đạn đã lên nòng và Việt tưởng là quân địch tới. Nếu anh Tánh không lên tiếng ngay, có lẽ Việt đã nổ súng. Hình ảnh người lính bị thương vẫn giữ tư thế sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng đã thể hiện được tính cách anh hùng của nhân vật.

    Chiến đấu quả cảm như vậy nhưng khi anh Tánh giục viết thư cho chị Chiến để kể về chiến công của mình. Việt cũng không muốn kể chiến công của mình vì chưa thấy thấm gì với thành tích của đơn vị và những ước mong của má. Việt muốn đóng góp nhiều thật nhiều cho cách mạng, cho kháng chiến.

    Yêu thương và căm thù đó là hai nguồn sức mạnh tạo nên tính cách đặc biệt ở nhân vật Nguyễn Thi. Nhân vật Việt vừa hồn nhiên, vừa tình nghĩa, vừa là một chiến sĩ trẻ gan dạ, anh hùng. Những con người như Việt đã làm nên chủ nghĩa cách mạng Việt Nam sáng ngời. Đó là cội nguồn sức mạnh Việt Nam, sức mạng làm nên chiến thắng huy hoàng của dân tộc trước quân thù tàn bạo. Đó cũng là chủ nghĩa anh hùng nhân dân, gắn liền với cuộc chiến tranh nhân dân.

    Đồng thời chủ nghĩa anh hùng cũng được ghi nhận trong tinh thần ngợi ca, cảm phục, ngưỡng mộ. Tác phẩm thủ thỉ như một lời tâm sự. Nhân vật Việt được ra đời từ tình yêu con người và mảnh đất miền Nam con người của Nguyễn Thi, được xây dựng bằng những chi tiết sống thực, hồn nhiên đến cảm động, được viết nên bằng màu sắc ngôn ngữ Nam Bộ giản dị.

    Chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng hình ảnh những con người như Việt luôn khắc sâu trong tâm khảm thế hệ hôm nay. Trong dòng sông truyền thống, Việt là con sóng vươn xa nhất, là người tiêu biểu nhất cho tinh thần tiến công cách mạng. Đó là những chiến sĩ giải phóng quân, những Thạch Sanh, những con người đẹp nhất thế kỉ XX.
    • Kết bài:
    Có thể nói Nguyễn Thi là một nhà văn của người nông dân Nam Bộ, những con người hồn nhiên, yêu đời, bộc trực, căm thù ngùn ngụt đối với quân cướp nước. Qua việc khắc họa những phẩm chất anh hùng của nhân vật Việt đã chứng tỏ Nguyễn Thi là cây bút có biệt tài phân tích tâm lý con người, có khả năng nhập sâu vào nội tâm nhân vật của mình, tạo nên những trang viết vừa giàu chất trữ tình vừa đầy chất sống hiện thực, với những hình tượng, những tính cách gân guốc, có cá tính mãnh liệt.