Phân tích ý nghĩa bài thơ nói với con của nhà thơ Y Phương

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích ý nghĩa bài thơ nói với con của nhà thơ Y Phương
    • Mở bài:
    Ý phương là nhà thơ dân tộc Tày. ông thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi. Với thể thơ tự do, chất giọng lắng sâu tuy thủ thỉ tâm tình mà đầy nội lực, cách tư duy giàu hình ảnh, tuy mộc mạc chân tình nhưng chất triết lí nặng sâu, bài thơ Nói với con tiêu biểu cho hồn thơ của Y Phương.
    • Thân bài:
    Y Phương viết bài thơ Nói với con năm 1980, khi đất nước đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng vô cùng vất vả thiếu thốn. Khi đời sống vật chất còn nhiều gian nan, nhà thơ tin rằng sẽ vượt qua sự ngặt nghèo,đói khổ bằng văn hóa.
    Mở đầu bài thơ là lời người cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng. Không gian mái ấm gia đình hiện lên đầy ắp tiếng nói, tiếng cười, cảnh đứa trẻ tập đi những bước chân đầu đời:

    Chân phải bước tới cha
    Chân trái bước tới mẹ
    Một bước chạm tiếng nói
    Hai bước chạm tiếng cười

    Cách nói tưởng như kể, như tả mà xiết bao trìu mến. Người cha như khơi ngợi lại tâm trạng và niềm hạnh phúc của con. Cái ngập ngừng, băn khoăn của đứa trẻ sống trong sự nâng đỡ dịu dàng, vòng tay yêu thương của cha mẹ Hình ảnh ngộ nghĩnh và sáng tạo. Mỗi bước chân con bước tới mang theo một niềm vui, sự kì vọng của cha mẹ ở tương lai. Nó có cái ấm áp, ríu rít, ngọt ngào và có cái xôn xao của hạnh phúc lần đầu làm cha mẹ.
    Gia đình là cái nôi đầu đời, tình yêu của cha mẹ là tình yêu đầu đời của con nhưng nuôi dưỡng tâm hồn và thể xác con trưởng thành chính là mảnh đất quê hương, cuộc sống lao động của những người đồng mình:

    Người đồng mình yêu lắm con ơi
    Đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát
    Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng.

    Quê hương hiện lên qua ba yếu tố: Rừng, con đường và người đồng mình. Với người miền núi, rừng là mẹ. Rừng cho nguồn lương thực dồi dào, rừng là hoa, là chim hót, là suối reo… Rừng thì chở che, con đường lại mở lối. Nhưng đáng yêu hơn cả là “người đồng mình”. Cái đáng yêu đó là gì nếu không phải là cốt cách tài hoa và tinh thần vui sống.Người đồng mình tuy nghèo khó nhưng vẫn biết lấy lao động làm đẹp cho cuộc đời. Mỗi phẩm vật được tạo ra chứa đựng trong đó cái đẹp của tâm hồn, niềm tin yêu dành cho sự sống:

    Đan lờ cài nan hoa
    Vách nhà ken câu hát

    Thì ra dưới dáng vẻ thô sơ da thịt là một tâm hồn lãng mạn biết bao. Cuộc sống của họ không hề đơn điệu hay nhàm chán mà đầy ắp những niềm vui. Công việc của họ không chỉ tạo ra cái ăn cái mặc mà còn tạo ra cái đẹp cho tinh thần.
    Từ hình ảnh quê hương nghĩa tình, người cha tiếp tục nói với con về sức sống mãnh liệt và những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình:

    Người đồng mình thương lắm con ơi
    Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn
    Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
    Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung[4] không chê thung nghèo đói
    Sống như sông như suối
    Lên thác xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc
    Người đồng mình thô sơ da thịt
    Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
    Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục

    Đứa trẻ năm xưa không còn tập đi mà đang tập bước vào đời. Lời trao gửi, dặn dò của cha đầy lo lắng yêu thương và đặt ra nhiều vấn đề hệ trọng hơn. Đó là chí lớn và lẽ sống làm người.

    Người đồng mình thương lắm con ơi
    Cao đo nỗi buồn
    xa nuôi chí lớn

    Hình ảnh “người đồng mình” một lần nữa được lặp lại trong tiếng gọi thiết tha, trìu mến: “thương lắm con ơi”. “Thương lắm” là thương cái đức tính dù trong vất vả, gian nan mà vẫn tự tin, vẫn “nuôi chí lớn”. Hình ảnh thơ nâng cao tư thế của người đồng mình. Tinh thần của họ không hề nhỏ bé trong cuộc sống nhỏ bé của họ. Họ biết suy tư, biết giữ vững ý chí, khát vọng và không ngừng mơ tưởng đến tương lai. Thấu hiểu được điều đó, người cha gửi gắm vào lời tâm tình mến yêu và mong muốn con sẽ ghi lấy, nhớ lấy:

    Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
    Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung[4] không chê thung nghèo đói
    Sống như sông như suối
    Lên thác xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc

    Dẫu làm sao là trong bất kì tình huống nào. Trên con đường con đi đấy có bao điều chờ đợi. Niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay thất bại, bằng phẳng hay gian truân.. nhưng hoàn cảnh nào con cũng mang trong mình sức sống của quê hương, những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình.
    Đó là thái độ sống thủy chung, chấp nhận hoàn cảnh và sống với quê hương làng bản:

    Sống trên đá không chê đá gập ghềnh.
    Sống trong thung không chê thung nghèo khó

    Quê hương con là bản làng nhấp nhô bên những sườn núi đá, là thung lũng mà cái đói, cái nghèo còn bủa vây. Từ “không chê” được nhắc lại hai lần như răn dạy, khắc sâu sự thủy chung là điều quan trọng nhất. Đó là lối sống hồn nhiên, vô tư và thanh sạch như thiên nhiên, cây cở, tâm hồn trong mát như sông như suối. Đó là lối sống khỏe khoắn, có ý chí nghị lực, luôn “chân cứng đá mềm” vượt qua bao gian khổ bằng sự lạc quan, không hề thở than.

    Lên thác xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc

    Cách diễn đạt bằng hình ảnh, nghệ thuật so sánh và sử dụng thành ngữ làm câu thơ có điệu riêng đầy cứng cỏi. Ba từ “sống” đặt ở đầu câu nối tiếp nhau như nhấn mạnh một vấn đề đầy hệ trọng. Nó thành kính, thiêng liêng như việc người cha giữ lửa và truyền lửa cho con vậy! Sức mạnh của quê hương, của người đồng mình không chỉ là nghị lực mà còn là nhân cách làm người:

    Người đồng mình tuy thô sơ da thịt
    Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

    Nhà thơ lấy cái thô sơ, mộc mạc bên ngoài của hình thức để tương phản đối lập với cái “không bao giờ nhỏ bé” về mặt tâm hồn. Họ biết:

    Tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục

    Cách nói ẩn dụ đầy sáng tạo. Phải chăng trong gian khổ, đói nghèo, họ tự tay mình xây dựng, kiến thiết quê hương. Mỗi căn nhà, mỗi lối đi, mỗi thửa ruộng ddeuf do bàn tay con người bồi đắp mà thành. Tuy nhỏ bé, thô sơ nhưng đó là kết quả cảo lao động miệt mài, là niềm tự hào lớn lao mà người đồng mình luôn quý trọng, gìn giữ. Tất cả kết tụ thành phong tục,thành lối sống, thành linh hồn mà mỗi người đồng mình phải biết lấy, giữ lấy.

    Con ơi tuy thô sơ da thịt
    Lên đường
    Không bao giờ nhỏ bé được
    Nghe con.

    Vẫn giọng thơ thủ thỉ, tâm tình nhưng yếu tố lý trí đã được nâng cao, cô đúc, rắn rỏi. Lời dặn dò yêu thương nhưng đầy nghiêm khắc, chuyển giao cho con một mệnh lệnh, một niềm tinHành trang con bước vào đời là nguồn sức mạnh tinh thần đủ để con tự hào và kiêu hãnh. Và quan trọng hơn là con phải sống xứng đáng với quê hương.
    Với thể thơ tự do, mạch cảm xúc tự nhiên, giàu giai điệu, Y Phương đã biểu đạt thành công tâm tư và ước vọng của người cha đói với con nhỏ. Người cha muốn con hiểu và cảm thông với cuộc sống khó khăn của quê hương, tự hào về truyền thống quê hương, tự hào về dân tộc để vững bước trên con đường đời, để tự tin trong cuộc sống.
    • Kết bài:
    Nói với con mang vẻ đẹp của tâm hồn chân chất, mộc mạc mà chan chưa yêu thương của người miền núi lúc nào cũng chân thành, thiết tha. Từ lời cha dặn con, bài thơ vun đắp cho ta tình cảm đẹp, giáo dục ta về truyền thống biết ơn cội nguồn, gia đình, quê hương, đất nước.