Phân tích ý nghĩa đoạn trích “Trao duyên” (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Truyện Kiều là kiệt tác văn học của đại thi hào Nguyễn Du. Không những phản ánh sâu sắc bộ mặt bất nhân, tàn bạo của xã hội phong kiến đương thời, truyện Kiều còn là nỗi xót xa vô hạn, niềm cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du đối với bi kịch cuộc đời của con người. Đặc biệt là người phụ nữ. Đoạn trích Trao duyên thể hiện sâu sắc bi kịch của nhân vật Thúy Kiều, mở đầu cho chuỗi bi kịch khốc liệt về sau của nàng.
    • Thân bài:
    Đoạn trích Trao duyên trích từ câu 723-756 thuộc phần 2 (Gia biến và lưu lạc) của truyện Kiều. Vì tên ván tơ vu oan, gia đình Kiều gặp sự biến lớn. Để cứu cha và em thoát khỏi ngục tù và đòn roi tra tấn của bọn ác nhân, Thúy Kiều phải bán mình làm lẽ cho Mã Giám Sinh. Trước khi ra đi, Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân và nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Đoạn trích là lời dặn dò, tâm sự của Thúy Kiều với em gái để nhờ em một việc hệ trọng trong tâm trạng đau đớn và tuyệt vọng.

    Kiều đặt vấn đề thuyết phục để trao duyên cho Thúy Vân:

    “… Cậy em em có chịu lời,
    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”.

    Tác giả dùng từ “cậy” chứ không phải là “nhờ”. Cậy là hoàn toàn tin tưởng mà gửi gắm,hi vọng. Với thanh trắc, “cậy” mang âm điệu nặng nề, gợi sự quằn quại, đau đớn. Từ “cậy” còn hàm chứa sự tin cậy, nương tựa, trông chờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người khác. Sự kết hợp giữa nội dung và hình thức trong từ “cậy” giúp Thúy Kiều dễ dàng hơn khi thổ lộ điều khó nói và làm tăng tính thuyết phục của lời nói của mình.

    Khác với từ “cậy”, chữ “nhờ” không thể bộc lộ được mục đích của Kiều. “Nhờ” không mang tính nghiêm trọng, cấp thiết và ràng buộc của sự việc. Người nghe có thể từ chối. Có lẽ Thúy Kiều đã cân nhắc rất kĩ trước khi nói ra lời này.

    Mặt khác, từ phía Thúy Vân, Thúy Kiều bắt phải “chịu lời”. Chịu là bị bắt buộc, phải thông cảm mà chấp nhận. Từ “chịu” cũng gợi sự thiệt thòi của Thúy Vân. Thúy Vân còn thơ dại, chưa đủ lớn khôn để nhận làm việc ấy. Nhưng tình cảm của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng quá lớn. Lại thêm hai người đã thể nguyền sánh đôi, có trời đất chứng giám. Phụ tình chàng Kim là nỗi dằn vặt lớn đối với nàng. Dù biết sự tình khó khăn nhưng nàng cũng liều lĩnh nhờ cậy người em.

    Sợ em từ chối, nàng chưa vội nói ra mà bắt Thúy Vân ngồi lên ghế trên rồi mới tỏ bày. Một lần nữa, Nguyễn Du đã chọn lọc từ ngữ vô cùng kĩ lưỡng để cho Kiều thực hiện việc trao duyên của mình. Với người em nhỏ mà nàng mời “ngồi lên” ghế trên “cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Hành động ấy chỉ dành cho người khả kính mà thôi. Đó là một hành động bất thường, Thúy Vân cũng nhận rõ điều bất thường ấy ở người chị của mình. Nàng cũng gắng gượng làm theo.

    Trước hết, Kiều “lạy” để tạo không khí trang trọng, thiêng liêng và hé lộ việc đang cậy nhờ là vô cùng quan trọng. Đồng thời, “lạy” và “thưa” còn hàm ẩn sự biết ơn đến khắc cốt ghi tâm của Thúy Kiều đối với em. Sự việc bất ngờ, phi lí mà rất hợp lí. Câu thơ chứa đầy nài nỉ, vạn xin, hạ mình hết mức, cho thấy được sự tâm trạng quằn quại, đau đớn của Thúy Kiều. Trong tình thế đớn đau đến thế mà nàng vẫn tỏ ra thông minh, không khéo đến lạ thường. Bút pháp xây dựng tình huống và miêu tả của Nguyễn Du đạt đến độ tinh xảo hiếm thấy.

    Khi Thúy Vân đã làm theo, Thúy Kiều bắt đầu thổ lộ tâm tư. Lời ai oán đau thương như đứt từng khúc ruột:

    “Giữa đường đứt gánh tương tư,
    Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
    Kể từ khi gặp chàng Kim,
    Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
    Sự đâu sóng gió bất kì,
    Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”.
    Kiều nhắc về quá khứ khi gặp chàng Kim, khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề. Hạnh phúc tràn đầy, hứa hẹn một tương lai viên mãn. Rồi nàng nhắc đến hiện tại đứt gánh tương tư, keo loan chắp mối tơ thừa, sóng gió bất kì. Nỗi khổ đau khi thực tại lạo quá phũ phàng:

    “Kể từ khi gặp chàng Kim,
    Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề”.

    Điệp từ “khi” nhắc lại hết sức rõ ràng những tháng ngày đã qua, những niềm vui đã có, lời thề hẹn sánh đôi. Tình yêu ấy trãi qua biết bao ngày tháng em đẹp. Cách kể ngắn gọn, vắn tắt, đầy đủ thể hiện mối tình sâu đậm, thiêng liêng. Nàng nhắc đến hiện tại đứt gánh tương tư, keo loan chắp mối tơ thừa, sóng gió bất kì. Nỗi khổ đau khi thực tại lạo quá phũ phàng:

    “Giữa đường đứt gánh tương tư,
    Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”.

    Thành ngữ đứt gánh tương tư là cách nói giản dị nhưng đầy chua xót mối tình Kim-Kiều. Điển tích keo loan chắp mối tơ thừa vừa cách nói trang trọng lại vừa đắng cay. Dù em có ưng thuận hay không thì nhất định em phải giúp chị làm điều nghĩa ấy. Kiều thấu hiểu hoàn cảnh của Vân và thương Vân vô cùng. Biết là vậy nhưng nàng đang đứng giữa hau lằn ranh lựa chọn” hoặc là vì chữ hiếu mà bán mình chuộc cha, hoặc là vì tình mà bất nghĩ vong ân. Đó là nghịch cảnh trớ trêu và Kiều đã vì chữ hiếu với cha mẹ mà hi sinh thân mình:

    “Sự đâu sóng gió bất kì
    Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”.

    Kiều giãi bày tâm sự và hoàn cảnh để Thúy Vân thấu cảm, đồng thời đó cũng là sự bế tắc, tuyệt vọng của Kiều trên bước đường đời gian nan. Một sớm một chiều duyên tình đổ vỡ, phận mình rồi đây chẳng biết ra sao. Thân gái thuyền quyên chưa kịp hạnh phúc đã sớm bước vào biển đời gian truân. Kiều tha thiết van xin em, đồng thời cũng lí giải đôi bề, lí tình trọn vẹn:

    “Ngày xuân em hãy còn dài,
    Xót tình máu mủ thay lời nước non.
    Chị dù thịt nát xương mòn,
    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.

    Kiều chỉ ra rằng Thúy Vân vẫn còn trẻ, đẹp, son rỗi, tương lai rộng mở. Vân cũng chưa có hôn phu, chưa thề nguyền cùng ai, nghĩa là không có ràng buộc gì. Bởi thế mà hãy xót thương cho tình máu mủ thay chị làm tròn câu thề ước với Kim Trọng. Nàng còn lấy cái chết để khẳng định lòng biết ơn bất tận: ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

    Hơn một lời cầu xin, lời nói của Kiều bằng cả lí trí và tình cảm. Câu thơ cuối cùng cũng là nỗi xót xa vô hạn mà nàng đang phải gánh chịu. Cuộc đời từ đây đối với Thúy Kiều chẳng khác nào đã chết. Trái tim nàng đang khô cạn, hấp hối bởi vết thương quá khắc nghiệt. Lấy cái chết để thuyết phục em nhưng thực nàng cũng đang nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát. Đó là nỗi đau vô tận, sự tuyệt vọng đến cùng cực của Thúy Kiều khi đối diện với nghịch cảnh của mình.

    Ngôn ngữ chọn lọc, có sự kết hợp của cách nói văn chương quý tộc và ngôn ngữ bình dân, cách nói khéo léo, chặt chẽ, có tình, có lí. Lời lẽ của nàng điềm tĩnh, rạch ròi, song dường như có sự kìm nén tình cảm và nỗi đau.

    Kiều trao kỉ vật cho Thúy Vân:

    “Chiếc vành với bức tờ mây
    Duyên này thì giữ vật này của chung.
    Dù em nên vợ nên chồng,
    Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
    Mất người còn chút của tin,
    Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”.

    Kỉ vật là chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền. Lời của Kiều chứa bao đau đớn, giằng xé, chua xót. Cách trao hết sức rõ ràng trong lời dặn dò kĩ lưỡng. Nàng phân biệt của tin (vật làm tin giữa Kim – Kiều) và của chung (của Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúy Vân). Khuyên em duyên thì hãy giữ còn vật thì là của chung. Nghĩa là trao duyên nhưng tình không thể trao.

    Cách ngắt nhịp 4/4, khiến câu thơ vừa khoáng dạt vừa nghẹn uất, thể hiện sự luyến tiếc, đau đớn, bi kịch duyên trao đi mà tình không thể trao được. Đến lúc này tình cảm của Thúy Kiều bùng lên dữ dội lấn át lí trí. Nàng dứt khoát nhưng lại nấn ná, chính nàng lại mâu thuẫn với mình.

    Kiều đau khổ tự xem như mình là người đã chết, xem mình là “người mệnh bạc”, người bất hạnh, không may mắn không thoát ra được như một định mệnh. Trao kỉ vật cho em mà lòng Kiều thổn thức, não nề, tiếc nuối và đau xót như vò xé tâm can, khi dòng tình cảm vẫn cuồn cuộn trong tâm hồn Kiều. Kiều còn dặn em những việc làm sau đó nữa. Mai sau dù có bao giờ tức là bất cứ lúc nào, mỗi khi đốt lò hương hay gõ lên phím đàn mà thấy đất trời nổi gió, nghĩa là hồn chị theo khói hương, theo tiếng đàng mà tìm về:

    “Mai sau dù có bao giờ,
    Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
    Trông ra ngọn cỏ lá cây,
    Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”.

    Kiều nhớ lại cảnh Đạm Tiên đã từng hiện về qua làn gió “ào ào đổ lộc rung cây” khi Kiều thắp hương bên mộ Đạm Tiên. Nàng đã hình dung số mệnh của mình chẳng khác gì Đạm Tiên, một kì nữ tài sắc mà mệnh bạc như vôi.

    Kiều nói với Vân mà như đang nói với chính mình. Nhận ra bi kịch đau đớn, tuyệt vọng, nàng nghĩ đến cái chết. Một lần nữa, cái chết hiện về, có sức ám ảnh lớn lao đối với Thúy Kiều. Càng nói càng khổ đau, càng nghĩ càng thêm tuyệt vọng. Nguyễn Du đã vô cùng tinh tế khi từ lí trí đi đến lí trí, lấy tình cảm để thuyết phục tình cảm. Qua lời tâm sự tỏ bày thể hiện phẩm chất cao quý củ Thúy Kiều. Dù trong nghịch cảnh đớn đau nhưng nàng rất chu đáo, có lòng khoan dung, độ lượng và giàu đức hi sinh, vị tha, luôn lo lắng, hiểu cho người trước khi nghĩ đến mình

    Với hệ thống từ ngữ, hình ảnh và điển tích giàu sức biểu cảm: đốt hương, ngọn cỏ, lá cây, hiu hiu gió, hồn nặng lời thề, nát thân bồ liễu, dạ đài, cách mặt khuất lời, người thác oan thể hiện sâu sắc tâm trạng hoang mang cùng cực của Thúy Kiều. Đó là tiếng nói thương xót thân phận, gọi hồn trong Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, Phản chiêu hồn của Nguyễn Du cho thấy nhà thơ quan tâm nhiều đến sự oan ức trong cái chết của những người bất hạnh – một phương diện độc đáo của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du.

    Kiều tâm sự với Kim Trọng trong nỗi tuyệt vọng:

    Càng nhắc đến mối tình, Thúy Kiều càng đắng cay. Nàng tưởng tượng như đang nói lời tiễn biệt cùng Kim Trọng lúc này:

    “Bây giờ trâm gãy gương tan,
    Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
    Trăm nghìn gửi lạy tình quân
    Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
    Phận sao phận bạc như vôi!
    Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
    Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
    Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

    Thúy Kiều luôn ý thức về thực tại phũ phàng, trâm gãy gương tan, hoa trôi nước chảy của mình. Thành ngữ trâm gãy gương tan/ phận bạc như vôi/ nước chảy hoa trôi là sự tan vỡ, dở dang, bạc bẽo, trôi nổi của tình duyên và số phận con người. Kiều chuyển hẳn sang độc thoại nội tâm mang tính chất đối thoại với người vắng mặt. Cách gọi Kim Trọng thân thiết, mến yêu :tình quân, kim lang, chàng; hành động: lạy để tạ lỗi với Kim Trọng và hàng loạt câu cảm thán, các từ cảm thán: ôi, hỡi, thôi thôi thể hiện sức chịu đựng tinh thần của nàng Kiều đã đạt tới đỉnh điểm, tất cả đều vỡ òa thành tiếng khóc và nỗi tuyệt vọng đến cùng cực. Mọi thứ dường như chấm dứt, bóng tối giang khắp lối trên con đường nàng tiến về phía trước.

    Trong đoạn trích, diễn biến tâm trạng của Kiều được thế hiện như thế nào qua các lời thoại. Về hình thức, ta thấy toàn bộ đoạn trích là lời thoại của Kiều với Thuý Vân. Tuy nhiên, có lúc, Kiều chuyển đối tượng, như đang đối thoại với Kim Trọng chứ không còn nói với Thuý Vân nữa, có lúc nàng tự nói với chính mình (những từ ngữ và hình ảnh gợi lại kỉ niệm tình yêu hoặc “Bây giờ…ái ân!” cũng là tự nói với mình). Thúy Kiều tưởng tượng trước mặt mình là Kim Trọng, nàng vật vã trong nỗi đau của tình duyên lỡ dở. Kiều không chỉ nghĩ đến nỗi đau khổ của mình mà còn nghĩ đến nỗi đau khổ của người yêu, nàng xót thương cho chàng Kim
    • Kết bài:
    Với đoạn trích Trao duyên, Nguyễn Du tỏ ra là bậc thầy kiệt xuất trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Không những thấu hiểu những gì đang diễn ra bên trong tinh thần của Thúy Kiều, ông còn làm cho nó biểu hiện hết sức nghệ thuật, có tần có lớp hết sức thuyết phục và cảm động. Qua sự miêu tả sự bấn loạn tinh thần của Thúy Kiều trong xung đột tinh thần đầy đau đớn, Nguyễn Du đã thể hiện nỗi xót xa của mình, đồng thời ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của nàng Kiều.