Phân tích ý nghĩa nhân văn trong câu chuyện nhặt vợ của nhân vật Tràng (Vợ nhặt – Kim Lân)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích ý nghĩa nhân văn trong câu chuyện nhặt vợ của nhân vật Tràng (Vợ nhặtKim Lân)

    Bài làm:

    Mở bài:

    Kim Lân là nhà văn bình dị, trầm lặng nhưng đã để lại những trang viết quý giá. Cái độc đáo trong ngòi bút của Kim Lân đó là ông không bao giờ đánh bóng nhân vật của mình lên như các nhà văn khác. Nhân vật ông chân thực như cuộc sống vốn có. Nhân vật như từ cuộc đời bước vào trang văn ông rồi từ đó lại đi ra với cuộc đời mà không có gì đổi khác. Câu chuyện nhặt vợ của nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó cũng là mong ước và lời chúc phúc mà nhân văn đã trân trọng dành tặng cho nhân vật của mình.

    Thân bài:

    Hình ảnh xấu xí và đáng sợ của nhân vật Tràng:
    Tràng xuất thân là con nhà nghèo, là dân ngụ cư, làm nghề kéo xe thuê. Hắn có một ngoại hình thô kệch, xấu xí. Kim Lân tập trung khắc họa rõ nét hình ảnh nhâ vật Tràng với cái ngoại hình không giống ai: đầu cạo trọc, lưng bè to như lưng gấu, “hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú vừa dữ tợn (…), áo nâu tàn vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước. Hình như những lo lắng vật chất trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như lưng gấu của hắn”. Đã thế Tràng lại là người hơi ngây ngô, khờ khạo. Hắn có tật vừa đi vừa nói. hắn lảm nhảm những điều hắn nghĩ. Hành động khó hiểu của hắn khiến nhiều người e ngại.
    Ngôn ngữ của Tràng cũng là một “đặc sản” của hắn. Chưa bao giờ hắn nói được lời dẽ nghe. Lúc nào cũng cộc cằn, thô lỗ. Cộng với cái hình thức thô kệch khiến cho hắn càng them kì lạ. Người ta lại càng e dè hắn hơn.
    Với những chi tiết ấy cho thấy Tràng là con người không may mắn. Ở Tràng hội tụ đầy đủ những điều kiện của sự bất hạnh. Tràng đúng là một sản phẩm được đẽo gọt sơ sài bởi tạo hóa.
    Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Tràng
    Thế nhưng bên trong con người ấy lại có một tâm hồn thuần hậu, hiền lành, chất phác. Người lớn thì khinh bỉ, tránh né hắn nhưng bọn trẻ con trong xóm, cứ thấy cái thân hình vập vạp của hắn… là ùa cả ra vây lấy hắng cười váng cả lên. Đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa cù, đứa kéo, đứa lôi chân không cho đi. Ban đầu chúng chọc tràng. Sau thấy tràng cũng gần gũi, cũng đùa cợt nên chúng không trêu chọc mà đùa vui với Tràng. Những lúc như thế, Tràng chỉ cười hềnh hệch. Trong cuộc sống buồn tẻ của xóm ngụ cư ấy, tiếng cười của bọn trẻ mỗi khi Tràng về là âm thanh vui vẻ, sống động nhất.
    Tràng còn là một người có tấm lòng nhân hậu. Tràng đã dang tay cứu vớt một cuộc đời đang héo hắt trong cái đói. Sau đó là thành vợ Tràng.
    Câu chuyện nhặt vợ của Tràng
    Câu chuyện Tràng nhặt vợ diễn ra khá bất ngờ. Chỉ có đâu hai bận tầm phơ, tầm phào thế mà thành vợ thành chồng. Một lần kéo xe thóc lên tỉnh, Tràng chỉ có vài câu nói đùa vậy mà chị giúp Tràng đẩy xe và Tràng cũng quên ngay sau đó nhưng thị thì lại nhớ. Lần thứ hai gặp lại, Tràng mời thị ăn bánh đúc. Cũng là một câu nói vu vơ thôi thế mà thị tưởng thật và ăn ngay. Thị cấm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì. Cái đói gần như đã cướp đi sự e thẹn ngại ngừng vốn có của người phụ nữ trong thị mất rồi.
    Tiếp đó, Tràng lại buông ra một câu nửa đùa nửa thật: “này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng rồi cùng về”. Ấy vậy mà thị theo Tràng về thật. Ban đầu Tràng cũng thấy chợn bởi vì “cái thời thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”. Nhưng với bản tính lương thiện, Tràng cũng tặc lưỡi chấp nhận.
    Việc Tràng có vợ trong lúc này không biết là phúc hay họa điều đó chưa biết sẽ thế nào. Chuyện Tràng nhặt vợ như nhặt cái rơm cái rác ngoài đường chứng tỏ mạng người rẻ rúng đến tội nghiệp và cũng cho thấy ở Tràng khát vọng về hạnh phúc là có thật.
    Sức mạnh lan tỏa hạnh phúc khi Tràng lấy vợ đối với bản thân Tràng và cuộc sống xung quanh
    Đối với tràng, dù chưa biết là thật hay giả nhưng trong lòng hắn đang có một nguồn sức mạnh nào đó đang lan tỏa ghê gớm. Trên đường đưa vợ về nhà hắn đã có những thay đổi “mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường.Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh, khi biết tất cả mọi người đang đổ dồn cặp mắt nhìn về phía hắn và thị, hắn vừa thích thú vừa xấu hổ, cái mặt cứ vênh lên tự đắc”. Hắn lấy vậy làm thích ý lắm. “Cái mặt hắn cứ vênh lên tự đắc với chính mình”. Khi chỉ còn mình hắn với thị đi bên nhau đã có lúc hắn muốn nói với thị “một câu rõ tình tứ” Nhưng rồi hắn chẳng biết nói thế nào bởi sự thật là hạnh phúc đến với hắn quá bất ngờ. Hắn đi bên thị và chưa hết cảm giác lạ.
    Cảnh Tràng đưa vợ về nhà trong buổi chiều chạng vạng biết bao thương xót. Tràng đưa người “vợ nhặt” về nhà, chuyện đó đã khiến cho ai cũng ngạc nhiên. Nỗi buồn xen lẫn mừng vui. Cả cái xóm ngụ cư của Tràng đều thấy lạ lắm.Nhất là những đứa trẻ con. Chúng chạy ra xem rồi gào lên “Chông vợ hài”. Còn những người khác thì “đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán (…).Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát tăm tối ấy của họ”.
    Với bà cụ Tứ, mẹ Tràng, ban đầu cũng rất ngạc nhiên không hiểu có chuyện gì. Bà cảm thấy lo lắng. Nhưng đến khi hiểu ra thì “cái mặt bủng beo của bà cũng rạng rỡ lên”. Nỗi khổ đau, tủi nhục lẫn niềm vui sướng dấy mạnh lên trong lòng người mẹ già cằn cỗi ấy. Đến sáng hôm sau bà vẫn chưa tin điều đó là sự thật. Đứa con trai của bà đã có vợ là một điều bà không dám nghĩ đến nhưng người đàn bà kia đã ở đây, trong ngôi nhà và cùng tham gia vào cuộc sống của hai mẹ con từ hôm qua tới giờ.
    Bao trùm lên niềm vui sướng và hạnh phúc đến bàng hoàng, đến quên đi những đe dạo trước mắt. Nhà văn Kim Lân như đã nhập thân vào nhân vật của mình để diễn tả những nổi vui sướng của Tràng “trong một lúc hình như Tràng quên đi hết cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những ngày tháng trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”. Cảm giác đó của Tràng là gì nếu như đó không phải là cảm giác hạnh phúc.
    Tâm trạng Tràng sau đêm tân hồn hoàn toàn thay đổi. Buổi sáng hôm sau thức dậy, Tràng vẫn còn ngỡ ngàng “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”. Nhìn cái dáng vẻ thong thả, đàng hoàng của hắn “hắn chắp hai tay sau lưng lững thững đi ra sân” chắc có lẽ hắn rất thỏa mãn với hạnh phúc mà hắn mới có được.
    Tất cả những cái bình thường đối với Tràng lúc này đều thấm thía, cảm động. Tràng cảm thấy mình nên người, cảm thấy có trách nhiệm với gia đình hơn. Hắn nghĩ đến cái cảnh tượng thật đơn giản bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.

    Kết bài:

    Nhân vật Tràng là hình ảnh tiêu biểu cho số phận những người con lao động nghèo khổ, cơ cực, trong hoàn cảnh luôn bị cái chết đe dọa vẫn không mất đi tình thương, vẫn không mất đi khát vọng hạnh phúc. Câu chuyện nhặt vợ của nhân vật Tràng phản ánh đầy đủ tình cảnh bi đát, khốn cùng nhưng tràn đầy sức sống của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Tình huống éo le ấy cũng thể hiện tấm lòng trân trọng con người của nhà văn Kim Lân.