Phân tích ý nghĩa và giá trị bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy Mở bài: Nguyễn Duy là gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước. Thơ Nguyễn Duy nhiều bài có cái ngang tàng nhưng vẫn trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm vì thế cứ ngấm vào người đọc và trong cái đà ngấm ấy có lúc khiến người ta phải giật mình suy nghĩ. Ánh trăng là tác phẩm nổi bậc của Nguyễn Duy. Thông qua hình tượng nghệ thuật “ánh trăng” và cảm xúc của nhà thơ, bài thơ đã diễn tả những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa. Thân bài: Bài thơ Ánh trăng được sáng tác năm 1978, ba năm sau ngày kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất. Sống giữa những tiện nghi vật chất hiện đại, nhiều người quên đi những nghĩa tình sâu nặng cũ. Qua bài thơ, Nguyễn Duy muốn thức tỉnh mọi người đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” và biết sống thuỷ chung với quá khứ, đừng vì vật chất mà quên đi một thời đau thương của dân tộc. Mở đầu bài thơ là kí ức về tuổi thơ, con người sống trong môt thiên nhiên bình dị, bao dung, vầng trăng là một phần thân thuộc trong không gian sống ấy: hồi nhỏ sống với đồng với sông rồi với bể Cách nói “hồi nhỏ” thật hồn nhiên, gần gũi. “Hồi nhỏ” là khoảng cách không xa, vẫn còn nhớ rất rõ. Giọng thơ là giọng kể nhẹ nhàng, có chút trầm tư, đồng vọng. Người kể chuyện như đang giấu mình đi để thật khách quan khi nói về những năm tháng đã qua. Không gian mở ra bao la với “sông”, “đồng”, “bể” cùng điệp từ “với” diễn tả niềm vui quấn quít của tuổi thơ khi được sống đầy ắp trong thiên nhiên hào phóng. Rồi tuổi thơ qua đi, con người lên đường đi chiến đấu, vầng trăng theo anh đi đánh giặc: hồi chiến tranh ở rừng Vầng trăng thành tri kỷ Hoàn cảnh sống gian khổ làm trăng và người lính gần gũi nhau hơn. Trăng gắn bó với con người từ “hồi nhỏ” tới khi “chiến tranh ở rừng”. Đó là một khoảng thời gian dài lâu, đủ để xây đắp một tình cảm bền vững, “tri kỉ” thật sự hiểu nhau. Trăng nơi rừng sâu sáng vời vợi là nguồn sáng mãnh liệt và đẹp nhất đối với người lính. Trăng rọi bước người lính hành quân, cùng người lính truy kích kẻ thù. Sau bao năm, trăng vẫn hồn nhiên tỏa sáng, vẫn thủy chung với con người: trần trụi với thiên nhiên hồn nhiên như cây cỏ “Trần trụi” là không có gì ngoài thiên nhiên. “Hồn nhiên” là tình cảm vô tư không vụ lợi. Một tình cảm thật chân thành, thắm thiết, hết lòng với nhau. Một tình cảm không dễ gì quên, làm sao ta nỡ quên cho được. Cuộc chiến càng dài, tình nghĩa giữa trăng và người càng thêm khăng khít. Lúc ấy, con người quý trọng người bạn ấy biết bao: Ngỡ không bao giờ quên Cái vầng trăng tình nghĩa Đó là lời hứa, là lời thề, là lời cảm ơn mà con người gửi đến người bạn “hồn nhiên” và “tình nghĩa” kia. Từ “ngỡ” đã gợi ra một sự cố nào đó mà nhà thơ muốn nhắc đến. Một sự xốn xang, ray rứt khi nhắc đến người bạn trăng thuở nào. Cuộc chiến kết thúc, con người lại tiếp tục với nhiệm vụ mới: xây dựng và kiến thiết đất nước. Đó là chặng đường tiếp theo, là sự nghiệp vinh quang mà người lính tiếp tục đảm nhận. Tấm lòng thủy chung, tinh thần quả cảm không ngại gian khổ, hi sinh tiếp tục được phát huy trong thời địa mới. Thế nhưng, không phải như vậy. Con người mau chóng sa vào cám dỗ của đời sống vật chất, vội quên đi quá khứ nghĩa tình: từ hồi về thành phố quen ánh điện cửa gương vầng trăng đi qua ngõ như người dưng qua đường. Vẫn giọng tự sự, là hồi nhớ nhưng là một giai đoạn khác trong cuộc đời. Không gian sống không còn là thiên nhiên với những “đồng”, những “sông”, những “bể”, những “rừng” bình dị, thân thuộc nữa mà là “ánh điện”, “cửa gương” tiện nghi, hào nhoáng của cuộc sống vật chất. Hoàn cảnh sống thay đổi làm con người cũng quên đi người bạn thân thiết một thời gắn bó. Vầng trăng được nhân hoá thành người dưng, từng ngày vẫn qua ngõ, vẫn song hành với ta nhưng trăng bị lu mờ khi có ánh đèn thay thế. Hay đúng hơn, bóng tối của lòng tham, của lối sống hưởng thụ đã che lấp lí trí, khuất mờ con tim, khiến cho con người xem thường, lãng quên, thờ ơ, vô cảm với trăng, với thiên nhiên cây cỏ, với quá khứ đau thương của dân tộc. Thuỷ chung, nghĩa tình là nét đẹp trong tính cách dân tộc. Sự bội bạc ấy là thái độ sống không thể tha thứ được. Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện kể. Câu chuyện có không gian, thời gian và tình huống chuyện thật bất ngờ. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Con người từ chỗ cẩn trọng đến chấp nhận cuộc sống với những giá trị mới. Quá khứ với những giá trị vĩnh hằng dần lặng im trong trí nhớ. Cuộc sống mới với những giá trị mới do con người tạo ra tốt đẹp hơn làm dịu vơi vết thương năm xưa, bù đắp lại những mất mát, những tổn thương của chiến tranh. Cuộc sống ấy là đáng trân trọng. Thế nhưng, nó chưa hẳn là tốt đẹp nếu chúng ta không mang theo quá khứ cùng tiến về phía trước. Sự cố đêm ấy khiến cho người lính sực tỉnh: thình lình đèn điện tắt phòng buyn – ding tối om vội bật tung cứa sổ đột ngột vầng trăng tròn Các từ láy “thình lình”, “đột ngột” phủ tràn cảm xúc khắp không gian. Tình huống “đèn vụt tắt” là chuyện rất bình thường ở thành phố. Đó đâu phải là lần đầu tiên. Nhưng lần này nó thật tình cờ. Mất điện, người ta đón gió, không ngờ có vầng trăng tròn lặng lẽ chờ ta tự lúc nào rồi. Hoàn cảnh gặp gỡ thật bất ngờ khiến con người bừng tỉnh, nghẹn ngào. Trăng vẫn luôn toả sáng, vẫn chờ đợi, thiết tha. Chỉ khi đèn tắt, ta mới thấy ánh trăng thật tuyệt vời. “Vầng trăng tròn” hay chính là sự tròn đầy vẹn nguyên của một tấm lòng không bao giờ thay đổi. Ánh sáng của trăng toả rạng không gian, rọi soi và quy hướng tâm hồn về quá khứ. Ánh sáng của trăng hay chính là ánh sáng của lương tâm con người bừng thức. Cuộc gặp gỡ không báo trước khiến cho mọi giá trị như được vực dậy, cả một thời xa xôi ùa về trong ánh sáng: ngửa mặt lên nhìn mặt có cái gì rưng rưng như là đồng là bể như là sông là rừng. Vầng trăng được nhân hoá thành người bạn cũ. Có cái gì đó đang “rưng rưng” không thể nói thành lời. Ngôn ngữ bây giờ ngân ngấn nước mắt dưới hàng mi. Trăng đánh thức, khơi dậy ở con người tất cả sự sống. Điệp ngữ “như là” ngập ngừng, nghẹn uất. Biện pháp liệt kê đã gợi nhắc lại mọi miền không gian của quá khứ. Các mảng thiên nhiên “đồng”, ‘sông”, “bể”,”rừng” đã hiện lên vẹn nguyên và đầy đủ. Thì ra, ký ức không mất đi mà chỉ tạm thời ngủ quên. Khi thức tỉnh, nó sẽ thức dậy vẹn nguyên, thậm chí còn đậm sâu hơn trong tâm hồn con người: trăng cứ tròn vành vạnh kể chi ngừoi vô tình ánh trăng phăng phắc đủ cho ta giật mình. Giọng thơ trở nên sâu lắng, đậm chất triết lý gợi bao suy ngẫm. Trăng mang gương mặt của quá khứ sáng trong, giản dị ma nghiêm khắc soi vào tâm hồn con người. Một sự tự vấn lương tâm đầy day dứt trong tâm hồn người. Ta coi tri kỷ là người dưng nhưng trăng vẫn “cứ tròn vành vạnh”. Không có một sự thay đổi nào từ đó đến bây giờ. Trăng “im phăng phắc” không trách móc giận hờn mà vẫn bao dung, vị tha cho “kẻ vô tình”. Chính sự im lặng nghiêm khắc ấy khiến cho tác giả “giật mình”. “Giật mình” để thay đổi, để hoàn thiện, để tìm về với phẩm chất tốt đẹp vốn có của người lính Trường Sơn năm xưa. Đó là một chi tiết thơ thật sáng tạo và ấn tượng. Phút giây “giật mình” đã làm lương tâm con người thức tỉnh. Cái giật mình đáng quí biết bao khi bảo vệ con người khỏi những cám dỗ tầm thường, hướng con người đến những giá trị cao đẹp hơn trong cuộc sống. Toàn bộ bài thơ vô nhân xưng nhưng đến câu cuối, đại từ “ta” xuất hiện. Trước ân tình độ lượng bao dung của vầng trăng, tác giả sau phút giây tự trách đã dũng cảm đứng ra tạ lỗi với quá khứ ân tình. Kết bài: Với thể thơ 5 chữ, giọng điệu tâm tình, cảm xúc trầm lắng, giàu chất suy tư bài thơ Ánh trăng của nguyễn Duy đã đi sâu vào cái nghĩa, cái tình muôn đời của con người Việt Nam. Ánh trănglà tiếng lòng, là sự suy ngẫm về những năm tháng gian lao giữa tình nghĩa gắn bó với thiên nhiên, đất nước con người của cuộc đời người lính. Đó cũng là lời tự bạch, lời tâm niệm của mỗi con người trước sự đổi thây của đát nước vẫn luôn giữ trong mình những giá trị đích thực của tâm hồn dân tộc, không để cho đời sống vật chất khỏa lấp, che mờ.