Phân tích ý nghĩa và giá trị bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt Mở bài: Bằng Việt thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ Bằng Việt trong trẻo, mượt mà, tràn đầy cảm xúc, đề tài thơ thường đi vào khai thác những kỉ niệm, những kí ức thời thơ ấu và gợi những ước mơ tuổi trẻ. Bài thơ Bếp lửa thể hiện sâu sắc phong cách thơ ấy của ông. Bằng những hồi ức trong trẻo, thiết tha, bài thơ khơi gợi lại trong mỗi chúng ta kỉ niệm về tuổi thơ ngọt ngào, cháy bỏng mãi mãi còn ấm áp ở trong lòng. Thân bài: Bếp lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học tập tại nước ngoài. Bài thơ mở ra hình ảnh bếp lửa, gợi những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà. Từ kỉ niệm, đứa cháu nay đã trưởng thành suy ngẫm, thấu hiểu cuộc đời bà, về lẽ sống của bà. Cuối cùng, trong hoàn cảnh xa cách, đứa cháu gửi nỗi nhớ mong được gặp. Hình ảnh bếp lửa có sức ám ảnh mạnh mẽ đối với nhà thơ, là sức mạnh khơi nguồn cảm xúc sâu xa: Một bếp lửa chờn vờn sương sớm Một bếp lửa ấp iu nồng đượm Hình ảnh “Một bếp lửa” lặp lại hai lần như điệp khúc sâu lắng nhớ nhung. Ở hiện tại mà hình ảnh bếp lửa của quá khứ hiện về sao cụ thể và chi tiết. Từ láy “chờn vờn” diễn tả cái mong manh mơ hồ của ngọn khói. Lại thêm “ấp iu” diễn tả chính xác công việc nhóm bếp và gợi tả hình ảnh bàn tay kiên nhẫn, khoé léo và sự chăm chút của bà khi bà che chắn chiều gió, giữ cho ngọn lửa yếu ớt mong manh đủ sức lớn để bùng lên thành bếp lửa hồng. Các chi tiết gợi nhớ đã khơi dòng cảm xúc để nhớ thương tràn về tâm hồn người cháu xa quê: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa” Hình ảnh bếp lửa làm sống lại kỉ niệm của hai bà cháu thời ấu thơ. Giọng thơ là lời kể, lời tả nhưng chứa chan cảm xúc: Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi “Năm ấy” là thời gian của quá khứ năm 1945 khi hai triệu đồng bào ta chết đói. Thành ngữ “đói mòn đói mỏi” như nỗi ám ảnh kinh hoàng cho cả bao kiếp người chìm đắm trong rơm rạ, lầm than. Cháu về sống với bà trong những năm đói khổ ấy. Bà cưu mang cháu bằng tình yêu vô bờ bến của người bà, người mẹ, người cha… Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu Nghĩ lại đến giờ sống mũi vẫn còn cay. Vẫn là lời tâm tình kể chuyện, người cháu tiếp tục hồi nhớ về những kỉ niệm thân thương: Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa Tu hú kêu trên những cánh đồng xa. Thời gian là tám năm ròng rã.Tám năm người cháu cùng bà nhóm lửa mỗi sớm mỗi chiều. Không gian lúc gần bên bếp lửa, lúc xa ở cánh đồng. Nhân vật có cháu, có bà và con chim tu hú. Hình ảnh cháu bà, bếp lửa xoắn quyện vào nhau. Bà là bếp lửa hồng, là sự sống, là tình yêu ấm áp vô bờ của đời cháu. Cuộc sống hiu hắt, ảm đạm được làm ấm lên bởi bếp lửa của bà. Hai bà cháu nương tựa nhau chia sẻ những gian khổ và niềm vui. Bà đã dạy cho cháu bao diêud hay lẽ phải: Cháu ở cùng bà bà bảo cháu nghe Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học Nhà thơ liệt kê một loạt những việc bà thay mẹ cha nuôi dưỡng, dạy dỗ và chăm sóc cháu. Chi tiết “chăm cháu học” không chỉ thể hiện tình yêu tương của bà với cháu mà còn là niềm tin vững chắc của ngừoi bà vào tương lai của cháu, của cuộc kháng chiến trường kì nhất định sẽ thành công. Âm thanh tiếng chim tu hú lặp lại nhiều lần tha thiết xoá nhoà ranh giới không gian, thời gian để nhà thơ quên hiện tại mà đắm chìm trong quá khứ: Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế Tu hú ơi sao chẳng ở cùng bà Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa Tu hú – loài chim bay về đồng quê trong những mùa lúa chín. Trong cảnh đói nghèo, chiến tranh li loạn, tiếng chim tu hú như lời đồng vọng của đấy trời an ủi sẻ chia…Thời gian cứ trôi đi theo tiếng tu hú khắc khoải ngày đêm. Trong những năm tháng ấy, có kỷ niệm sâu sắc nhất mà cháu không thể nào quên: Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy lụi Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh: ” Bố ở chiến khu, bố còn việc bố Mày có viết thư chớ kể này kể nọ Cứ bảo ở nhà vẫn được bình yên. Khổ thơ trích nguyên văn lời dẫn trực tiếp như lời dặn dò kia hằn sâu vào trong tâm trí. Trong lời dặn là tấm lòng yêu thương, là đức hy sinh của người mẹ, của cả hậu phương dành cho tuyền tuyến. Hình ảnh bếp lửa lại gợi bao suy nghĩ về tình yêu của bà, tình yêu quê hương đất nước: Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm… Nắng mưa trong thơ là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho bao vất vả và một nắng hai sương của cuộc đời lam lũ. Từ láy lận đận đặt ở đầu câu mang sắc thái biểu cảm xót xa. Dường như, sự tảo tần, chịu thương chịu khó đã trở thành thói quen, thành ý thức của bà. Từ hình ảnh bếp lửa bà nhen mỗi sớm mỗi chiều bền bỉ, bao điều thiêng liêng đã thức dậy trong lòng cháu: Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi Nhóm nồi xôi gạo mới xẻ chung vui Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ Điệp từ “nhóm” lặp lại 4 lần làm mạch thơ tha thiết. Nó mang bốn tầng nghĩa khác nhau, bồi đắp cao dần, toả sáng mạnh dần vẻ đẹp kỳ lạ va thiêng liêng của ngọn lửa. Hành động “nhóm” mang nghĩa tả thực gắn với hành động cụ thể. Nhóm bếp cho cháu sưởi ấm, luộc khoai cho cháu ăn, nấu nồi xôi chia cho làng xóm. Hành động “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ” mang nghĩa ẩn dụ tượng trưng. Lửa bà nhóm không còn là lửa thực mà là ánh sáng của niềm tin, sự ấm áp hiền hậu của tình yêu bà truyền cho cháu. Phải chăng tất cả những bảo ban tận tuỵ, những hành động việc làm của bà ngày ngày đã nhen nhóm, khơi gợi, đánh thức những tình cảm tốt đẹp trong tâm hồn non nớt, trong trẻo của đứa cháu thơ. Từ bà, cháu hiểu được cuộc sống đói nghèo mà biết bao tình nghĩa. Cháu biết thương “tình khoai sắn ngọt bùi”, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, biết ước mơ và nuôi hoài bão. Trong hình ảnh bếp lửa có sự bình dị thân thương mà lại có bao điều thiêng liêng kỳ lạ: “Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – Bếp lửa!” Câu thơ mang hình thức một câu cảm, dấu gạch nối lại nhịp 6/2 tách riêng từ “bếp lửa” thể hiện sự xúc động chân thành và ý nghĩa biểu tượng sâu sắc của hình ảnh Bếp lửa. Quay trở về hiện tại, nhà thơ luôn tự dặn lòng mình: Giờ cháu đi xa có ngọn khói trăm tàu Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở Sớm mai này bà nhóm lửa lên chưa? Tương lai đang rộng mở, niềm vui vẫy gọi trăm nẻo đường. Thế nhưng, nếu không có bếp lửa hồng, củ khoai củ sắn, nếu không có bà chăm cháu học ngày xưa thì làm sao cháu có ngày hôm nay? Nhớ bà là nhớ về bếp lửa. Nhớ bà là nhớ về quê hương, về quá khứ nghĩa tình. Câu thơ cuối cùng là một câu hỏi tu từ, một lời nhắc nhở thường trực trong lòng tác giả về đạo lí ân tình, thuỷ chung. Kết bài: Bài thơ Bếp lửa kết hợp giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm, bình luận. Ngôn ngữ mộc mạc chân thành. Sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với bà, là điểm tựa khơi gợi kỉ niệm, cảm xúc suy nghĩ về tình bà cháu. Bài thơ thể hiện niềm trân trọng biết ơn người cháu với bà , quả đó bộc lộ tình yêu gia đình, quê hương đất nước của nhà thơ.