Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê Mở bài: Lê Minh Khuê thuộc lớp nhà văn trẻ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Là cây bút chuyên viết truyện ngắn, trước 1975, Lê Minh Khuê chủ yếu viết về cuộc sống và chiến đấu của lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Sau 1975, bà tập trung khai thác chủ đề những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trong thời kĩ đổi mới. Những ngôi sao xa xôi là truyện ngắn đầu tay và tiêu biểu của Lê Minh Khuê. Thân bài: Lê Minh Khuê viết truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang hồi ác liệt tại tuyến đường đường Trường Sơn. Thông qua hình ảnh ba nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom và lấp sửa đường trên tuyến đường Trường Sơn, tác phẩm xây dựng thành công hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chuyện kể về cuộc sống chiến đấu của ba cô thanh niên xung phong gồm Phương Định, Nho và chị Thao. Họ sống trong một cái hang trên cao điểm tại một vùng trọng điểm ở tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mỹ. Công việc của ba cô gái là quan sát máy bay địch ném bom, đo khối lượng đất đá để san lấp hố bom do địch gây ra, đánh dấu những quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc nguy hiểm, luôn phải đối mặt với cái chết thế nhưng cuộc sống của họ vẫn không mất đi niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thảnh thơi, thơ mộng. Họ rất gắn bó, yêu thương và xem nhau như chị em dù mỗi người một cá tính. Mở đầu tác phẩm, hình ảnh ba nữ thanh niên xung phong hiện ra trong không gian sống hết sức hạn chế. Họ ở trong một cái hang đá nhỏ. Ba cô gái phụ trách một cung đường thuộc tuyến đường Trường Sơn đầy bom đạn. Điều đặc biệt, nơi ở và làm việc của họ là nơi kẻ thù tập trung đánh phá và hủy diệt. Lại thêm công việc đầy nguy hiểm luôn đối mặt với cái chết đòi hỏi ở các cô sự dũng cảm, bĩnh tĩnh, thận trọng và tinh thần sẵn sàng hy sinh. Quen với gian khổ, gan góc trong đạn bom, các cô gái luôn lạc quan và hài hước. Khi chạy trên cao điểm, đua với thần chết theo bén gót sau lưng, lúc bò được về hang, chỉ thấy niềm vui lấp lánh trong đôi mắt: “chúng tôi gọi nhau là những con quỷ mắt đen”. Nhà văn Lê Minh Khuê ngoài việc khắc họa những điểm chung của ba nữ thanh niên xung phong cũng chú ý khắc họa những điểm riêng ở ba cô gái ấy. Mỗi người có một vẻ đẹp tâm hồn riêng. Chị Thao, người lớn tuổi nhất, là tổ trưởng rất gan dạ, điềm tĩnh và dũng cảm nhưng yếu mềm trong tình cảm, lại rất sợ nhìn thấy máu. Nho, người nhỏ tuổi nhất rất hồn nhiên, trẻ trung, tinh nghịch. Phương Định, một cô gái Hà Nội có tâm hồn giàu cảm xúc hay mộng mơ và nghĩ ngợi xa xăm. Mỗi người có vẻ đẹp tâm hồn khác nhau nhưng họ đều giống nhau nơi lòng dũng cảm, tinh thần lạc quan, yêu quí đồng đội và tất cả đều sẵn sàng hy sinh cho nhiệm vụ. Tác giả tập trung làm nổi bậc vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của Phương Định trong cuộc sống và chiến đấu. Trong tâm hồn, tình cảm, Phương Định có một vẻ tươi trẻ, đầy nữ tính: “Mái tóc dầy, cổ cao như đài hoa Loa Kèn, đôi mắt nâu có cái nhìn xa xăm”. Tâm hồn cô nhạy cảm, mộng mở, và tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời. Cảm xúc của cô thay đổi rất nhanh theo từng hoàn cảnh. Có lúc cứng cỏi, bản lĩnh khi đồng đội bị thương. Có lúc hóa trẻ thơ hôn nhiên reo hò vui sướng khi cơn mưa đến. Có lúc lại ngồi bó gối mơ màng khi cơn mưa qua đi. Khi gặp gỡ các chiến sĩ lái xe thường ngang qua nơi làm việc cô tỏ vẻ lạnh lùng, cẩn trọng rất đáng chú ý. Chỉ một cơn mưa đá đến làm cô vui sướng hồn nhiên như đứa trẻ nhỏ. Cơn mưa đi qua cô gái ngồi bó gối mơ màng: “Tôi nhớ hoa trong công viên, những ngôi sao to trên nóc nhà thờ. Tiếng rao của bà bán xôi buổi sáng… Những cái đó ngỡ thiệt xa. Giờ xoáy mạnh trong tâm trí tôi”. Hồi ức đẹp bao giờ cũng bày tỏ niềm khát khao, những mơ ước về cuộc sống thanh bình. Ở Phương Định, tình đồng đội trong sáng và cao đẹp. Với tổ trinh sát ba người, cô coi đây là gia đình ruột thịt. Với cô họ thật sự có ý nghĩa “cuộc sống còn nghĩa lí gì nữa đây nếu đồng đội tôi không trở về”. Với những người lính Trường Sơn, cô luôn thầm ngưỡng mộ: “những người đẹp nhất, dũng cảm, thông minh nhất là các anh bộ đội có ngôi sao trên mũ”. Trong chiến đấu, phương Định tỏ ra bản lĩnh, gan góc khi được tôi luyện trong bom đạn. Dù vừa mới chiến thắng thần chết trở về, cô vẫn kể về công việc với giọng kể bình thản và hài hước: “Quen rồi, ngày nào nhiều năm lần, ngày nào ít ba lần”. Cái thú của cô là chạy đua với thần chết và chiến thắng thần chết. Chưa hẳn đó là điều cô mong muốn nhưng công việc luôn đòi hỏi phải thế. Phương Định dũng cảm, hiên ngang khi đối mặt với hiểm nguy. Miêu tả lần Phương Định đi phá bom trên đồi cao. Cô mang tư thế hiên ngang khi đi làm nhiệm vụ: “Tôi không đi khom. Các anh ấy không thích đi khom. Khi có thể thì cứ đàng hoàng mà bước”. Đó cũng là tư thế của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Dù phía trước là hiểm nguy nhưng lúc nào họ cũng: Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng (Phạm Tiến Duật). Không bao giờ ta thấy họ run sợ, yếu đuối. Phương Định cũng sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Ai cũng sợ chết vì đó là bản năng. Đối mặt với bom đạn là đối mặt với cái chết của bản thân. “Nhưng một cái chết mờ nhạt, không rõ nét”. Toàn bộ suy nghĩ của cô chỉ là “Liệu mìn có nổ không? Bom có nổ không?” Hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công việc, cô sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, để con đường liên tục được lưu thông. Đó là vẻ đẹp hiên ngang, dũng cảm của những con người đã làm nên huyền thoại Trường Sơn thời chống Mĩ. Những ngôi sao xa xôi thành công với cách kể chuyện tự nhiên thông qua cái nhìn của nhân vật chính. Cách miêu tả chân thực thế giới nội tâm của nhân vật thật đặc sắc. Tất cả tập trung làm rõ vẻ đẹp tâm hồn của những người con gái thanh niên xung phong, càng trong thử thách họ càng ngời sáng những phẩm chất anh hùng. Kết bài: Ba cô thanh niên xung phong trong những trang văn xuôi trữ tình êm mượt của Lê Minh Khuê gieo vào lòng người đọc ấn tượng khó quên về vẻ đẹp lung linh tỏa sáng của những ngôi sao xa xôi. Truyện thể hiện tâm hồn trong sáng, tinh thần lạc quan, dũng cảm của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Hình ảnh ba cô gái trẻ dũng cảm khiến ta nhớ đến ý thơ của Lâm Thị Mĩ Dạ trong “Khoảng trời hố bom”: Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng Những vì sao ngời chói lung linh.