Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu:

    1. Thơ Tố Hữu biểu hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn:

    + Thơ Tố Hữu thường khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước, đời sống cách mạng.
    + Thơ Tố Hữu nổi bật là các vấn đề lí tưởng, lẽ sống cách mạng.
    + Thơ Tố Hữu khắc sâu tình đồng chí, nghĩa đồng bào, lòng yêu dân yêu nước, ân tình cách mạng.

    2. Thơ Tố Hữu còn mang tính sử thi:

    + Thơ Tố Hữu thường đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân.
    + Từ cái tôi – chiến sĩ đến cái tôi – công dân; tiến tới cái tôi nhân danh dân tộc, cách mạng (nhiều bài thơ trong tập Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa).
    + Nhân vật trữ tình trong thơ Tố hữu là những con người đại diện cho phẩm chất của dân tộc, mang tầm vóc lịch sử và thời đại: Anh giải phóng quân, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, mẹ Suốt, v.v…
    + Cảm hứng trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lịch sử – dân tộc; số phận cá nhân hòa vào số phận dân tộc, cộng đồng.

    3. Thơ Tố Hữu có giọng điệu riêng: giọng tâm tình:

    + Cách xưng hô với đối tượng trò chuyện, tâm sự, kêu gọi (Bạn đời ơi, Anh vệ quốc quân ơi, Anh chị em ơi, Xuân ơi Xuân, Đất nước ta ơi, Hương Giang ơi…),
    + Chất Huế của hồn thơ Tố Hữu.
    + Quan hệ nhà thơ với bạn đọc: “Thơ là chuyện đồng điệu”. Nghệ thuật thơ Tố Hữu giàu tính dân tộc
    + Sử dụng đa dạng các thể thơ đặc biệt các thể thơ truyền thống: Thơ lục bát (Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du), thơ bảy chữ (Quê mẹ, Mẹ Tơm, Bác ơi!….).
    + Sử dụng từ ngữ, lối nói quen thuộc của dân tộc, những so sánh, ví von truyền thông.
    + Phát huy tính nhạc phong phú của tiếng Việt: sử dụng tài tình từ láy, phối hợp âm thanh, nhịp điệu, vần, tạo nên chất nhạc chứa đựng cảm xúc dân tộc, tâm hồn dân tộc (Quê mẹ, Mẹ Tơm, Em ơi… Ba Lan).

    4. Phong cách thơ Tố Hữu rất đa dạng, đã kế tục được truyền thống thơ ca dân tộc, kết hợp một cách nhuần nhị hai yếu tố cách mạng và dân tộc trong nghệ thuật. Sức thu hút của thơ Tố Hữu chính là ở niềm say mê lí tưởng và tính dân tộc đậm đà. Thơ Tố Hữu thanh đạm, dịu ngọt, thấm sâu vào tâm hồn mọi thế hệ, từ người ‘đã ngã xuống cánh rừng trai trẻ hay người đến với thơ ông suốt thời thơ ấu, được lưu giữ và phát huy như một sức mạnh tinh thần, một giá trị văn hóa tiềm ẩn trong con người thời đại Hồ Chí Minh.

    Nhân xét:

    Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời. Cho đến nay, chỉ có ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất đã bắn đại bác trang trọng như thế.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Bài tham khảo:

    Phong cách sáng tạo nghệ thuật kết hợp yếu tố tạo hình trong thơ ca Tố Hữu

    Có thể nói Tố Hữu là một bông hoa tươi thắm nhất trong vườn thơ cách mạng nhưng không vì thế mà thơ Tố Hữu mất đi chất trữ tình lãng mạn. Tố Hữu đã có ảnh hưởng rất nhiều từ phong trào thơ Mới, chặng đường đầu tiên khi mà nhà thơ vẫn chưa tìm ra chân lí cách mạng thì những sáng tác ban đầu trong tập thơ Từ ấy mang những nét đặc trưng của thơ mới. Những trang thơ ông cũng giàu tính tạo hình, gợi cảm “Gió vẫn vô tình lơ đãng bay/ Những tàu cau yếu sẽ lung lay/ Xạc xào động cánh…Nàng mơ tưởng/ Nghe tiếng lòng con vẳng tới đây/ Ta thấy nàng nghiên mình rũ rượi…” (Vú em- Tố Hữu). Với những từ ngữ trên tạo tính động, âm thanh và những tư thế, hình ảnh khác nhau của khung cảnh thiên nhiên.

    Không những thế nhà thơ còn tái hiện được bức tranh chuyển mùa đầy ý nhị, với âm thanh, hương sắc, và sự luân chuyển của đất trời:

    “Khi con tu hú gọi bầy
    Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
    Vườn râm dậy tiếng ve ngân
    Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
    Trời xanh còn rộng còn cao
    Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”

    (Khi con tu hú- Tố Hữu).

    Những hình ảnh “lúa chiêm đang chín, trái cây ngọn dần, tiếng ve ngân, bắp rây đầy sân, nắng đào, diều sáo lộn nhào”, những hình ảnh đó gợi cho người đọc hình dung được hàng loạt các sự vật, hiện tượng cùng chuyển động sang mùa hè khi tiếng tu hú kêu lên. Bức tranh mùa hè hiện lên sinh động với nhiều hình ảnh.

    Ở đây Tố Hữu đã vận dụng những hình ảnh mang màu sắc nóng, chói, đỏ để cùng với âm thanh, nhịp điệu râm rang của tiếng ve để thể hiện bức tranh mùa hè đầy sôi động. Tất cả những màu vàng của lúa chín, màu đỏ của trái cây, màu vàng rực của bắp với màu ửng hồng của nắng là những gam màu nóng đã được hòa nguyện với nền trời xanh rộng, cao (gam màu lạnh). Sự kết hợp hài hòa cảnh sắc của nhà thơ đã tạo nên tính hình tượng nghệ thuật cho bức tranh, bức tranh, mùa hè như được vẽ lên trong trí tưởng tượng của người đọc. Điểm nhìn và không gian của bức tranh được mở rộng và có sự thay đổi tạo nên một không gian rộng lớn từ gần tới xa, rồi cao xa.

    Ngoài ra, sự kết hợp nghệ thuật tạo hình trong sáng tác của Tố Hữu còn thể hiện ở việc khắc họa những hình ảnh về đời sống với những điểm nhìn khác nhau như:

    “Cô gái thẫn thơ vê áo mỏng
    Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai
    Ven sông phẳng con đò mộng
    Lả lướt đi về trong gió mai”

    (Dửng dưng- Tố Hữu).

    Trong đoạn thơ trên ta thấy được điểm nhìn từ gần tới xa, từ cô gái vê áo mỏng, che vành nón nghiêng nghiêng đến chỗ xa hơn là con đò nhỏ trên sông. Đọc đoạn thơ ta vẫn hình dung được một bức tranh ven sông, có người đi, có con đò, hệ thống các hình tượng được xuất hiện. Với những từ ngữ “vê áo mỏng- dáng chờ ai, con đò mộng- lả lướt đi về” người đọc cảm nhận được sự mệt mỏi, buồn bã, của một con người mang nhiều hy vọng, ước muốn nhưng đành chấp nhận những u sầu, lẫn cái bế tắc. Đây là những bài thơ trong chặng đường đầu tiên của Tố Hữu tìm đến với chân lí cách mạng.

    Không những thế trong thơ Tố Hữu còn có những hình ảnh, những khoảnh khắc mà chỉ thơ ca mới tạo ra được và gây được cảm xúc:

    “Tối không rõ mặt người em ấy
    Chỉ thấy trong đêm một bóng hồng”.

    Ở đây ta thấy hình ảnh “bóng hồng” như đã vượt lên cả nghệ thuật tạo hình của người họa sĩ. Hình ảnh bóng hồng trong từng câu chữ của Tố Hữu có thể gây xúc động sâu sắc, mà nghệ thuật tạo hình khó mà có thể khắc họa cho được sự xúc động, lòng yêu thương, tin cậy ấy.

    Trên đây là một số bài thơ trong chặng đường đầu sáng tác của Tố Hữu nên những vần thơ còn mang âm hưởng lãng mạn, gợi tả thiên nhiên, cuộc sống và con người. Với việc sử dụng bút pháp tạo hình nghệ thuật đã tái hiện sinh động, chân thực những hình tượng về thiên nhiên và cuộc sống, góp phần thể hiện tình yêu quê hương của tác giả. Tuy nhiên, trong những chặng đường sau, khi nhà thơ Tố Hữu theo một quan điểm sáng tạo mới- thơ phục vụ cho cách mạng, cho tinh thần đấu tranh và ca ngợi Tổ quốc, bút pháp tạo hình nghệ thuật trong thơ ca không còn được sử dụng nhiều phần nào đánh mất giá trị thực sự của nghệ thuật thơ ca.

    Tuy nhiên, không được sử dụng nhiều bút pháp tạo hình nhưng không phải là không có. Nghệ thuật tạo hình trong những chặng được sau được thể hiện đặc sắc và rõ nét hơn trong tập thơ Việt Bắc, đặc biệt ở bài thơ cùng tên của tập thơ Việt Bắc hình ảnh thiên nhiên, con người được tái hiện, hòa nguyện vào nhau tạo nên một bức tranh sinh động, độc đáo mà hiếm có một nhà thơ nào diễn tả được vẻ đẹp của thiên nhiên như vậy.
     
  3. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Bài tham khảo:

    Cảm nhận lý tưởng sống của người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ “Từ ấy”

    Thơ Tố Hữu là thơ củạ một chiến sĩ cách mạng, một nhà thơ có lí tưởng. Tố Hữu làm thơ trước hết là để ca ngợi cách mạng, ca ngợi Đảng và khẳng định lí tưởng cộng sản chủ nghĩa. Lí tưởng đã đem lại mục đích cho cuộc đời nhà thơ, cùng lí tưởng ấy đã đem lại lẽ tồn tại và sức sống cho hồn thơ ông. Trong Từ ấy, Tố Hữu thường dùng những từ ngữ đẹp nhất để gọi tên lí tưởng. Đó là “mắt thần chủ nghĩa”… Tất cả những tên gọi khác nhau đó đều có chung một nghĩa chủ đạo: sự soi sáng, dẫn dắt, vạch hướng; chung một sắc thái biểu cảm cơ bản: sắc thái thành kính, ân tình.

    Cảm hứng đối với lí tưởng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ quán xuyến suốt tập thơ Tố Hữu. Ở đây có cái náo nức, rạo rực của tuổi trẻ bắt gặp ánh sáng, niềm hân hoan trước lí tưởng cuốn theo sự đồng cảm của người đọc đến mức không cưỡng lại được và lòng tin sắt đá vào lí tưởng đủ sức bất chấp mọi thứ trên đời.

    Cảm động biết bao là buổi đầu gặp gỡ, trong hoàn cảnh đạt nước còn nô lệ, kẻ thù tung ra đủ thứ bùa mê hòng đánh lạc hưởng đấu tranh của quần chúng, hoặc đe dọa bằng súng gươm, bạo lực… Buổi đầu, Tố Hữu phải trải qua một thời gian “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”. Nhưng một biến cố lịch sử vĩ đại đã xảy đến, quyết định vận mệnh của đất nước, của thế hệ nhà thơ: phong trào yêu nước từ 1930 trở đi có Đảng lãnh đạo. Và lí tưởng cộng sản đã đến với Tố Hữu, chói chang, rực rỡ, như mặt trời xua tan đêm tối, như nguồn sống vô tận tiếp cho tâm hồn nhà thơ đơm hoa, kết trải, hun đúc trong anh bao nhiêu khát vọng nồng nàn vươn đến một thế giới ngập tràn ánh sáng. Tố Hữu đã viết những dòng thơ cảm động nhất về cái buổi ban đầu không thể nào quên được ấy:

    “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
    Mặt trời chân lí chói qua tim
    Hồn tôi là một vườn hoa lá
    Rất đậm hường và rộn tiếng chim ”

    Lí tưởng vừa lắng sâu, thấm tỏa trong tâm hồn nhà thơ, vừa trào lên theo dòng cảm xúc mãnh liệt thành những biểu tượng rực rỡ. Hình ảnh trong bon çâu thơ bừng sáng long lanh, có bao nhiêu là táo bạo, trẻ trung trong cái thế giới tâm hồn hân hoan, chói sáng ây. Duyên nợ giữa nhà thơ và lí tưởng là duyên nợ của mối tình đầu, khi đã bén rễ thì sẽ bền vững suốt đời, sẽ đi qua thử thách của thời gian nguyên vẹn, vượt lên mọi gian khó, hiểm nguy. Nhưng ở đây có cái gì lớn lao hơn, thiêng liêng hơn cả một mối tình, như là ân nghĩa tạo dựng sinh thành – bởi chính Đảng và lí tưởng của Đảng đã trực tiếp sinh ra nhà thơ cách mạng.

    Người chiến sĩ cách mạng đã thấm nhuần lí tưởng của Đảng. Viễn cảnh lịch sử mà “Từ ấy” nêu lên làm lí tưởng rất cao đẹp, dài lâu. Lí tưởng của giai cấp vô sản, đó được xem là cái đích cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản là một thế giới đại đồng chan hòa tình yêu thương:

    “Rồi Xuân ấy cả nhân quần vui vẻ
    Nắm tay nhau tuy khác tiếng, màu da
    Giẫm chân lên những núi sông chia rẽ
    Và ôm nhau thân ái cùng vang ca ”.

    Nơi thế giới lí tưởng, con người vụt lớn lên, hào hùng, đầy sức mạnh “Xây thế giới cao quá trời xanh thẳm ’’.Hình ảnh ấy trong sáng, đẹp như ước mơ và chính nó là ước mơ đẹp đẽ nhất, cao quý nhất mà loài người có thể nghĩ ra được. Nhưng mặt bên kia của vấn đề, hay nói đúng hơn, cái đích đầu tiên cần phải đạt đến, thành quả đầu tiên cần phải hái lấy, chướng ngại đầu tiên trên đường đi đến lí tưởng cần phải vượt qua là đập tan ách thống trị của kẻ thù dân tộc:

    “Quyết hi sinh phá tan hết gông xiềng
    Cho Tổ quốc muôn năm độc lập… ”

    Là nhà thơ đã chọn con đường Cách mạng từ thời thanh niên, trải qua những năm tháng tù đày, thơ của ông là tiêu biểu của quan niệm nghệ thuật Cách mạng. Ông quan niệm: “Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân. Ngoài ra, các nhà thơ Cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc, với cái xấu cái ác. Tóm lại, viết thơ phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng.”

    Đây chính là đòi hỏi cấp thiết nhất của chủ nghĩa yêu nước. Nội dung cơ bản của lí tưởng trong “Từ ấy” chính là sự kết hợp hai chân lí lớn nhất của thời đại: độc lập dân tộc và chủ nghĩa công sảng cách mạng. Nhà văn cũng phải ở giữa cuộc đời, góp phần vào nhiệm vụ đấu tranh và phát triển xã hội.