Qua tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân, hãy chứng minh: “những người đói khổ dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc.”

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    I. Đặt vấn đề:

    Giới thiệu tác giả Kim Lân và truyện ngắn Vợ nhặt; nêu ý đồ sáng tác của tác giả; dẫn dắt vào nhân vật Tràng.

    II. Giải quyết vấn đề:

    1. Bóng tối rùng rợn đáng sợ của cuộc sống đói khát.

    – Câu chuyện nhặt vợ của Tràng được tác giả đặt trên nền một khung cảnh “tối sầm vì đói khát”:

    + Người chết đói “nằm còng queo bền vệ đường”, người đói từ các vùng “lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám, dật dờ như những bóng ma”.
    + Khắp nơi “vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”…
    + Tiếng quạ kêu thảm thiết trên vãi tha ma.

    – Con người hết sức đáng thương:

    + Tràng: kéo xe thóc lên tỉnh, bữa được, bữa mất.
    + Cô vợ “nhặt”: xanh xám, hóp háp, lờ đờ, ngồi chờ có ai đó thuê làm việc trong vọng.
    + Bà cụ Tứ: tuổi già sống lay lắt.

    ⇒ Làng quê tiu đìu, sơ xác; trần gian mà như chốn địa ngục. Cái chết đến rất gần. Sự sống bên bênh vực. Những kiếp người hắt hiu, thoi thóp.

    2. Phải cảm nhận được cảnh đói khát cùng cực ấy mới thấy hết sự “liều lĩnh” trong hành động của Tràng:

    – Câu trêu đùa vô tình của Tràng nhưng trở thành cơ hội không thể bỏ qua của thị.

    – Anh nông dân nghèo khổ không khỏi cảm thấy “chợn” khi người đàn bà kia theo về: “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng niềm khao khát hạnh phúc đã lấn át nỗi sợ, nỗi lo. Tràng không ý thức hết những gian nan và hiểm hoạ nhưng anh cũng ngờ ngợ về những gì phải đối diện trong hoàn cảnh này

    – Sự kiện “nhặt” vợ đã mang đến những đổi thay lớn trong con người Tràng. Anh thấy phấn chấn hẳn lên dù rất mơ hồ và bỡ ngỡ. Có lẽ lần đầu tiên trong đời, anh con trai vụng về, thô kệch được biết đến cảm giác gắn bó, yêu thương một “người dưng”.

    + Trên con đường đưa cô vợ nhặt về nhà, Tràng muốn nói một lời tình tứ để làm thân mà không nói được, chỉ biết lúng túng “tay nọ xoa vào vai kia”. Nhưng trong lòng Tràng trỗi dậy niềm vui sướng khiến anh ta “hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Lòng hắn bấy giờ chỉ còn tình nghĩa với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”…

    + Khi báo với mẹ về sự xuất hiện của thành viên mới. Tràng tỏ ra chủ động, mạnh dạn mời mẹ ngồi, trình bày rõ ràng, dứt khoát. Đó là thái độ mà bấy lâu nay hắn không hề có.

    – Cảm giác ngọt ngào, êm ái đó càng rõ nét hơn khi Tràng chứng kiến sự đổi thay trong ngôi nhà “dúm dó, xiêu vẹo” của mình vào buổi sáng hôm sau:

    + Nhìn chỗ nào, Tràng cũng thấy mới mẻ, khác lạ: “Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch”.

    + Quan sát mẹ và vợ quét tước, dọn dẹp nhà cửa, Tràng bỗng thấy “thấm thìa cảm động”. Bởi vì, cảnh tượng thật bình thường, đơn giản ấy chính là “bằng chứng” cho một điều kì diệu: “Hắn đã có một gia đình”. Tràng bỗng thấy thương yêu, gắn bó với cái nhà của hắn một cách lạ lùng vì bây giờ nó đã trở thành tổ ấm. “Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây”.

    + Tràng thực sự trưởng thành với ý thức về bổn phận của một người đàn ông trụ cột trong gia đình: “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”.

    – Qua cách kể của Kim Lân, câu chuyện nhặt vợ tưởng là bi hài đã hóa thành khúc ca về sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người lao động:

    + Ngay trong đói khổ cùng cực – khi người ta ngỡ chỉ còn nghĩ được đến miếng ăn, chỉ còn sống với nỗi lo âu về cái chết, thì Tràng vẫn khát khao được sống như một con người thực sự.

    + Khát vọng hạnh phúc bình dị mà tha thiết, mãnh liệt ấy khiến người đọc không hề bất ngờ khi ngồi bên mâm cơm ngày đói, Tràng chợt nghĩ đến những người đói đi phá kho thóc của Nhật. Đó cũng là hình ảnh nhà văn chọn để kết thúc tác phẩm: “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…” Nó gieo vào lòng người đọc niềm tin rằng, trong dòng người “như nước vỡ bờ” của những ngày tháng Tám năm 1945, không thể không có Tràng.

    III. Kết thúc vấn đề

    – Xây dựng nhân vật Tràng, Kim Lân đã khẳng định, ngợi ca khát vọng hạnh phúc, niềm tin vào sự sống tiềm ẩn trong tâm hồn người lao động. Những phẩm chất quý giá đó là “điểm sáng” ngời lên ngay giữa cuộc sống tăm tối, cùng khổ.
    – Kim Lân quả thực là nhà văn của những thuần hậu nguyên thủy “một lòng đi, về với đất với người”.