Sách bài tập Ngữ văn lớp 12 - Soạn bài Vợ chồng A Phủ (trích) SBT Ngữ Văn 12 tập 2

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 3 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2

    1. Phân tích diễn biến tâm trạng của Mị từ khi làm vợ A Sử đến khi quyết định cởi trói cho A Phủ.
    Trả lời:

    Cần làm nổi bật được quá trình chuyển biến trong suy nghĩ và ý thức của nhân vật Mị về bản thân mình và về A Phủ - nạn nhân cùng cảnh ngộ vời mình. Các bước chuyển biến có thể tóm lược như sau :
    - Lúc đầu Mị không chịu về làm vợ A Sử (Mị van xin cha “đừng bán con cho nhà giàu”)... Nhưng vì món nợ truyền kiếp, Mị phải về làm vợ A Sử. Bị bắt về nhà chồng rồi nhưng Mị đau khổ trốn về van lạy bố và định ăn lá ngón tự tử. Rồi Mị đành chấp nhận số phận, sống “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Buồng Mị ở kín mít, chỉ có “một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay”. Mị nghĩ mình ngồi trong cái lỗ ấy mà trông ra cho đến ngày chết.
    - Cuộc sống tưng bừng của ngày Tết, của những đêm tình mùa xuân khiến Mị nhớ lại những ngày vui đã qua và Mị nhẩm thầm bài hát của người thổi sáo từ xa vọng đến, những khát vọng tuổi trẻ tiềm ẩn đã thức dậy. Mị nhận ra mình còn trẻ lắm, Mị muốn đi chơi, “Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau”...
    - Trong đêm bị A Sử trói, “Mị bàng hoàng tỉnh” và chợt nhớ ra câu chuyện người đàn bà trước đây bị trói đến chết và Mị lo cho mình (Mị cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết...).
    - Khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói mấy ngày đêm, Mị thức tỉnh dần, Mị liên tưởng đến cảnh mình cũng đã từng bị trói như thế. Từ chỗ lãnh đạm, Mị cảm thấy lo cho số phận người đàn ông ấy, Mị thấy “chúng nó thật độc ác”, “người kia việc gì mà phải chết thế”... Rồi khi cơ hội đến, “Đám than đã vạc hẳn lửa… trong nhà đã tối bưng”, Mị thoáng chút lo sợ hốt hoảng nhưng đã hành động cứu A Phủ và chạy theo A Phủ.
    Tóm lại, tâm lí nhân vật Mị diễn biến theo từng chặng : từ chỗ từ chối cảnh làm vợ nhà giàu đến đành cam chịu lầm lũi thân trâu ngựa, nhưng rồi cuộc sống bên ngoài và nội lực tiềm ẩn bên trong đã giúp Mị nhận ra nỗi khổ của mình và của người khác (A Phủ và những người trước đó), cảm thông với thân phận của A Phủ, người cùng cảnh, đồng thời nhận biết được sự độc ác của bọn thống lí và cuối cùng dám hành động cứu người và cũng chính là cứu mình.
    2. Bình luận chi tiết nghệ thuật Mị cởi trói cho A Phủ.
    Trả lời:

    Anh (chị) lưu ý phân biệt phân tích với bình luận. Bài này yêu cầu bình luận chi tiết nghệ thuật nghĩa là nêu lên được một số nhận định của mình về chi tiết đó. Mỗi người có cách bình luận riêng. Sau đây chỉ là một ví dụ :
    - Chi tiết được sử dụng khá đắt, thích hợp, vào đúng khoảnh khắc thời gian và không gian có tính chất quyết định cho sự trỗi dậy của nhân vật (“Lúc ấy đã khuya”, “Đám than đã vạc hẳn lửa”, “trong nhà đã tối bưng”).
    - Chi tiết xuất hiện phù hợp với quá trình phát triển biện chứng của tâm lí nhân vật. Từ chỗ lạnh lùng tưởng như vô cảm đến dần dần nhận ra nỗi khổ của mình và của những người khác, Mị độc thoại và thức tỉnh : "Chúng nó thật độc ác”. Mị lo lắng cho số phận người đàn ông bị trói kia, loé lên ý nghĩ cứu sống A Phủ, lại lo sợ hốt hoảng, nhưng rồi dám liều lĩnh hành động...
    Có thể bình luận về vai trò của chi tiết trong tác phẩm tự sự và nghệ thuật lựa chọn chi tiết ở những cây bút tài năng.
    3. Phân tích màu sắc miền núi Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
    Trả lời:

    Nên nói qua thành công của Tô Hoài ở nhiều phương diện như nghệ thuật xây dựng, phân tích tâm lí nhân vật, nghệ thuật miêu tả chân thực, sinh động, lời văn mượt mà, Nhưng tạo dựng được màu sắc riêng của Tây Bắc là một thành công xuất sắc của tác giả, một nhà văn am hiểu sâu sắc và yêu mến thiết tha cảnh vật và con người miền núi Tây Bắc.
    Đặc sắc của miền núi Tây Bắc trong Vợ chồng A Phủ được biểu hiện ở những phương diện sau:
    - Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng, đầy màu sắc rực rỡ của cỏ gianh vàng ửng, của những chiếc váy hoa sặc sỡ, của những quả bí ngô chín đỏ,... với những tiếng cười vang vọng, những tiếng sáo tha thiết trên các đồi nương trong những đêm hội mùa xuân,...
    - Những phong tục tập quán riêng của Tây Bắc : lễ sinh tiền, tục bắt con gái làm vợ, những cảnh vui xuân trên bản, cảnh nam nữ hò hẹn hát giao duyên,...
    - Những con người cần mẫn, hồn hậu, tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống, kín đáo thầm lặng, nhưng cũng dồi dào khát vọng và quyết liệt trên con đường tìm kiêm tự do, hạnh phúc.
    4. Theo anh (chị), tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài được thể hiện như thế nào qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ ?
    Trả lời:

    Tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài được thế hiện qua việc xây dựng các nhân vật chính của tác phẩm là Mị và A Phủ :
    - Miêu tả chân thực, tỉ mỉ, sinh động với niềm thông cảm sâu sắc nỗi khổ vật chất và nỗi đau tinh thần của các nhân vật Mị và A Phủ dưới chế độ thống trị của phong kiến miền núi.
    - Khám phá sức mạnh tinh thần tiềm ẩn ở những nạn nhân : niềm khát khao hạnh phúc, tự do và khả năng vùng dậy để tự giải phóng.