Sách bài tập Ngữ văn lớp 12 - Sửa bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc SBT Ngữ Văn 12 tập 2

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Giải câu 1, 2, 3 trang 68 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2

    1. Bài tập 1, trang 162, SGK
    Anh (chị) hiểu thế nào là truyền thống “tôn sư trọng đạo” - một nét đẹp của văn hoá Việt Nam ? Trình bày những suy nghĩ của anh (chị) về truyền thống này trong nhà trường và xã hội hiện nay.
    Trả lời:
    Có thể triển khai bài luận dựa trên những ý cơ bản sau đây :
    a) Trình bày về truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong văn hoá truyền thống :
    - Truyền thống “tôn sư trọng đạo” trước hết là lối hành xử của Nho gia, của sĩ tử, xuất phát từ quan niệm coi trọng sự học của Nho giáo (“Nhân bất học bất tri lí” - Người không chịu học thì không biết lẽ phải) : “Những xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo đề cao văn hoá, đề cao văn hiến, trọng kẻ có học, kẻ làm văn chương, gây ra tâm lí hiếu học, tôn sư trọng đạo cho đến mức sùng bái văn tự, sùng kính cả giấy có chữ viết”. Do ảnh hưởng của Nho giáo, trong đời sống văn hoá Việt Nam, tư tưởng “tôn sư trọng đạo” đã thẩm thấu vào tâm lí, ứng xử của người Việt chủ yếu theo hướng tích cực : tôn vinh, yêu kính thầy - người dẫn đạo, coi trọng đạo - lẽ phải, chân lí trong sách vở của thánh hiền (các bậc thầy của Nho giáo).
    - Truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã góp phần kiến tạo nền học vấn của các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt từ khi Việt Nam trở thành một quốc gia phong kiến độc lập. Nhờ có truyền thống này, Việt Nam mới có thể tự hào là một đất nước văn hiến. Những di sản văn hoá còn được lưu giữ đến ngày nay đều là kết quả của truyền thống tốt đẹp này : Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các tác phẩm văn chương, các công trình nghiên cứu lịch sử, địa lí. Trong truyền thống, nhiều bậc đại trí thức, nhà thơ, nhà văn lớn, chí sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng của dân tộc cũng là những người thầy mẫu mực về tâm hồn, nhân cách : Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyên, Phạm Văn Nghị, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai,...
    - Tư tưởng “tôn sư trọng đạo” của Nho giáo đã ảnh hưởng khá sâu tới đời sống tâm lí, ứng xử của người Việt: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều - Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Trong truyền thống văn hoá Việt, người thầy có vị trí như người cha tinh thần, vì vậy, lối xưng hô truyền thống của thầy - trò xưa là thầy - con. Thái độ yêu kính người thầy, noi theo chí hướng và nhân cách cao đẹp của người thầy, coi trọng sự học tập thực sự là một nét đẹp của văn hoá Việt.
    - Những điểm hạn chế của truyền thống này trong quá khứ : Trò quá lệ thuộc vào thầy, học tập một cách máy móc, thiếu sáng tạo. Mặt khác, đạo được xem như một chân lí bất biến, nên việc học bó hẹp trong sách vở, mang tính chất giáo điều, xa rời hiện thực. Tri thức chủ yếu giới hạn trong phạm vi văn chương cử tử. “Văn chương cử tử là thứ văn chương khô khan, dùng làm khuôn phép định sẵn viết về những nội dung kinh điển. Nhưng đó là văn chương chính thống, chính đạo. Hàng trăm thế hệ những người đi học, đi thi phải coi chỉ nó mới là văn chương”(1). Đồng thời, mục đích chủ yếu của sự học là thi cử, mong đỗ đạt làm quan, công thành danh toại: “Sĩ tử muốn có công danh - và ngoài công danh thì họ cũng không còn con đường nào khác - đua nhau dùi mài làm văn chương cử tử [...]. Tính chất quan liêu của nhà nước chuyên chế mở ra con đường công danh cho đám sĩ tử ngày càng đông đảo [...], coi thường mọi thứ thực nghiệp khác”. Như vậy, có thể nối, con đường đi đến học vấn và nội dung của học vấn (đạo) trong văn hoá truyền thống còn chật hẹp và phiến diện.
    - Khi chế độ phong kiến suy tàn, trước sự xâm lấn của văn hoá phương Tây, đạo học cũ của xã hội Việt Nam không còn theo kịp những biến động của đời sống thì truyền thống “tôn sư trọng đạo” cũng bị mai một: cả chữ nghĩa thánh hiền, cả người đi học, đi thi, người thầy cũng trở nên lạc lõng, bẽ bàng, bị rẻ rúng. Tú Xương - nhà thơ trào phúng vừa là thầy đồ, vừa là sĩ tử bất đắc chí của thời cận đại - đã than : “Đạo học ngày nay đã chán rồi - Mười người đi học chín người thôi” ; “Nào có ra gì cái chữ nho - Ông nghè, ông cống cũng nằm co”,... Vì mục đích chính của sự học trong thời buổi ấy là chạy theo lợi lộc kim tiền, không quan tâm thực sự đến giá trị cao nhất của tri thức là nâng cao hiểu biết, nâng cao đời sống tinh thần và cải biến xã hội tiến bộ hơn, nên con đường học tập trở nên tầm thường, thảm hại: “Chi bằng đi học làm thầy phán - Sáng rượu sâm banh, tối sữa bò” (Tú Xương). Trước ông Tú bất đắc chí của thành Nam, cụ Tam Nguyên Yên Đổ cũng đã tiên liệu và cảm khái: “Sách vở ích gì cho buổi ấy - Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già”.
    b) Bàn luận về những biểu hiện cụ thể của truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong nhà trường và xã hội hiện nay : Đây là quá trình liên hệ với thực tế, quan sát và suy ngẫm về hiện thực để hiểu biết rõ hơn về các khía cạnh cụ thể của vấn đề. Vì thực tế rất phong phú, có những sự việc thuộc về bản chất; có những sự việc mang tính cá biệt, ngẫu nhiên ; cũng có những sự việc tuy không phổ biến nhưng lại có thể bộc lộ bản chất của vấn đề. Trong quá trình tìm hiểu thực tế cần có sự chọn lọc thông tin để phục vụ cho việc trình bày bản chất vấn đề, nêu được những hiện tượng điển hình, tránh được sự suy diễn tuỳ tiện, lan man. Cần chú ý những định hướng sau :
    - Từ những hiểu biết về truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong văn hoá dân tộc, cần liên hệ vói thực tế để thấy rõ những điểm kế thừa và biến đổi của truyền thrống này trong đời sống hiện tại : Truyền thống "tôn sư trọng đạo” trong giai đoạn hiện nay còn giữ được những đặc điểm gì của vốn văn hoá dân tộc ? Quan hệ thầy - trò hiện nay có gì mới mẻ so với truyền thống ? Tri thức - nội dung của quá trình học tập thời hiện đại - có đặc điểm gì ? Từ đặc điểm đó, cần chú ý đến cách thức và mục đích của quá trình chiếm lĩnh tri thức như thế nào để giữ được truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà không bị lạc hậu trước sự biến đổi của tri thức và đời sống ?
    - Tìm hiểu một số biểu hiện tiêu cực, vi phạm truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong nhà trường và xã hội hiện nay: thái độ quá thực dụng trong học tập, thi cử, chạy đua theo thành tích của cả thầy và trò ; thái độ dạy và học phiến diện, coi thường tri thức toàn diện, học tập máy móc, học trò sao chép nguyên mẫu của thầy, không tích cực sáng tạo,...
    2. Bài tập 2, trang 162, SGK
    Theo anh (chị), nét đẹp văn hoá gây ấn tượng nhất trong những ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam là gì ? Trình bày hiểu biết và quan điểm của anh (chị) về vấn đề này.
    Trả lời:
    Có thể trình bày đề tài: "Nét đẹp văn hóa gây ấn tượng nhất trong ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam" dựa trên những ý cơ bản sau đây:
    - Trình bày rõ đặc điểm của phong tục tập quán đẹp mà anh (chị) định bàn luận: Phong tục tập quán? Diễn ra vào thời gian nào của dịp Tết? Những hoạt động của cộng đồng, gia đình, cá nhân khi thực hiện phong tục tập quán này. Ấn tượng sâu đậm nhất của anh (chị) về phong tục tập quán đó.
    - Bàn luận mở rộng vấn đề : Nguồn gốc của phong tục tập quán là gì ? Ý nghĩa thẩm mĩ, ý nghĩa nhân văn của phong tục tập quán. Những ảnh hưởng của phong tục tập quán đối với tâm lí của cộng đồng, gia đình, cá nhân. Vì sao cần giữ gìn, phát huy những giá trị của phong tục tập quán này ?
    3. Bài tập 3, trang 162, SGK.
    Trả lời:

    Có thể trình bày đề tài “Hủ tục cần bài trừ nhất trong các ngày lễ, tết ở Việt Nam” theo những nội dung cơ bản sau đây :
    - Miêu tả vắn tắt tình trạng của những hủ tục trong ngày lễ, tết : cờ bạc ; tổ chức ăn uống quá linh đình, lãng phí ; các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín, dị đoan : bói toán nhảm nhí, đốt quá nhiều vàng mã,...
    Bàn luận mở rộng về những hậu quả của hủ tục này đối với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân : gây lãng phí tiền bạc và làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường ; lễ bái một cách nhảm nhí, dung tục nhằm trục lợi ; xâm hại giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá trong dịp lễ, tết ; làm mất đi tính chất tích cực của các hoạt động tín ngưỡng ; gây ngộ nhận, u mê trong đời sống tâm linh của nhân dân,...