Soạn bài Con hổ có nghĩa SBT Ngữ văn 6 tập 1

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Giải câu 1, 2, 3 trang 71 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 6 tập 1. 1. Theo em, tại sao tác giả không viết chuyện về con người có nghĩa mà lại viết chuyện về con hổ có nghĩa ?

    Bài tập

    1.
    Theo em, tại sao tác giả không viết chuyện về con người có nghĩa mà lại viết chuyện về con hổ có nghĩa ?

    2.
    Ví thử có người cho rằng, truyện kể về một con hổ có nghĩa là đủ rồi, cần gì phải kể thêm chuyện một con hổ có nghĩa nữa cho trùng lặp. Ý kiến của em như thế nào ?

    3.
    Theo em, trong các loài vật sau đây thì loài vật nào thường được coi là có nghĩa : mèo, chó, trâu, bò ? Hãy viết một đoạn văn để nói về cái nghĩa của loài vật đó.

    Gợi ý làm bài

    1.
    Trước hết cần hiểu yêu cầu của bài tập là nhằm bước đầu hình thành ý thức và kĩ năng hiểu biết đặc trưng của văn học nói chung, ngôn ngữ văn học nói riêng.
    Cách tiến hành :
    - Cần hiểu rằng : Để cùng nói về một vấn đề nào đó, giữa văn bản văn học với các loại hình văn bản khác, có thể có cách nói, hình thức nói khác nhau. Ví dụ : để nói về con người có nghĩa, ngôn ngữ sử học hoặc ngôn ngữ báo chí phải nói trực tiếp ; còn văn học, ngoài cách nói trực tiếp, còn có cách nói gián tiếp.
    - Trong cách nói gián tiếp, có hai biện pháp thường gặp là : ẩn dụnhân hoá. Ẩn dụ là ví ngầm, trực tiếp nói về đối tượng này nhưng chính là để ngầm nói về đối tượng khác. Nhân hoá (cũng gọi là nhân cách hoá) là hình thức làm cho các sự vật, loài vật được mô tả có hành động, ngôn ngữ, tư tưởng, tình cảm như của con người.
    - Từ sự hiểu biết về hai nội dung trên, HS tìm lời giải đáp cho bài tập 1 bằng cách trả lời hai câu hỏi sau : Việc không nói thẳng vào chuyện con người có nghĩa mà lại nói qua chuyện con hổ có nghĩa có liên quan gì đến đặc trưng của văn học ? Nói về con hổ có nghĩa thì truyện có thêm ý nghĩa gì ?

    2.
    Trước hết cần hiểu yêu cầu của bài tập là nhằm rèn luyện kĩ năng phân tích, so sánh những chi tiết tưởng như trùng lặp nhưng thật ra là sự nâng cấp giá trị nội dung của tác phẩm.
    Cách tiến hành :
    - Tìm hiểu kĩ hành vi và thái độ của con hổ thứ nhất trong việc cõng bà đỡ Trần đến đỡ đẻ cho hổ cái, trong việc đền ơn đáp nghĩa đối với bà, mức độ của sự đền ơn.
    - Tìm hiểu kĩ nội dung câu chuyện về con hổ thứ hai được bác tiều cứu khỏi nạn hóc xương, nội dung và mức độ đền ơn đáp nghĩa của nó đối với bác tiều.
    - Từ hai kết quả trên, HS tiến hành so sánh hình tượng hai con hổ ở hai phương diện sau :
    + Tình thế phải chịu ơn ;
    + Cách đền ơn, mức độ đền ơn.
    - Cuối cùng trả lời câu hỏi :
    + Nội dung truyện có bị trùng lặp không khi kể về hai con hổ ?
    + Từ chuyện con hổ thứ nhất đến chuyện con hổ thứ hai, giá trị nội dung của tác phẩm được nâng cấp như thế nào ?

    3.
    Cần hiểu yêu cầu của bài tập này là nhằm rèn luyện năng lực phát triển, biến hoá thêm trong tư duy, trong học tập. Ở đây là từ chuyện con hổ mà nghĩ rộng ra tới chuyện con vật khác. Từ đó, cũng là việc rèn luyện thêm năng lực viết văn, trong đó có sự tưởng tượng, có khả năng dựng chuyện, có cách hành văn sao cho hấp dẫn.
    Cách tiến hành : Em có thể tự lựa chọn loài vật. Nếu không chọn được thì nhờ bố mẹ hoặc anh chị nói cho biết để viết ra thành văn sao cho hấp dẫn.