Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều) SBT Ngữ Văn 9 tập 1

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    1. Câu 1, trang 99, SGK.
    Phân tích những nét ngoại hình và tính cách để làm nổi bật bản chất xấu xa của Mã Giám Sinh.
    Trả lời:
    - Mã Giám Sinh xuất hiện trong Truyện Kiều với một lai lịch, tông tích không rõ ràng : "người viễn khách" mà quê lại "cũng gần". Mã có cả một đám tôi tớ theo sau cho đúng mốt một trang phong lưu, nhưng cái cảnh "Trước thầy sau tớ lao xao" cho thấy cả "thầy" và "tớ" đều là một lũ người ô hợp.
    - Miêu tả ngoại hình và hành động của Mã Giám Sinh, tác giả kết hợp giữa "chụp cận cảnh" và "quay lướt". Nguyễn Du chụp cận cảnh làm rõ cả bộ mặt và trang phục của Mã :
    Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
    Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

    Bộ mặt mày râu nhẵn nhụi dĩ nhiên là thiếu tự nhiên, râu cạo nhẵn, lông mày tỉa tót rất trai lơ. Từ nhẵn nhụi gợi cảm giác về một sự trơ trẽn, phẳng lì. Áo quần bảnh bao là áo quần trưng diện, cũng thiếu tự nhiên. "Hai chữ bảnh bao thường dùng để khen áo quần trẻ em chứ ít dùng cho người lớn" (Trần Đình Sử). Phủ một lớp hào nhoáng lên vẻ ngoài nhân vật, tác giả đã chế giễu, mỉa mai tên buôn người họ Mã. Sự đả kích ngầm càng sâu cay hơn khi một người đã "trạc ngoại tứ tuần" lại tỉa tót công phu, lại cố tô vẽ cho mình ra dáng trẻ.
    Miêu tả hành động, Nguyễn Du đã rất nhanh tay ghi lại cái hành động "Ghế trên ngồi tót sỗ sàng" của Mã Giám Sinh. Ghế trên" là ghế ở vị trí trang trọng, dành cho bậc cao môn, bậc huynh trưởng, bậc đáng kính. Kẻ đi hỏi vợ là bậc con cái mà lại "ngồi tót" thì thật chướng mắt, vô lễ. Hành động "ngồi tót" là quá bất ngờ, quá nhanh, "ống kính" không nhanh, không nhạy thì làm sao có thể ghi lại được.
    - Nhà thơ lại cũng đã rất nhanh ghi lại cách nói năng cộc lốc của Mã (hay cách nói năng cộc lốc của mụ mối) :
    Hỏi tên, rằng : "Mã Giám Sinh "
    Hỏi quê, rằng : "Huyện Lâm Thanh cũng gần".

    Câu trả lời nhát gừng, không có chủ ngữ, không thèm thưa gửi chỉ có thể là lời của kẻ vô học hoặc hợm của, cậy tiền.
    - Bản chất con buôn của Mã Giám Sinh bộc lộ đầy đủ hơn trong cuộc mua bán Kiều. Mã là loại con buôn đặc biệt - buôn người. Nghề buôn người không những cần bản chất tham tiền mà còn cần cả sự nhẫn tâm, đê tiện. Mã lanh lùng vô cảm, xem Kiều như đồ vật : "Đắn đo cân sắc, cân tài", "Cò kè bớt một thêm hai". Mã gật gù tán thưởng món lời : "Mặn nồng một vẻ một ưa", chẳng khác gì cử chỉ đê tiện "lẩm nhẩm gật đầu" của Sở Khanh sau này. Nếu trước đó, khi giành "ghế trên", Mã vội vàng "ngồi tót" thì giờ đây khi mua Kiều, hắn lại hết sức chậm rãi, tính toán chi li, hết "đắn đo", hết "thử tài" lại "cò kè", "thêm", "bớt". Câu thơ "Cò kè bớt một thêm hai" gợi lên cảnh kẻ mua người bán đưa đẩy món hàng, túi tiền được cởi ra, thắt vào, nâng lên, đặt xuống.
    Với bút pháp kết hợp giữa kể và tả, bằng một số nét phác hoạ về mối quan hệ mờ ám, vẻ ngoài chải chuốt, nói năng vô lễ, cử chỉ vô học, hành động vô lương, Nguyễn Du đã khắc hoạ sắc nét hình tượng Mã Giám Sinh, kẻ buôn người, từ ngoại hình đến tính cách. Mã Giám Sinh trở thành một điển hình bất hủ cho sự đê tiện, tàn ác.
    2. Nhân vật Mã Giám Sinh đã được miêu tả với bút pháp nghệ thuật nào ?
    A - Bút pháp lãng mạn
    B - Bút pháp ước lệ
    C - Bút pháp hiện thực
    D - Bút pháp tượng trưng
    Trả lời:
    Đọc kĩ phần Ghi nhớ (Ngữ văn 9, tập một, trang 99) để có suy luận chính xác trước khi lựa chọn đáp án.
    3. Câu 2, trang 99, SGK.
    Cảm nhận của em về hình tượng Thúy Kiều.
    Trả lời:
    Em có thể tham khảo các đoạn văn sau :
    "Phần còn lại của đoạn văn là cảnh mua người rất hiếm có. Ở đây có kẻ mua và người bán mình.
    Nói sao hết nỗi đớn đau, nhục nhã ê chề của con người cao quý bị biến thành món hàng :
    Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
    Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng !
    Ngại ngùng dợn gió e sương,
    Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.

    Kiều vừa xót xa cho mối tình của mình (nỗi mình), vừa xót xa cho gia cảnh (nỗi nhà), lệ rơi khôn cầm. Kiều ra với Mã, như cành hoa đem ra trước sương gió cho nên "dợn gió e sương", vì sương gió làm cho hoa tàn, hoa rụng. Và vì tự ví với hoa, nên thẹn thùng khi nhìn thấy hoa, tự thấy không xứng với hoa. Đó là tình cảm đạo đức thầm kín của Kiều.
    Trong khi đó thì mụ mối cứ giới thiệu Kiều như một món hàng, một đồ vật : "vén tóc", "bắt tay" cho khách xem, bắt nàng đánh đàn, làm thơ cho khách thấy. Còn Kiều thì ủ rũ :
    Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.
    Trước sau, Nguyễn Du đã miêu tả cảnh bán người này như là cảnh : "Cành hoa đem bán cho thuyền lái buôn".
    ( Theo Trần Đình Sử, Bình giảng tác phẩm văn học,
    NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995)
    "Thuý Kiều là người luôn có ý thức về nhân phẩm mà cuối cùng bị chà đạp về nhân phẩm. Đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều khắc hoạ hình ảnh tội nghiệp của Kiều. Nàng tội nghiệp vì là một món hàng đem bán và càng tội nghiệp hơn khi nàng ý thức sâu sắc về nhân phẩm. Là một món hàng, Kiều buồn rầu, tủi hổ, sượng sùng trong bước đi "ngại ngùng", ê chề trong cảm giác "thẹn" trước hoa và "mặt dày" trước gương. Là một người ý thức được nhân phẩm, Kiều đau uất trước cảnh đời ngang trái, đau khi nghĩ tới "nỗi mình" tình duyên dang dở, uất bởi "nỗi nhà" bị vu oan giá hoạ. Bao trùm tâm trạng Kiều là sự đau đớn, tái tê : "Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”.
    ( Theo Lã Nhâm Thìn, Hướng dẫn làm văn 10,
    NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999)
    4. Phân tích tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện qua đoạn trích.
    Trả lời:
    Đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều là một bức tranh hiện thực về xã hội, đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du.
    - Nguyễn Du đã tố cáo đanh thép những thế lực xấu xa, tàn bạo chà đạp lên con người. Đó là những thế lực lưu manh như kẻ buồn người họ Mã và thế lực đồng tiền.
    Tác giả khinh bỉ và căm phẫn sâu sắc bọn buôn người, thể hiện qua cách miêu tả Mã Giám Sinh với cái nhìn mỉa mai, châm biếm, qua việc bóc trần bản chất giả dối, bất nhân, vì tiền của hắn. Mã Giám Sinh giả dối từ lai lịch xuất thân mù mờ, đến tính danh, tướng mạo. Mã Giám Sinh bất nhân trong hành động, trong thái độ đối xử với Kiều như một đồ vật đem bán, cân đong, đo đếm cả sắc tài. Mã bất nhân trong thái độ lạnh lùng vô cảm trước gia cảnh của Kiều. Bản chất vì tiền của Mã Giám Sinh bộc lộ qua hành động mặc cả, keo kiệt, đê tiện khi mua Kiều.
    Nguyễn Du tố cáo thế lực đồng tiền chà đạp lên con người, thể hiện qua lời nhận xét : "Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong". Lời nhận xét có vẻ khách quan nhưng chứa đựng trong đó cả sự chua xót, căm phẫn. Tác giả lên án thế lực đồng tiền đã biến nhan sắc thành món hàng tủi nhục, biến kẻ táng tận lương tâm thành kẻ mãn nguyện, tự đắc. Đồng tiền có thể đổi trắng thay đen. Những thế lực tàn bạo "trong tay đã sẵn đồng tiền", cùng với thế lực quan lại xấu xa đã vào hùa với nhau tàn phá gia đình Kiều, tàn phá cuộc đời Kiều.
    - Nguyễn Du đau đớn, xót xa trước thực trạng con người bị hạ thấp, bị chà đạp về nhân phẩm. Với "sự cảm thống lạ lùng", nhà thơ như hoá thân vào nhân vật để nói lên nỗi đau đớn, tủi hổ của Kiều. Những câu thơ "Nỗi mình thêm tức nỗi nhà - Thềm hoa một bước lệ hoa mây hàng", "Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày" là lời kể của Nguyễn Du hay là chính nỗi lòng xót đau tủi nhục của Kiều đang cất lên tiếng nói ? Chính tấm lòng nhân đạo của nhà đại thi hào làm cho "lời văn tả ra như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột" (Mộng Liên Đường chủ nhân).
    Trong bi kịch về nhân phẩm của con người, Nguyễn Du vẫn nhận ra con người ý thức về nhân phẩm. Ở hoàn cảnh bị biến thành món hàng tội nghiệp, Thuý Kiều buồn rầu, tủi hổ. Nàng sượng sùng trong bước đi "ngại ngùng", ê chề trong cảm giác "thẹn" trước hoa và "mặt dày" trước gương. Là một người ý thức được nhân phẩm, Thuý Kiều đau uất trước cảnh đời ngang trái - đau khi nghĩ tới "nỗi mình" tình duyên dang dở, uất bởi "nỗi nhà" bị vu oan giá hoạ. Ý thức về nhân phẩm là một trong những biểu hiện sâu sắc của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du.