Soạn bài Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí SBT Ngữ Văn 9 tập 2

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    1. Bài luyện tập trang 36 - 37, SGK.
    Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi.
    THỜI GIAN LÀ VÀNG
    Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá trị mà thời gian là vô giá.
    Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
    Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.
    Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hoá đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.
    Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
    Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
    (Phương Liên)
    Câu hỏi:
    a) Văn bản trên thuộc loại nghị luận nào ?
    b) Văn bản nghị luận vấn đề gì ? Chỉ ra luận điểm chính của nó.
    c) Phép lập luận chủ yếu trong bài này là gì? Cách lập luận trong bài có sức thuyết phục như thế nào?
    Trả lời:
    Làm bài tập này trước hết lưu ý về ý nghĩa nhan đề “Thời gian là vàng” nhằm nói đến giá trị của thời gian. Đây là loại nghị luận về tư tưởng, đạo lí, giải quyết vấn đề vì sao phải biết quý thời gian. Thứ hai, mỗi đoạn trong bài đều nói tới một giá trị đặc biệt của thời gian, như nó là thứ chỉ có một lần, không đảo ngược, không thể trì hoãn, kéo dài, không thể mua được. Điểm thứ ba là cách chứng minh giá trị của thời gian. Thứ tự triển khai bài viết là thứ tự phân tích : thời gian vô giá, thời gian là sự sống, thời gian là thắng lợi, thời gian là tiền, thời gian là tri thức.
    2. Suy nghĩ từ truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.
    Trả lời:
    Từ truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường, có thể rút ra nhiều bài học. Ví dụ : Đẽo cày giữa đường là bài học thất bại. Phí cả một cây gỗ tốt mà không đạt mục đích đẽo cày. Đó là bài học cho người làm việc thiếu chủ kiến, ba phải ; bài học cho người có ảo tưởng về ý kiến của người khác, ai bảo gì cũng nghe theo một cách dễ dãi, không phân tích, suy nghĩ gì. Đó còn là bài học về những “lời góp ý” của thiên hạ, nhiều người góp ý tuỳ tiện, thiếu cơ sở, tự cho mình là thông thái. Từ các ý đó, hãy phân tích cái đúng cái sai, cái khôn cái dại trong truyện và bày tỏ thái độ đối với từng loại người trong truyện.
    3. Tranh giành và nhường nhịn.
    Trả lời:
    Mọi người hẳn còn nhớ truyện ngụ ngôn kể về hai con dê cùng đi qua một cái cầu độc mộc từ hai chiều ngược nhau. Không con nào chịu nhường con nào, dẫn đến húc nhau và cả hai con đều rơi xuống suối. Đó có thể là câu chuyện mở đầu cho việc bàn luận về chủ đề tranh giành và nhường nhịn. Hãy suy nghĩ đến các tình huống mà sự tranh giành và nhường nhịn thường đặt ra. Ví dụ : Hai người cùng đi mua một thứ đồ chơi, mà cửa hàng chỉ còn có một chiếc ; hai người cùng đi mua một cuốn sách, mà cửa hàng chỉ còn một cuốn ; hai người cùng lên xe buýt mà trên xe chỉ còn một chỗ ngồi,... Từ đó mà bàn luận vấn đề, phân tích điều hơn, lẽ thiệt và đề xuất giải pháp.
    4. Lòng kính trọng người cao tuổi.
    Trả lời:
    Kính trọng người cao tuổi là một truyền thống tốt đẹp. Vì sao người ta phải tôn kính người cao tuổi ? Vì họ là bậc ông, bà, cha, chú, là những người nhiều kinh nghiệm sống, nhiều hiểu biết,... Họ là những người đã lao động để nuôi dạy thế hệ trẻ. Họ là những người góp phần làm nên của cải tinh thần và vật chất cho xã hội. Tôn kính người cao tuổi như thế nào để chứng tỏ mình là người có văn hoá ? Đó là thừa nhận các giá trị của họ. Biết lắng nghe lời khuyên của họ. Nhường nhịn, giúp đỡ họ. Vì sao phải tôn kính họ ? Vì người cao tuổi thường đã già yếu, không làm được nhiều việc nữa, người ta sinh ra thái độ coi thường không nên có. Kính trọng người cao tuổi cũng tức là kính trọng con người, bởi vì mọi người ai cũng sẽ già yếu. Không ai có thể khoẻ mãi, trẻ mãi. Đó là đạo lí làm người.
    5. Lá lành đùm lá rách.
    Trả lời:
    “Lá lành đùm lá rách” là câu tục ngữ Việt Nam chỉ tinh thần giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Trong cuộc sống cộng đồng thường không tránh khỏi có khi tai hoạ giáng xuống một số vùng, một số người. Trong điều kiện đó, những người có may mắn, có điều kiện (lá lành) giang tay giúp đỡ đồng bào mình, những người bị nạn (lá rách) để qua cơn hoạn nạn. “Đùm” là đùm bọc, cưu mang. Đó là hành động của những người cùng dòng giống, dân tộc, cùng lãnh thổ, láng giềng (cùng là “lá” của một cây, một giàn) giúp nhau và phát triển cho đến nay. Nước ta có nhiều thiên tai, dịch hoạ, lụt lội, hạn hán, dịch bệnh, truyền thống đó càng được duy trì và phát huy mạnh mẽ. Trong cuộc sống không ai có thể tránh hết rủi ro. Giúp người cũng là giúp mình. Ngày nay, hoạt động từ thiện tiếp nối truyền thống đó. Các bạn nhỏ cũng đóng góp cho hoạt động thiết thực giúp những người không may.