Soạn bài Ôn tập văn miêu tả SBT Ngữ văn 6 tập 2

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Giải câu 1, 2, 3 trang 73 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 6 tập 2. Câu 1. Đây là đoạn văn của Ma Văn Kháng, trích từ tác phẩm Người con trai họ Hạng (NXB Thanh niên, 1982) :

    Bài tập
    1.
    Đây là đoạn văn của Ma Văn Kháng, trích từ tác phẩm Người con trai họ Hạng (NXB Thanh niên, 1982) :
    A Cháng đẹp người thật. Mười tám tuổi, ngực nở vòng cung, da đỏ như lim, bắp tay, bắp chân rắn như trắc gụ. Vóc cao, vai rộng, người đứng thẳng như cái cột đá trời trồng.
    Nhưng phải nhìn Hạng A Cháng cày mới thấy hết vẻ đẹp của anh. Tới nương, A Cháng mắc cày xong, quát một tiếng "mỗng" và bây giờ chăm chắm vào công việc. Hai bàn tay A Cháng nắm đốc cày, mắt nhìn thế ruộng, mắt nhìn đường cày, thân mình nhoài thành một đường cong mềm mại, khi đi bên trái, lúc tạt qua phải theo đường cày uốn vòng theo hình ruộng bậc thang giống mảnh trăng lưỡi liềm. Lại có lúc được sá cày thẳng, người anh như rạp hẳn xuống, đôi chân xoãi dài hoặc băm những bước ngắn, gấp gấp.

    a) Nếu phải rút lại hai câu thật ngắn gọn để nêu chủ đề thì em sẽ chọn hai câu nào trong đoạn văn trên ?
    b) Cách triển khai đoạn văn của tác giả là cách nào, lựa chọn một trong bốn nhận xét sau :
    A - Quy nạp
    B - Tổng - phân - hợp
    C - Diễn dịch
    D - Không theo cách nào
    2. Cho câu chủ đề sau đây :
    Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau.
    Hãy viết thành một đoạn văn từ 8 đến 10 câu theo cách diễn dịch. Trong đoạn văn cố gắng nêu được nhiều màu vàng khác nhau.
    3. Hãy nêu những điểm giống nhau và khác nhau giữa tả cảnh và tả người.
    Gợi ý làm bài
    1.
    Có thể rút lại hai câu thật ngắn gọn là :
    "A Cháng đẹp người thật. Nhưng phải nhìn Hạng A Cháng cày mới thấy hết vẻ đẹp của anh."
    Từ đây có thể nhận xét đoạn văn viết theo cách nào.

    2.
    Có thể tham khảo đoạn văn sau đây của Tô Hoài :
    Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau.
    Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra thì trông thấy màu trời có vàng hơn thường khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, trông như những tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối xoã xuống như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, đốt ngầu phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu vàng rơm mới. Lác đác cây lựu có mấy chiếc lá đỏ. Qua khe giậu, ló ra mấy quả ớt đỏ chói. Tất cả đượm một màu vàng trù phú, đầm ấm lạ lùng. Không còn có cảm giác héo tàn hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông. Hơi thở của đất trời, mặt nước thơm thơm, nhè nhẹ.


    3.
    Tả cảnh hay tả người đều có chung một mục đích là tái hiện lại cảnh vật, con người một cách sống động, làm cho chúng hiện lên như thật trước mắt người đọc. Muốn thế, tả cảnh hay tả người đều phải biết quan sát tinh để lựa chọn được các chi tiết và hình ảnh đặc sắc, tiêu biểu, sau đó phải biết sắp xếp, trình bày theo một thứ tự hợp lí. Ngoài ra, khi tả cảnh và tả người, HS đều cần phải biết liên tưởng, tưởng tượng, ví von so sánh và có những nhận xét độc đáo thì bài viết mới sinh động.
    Điểm khác nhau giữa tả cảnh và tả người chỉ ở chỗ đối tượng chính của tả cảnh là cảnh vật (thường là phong cảnh - tức các cảnh thiên nhiên như sông, núi, mưa, nắng,...), còn đối tượng chính của tả người là con người với hai dạng chính : tả chân dung (diện mạo bề ngoài và tâm lí bên trong), tả hành động (con người trong khi lao động, làm việc).