Sự phát triển của thể loại tiểu thuyết Bài làm: Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ thế kỷ XIX, tiểu thuyết đã được coi là hình thái của nghệ thuật ngôn từ. Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, thể loại này vẫn đứng ở vị trí then chốt trong đời sống văn học toàn nhân loại. Là một hình thức tự sự cỡ lớn, tiểu thuyết có những khả năng riêng trong việc tái hiện như những bức tranh hiện thực đời sống, trong đó chứa đựng nhiều vấn đề sâu sắc của đời sống xã hội, của số phận con người, của lịch sử, đạo đức, phong tục… Nghĩa là tiểu thuyết có khả năng phản ánh hiện thực cuộc sống một cách bao quát, sinh động theo hướng tiếp cận trên cả bề rộng lẫn chiều sâu. Từ khi ra đời đến nay, thể loại tiểu thuyết đã để lại cho kho tàng văn học thế giới những thành tựu rực rỡ về mặt thể loại. Từ những pho tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng Trung Quốc đến những tác phẩm đồ sộ của tiểu thuyết hiện thực phê phán phương Tây. Từ những dòng chảy mạnh mẽ của tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa đến những nguồn mạch dồi dào của tiểu thuyết Mĩ – latinh, và của tất cả các lục đại khác nhau trên khắp hành tinh… đã góp phần tạo nên diện mạo đặc biệt phong phú cho thể loại tiểu thuyết từ khi hình thành đến nay. Thời kỳ Phục hưng, tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở sự mô tả những chi tiết đời tư của con người riêng lẻ mà còn mở rộng phạm vi mô tả tới những bức tranh xã hội lớn với ý thức phê phán rõ rệt. Trong đó có những tác phẩm có giá trị hiện thực lớn lao vì đã xây dựng được những tính cách và hoàn cảnh mang ý nghĩa điển hình. Bằng tài ngăn nghệ thuật của mình, các nghệ sĩ bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực đã tạo nên những mẫu mực hoàn thiện của thể loại này. Bên cạnh những tác phẩm có quy mô đồ sộ như: Tấn trò đời, Chiến tranh và hòa bình, Một cuộc đời…. Tất thảy đều góp phần tạo dựng nên sự đa dạng cho tiểu thuyết giai đoạn này. Nếu như trước kia, tiểu thuyết còn chứa đựng quá nhiều những yếu tố li kì, phiêu lưu mạo hiểm thì bước tiến mới của tiểu thuyết giai đoạn này là nội dung phê phán quyết liệt bản chất vô nhân đạo và những bất công ngang trái của xã hội đương thời, là khả năng phân tích sâu sắc những mối quan hệ xã hội phức tạp và bút pháp tâm lí sâu sắc trong phương pháp khắc họa tính cách. Ở Việt Nam, tiểu thuyết xuất hiện muộn hơn, phải chờ đến những năm 30 của thế kỷ XX, văn học Việt Nam mới xuất hiện những tác phẩm tiểu thuyết với đầy đủ ý nghĩa thể loại của nó. Cùng với phong trào Thơ Mới, tiểu thuyết hiện đại 1930-1945 đánh dấu thời kì rực rỡ huy hoàng của nền văn học dân tộc. Bên cạnh tên tuổi của các cây bút văn xuôi Tự lực văn đoàn: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam… những người đã góp phần quan trọng vào sự hình thành của thể loại – nổi bật lên công lao to lớn của các nhà văn hiện thực phê phán: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng…đã tạo nên những thành tự xuất sắc nhất cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam 1930- 1945. Các thế hệ nhà văn lần lượt xuất hiện với những khuôn hình mới, bản lĩnh nghệ thuật mới đã duy trì sức sống bền lâu và khẳng định vị trí của tiểu thuyết trong toàn bộ sự phát triển của nền văn học dân tộc.