Đề bài : Suy nghĩ của em về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong ca dao xưa Bài làm: Dân tộc Việt Nam ta, từ xa xưa đến nay từ khi sinh ra và lớn lên, đều được đắm mình trong những lời hát ru, câu ca dao của mẹ, của bà. Những câu ca dao, dân ca dường như là những tình cảm mà thế hệ xưa muốn gửi gắm ở trong đó. Đặc biệt là những câu ca dao dân ca về những người phụ nữ để nhờ đó, ta cảm nhận được sự đáng thương nhưng cũng như sự hy sinh vô cùng cao đẹp của thân phận những người phụ nữ trong xã hội Việt Nam xưa kia. Hình ảnh những người phụ nữ luôn luôn và lúc nào cũng là cảm hứng bất tận trong thi ca. Cho dù là trước kia hay bây giờ, thì vai trò của người phụ nữ trong xã hội vẫn vô cùng quan trọng. Vậy nhưng đáng thương cho thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa, bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ. Khi đó, thân phận người phụ nữ bị coi rẻ, bị chèn ép, không được sống như những gì mình mong muốn. Cuộc đời cũng như thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa bất hạnh đến nỗi, những nhà thơ, nhà văn đã phải mượn thơ ca mới có thể miêu tả hết được. Bởi vậy, chúng ta không còn xa lạ gì những câu ca dao được truyền nhau thế hệ này qua thế hệ khác: Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.. Hay: Thân em như hạt mưa sa Hạt rơi xuống giếng hạt ra ruộng cày. Sự cô độc của người phụ nữ được biểu hiện rõ qua từ “ thân em”. Sinh ra là thân con gái mỏng manh, yếu đuối cần được chở che, nhưng họ lại không được trân trọng, nâng niu. Vậy mà lại phải cô độc một mình chống chọi với xã hội, những con người coi rẻ họ như những món hàng, trao qua đổi lại hết người này qua người khác mà không được ấm thân. Thật sự là đau xót cho những người phụ nữ xưa, dù khổ đau là vậy nhưng họ vẫn phải cam chịu, chấp nhận số phận đau thương này. Người phụ nữ dù đau khổ nhưng vẫn được ở gần gia đình, có người hỏi han lúc ốm đau có lẽ còn đỡ tủi nhục, đơn độc hơn những người phụ nữ lấy chồng xa quê, xa những người thân yêu của mình mới đau xót làm sao: Chiều chiều ra đứng ngõ sau Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Phụ nữ lấy chồng xa, hạnh phúc êm ấm đã đành. Nhưng khi cuộc sống không được như ý, thì nhìn đâu cũng là nỗi đau, nỗi nhớ, mà người phụ nữ xưa, êm ấm có được mấy người? Họ đành sống một cách chấp nhận, lầm lũi bên gia đình chồng, chôn vùi tuổi xuân cùng nỗi nhớ nhà ngày này qua tháng khác. Bởi dù cho có muốn nói cũng chẳng có ai muốn nghe, muốn chở che cho họ. Thế rồi, trong những câu hát ru ta vẫn thường nghe, thân phận người phụ nữ lại một lần nữa khiến ta thêm phần thương xót: Con cò mà đi ăn đêm Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao Ông ơi ông vớt tôi nao Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng Có xáo thì xáo nước trong Đừng xáo nước đục đau lòng cò con. Ở đây, chúng ta sẽ cảm nhận được những người phụ nữ Việt Nam dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn yêu thương, lo lắng, hy sinh cho các con của mình. Trong một xã hội mà thân phận người phụ nữ bị coi rẻ, thì họ vẫn luôn âm thầm lặng lẽ hy sinh cho chồng cho con. Thật sự là đáng trân trọng biết bao. Những câu ca dao, dân ca hay tục ngữ về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa, dù cho đến mai sau nữa thì vẫn sẽ khiến cho người đọc, người nghe muôn phần chua xót và thương cảm. Những con người sinh ra nhầm thời, phải sống cảnh lầm than, bị người đời vùi dập, khinh rẻ…ấy vậy mà họ vẫn luôn giữ vững những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, tần tảo vất vả sớm hôm để hy sinh cho gia đình, cho chồng con. Với những phẩm chất cao quý ấy, đáng ra họ phải có được hạnh phúc, xứng đáng có được hạnh phúc hơn những gì mà cuộc sống đã dành cho họ. Nhờ có những câu ca dao, tục ngữ, mà có lẽ chúng ta ai cũng thêm yêu và trân trọng những người phụ nữ, người bà, người mẹ, người vợ của chúng ta. Họ đều là những người phụ nữ Việt Nam giàu tình yêu thương, giàu đức hy sinh mà dù trong thời đại nào cũng đề xứng đáng được yêu thương, trân trọng.