Suy nghĩ về sức mạnh của truyền thống tôn sư trọng đạo

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Suy nghĩ về sức mạnh của truyền thống tôn sư trọng đạo


    28.jpg
    Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta​


    • Mở bài:
    Tôn sư trọng đạo vốn là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Truyền thống ấy đã được gìn giữ và phát huy qua nhiều thời đại. Ngày nay, truyền thống ấy vẫn còn phát huy giá trị trng thời địa mới.
    • Thân bài:
    Tôn sư trọng đạo là gì?

    Tôn sư có nghĩa là tôn trọng, kính yêu, biết ơn người thầy trong xã hội. Trọng đạo có nghĩa là quý trọng đạo học của dân tộc và đề cao đạo lí làm người trong xã hội.
    Tôn sư trọng đạo có nghĩa là biết tôn quý hình ảnh người thầy và đạo học của dân tộc ta. Đồng thời biết đề cao và thực hiện đạo lí ở đời. Bởi mục đích của giáo dục là làm cho con người hiểu rõ chân lí, lẽ phải ở đời. Từ đó thực hành đạo lí ấy, đêm đến những điều hữu ích và thiết thực trong cuộc sống này.

    Tại sao phải biết tôn sư trọng đạo?

    Sống phải biết tôn sư trọng đạo. Bởi đó là truyền thống quý báu của dân tộc được gìn giữ và lưu truyền từ bao đời nay. Chính thầy cô giáo (sư) là những người đã dạy dỗ (đạo) chúng ta nên người. Chính đạo học của dân tộc, đạo lí làm người đảm bảo cho mỗi chúng ta phát triển tốt đẹp. Không có người thầy thì đạo lí không được giữ vững. Đạo lí suy tàn khiến xã hội sẽ rối loạn, trật tự, kỉ cương không được duy trì.
    Tôn sư trọng đạo, biết thể hiện lòng biết ơn của thầy cô giáo cũ khẳng định tấm lòng biết ơn sâu sắc của con người. Người biết kính trọng thầy cô giáo, xem trọng việc học, sống có có lòng biết ơn luôn được người khác yêu mến và tin tưởng.
    Tôn sư trọng đạo là nét đẹp trong tâm hồn con người. Sống biết kính trọng và biết ơn làm cho mối quan hệ giữa người và người trở nên gắn bó, thân thiết. Con người sống với nhau có nhân nghĩa thủy chung trước sau như một. Tôn sư trọng đạo nhằm gìn giữ các giá trị tốt đẹp và những phẩm chất cao quý qua thời gian.

    Phải làm gì để giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc?

    Trước hết là thực hiện nghiêm túc quyền hạn và nghĩa vụ của mình trong học tập. Có học tập mới gắn bó mình với người thầy, gắn kết mình với trường lớp và hệ thống đạo lí làm người được giảng dạy hằng ngày. Bởi thế, Nguyễn Thiếp đã từng nói rằng: “Người không học không biết rõ đạo” là bởi lí do đó. Ông cũng nói rõ, đạo học vững mạnh thì người tốt nhiều, nhân tài xuất hiện, đất nước được cường thịnh.
    Luôn có thái độ kính trọng và tình cảm tốt đẹp làm vui lòng thầy cô giáo. Để làm vui lòng thầy cô giáo không hành động nào ý nghĩa bằng việc nỗ lực học tập tốt, trở thành con ngoan trò giỏi. Không những ba mẹ vui lòng mà thầy cô giáo cũng hết sức tự hào.
    Biết thực hiện hành động đền ơn đáp nghĩa những người thầy đã có công dạy dỗ chúng ta nên người, cho chúng ta hiểu biết tri thức và đạo lí làm người. Luôn làm những điều tốt đẹp để xứng đáng với thầy cô giáo.

    Phê phán những người không biết tôn sư trọng đạo:

    Trong xã hội, vẫn còn có nhiều người không biết tôn sư trọng đạo. Đối với người thầy, họ không có lòng kính trọng đúng mực. Đối với việc học, họ lơ là, lười biếng, không chịu nỗ lực. Đối với truyền thống, họ xem thường và chê bai. ĐỐi với đạo lí ở đời, họ thường xuyên vi phạm và phỉ báng vào những đạo lí tốt đẹp ở đời. Bởi thế, họ thường bị mọi người xa lánh. Những người như thế thật đáng chê trách.

    Bài học về ý thức tôn sư trọng đạo:

    Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp và quý báu. Chúng ta cần phải gìn giữ và phát huy truyền thống ấy trong thời địa ngày nay.
    • Kết bài:
    Hiền sĩ Thân Nhân Trung đã từng nói: “Lương sư hưng quốc”. Có “lương sư” mới có được “hiền tài”.Có nhiều hiền tài, đất nước mới cường thịnh. Bởi vậy, dù bất kì thời đại nào, truyền thống ấy cũng là nguồn động lực mạnh mẽ, thúc đẩy xã hội phát triển.