Suy nghĩ về thất bại qua câu: “Thất bại là mẹ của thành công”

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Đôi khi ta suy nghĩ tại sao thất bại lại có thể là mẹ của thành công được. Điều này có vẻ nghịch lí quá. Nhưng cuộc sống là vậy. Nghịch lí của vấn đề chính là động lực để nó phát triển hơn. Hãy suy nghĩ, nếu không có bóng tối sao ta có thể nhận ra chúng ta đang đứng trong ánh sáng. Ví như nếu không có đàn sói rượt đuổi, bắt giết thì đàn hưu cũng sớm bị tiêu diệt bởi chính những hệ lụy phát sinh do sự thiếu vận động của nó. Hãy nhìn nhận vấn đề ở hai mặt của nó để từ đó tìm ra mục tiêu của hành động, hình thành nghị lực sống vươn đến thành công.
    • Thân bài:
    Thất bại là gì?

    Thất bại là không được mục tiêu mong muốn hoặc dự định. Và có thể được xem là trái ngược với thành công. Các thất bại thường để lại các hậu quả không mong muốn, có thể gây thiệt hại về vật chất và tinh thần ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, thất bại được ví như là “mẹ” của thành công và được xem là một trong những bước tiền đề, đặt nền tảng tiến tới thành công.

    Thành công là gì?

    Có nhiều định nghĩa khác nhau về thành công trong cuộc sống. Điều này cũng dễ hiểu vì mỗi người có mục tiêu sống khác nhau và mức độ yêu cầu để có thể coi là thành công cũng không hề giống nhau. Về cơ bản, thành công có nghĩa là đạt được điều mình mong muốn trong công việc hoặc cuộc sống. Đó có thể là một giá trị về tinh thần hoặc vật chất.

    Vì sao thất bại là người “mẹ” vĩ đại của thành công?

    Trong cuộc đời ai cũng có lần thất bại, công việc càng khó khăn thì khả năng thất bại càng nhiều. Mỗi thất bại sẽ đem đến cho ta một bài học, một kinh nghiệm,.. giúp ta tiến gần tới thành công. Thành công sau những thất bại thường có giá trị chắc chắn, vững bền, mang lại cảm giác hạnh phúc thực sự.

    Không ai muốn mình bị thất bại trong cuộc sống này. Bởi sau một thất bại, con người sẽ phải trả giá nặng nề. Thế nhưng, sau khi mỗi lần thất bại, ta sẽ tích cực tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những sai sót của ta. Từ đó rút ra được những kinh nghiệm quý báu, giúp ta tránh phạm những sai lầm đó nữa và ngày càng tiến tới bước đường thành công hơn.

    Để đạt được thành công thì những vấp ngã thiếu sót hầu như không thể tránh khỏi. Đó là một điều tất yếu. Thất bại còn giúp ta rèn luyện ý chí, giúp ta tự tin và bản lĩnh hơn. Mỗi vết thương để lại trên con đường tìm kiếm thành công giúp ta thêm dạn dày, giàu kinh nghiệm, không ngại gian khổ, sẵn sàng vượt qua khó khăn thử thách.

    Không ai mà không có thất bại trước khi đạt đến vinh quang. Những người thành công trở nên vĩ đại là những người đã từng nhiều lần thất bại trong sự nghiệp của mình. Thomat Edison đã hơn nghìn lần thất bại để sáng tạo ra bóng đèn. Bandac đã vò nát biết bao trang giấy để viết được những cuốn tiểu thuyết bất hủ. Bill Gate đã nhiều lần khánh kiệt trước khi trở thành tỉ phú. Staven Job đã thất nghiệp, bị đuổi việc trước khi sáng tạo ra Apple huyền thoại. Không có thất bại thì không có thành công.

    Thất bại có vai trò củng cố cho ta niềm tin chiến thắng và nhận ra giá trị đích thực của cuôc sống. Không đơn giản là sống thành công mà còn phải biết sống đẹp bằng tất cả niềm đau thương và hạnh phúc. Chính những lần thất bại chúng ta mới nhận ra rằng dám thất bại thì mới đạt đến thành công.

    Không phải thất bại nào cũng mang tới thành công. Yếu tố quan trọng vẫn là nghị lực và trí tuệ của con người. Trên thực tế có người thành công dễ dàng nhưng không phải là số nhiều

    Phải làm gì để vượt qua thất bại vươn đến thành công trong cuộc sống?

    Thomas Edison khẳng định: “Thành công là do 1% cảm hứng, 99% mồ hôi”. Bất cứ một thành công nào cũng đều xuất phát từ sự lao động miệt mài. Nghĩa là phải sống có lí tưởng, có hoài bão, có ước mơ lớn lao hướng đến một tương lai tươi sáng. Luôn rèn luyện và nâng cao bản lĩnh sống. Phải xác định mục tiêu sống lành mạnh, tiến bộ và giàu tính nhân văn.

    Phải hành động mãnh liệt, kiên trì, đối mặt và chiến thắng nghịch cảnh để vươn lên. Thành quả tốt đẹp luôn nằm ở phía cuối cùng của sự cố gắng. Phải có tình yêu cuộc sống mãnh liệt, yêu thương con người và quyết tâm xây dựng một thế giới công bằng, tiến bộ, văn minh. Luôn ý thức kỉ luật bản thân. Rèn luyện nhân cách nhân phẩm tốt đẹp trở thành người mẫu mực trong xã hội. Sống có mục đích, có ước mơ, hoài bão giúp ta thêm kiên cường đối diện thử thách, hướng đến thành công.

    Luôn kiên trì học tập, kiên trì làm việc. Sẵn sàng vấp ngã và dũng cảm đứng dậy là bí quyết của người thành công. Tri thức là sức mạnh, ai có tri thức người đó có sức mạnh. Lê-nin đã từng khẳng định điều ấy như một chân lí.

    E.Hubbard cũng đã nói: “không biết bao nhiêu lần con người buông tay từ bỏ khi mà chỉ một chút nỗ lực, một chút kiên trì nữa thôi là nah ta đạt đến thành công”. Chúng ta cũng khó nhận ra sự thành công đích thực trong cuộc sống này. Có lúc nó được giấu kín trong sâu thẳm, hay trong vỏ bọc đơn sơ không giá trị gì. Và phải nhìn nhận rằng thành công không phải là tấy cả. Thất bại không có nghĩa là chấm hết. Quan trọng là còn có lòng quả cảm để tiếp tục đi hết con đường như U.Churchill chỉ dẫn.

    Cuộc sống luôn rất công bằng với những ai luôn biết phấn đấu. Điều bất công ta thường thấy trong xã hội hãy xem là những “tai nạn”, những “rủi ro” mà trên bước đường đời ta vấp phải. Dù có thất bại nặng nề, dù có bị phủ nhận hay lãng quên thì hãy can đảm đứng lên bằng tất cả nghị lực của mình. Bằng sức mạnh của trí tuệ và lòng quả cảm vươn lên thì nhất định bạn sẽ gặt hái thành công.

    Edison đã hơn 1000 lần thất bại khi sáng tạo ra bóng đèn. Bandac cũng đã thất bại trước khi trở thành nhà văn vĩ đại. Đầu hàng số phận chẳng khác nào một hành động tự sát. Hãy kiên trì, hãy tin tưởng, hãy dũng cảm tiến tới bởi kết quả ngọt ngào luôn nằm ở cuối con đường. “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Câu nói của Lỗ Tấn tiếp cho ta thêm sức mạnh để vượt lên, để hành động, để thành công.

    Đừng bao giờ sợ thất bại. Bởi vì sai lầm chính là động lực thúc đẩy ta hướng đến chân lí, hướng đến chân thiện mỹ. Một người mà luôn sợ thất bại, lúc nào cũng muốn mình sống một cuộc đời mà không có một sai lầm nào cả thì bạn là một người ảo tưởng, hoặc là hèn nhát không bao giờ dám đối mặt với cuộc sống. Nếu lúc nào ta cũng lo âu là mình sẽ luôn gặp thất bại thì ta chẳng bao giờ tự lập được cả.

    Hãy dũng cảm đứng dạy khi vấp ngã.

    Hãy nhớ rằng trả giá cho những sai lầm là cách để mỗi chúng ta trưởng thành hơn. Một người mà không chịu được mất mát thì sẽ chẳng được gì to lớn. Hãy nhớ rằng con đường đời trong cuộc sống không phải lúc nào cũng phải trải đầy hoa hồng. Nếu trong những việc nhỏ nhặt như thế mà chúng ta còn làm không xong thì làm sao mà ta có thể đương đầu với những gian nan khi ta lớn lên.

    Suy nghĩ: “Nếu một ngày cuộc sống nhuộm màu đen hãy cầm bút và vẽ cho nó những vì sao lấp lánh”
    Thất bại và sai lầm bao giờ cũng có hai mặt cả. Nó đem lại cho ta không ít mất mát và thương tổn. Nhưng nó cũng là những bài học vô cùng đắt giá, giúp ta tránh lặp lại những sai lầm về sau. Tuy nhiên, cũng cần phải cẩn trọng. Không phải là bạn liều lĩnh hay mù quáng mà lại cố làm ra những sai lầm. Chẳng ai thích sai lầm cả. Có người sau khi phạm sai lầm thì lại chán nản. Kẻ thì sau khi phạm sai lầm lại phạm những sai lầm khác còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, cách xử trí của ta đối với những sai lầm cũng rất quan trọng.

    Đừng bao giờ bi quan, buông xuôi tất cả. Bởi vì chính trong những lúc nguy nan, những lúc khó khăn nguy nan nhất, nếu ta vẫn bình tĩnh và có ý chí, ta có thể lật ngược lại vấn đề. Ta cần phải tự tin, lạc quan, có nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn thử thách để đạt đến thành công.

    Một điều quan trọng nữa là ta phải dũng cảm, trung thực nhìn nhận ra thất bại và vượt qua nó. Hãy xem thất bại như một động lực lớn giúp ta thành công. Những người khôn ngoan sẽ là người biết rút ra được kinh nghiệm và biết tìm con đường để tiến lên.

    Rèn luyện ý chí, không nản lòng trước thất bại. Hãy xem thất bại là thử thách đối với giá trị con người. Thế nhưng, cũng không nên lấy câu này chỉ để tự an ủi trong mỗi thất bại. Phải biết biến thất bại thành mẹ của thành công
    • Kết bài:
    Thất bại là mẹ của thành công – đó là một chân lí đúng đắn. Thế nhưng, nếu có quá nhiều thất bại sẽ không thể dẫn đến thành công. Nhân gian có câu: “Đừng để đến chín lần đứt tay mới lành nghề” nhằm nhắc nhở chúng ta phải biết rút kinh nghiệm mà mau chóng vươn đến thành công vậy.