Mở bài: Nguyễn Quang Sáng là một cây bút truyện ngắn nổi tiếng trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Tác phẩm của ông thường viết về cuộc sống và con người Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966, khi tác giả hoạt động cách mạng ở chiến trường Nam Bộ. Đây là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Quang Sáng và của nền văn học kháng chiến chống Mĩ của nền văn học miền Nam. Trong đó nổi bậc trong truyện là tình cảm cha con thiêng liêng, bất diệt của người cán bộ cách mạng. Thân bài: Tác phẩm xoay quanh câu chuyện cảm động về tình cha con của ông Sáu và bé Thu. Vì chiến tranh, đã bảy tám tuổi mà Thu chỉ biết được mặt cha qua tấm ảnh. Vì chiến tranh, gương mặt ông Sáu có một vết sẹo, không còn giống như gương mặt mình trong tấm ảnh. Thế nên khi ông về nhà, Thu không nhận ra cha. Vì chiến tranh, ông lại tiếp tục đi chiến đấu. Lúc chia tay, Thu nhận ra ông Sáu chính là cha mình. Vì chiến tranh, dù làm xong cho con chiếc lược bằng ngà voi, ông Sáu không kịp chải lên mái tóc con, chỉ kịp gửi lai cho người bạn mang về cho con. Vì chiến tranh, khi Thu đã là cô giao liên hai mươi tuổi, gan dạ, thông minh, trong một chuyến đi công tác bác Ba mới nhận ra con của người đồng đội đã hi sinh và trao lại chiếc lược cho Thu. Đọc truyện này, người dửng dưng nhất cũng không thể dưng dưng trước cảnh con con sống chung một nhà. Người cha chờ con gọi tiếng “ba” mà con thì nhất quyết không trò chuyện với “người ta”. Nếu đó là người dưng thì thực sự thì sự thờ ơ của Thu là không đáng trách. Nhưng điều trớ trêu là chúng ta cũng không thể trách Thu khi người ấy là cha ruột của em. Chiến tranh đã làm gương mặt cha có một vết sẹo khiến Thu không nhận ra. Vết sẹo ấy như một con dao cắt lìa tình cha con. Bằng chi tiết này, Nguyễn Quang Sáng muốn nhắc nhở chúng ta rằng chiến tranh không chỉ gây những hi sinh, thương tật cho con người mà còn gây ra những nỗi đau chia cắt không gì bù đắp được. Thu không nhận ra ba, hất bỏ cái trứng cá mà ông Sáu gắp cho là một sự bướng bỉnh nhưng đáng yêu. Có yêu người cha trong tấm ảnh một cách sâu sắc, Thu mới khó chịu trước sự ân cần của một người mà tự trong lòng em nghĩ đó không phải cha mình. Đâu phải ai cho ta cái gì, dù đó là cái quý giá, cũng có thể nhận là tình cảm thiêng liêng được khi mà lòng ta chưa cảm nhận được sự gần gũi và thiêng liêng thực sự. Được bà ngoại giải thích, hiểu được nguyên cớ của vết sẹo. Lúc chia tay, Thu bất ngờ ôm chầm lấy ông Sáu, gọi tiếng “ba” và nũng nịu: “Ba mua cho con cây lược nghen ba”. Tiếng gọi thiêng liêng ấy cất lên từ sâu thẳm trong lòng đứa con bé bỏng. Tiếng gọi ấy làm xao động trái tim người đọc để một lần nữa chúng ta cảm thấy uất hận kẻ đã gây ra “vết sẹo tình thương” cho bao gia đình miền Nam thời chiến tranh chia cắt. Chiến tranh làm cho vợ xa chồng, con phải xa cha. Chiến tranh làm cho tình cảm tự nhiên của con người phải nghẹn ngào, uất ức. và khi nghe tiếng nói dịu ngọt mà nghẹn ngào của con, ông Sáu đã khóc. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của người cha khi đã được tình ruột thịt từ con. Đó là giọt nước mắt mang thông điệp hãy nâng niu và giữ gìn tình phụ tử. Những này ở chiến khu, cưa từng răng lược cho con, ông Sáu tự xoa nỗi nhớ con, ân hận vì đã đánh con. Có thể hình dung từng chiếc răng lược được hình thành là khối yêu thương trong lòng ông Sáu lớn dần, niềm mong mỏi được gặp lại con cũng tha thiết hơn. Tuy chưa chải được mái tóc con bằng chiếc lược do chính tay mình làm nhưng ông Sáu cũng phần nào gỡ được những mối rối trong tình cha con của mình. Quả thực, ông là một người cha chịu nhiều thiệt thòi nhưng vô cùng độ lượng và tận tụy trong tình yêu thương con. Ông đã dành cả trái tim và cuộc đời để nghĩ về con. Ông vừa chiến đấu để bảo vệ đất nước, vừa chiến đấu để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhiệm vụ nào ông cũng hăm hở, cũng kiên cường, cũng đem lại cho ông thật nhiều hạnh phúc. Và mỗi đọc giả nhạy cảm sẽ nhận ra rằng trong lòng đất Mẹ, có bao nhiêu kỉ vật như thế, những chiếc lược yêu thương chưa từng một lần chải lên mái tóc người yêu thương,… Nhưng trong câu chuyện này, trái tim người cha đã đưa lối chỉ đường để người đồng đội mang lược về cho con. Trên bến sông, một người dưng nói với một người dưng: “Thôi, ba đi nghe con!”. Vậy mà nghe sao thiết tha và ấm áp, thật xúc động. Vì rằng, con đã đi tiếp con đường cha đi dở dang, con đã gặp được người đồng đội của cha; tình cha con, tình đồng đội, tình đồng chí đã hòa vào tình yêu đất nước. Câu chuyện nhằm ca ngợi tình cha con thiêng liêng, thắm thiết và sâu nặng dù trong hoàn cảnh éo le. Đồng thời, câu chuyện cũng nhằm khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Câu chuyện còn nhằm lên án kẻ thù đã gây ra bao nhiêu đau thương, mất mát cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình Việt Nam. Kết bài: Truyện “Chiếc lược ngà” đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thiêng liêng, bất diệt và cao đẹp của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Truyện còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những mất mát đau thương, éo le mà chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình.